Khắp nơi sốt đất: Một xã hội lười sáng tạo, sản xuất sẽ phải trả giá đắt

Đến cả cán bộ làm nhà nước cũng bỏ việc đi làm cò đất, ôm đất trao tay; một xã hội lười sáng tạo, lười sản xuất, chỉ đua nhau xông vào cơn sốt đất sẽ trả giá đắt.

Khắp nơi sốt đất: Một xã hội lười sáng tạo, sản xuất sẽ phải trả giá đắt

Đã qua rồi thời của “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản… Thời của ông là thời người ta cần một ngôi nhà để ở, một mặt bằng cửa hàng để kinh doanh buôn bán, một khách sạn sang trọng để tỉnh nhà, thành phố tiếp đón quan khách, bạn bè đến thăm.

Còn thời nay, đất trở thành mặt hàng để bán trao tay như bán mớ rau, con cá ngoài chợ. Người người làm tư vấn giới thiệu đất. Ngay cả cán bộ nhà nước cũng bỏ việc đi làm cò đất, tích lũy ít vốn rồi ôm đất buôn trao tay. Người cuối cùng mua để ở thì giá tăng gấp 10-20 lần giá gốc Nhà nước bán.

Mảnh đất tiêu chuẩn cho một gia đình ở có không gian, ga-ra ô tô, rộng 15 x 20m bỗng chốc bị chia nhỏ thành 3 phần 5 x 20m, và giá bị đẩy lên gấp 2-3 lần. Mặt hàng được định giá bằng cảm xúc, trong khi công thức để tính giá thành sản phẩm là: Giá nguyên liệu đầu vào + giá nhân công + khấu hao nhà xưởng, máy móc… + lãi suất ngân hàng + chi phí vận chuyển + chiết khấu lợi nhuận cho đại lý, cửa hàng phân phối….

Đất không phải sản phẩm của con người làm ra nhưng chúng ta lại tham lam, sở hữu càng nhiều càng thấy thiếu. Một xã hội lười sáng tạo, lười sản xuất, lười lao động tay chân và trí óc, lười nghiên cứu chế tạo, lười nghiên cứu khoa học… thì tương lai đất nước không thể lớn mạnh và hùng cường.

Trò bẩn hại người của “cò” đất

Còn nhớ đầu tháng 3/2021, sau khi có thông tin về đề xuất quy hoạch sân bay lưỡng dụng Téc níc 500ha (huyện Hớn Quản, Bình Phước) hay sân bay Lai Khê (huyện Bàu Bàng, Bình Dương), giá đất quanh khu vực này được “cò” thổi tăng chóng mặt. Thế nhưng giá chỉ “sốt ảo” một thời gian ngắn rồi lao dốc khiến nhiều nhà đầu tư bỏ tiền tỷ “ôm” đất khóc ròng.

Để tạo ra kịch bản “sốt đất”, “cò” thuê hàng trăm ô tô dừng dọc các quán cà phê ven tuyến đường lớn ngồi bàn tán về xây dựng sân bay Lai Khê, về khu dân cư Lai Hưng hiện đại và quy mô sắp được xây dựng. Sau đó chia nhau giao dịch đất bằng chính tiền của nhóm “cò đất”, người trước vừa mua xong, đã có người sau “lùng sục” mua lại với giá chênh lệch hàng trăm triệu đồng.

Với màn “ảo thuật” ấy, chỉ vài ngày sau, cùng một lô đất đã tăng giá tới 4 lần, khiến không ít người hoa mắt. “Vào thời điểm đó, lô đất khoảng 100m2 có thổ cư 60m2 giá được đẩy lên đến 2,5 tỷ đồng.

“Cò đất” làm tuồng rồi đi, trong khi một số người bị sập bẫy nay cùng lô đất đó bán 1,5 tỷ đồng không ai mua.

Thực tế, khi đi xem đất tại các dự án, đa số là môi giới cài cắm vào làm khách, còn khách thực tế chỉ 5 -10%.

Họ ăn mặc sang trọng, đi ô tô đến xem, nhưng thực ra là phối hợp với cò chính đang “chăn” khách để diễn. Lô khách có nhiều người quan tâm sẽ khiến khách hàng nghĩ rằng đó là lô đất đẹp vì được nhiều nhà đầu tư nhìn trúng.

Thậm chí để thổi giá lô đất, “cò” giả khách còn sẵn sàng xuống tiền thật đặt cọc luôn lô đất trước mặt khách. Và sau đó, nếu khách muốn mua phải bỏ ra số tiền chênh lênh lớn để mua lại hoặc nhanh chóng chốt 1 lô khác tại dự án.

Tại nhiều nơi, “cò” đất gồm 1 nhóm người hùn tiền chung nhau, sau đó gom đất giá rẻ, sau đó tung tin quy hoạch hoặc làm thị trường kiểu xu hướng đầu tư mới, rồi tự mua đi bán lại với nhau.

Có lô đất sau 5 – 7 lượt mua đi bán lại, giá tăng chóng mặt theo ngày. Nhiều nhà đầu tư non nớt, thấy lô đất được lướt qua tay nhiều chủ có lời, cũng “ôm” vào nhưng không thể thoát hàng được sau đó.

Khi đã “dụ” được nhà đầu tư thật xuống tiền và nắm chắc lợi nhuận trong tay (ít nhất 30-35%) thì “cò” âm thầm rút khỏi thị trường. Các nhà đầu tư ôm đất lúc này bán rẻ cũng không có ai mua.

Theo VTC

Tags: