Khi các hệ giá trị xã hội của người Việt đứt gãy

Con người sinh ra đều tồn tại cả tính thiện và tính ác, vấn đề là khắc chế cái ác, tạo điều kiện cho cái thiện phát triển như thế nào.

Khi các hệ giá trị xã hội của người Việt đứt gãy

Chỉ trong một thời gian ngắn, truyền thông liên tiếp thông tin những vụ xâm hại nghiêm trọng, xuyên thủng mọi nền tảng đạo đức người Việt, những vụ giết người mà tính chất dã man khó ai tưởng tượng nổi. Pháp Luật TP.HCM phỏng vấn PGS-TS Trịnh Hòa Bình (Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội – Viện Xã hội học Việt Nam) trong mối quan tâm đến sự đứt gãy các hệ giá trị của xã hội.

Sống mặc cảm, dễ bùng nổ

-Thưa ông, những án mạng mang tính tàn bạo dường như ngày càng nhiều hơn và vượt xa mọi tưởng tượng của một người dân bình thường. Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa cảnh báo của nó đối với xã hội chúng ta?

– PGS-TS Trịnh Hòa Bình: Nó cho thấy một điều căn bệnh của xã hội đang dần phát tác. Tôi có cảm nhận xã hội chúng ta đang ở một giai đoạn đứt gãy các hệ giá trị. Nếu ví sự phát triển xã hội như đồ thị hình Sin thì đồ thị đó có lúc võng xuống. Khi đó, nó dễ tạo nên một trạng thái cộng cảm của nhiều cá thể lựa chọn giải pháp bi kịch nhiều hơn là lạc quan.

– Và có liên hệ nào không giữa những mối quan hệ đồng giới và sự man rợ vô thức?

– Từ những vụ án gần đây, chúng ta thấy rằng cũng là tội ác, cũng là vi phạm những chuẩn mực nhưng dường như bao giờ họ cũng tìm đến những cách biểu hiện tiêu cực. Điều đó cho thấy đời sống hằng ngày của họ đầy rẫy bi kịch. Quan hệ cặp đôi đó chắc chắn cũng đầy những xung đột, va chạm. Những xúc cảm hài lòng, thỏa mãn, không thỏa mãn thường xuyên đẩy lên đỉnh điểm. Và trong một hoàn cảnh, tình huống đặc biệt nào đó, họ kết liễu cuộc sống của nhau.

Hiện nay quan niệm xã hội và những quy định pháp luật của ta có nới lỏng hơn cho những mối quan hệ này. Tuy nhiên, chừng nào người đồng tính chưa được thừa nhận quyền tối đa của họ thì họ vẫn phải sống trong vòng cương tỏa, sống giấu giếm và luôn có cảm giác mặc cảm tội lỗi. Điều này dễ dẫn đến những trạng thái tâm lý bùng nổ, bất chấp hậu quả.

Cơ thể ọp ẹp thì bệnh tật dễ phát tác

– Ở một bình diện rộng hơn, nhiều vụ án đau lòng vẫn diễn ra mà không theo bất cứ một logic nào?

– Dĩ nhiên, tội ác trú ngụ ở bất kỳ ai, ở bất cứ khu vực nào. Chúng ta từng chứng kiến không ít những hành vi tội ác mà người gây ra nó có trình độ văn hóa và tri thức cao. Có người cho rằng văn hóa, tri thức cao thì sẽ kéo giảm tội ác. Tôi không nghĩ vậy, văn hóa và tri thức chỉ giúp người ta bớt mê tín đi thôi chứ không giảm được tội ác.

– Vậy nguồn cơn sâu xa của các hành vi phạm tội đang có xu hướng gia tăng như hiện nay là đâu?

– Nó xuất phát từ nhiều yếu tố. Truyền thông và công nghệ góp một phần trách nhiệm. Chưa bao giờ việc tiếp cận, tìm hiểu những hình ảnh, diễn biến tội ác lại dễ như bây giờ. Thông tin được kết nối ở nhiều vùng, nhiều cộng đồng khác nhau dồn dập đổ về. Hình ảnh, câu chuyện tội ác nằm sẵn trong họ, khi có dịp, một điều gì đó từ vô thức thúc đẩy họ hành động. Kể cả tước đoạt mạng sống của người khác. Con người lúc đó hành xử theo những kịch bản được gợi ý một cách tự nhiên.

Đồng thời, những phức tạp, khó khăn thách thức chung của xã hội chúng ta trong giai đoạn hiện nay cũng là những cú kích hoạt. Xã hội giống như một cơ thể, cơ thể ọp ẹp thì bệnh tật dễ phát tác.

– Vậy thì có thể khắc chế được những hành vi tội ác ấy không?

– Như trên tôi đã đề cập, thiện và ác luôn tồn tại trong mỗi người kể từ khi sinh ra. Vấn đề ở đây vẫn chỉ là cái gì thắng thế, cái gì vươn lên chế ngự, làm chủ ý thức. Tôi lấy ví dụ, cũng là một hành vi giao cấu với người khác giới, có người sẽ dừng lại ở lằn ranh khi nạn nhân kêu khóc. Nhưng vẫn có người quyết tâm chồm tới. Điều này phụ thuộc vào cấu trúc, vỏ nhân cách của mỗi người có đủ độ bền vững không. Ví như người ta có liều kháng sinh đủ mạnh để chống lại virus kiểu ấy không.

Cái ác và sự giả dối là cùng chiến tuyến

– Cũng có ý kiến là pháp luật cần có những hình phạt nghiêm khắc hơn?

– Xin nói lan ra một chút về nguyên nhân của tội ác. Nó phụ thuộc phần nào ở độ thấu hiểu luật pháp, kỹ năng, kiến thức pháp lý được trang bị của một con người. Bên cạnh đó là nền tảng giáo dục của gia đình, họ tộc, môi trường làm ăn sinh sống của từng cá thể. Yếu tố răn đe của pháp luật quan trọng hơn tính trừng phạt của nó. Tất cả hình phạt là không nhằm tới việc cầm tù hay tước đoạt cuộc sống, mà thông qua đó để nhắc nhở những người khác.

– Ở trên ông có đề cập đến vai trò của giáo dục, ông có thể nói kỹ hơn về mối liên quan này?

– Vai trò của giáo dục đối với nhân cách con người là một đề tài rộng, chúng ta tạm chưa bàn tới nhưng rõ ràng giáo dục có bà con với sự đổ vỡ các hệ giá trị của xã hội. Cụ thể là bệnh thành tích của giáo dục, thói giả dối của giáo dục nó cũng dung dưỡng, khích lệ con người ta làm cái giả. Vấn đề là cái giả không xa cái ác bao nhiêu, chúng cùng một chiến tuyến.

– Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Theo PHÁP LUẬT TPHCM 

Tags: , ,