Kế hoạch rút nước Địa Trung Hải, sáp nhập Âu – Phi đầu thế kỷ 20

Kiến trúc sư người Đức Herman Sörgel đã đề xuất xây dựng một hệ thống đập thủy điện nhằm hạ thấp mực nước biển Địa Trung Hải để sáp nhập châu Âu với châu Phi tạo thành một siêu lục địa mới có tên Atlanropa.

Kế hoạch rút nước Địa Trung Hải, sáp nhập Âu – Phi đầu thế kỷ 20

Thập niên 1920 đã sản sinh ra những sáng tạo tuyệt vời như thuốc penicillin và đèn giao thông, nhưng đây cũng là lúc xuất hiện một số dự án kỹ thuật tham vọng đáng lo ngại. Lớn nhất và kỳ lạ nhất là Atlantropa – kế hoạch xây dựng một hệ thống đập thủy điện ngang qua eo biển Gibraltar, sản xuất đủ điện để cung cấp năng lượng cho một nửa châu Âu và rút cạn Địa Trung Hải để mở đường cho con người định cư tại một siêu lục địa Âu – Phi mới.

Mặc dù nghe có vẻ như một câu chuyện khoa học viễn tưởng kỳ quái, kế hoạch này đã thực sự tồn tại. Thậm chí một số chính phủ còn nghiêm túc xem xét nó cho đến tận những năm 1950.

Sau Thế chiến thứ nhất, các nhà khoa học, triết gia và kỹ sư tin rằng có thể giải quyết những gì họ cho là căn bệnh nan y với xã hội châu Âu bằng những đại dự án. Trong số họ có kỹ sư người Đức Herman Sörgel.

Vào năm 1927, ở tuổi 42, Sörgel đã lần đầu tiên xây dựng kế hoạch thành lập siêu lục địa Atlantropa, mà ban đầu ông gọi là Panropa. Được truyền cảm hứng từ những dự án cơ khí khổng lồ như kênh đào Suez, Sörgel thậm chí còn đặt ra tham vọng cao hơn.

Kế hoạch của Sörgel cho Atlantropa là xây dựng một hệ thống những con đập ngang qua eo biển Gibraltar, rút nước ở Địa Trung Hải. Những đập thủy điện cũng được xây dựng qua eo biển Sicily, nối Italy với Tunisia, trong khi những con đập khác bắc qua eo Dardanelles ở Thổ Nhĩ Kỳ, nối Hy Lạp với châu Á.

Tất cả những con đập này sẽ tạo nên một loạt cây cầu nối châu Âu và châu Phi thành một mạng lưới đường bộ và đường sắt khổng lồ, “kết dính” hai lục địa với nhau.

Với trên 660.000km2 đất mới được khai hoang và những con đập tạo ra đủ năng lượng cho trên 250 triệu người mỗi ngày, châu Âu sẽ bước vào mọt kỷ nguyên vàng, với nguồn điện dồi dào, không gian rộng rãi và nguồn cung cấp thực phẩm vô tận từ vùng đất nông nghiệp mới. Trong tầm nhìn của Sörgel, siêu lục địa mới là cách duy nhất để ngăn chặn một cuộc xung đột toàn cầu khác.

Thời kỳ đó, vẫn quay cuồng với nỗi kinh hoàng của Thế chiến I, châu Âu vật lộn để tìm ra hy vọng cho tương lai. Mặc dù “lục địa già” đã phải chịu tổn thất lớn về sinh mạng trong chiến tranh và đại dịch cúm năm 1918, dân số vẫn tăng từ 488 triệu lên 534 triệu người trong giai đoạn 1920-1930.

Cùng lúc đó, nền chính trị châu Âu đã đạt đến điểm căng thẳng nhất trong nhiều thế kỷ. Các quốc gia như Ba Lan và Nam Tư đã giành được độc lập sau nhiều thập kỷ bị các đế quốc cai trị. Vì thế cư dân của các đế chế cũ lo sợ không còn chỗ cho họ cả về vị trí vật lý, xã hội hay văn hóa. Trong bối cảnh đó, khái niệm về “Lebensraum”, hay “không gian sống”, đã thu hút sự chú ý trong nền chính trị Đức. “Lebensraum” đặt ra niềm tin rằng điều quan trọng nhất để tồn tại và phát triển đối với một xã hội [phân biệt chủng tộc] là lãnh thổ để cung cấp không gian cho các thành viên. Vì thế cam kết của Atlantropa có vẻ giống như “viên đạn bạc”, sẽ giải quyết được những vấn đề của “lục địa già” chật chội.

Điều kỳ lạ nhất về kế hoạch của Herman Sörgel là sẽ hút cạn Địa Trung Hải, nhưng thực tế là ý tưởng đó đã được xem xét nghiêm túc. Ông Sörgel đã xuất bản một cuốn sách có tựa đề “Lowering the Mediterranean, Irrigating the Sahara: The Panropa Project in 1929” (tạm dịch, Rút nước Địa Trung Hải, tưới tiêu cho Sahara: Dự án Panropa vào năm 1929). Cuốn sách lập tức khiến dư luận khắp châu Âu và Bắc Mỹ xôn xao.

Thời kỳ thập niên 1930, các dự án kỹ thuật khổng lồ đã phát triển mạnh mẽ, như ngăn lũ ở Thung lũng Tennessee, xây dựng đập Hoover hay đào kênh Baltic-Bạch Hải ở Liên Xô. Trong bối cảnh đó, Atlantropa có vẻ hợp lý và thú vị.

Kế hoạch táo bạo của Sörgel thậm chí đã truyền cảm hứng cho một cuốn tiểu thuyết có tên là “Panropa” vào năm 1930. Trong đó một nhà khoa học siêu anh hùng người Đức tên là Tiến sĩ Maurus có kế hoạch rút nước khỏi Địa Trung Hải, mang đến sự thịnh vượng tuyệt vời bất chấp âm mưu phá hoại của những nhân vật phản diện người châu Á và Mỹ.

Sörgel còn thành lập cả Viện Atlantropa, với thành viên là những người ủng hộ tài chính, các kiến trúc sư, kỹ sư. Trong nhiều năm kế hoạch được hưởng ứng công khai trên các báo và tạp chí. Những câu chuyện về Atlantropa thường có hình minh họa màu sắc sinh động, do chính vợ Sörgel, một nhà môi giới nghệ thuật thành công, tài trợ tiền.

Mặc dù giấc mơ của Sörgel đã gây chấn động người châu Âu về một xã hội không tưởng vinh quang, nhưng Atlantropa cũng đi kèm một mặt tối hiếm khi được thảo luận trong cuộc đời Sörgel.

Tuy có tầm nhìn xa, Herman Sörgel lại giữ một quan điểm bảo thủ đáng sợ về quốc tịch và chủng tộc. Không giống như những người cùng thời Đức Quốc xã, ông tin rằng mối đe dọa chính đối với Đức không nằm ở người Do Thái, mà là ở châu Á.

Theo BÁO TIN TỨC

Tags: