Khi người dân Thủ Thiêm lần đầu được nói

Dân Thủ Thiêm nói họ không phản động, nhưng mất niềm tin vì những “con sâu” quá lớn.

Đưa tôi những tấm ảnh chụp khu dân cư Thủ Thiêm nham nhở như vừa qua một trận bom, bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, hơn 60 tuổi, rớm nước mắt. Bà nói mình đã có quyết định sai nhất đời mà không sửa được.

Bà Tuyết là người đầu tiên vận động gia đình về quê sống để chính quyền “xây thành phố to đẹp hơn” khi Thủ Thiêm có quy hoạch, giải toả. Thậm chí, bà còn vận động chòm xóm mau mau chấp hành chủ trương. Nay thì bà bảo “rất đau, đau cho mình, cho người”.

Nức nở tại buổi đối thoại với các đại biểu quốc hội, bà Tuyết nói rằng dân với nhà nước như răng với môi, mà bây giờ “răng như muốn cắn môi”, rằng họ “bị quy hoạch chứ không phải được quy hoạch”.

Sau tháng ngày hăm hở vận động di dời đó là những năm đằng đẵng trong cơ cực và khó hiểu của cả cộng đồng. Họ thấy trên đất của mình mọc lên toàn nhà cao cấp, họ nghe tin có lợi ích nhóm. Những người nhường đất ra đi phần nhiều mang gia cảnh bi đát. Nhiều người đã chết khi cuộc giải tỏa diễn ra, và có người chết khi mỏi mòn chờ đợi câu trả lời từ chính quyền. Một ông cụ trước khi tắt thở chỉ hỏi con trai một câu: “Nhà của mình đâu?”.

Thủ Thiêm trong tôi là những hồi ức trong trẻo, người dân hiền hoà, chân chất với những căn nhà nhỏ lọt thỏm trong những mảnh vườn. Họ sống thanh bình quanh bờ sông Sài Gòn dù chỉ cách trung tâm thành phố vài km. Đó là câu chuyện của hơn 10 năm trước khi Thủ Thiêm còn kết nối với khu trung tâm bằng những tuyến phà.

Hôm qua tôi chứng kiến một Thủ Thiêm khác, nơi bức bối nổ tung trong buổi làm việc của Tổ đại biểu Quốc hội TP HCM với cử tri quận Hai kéo dài liên tục trong hơn bảy giờ.

Tôi chưa bao giờ chứng kiến một buổi tiếp xúc cử tri dài và ồn ào đến vậy. Những oan sai, khuất tất, cách làm bị xem là trái luật của chính quyền được từng cử tri mang ra phân tích. Nhiều tiếng khóc uất nghẹn, lời lẽ đắng cay, những con người lam lũ giành micro để được nói dù chưa đăng ký. Có người sợ không được bày tỏ, chạy đến tận bàn đại biểu để đưa hồ sơ, giãi bày. Cụ bà Trần Thị Mỹ, 77 tuổi, bị nhắc vì phát biểu quá năm phút đã trừng mắt: “Tôi phải nói, anh biết không tôi phải nói bởi tôi già sắp chết rồi”. Cả hội trường im bặt.

Thật ra đây không phải là lần đầu họ nói. Sống cách ủy ban và hội đồng nhân dân vài cây số, họ nói hàng chục năm nay với cơ quan chức năng. Có người ra trung ương khiếu kiện tố cáo 36 lần, mỗi lần hai đến ba tháng nhưng “kêu trời không thấu”.

Họ đã đi điều tra, thu thập chứng cứ, hùng biện rành rọt về tính pháp lý của quy hoạch cũng như chủ quyền mỗi căn nhà, sưu tập và ghi nhớ từng trang báo trong 10 năm. Có người mới học hết lớp 9 nhưng tìm đọc hết từng trang, từng chữ luật đất đai, các thông tư, quyết định liên quan đến giải phóng mặt bằng, đền bù, rành rọt đọc bản đồ, từng vị trí của quy hoạch. Nhiều người nói họ sẵn sàng tranh luận với bất kì lãnh đạo nào về tính trái luật của những người thực hiện giải tỏa. Nhưng những lần tiếp xúc cử tri trước của TP HCM, dân Thủ Thiêm nhiều khi không thèm đến vì họ nói “không còn tin”.

Lần này, tôi linh cảm mọi chuyện có thể sẽ khác. Chưa khi nào có một buổi tiếp xúc cử tri thu hút đông báo chí, người dân đến vậy. Cử tri ở đây cũng không mặc áo sơ mi phẳng phiu, cầm giấy đọc. Họ khắc khổ, đơn giản như vô vàn người dân chân phương của thành phố. Họ không còn khép nép, khách sáo mà lớn tiếng chất vấn, xoáy thẳng vào các vấn đề gai góc, yêu cầu đại biểu quốc hội giám sát, giải quyết.

Tổ đại biểu cũng bỏ bữa tối, không hỏi những câu chung chung như nhiều cuộc tiếp xúc tôi từng dự. Họ chăm chú nghe, ghi từng ý kiến. Họ hứa nghe người dân nói đến khi thỏa mãn mới ra về. Khi tấm bản đồ được người dân cho là quy hoạch gốc của Thủ Thiêm được trưng ra, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê xuống tận nơi xem từng vị trí, chụp ảnh lại. Họ cũng yêu cầu lãnh đạo quận, các sở ngành đến nghe và giải đáp.

Dân Thủ Thiêm nói họ không phản động, nhưng mất niềm tin vì những “con sâu” quá lớn. Trong buổi đối thoại, nhiều cư dân ẩn ý sẵn sàng sống chết để bảo vệ nhà đất của mình. Nhìn họ ra về trong đêm, tôi thoáng thấy có những đôi mắt long lanh tia hy vọng. Họ cũng mừng như tôi. Họ bảo, khiếu nại đã 20 năm qua, ra cả trung ương phản ánh, song đây là lần đầu tiên họ được chính quyền lắng nghe. Đó cũng là một niềm vui, dù rất nhỏ bé nữa, tôi được đem về trong nghề báo.

Nếu khi nào dân nói, chính quyền cũng bỏ bữa để lắng nghe, tôi tin sẽ không ai phải mất mát thêm niềm tin khi bảo vệ giá trị của mình.

Theo TRẦN DUY / VNEXPRESS

Tags: ,