Khả năng nào cho nền độc lập của nước Cộng hòa California?

Nếu giành độc lập, Cộng hòa California sẽ là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới với quy mô kinh tế lớn hơn Pháp và dân số lớn hơn Ba Lan.

“Calexit” – chiến dịch đấu tranh cho bang California tách khỏi Mỹ và trở thành quốc gia độc lập đã lan rộng sau khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng cuối năm 2016.

Bang California là nơi có thung lũng Silicon của Mỹ, “cái nôi” của hàng loạt tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Google, Apple, Facebook, Intel… Donald Trump từng tuyên bố quan điểm rằng ông muốn Apple và các công ty Mỹ khác đưa các nhà máy sản xuất của họ từ Trung Quốc về Mỹ để tạo công ăn việc làm cho người dân thay vì để người nước ngoài ở những nước như Trung Quốc, Mexico hay Việt Nam “cướp mất việc làm”.

Đồng thời, California cũng là bang ủng hộ đảng Dân chủ. Vào ngày bầu cử 8/11/2016, bà Hillary Clinton đã chiến thắng ở bang này. Tuy nhiên, kết quả chiến thắng cuối cùng lại “xướng tên” tỷ phú Donald Trump khiến nhiều người dân nơi đây bất mãn.

Trên các trang mạng xã hội như Twitter, Facebook, một nhóm đã mở chiến dịch đòi độc lập tách bang California ra thành một nước độc lập. Chiến dịch này được gọi là Calexit hay Califrexit, phỏng theo cách gọi Brexit – chiến dịch người Anh áp dụng để tách khỏi Liên minh Châu Âu (EU).

Nhóm khởi xướng chiến dịch vận động California được độc lập có tên Yes California Independence Campaign với sự kiện biểu tình khai màn được tổ chức ở thủ phủ bang này – thành phố Sacramento vào hôm 8/11/2016, ngay trong ngày có kết quả Donald Trump đắc cử. Nhóm này đặt mục tiêu giúp California ly khai Hoa Kỳ vào năm 2018 và từng bước trở thành một quốc gia độc lập.

“Là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới, California có quy mô kinh tế lớn hơn Pháp và dân số lớn hơn Ba Lan. Xét trên từng khía cạnh, California có lợi thế so sánh và cạnh tranh so với các quốc gia khác, chứ không chỉ với từng bang trong nước Mỹ” – Yes California viết trong một thông cáo chính thức.

Theo một số nguồn tin tiết lộ, người đứng sau tài trợ cho chiến dịch này là Shervin Pishevar – nhà đầu tư đứng sau Uber. Trong khi đó, Louis Marinelli – thủ lĩnh chiến dịch cho rằng theo quan điểm của nhóm, nước Mỹ hiện nay đang có nhiều điều mâu thuẫn với các giá trị mà California theo đuổi.

Vào đầu năm 2016, Yes California đã phát hành một cuốn sách màu xanh dài 33 trang tuyên bố về sứ mệnh của mình và con đường đưa California tách khỏi nước Mỹ, cũng như kế hoạch phát triển California sau khi “chia tay”.



Tất nhiên, nếu California thực sự tách ra khỏi Mỹ sau cuộc bầu cử tiểu bang vào năm 2018, tiến trình này sẽ đòi hỏi mất nhiều năm.

“Chúng tôi không cố gắng tạo ra một cuộc ly khai như năm 1846. Cái chúng tôi muốn là một quốc gia độc lập trong một Liên bang Hoa Kỳ, giống như Scotland vẫn là một quốc gia thuộc Vương quốc Anh. Chúng tôi cho rằng California không phải là một bang nữa” – Marinelli nói.

Bên cạnh đó, tuyên bố chung của Yes California cũng cho biết “Chúng tôi chưa biết loại hình Chính phủ mới là gì, có thể là Quốc hội hoặc Tổng thống đứng đầu. Người dân California sẽ chọn loại hình Chính phủ mà mình muốn thông qua các cuộc bầu cử”.

Thay vì đóng thuế cho liên bang, người dân California sẽ giữ lại tiền đó đóng cho nhà nước mới, như vậy khoản thuế bằng đồng đô la này sẽ giúp tăng ngân sách của California lên hàng trăm tỷ USD. Kể từ năm 1995 đến nay, số tiền người dân California đã đóng thuế cho liên bang lớn hơn rất nhiều so với các khoản chi họ nhận lại từ liên bang.

Nhóm chiến dịch này hy vọng rằng, một California độc lập sẽ tiếp tục sử dụng đồng tiền tệ của Mỹ. Đồng đô la Mỹ – USD là một loại tiền tệ thanh toán quốc tế hoàn toàn có thể sử dụng như đồng tiền chính thức ở bất cứ quốc gia nào mà không cần sự cho phéo của Chính phủ Mỹ. Chẳng hạn, Ecuador, El Salvador hay quần đảo Virgin thuộc Anh… đều đang sử dụng đồng đô la.

Về mặt lý thuyết, nông nghiệp vẫn sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn của California. Nơi đây tập trung những cánh đồng và trang trại lớn nhất của Golden State với doanh thu khoảng 47 tỷ USD trong năm 2015. Những cánh đồng và trang trại này cung cấp 1/3 sản lượng rau cho toàn nước Mỹ, 2/3 hoa quả và các loại hạt, đồng thời đưa ngành nông nghiệp trở thành ngành phát triển nhất ở quốc gia này.

Trước đó, ảnh hưởng từ kết quả trưng cầu dân ý về việc Anh rời EU Brexit, những người ủng hộ ly khai ở bang Texas cũng quyết liệt vận động cho cuộc lấy ý kiến tương tự diễn ra tiếp theo để bang này tách khỏi nước Mỹ. Cuộc vận động này cũng có tên tương tự Brexit hay Calexit – Texit.

Cộng hòa California từng tồn tại trong lịch sử

Vào cuối thế kỷ 18, California là thuộc địa của Tây Ban Nha. Khi Mexico giành được độc lập trong cuộc Chiến tranh Độc lập Mexico (1810–1821), California thành một phần của nước này. Vào Chiến tranh Mỹ-Mexico (1846–1848), người Mỹ ở California nổi lên chống lại chính phủ Mexico. Ngày 14/6/1846, Cộng hòa California được thành lập và Cờ Gấu tung bay. Trên lá cờ này có hình một con gấu và một ngôi sao đỏ.

Tuy nhiên, nền cộng hòa bị chấm dứt đột ngột khi Thiếu tướng John D. Sloat của Hải quân Hoa Kỳ tiến vào vịnh San Francisco và tuyên bố chủ quyền của Hoa Kỳ đối với California ngày 9/7/1846. Sau chiến tranh, California bị chia thành 2 phần thuộc Mexico (phía Nam) và Hoa Kỳ (phía Bắc).

Phần phía Bắc, đầu tiên được gọi Alta California, rồi trở thành tiểu bang California thuộc Hoa Kỳ; còn phần phía Nam được Mexico chia thành hai tiểu bang Baja California và Baja California Sur.

Theo Wikipedia

.

Theo TRÍ THỨC TRẺ

Tags: