Ia-đrăng – một trận đánh bước ngoặt của cuộc chiến tranh Việt Nam

Ia-đrăng là một trận đánh để lại ấn tượng sâu sắc đối với cả Quân đội nhân dân Việt Nam và quân đội Mỹ.

Ia-đrăng – một trận đánh làm thay đổi chiều hướng chiến tranh

Tác giả: Trung tướng – PGS Nguyễn Đình Ước.

Trong trận đánh này, Trung tướng Moore hiện nay đã nghỉ hưu, lúc đó là trung tá trực tiếp chỉ huy một tiểu đoàn thuộc sư đoàn kỵ binh bay, đổ bộ xuống thung lũng Ia-đrăng đánh nhau với Quân đội nhân dân Việt Nam là tiểu đoàn 9, trung đoàn 66. Chiến tranh kết thúc, ông viết một cuốn sách với tiêu đề “Đã một thời chúng tôi là những người lính và… trẻ trung” (We were soldiers once… and young). Cuốn sách đó ông miêu tả về một cuộc chiến đấu rất quyết liệt giữa hai bên và rút ra những bài học về trận đánh này với lời ghi chú: “Trận đánh đã làm thay đổi cuộc chiến tranh“.

Ngày 12/11/2005, Trung tâm Việt Nam học, Trường đại học Texas Tech tổ chức một cuộc hội thảo về trận đánh Ia-đrăng – Plei-me. Cuộc hội thảo được tổ chức tại một phòng họp của khách sạn Hilton, thủ đô Washington của Mỹ. Cuộc hội thảo có chừng 100 người tham gia, trong đó có Trung tướng Moore, một số sĩ quan của sư đoàn kỵ binh bay, nhiều học giả, nhà báo, nhà khoa học. Trung tâm Việt Nam học mời tôi sang dự hội thảo này. Tham gia cuộc hội thảo về phía Việt Nam còn có Đại tá Lê Kim Dũng (phiên dịch), Tham tán sứ quán Việt Nam tại Mỹ và đại diện Thông tấn xã Việt Nam ở Washington D.C. Tôi không tham gia đánh trận Ia-đrăng nhưng khi đó, tôi phụ trách báo Quân đội nhân dân, đã theo dõi kỹ diễn biến của trận đánh này và trong chiến tranh tôi cũng đã có lần vào Tây Nguyên. Tôi lại nghiên cứu về sử học quân sự.

Tại cuộc hội thảo, Trung tướng Moore đã miêu tả trận đánh rất ác liệt, hai bên có thể quần lộn lẫn nhau, giáp lá cà. Quân Mỹ vừa đổ xuống, gặp ngay tiểu đoàn bộ của tiểu đoàn 9. Tiểu đoàn bộ không phải là lính chiến đấu mà đã trụ lại để chiến đấu và chiến đấu rất anh dũng, giữ vững trận địa. Sau đó mấy tiếng đồng hồ, 3 đại đội thuộc tiểu đoàn 9 trung đoàn 661 từ các phía tiến đánh quân kỵ binh bay từ phía sau lưng, chia cắt, gây cho tiểu đoàn của Mỹ nhiều thương vong. Ông Moore nói, trong trận đánh như thế, lính Mỹ nhiều khi không biết bắn vào chỗ nào, bắn cả vào nhau, thậm chí máy bay Mỹ thả bom napalm vào cả chỗ của Moore. Mỹ phải dùng cả máy bay B52 trực tiếp ném bom, làm nhiệm vụ chiến thuật yểm trợ cho trận đánh.

Moore nói: “Trận đánh để lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc. Đối tượng của tôi là Quân đội nhân dân Việt Nam, quân chủ lực, đã chiến đấu hết sức dũng cảm và có một cách đánh giáp lá cà rất sáng tạo“.

Trong khi Moore ca ngợi Quân đội nhân dân Việt Nam, một thính giả thắc mắc, vì sao một trung tướng của quân đội Hoa Kỳ lại ca ngợi Quân đội nhân dân Việt Nam như vậy, và đứng dậy hỏi: “Trung tướng Moore đánh giá về binh lính của quân đội Mỹ như thế nào?“.

Moore nói: “Mời Trung tướng Ước trả lời câu hỏi này cho khách quan“.

Tôi nói: “Lính Mỹ có kỹ thuật chiến đấu cao, nhưng cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam do giới cầm quyền Mỹ phát động, lính Mỹ không hiểu sang Việt Nam chiến đấu để làm gì, không hiểu đối tượng, không quen địa hình và khí hậu. Còn người lính của Quân đội nhân dân Việt Nam khi cầm súng đã được biết rõ cầm súng để làm gì, chiến đấu để bảo vệ ai, đánh lại ai, cuộc chiến đấu đạt mục tiêu gì và có thể thắng hay không? Những vấn đề lớn về mục tiêu chiến đấu, về nhiệm vụ chiến đấu của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã được giáo dục và thảo luận kỹ trong quân đội cho nên một người lính của Quân đội nhân dân Việt Nam khi chiến đấu rất tự giác, kiên cường, không sợ hy sinh gian khổ, chủ động sáng tạo mưu trí trong cách đánh“.

Khi tôi trả lời xong, Trung tướng Moore cảm ơn vì câu trả lời sát với thực tế và khách quan.

Trong cuộc hội thảo này, tôi đọc một bài tham luận với đầu đề: “Trận Ia-đrăng theo nhận thức của Quân đối nhân dân Việt Nam“. Tôi phân tích: Năm 1965 là năm Mỹ đưa quân vào việt Nam, Bộ tư lệnh Quân giải phóng nhận định rằng Tây Nguyên là nóc nhà của Đông Dương, nhiều nhà quân sự nói rằng “chiếm được Tây Nguyên là khống chế được Đông Dương”. Vì thế, khi quân Mỹ vào tham chiến ở Việt Nam thì nhất định sẽ lên Tây Nguyên, nên ta đưa thêm bộ đội chủ lực vào để chuẩn bị đánh những trận quyết chiến ở Tây nguyên.

Thực tế, đúng như phán đoán của Bộ tư lệnh Quân giải phóng, Mỹ đưa sư đoàn kỵ binh bay vào An Khê lập căn cứ ở đó và đưa một lữ đoàn lên Tây Nguyên. Bộ tư lệnh Tây Nguyên do tướng Chu Huy Mân là Tư lệnh kiêm chính ủy, đồng chí Huỳnh Đắc Hương làm phó chính ủy, đồng chí Nguyễn Hữu An làm phó tư lệnh, chỉ huy trực tiếp chiến dịch này. Quân giải phóng miền nam mở chiến dịch “đánh điểm, diệt viện”, diệt đồn Chư Ho, vây đồn Plei-me để một chiến đoàn quân đội Sài Gòn ra cứu viện, lập tức bị Quân giải phóng là trung đoàn 33 và trung đoàn 320 đánh cho thiệt hại rất nặng, không còn sức chiến đấu. Lập tức Mỹ đưa một lữ đoàn của sư đoàn kỵ binh bay lên ứng cứu. Khi lữ đoàn đổ bộ xuống một tiểu đoàn do Moore chỉ huy đánh vào tiểu đoàn bộ tiểu đoàn 9 trung đoàn 66. Tiểu đoàn này đã chuẩn bị tinh thần để chiến đấu với quân Mỹ nhưng tiểu đoàn trưởng đi họp với cấp trên, trợ lý tác chiến ở nhà chỉ huy tiểu đoàn bộ trụ vững, chiến đấu kiên cường. Tiểu đoàn kỵ binh bay không thể chiếm lĩnh được trận địa, bị thương vong nhiều. Đến tối, các đại đội của tiểu đoàn 9, trung đoàn 66 đã tiến đánh từ các phía vào, tiểu đoàn kỵ binh bay.

Moore rất ngạc nhiên, sau này khi ông sang Việt Nam nghiên cứu về các trận đánh, ông hỏi tướng Nguyễn Hữu An và tướng Hoàng Phương: “Vì sao lúc mới đầu quân kỵ binh bay đổ xuống, các ông đánh còn lẻ tẻ, nhưng chỉ sau vài tiếng, quân đội của các ông từ tứ phía phối hợp chiến đấu đánh vào quân đội của chúng tôi. Làm sao các ông tổ chức hiệp đồng một cách ăn ý và kịp thời đến như vậy?“.

Trung tướng Hoàng Phương lúc đó là Viện trưởng Viện lịch sử quân sự đã trả lời rằng, đối với Quân đội nhân dân Việt Nam đánh quân cơ động của Mỹ thì tiếng súng chiến đấu là mệnh lệnh hiệp đồng. Các đơn vị chưa biết quân Mỹ ở đâu nên chỗ nào có tiếng súng thì các nơi khác phải cùng phối hợp để đánh. Các tiểu đoàn của trung đoàn 66 đều trực tiếp chiến đấu với quân kỵ binh bay, đến ứng cứu trong vùng Tia X. Moore rất ngạc nhiên và nói rằng đây là một điều kỳ lạ, trong điều lệnh của quân đội Mỹ không có điều này.

Moore nói, trong cuộc chiến đấu giáp lá cà như thế, có thể nói là mù mịt, bom napalm và B52 ném bom yểm trợ nhưng cũng không cứu vãn được thất bại, tất nhiên cả hai bên đều bị thương vong nặng. Thương vong của quân Mỹ là 700; còn thương vong của Quân đội nhân dân Việt Nam có trội hơn một chút vì bom đạn của Mỹ nhiều, lại có máy bay các loại.

Trong chiến đấu, xảy ra một chuyện, đó là sĩ quan Mỹ bắt được một chiến sĩ bị thương của trung đoàn 66 tên là Nguyễn Văn Hùng đưa lên trực thăng và hỏi: Anh thuộc đơn vị nào, từ đâu đến, vào miền nam từ bao giờ? Nguyễn Văn Hùng đĩnh đạc trả lời bằng tiếng Anh: Tôi là người chiến sĩ của Việt Nam, tôi đi chiến đấu trên đất nước Việt Nam chống lại quân Mỹ xâm lược, đó là quyền chính đáng của chúng tôi, anh không có quyền hỏi. Viên sĩ quan Mỹ dùng áp lực đe dọa, tra hỏi để chứng minh rằng quân đội Bắc Việt Nam từ miền bắc vào xâm lược miền nam. Nguyễn Văn Hùng nói: Anh không có quyền hỏi tôi, nếu anh còn hỏi tiếp, tôi vẫn còn quả lựu đạn sau lưng, tôi sẽ cho nổ để cả trực thăng cùng bị tiêu hủy. Sĩ quan Mỹ không hỏi nữa. Tuy nhiên sau này, khi báo chí Mỹ đăng chuyện này lên và tôi đã cho đăng lại. Người sĩ quan Mỹ tỏ ra khâm phục người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam vì là người có văn hóa, trả lời rõ ràng, với mục tiêu chiến đấu rõ ràng. Lúc đó tôi làm báo còn thấy báo chí Mỹ đăng lên những chuyện về lính Mỹ đến Tây Nguyên lạ lẫm với địa hình, rừng núi, khí hậu khắc nghiệt, cỏ cây cao vót… họ sợ cả từ con giun, con dế, con ve, ruồi, rắn… thậm chí khi gió thổi cành cây rơi cũng làm họ sợ. Còn người lính Việt Nam chiến đấu trên đất nước mình, quen với địa hình khí hậu, dựa được vào dân nên có cách đánh sáng tạo, dũng cảm trong chiến đấu là điều dễ hiểu. Ngày 26/11/1965, Bộ Tư lệnh Tây Nguyên kết thúc thắng lợi chiến dịch Plei-me – Ia-đrăng.

Trong cuộc hội thảo này, phía Mỹ công bố một tư liệu rất lý thú: Ngày 29/11/1965, Mc Namara là Bộ trưởng Quốc phòng thời đó đến An Khê nghe tư lệnh sư đoàn kỵ binh bay báo cáo về trận đánh Ia-đrăng. Sau khi nghe báo cáo ông không nói gì, chỉ đăm chiêu suy nghĩ. Khi về Mỹ ông đã viết một bản báo cáo: Theo ông nên rút hết ngay quân Mỹ về nước, đó là trường hợp tốt nhất. Thứ hai, nếu muốn tiếp tục cuộc chiến tranh thì phải tăng quân ồ ạt với tỷ lệ 1-2 hoặc 1-3 mà chưa chắc đã thắng. Nên nhận xét về trận Ia-đrăng chẳng những là một trận đánh quyết liệt giáp lá cà, gây thương vong nặng cho quân Mỹ, đối phương tìm ra cách đánh mới. Việt Nam tạo ra được cách đánh quân kỵ binh bay – một đội quân lần đầu tiên xuất hiện trong chiến tranh. Mc Namara là người phát minh ra việc xây dựng hai sư đoàn kỵ binh bay của quân Mỹ. Trong chiến tranh Triều Tiên chưa có, ở Liên Xô cũng chưa sử dụng máy bay trực thăng quy mô lớn đến như vậy.

Người ta ca ngợi sư đoàn kỵ binh bay và sư đoàn không vận số 1 (một lên Tây Nguyên, một ra Đường 9) có sức cơ động rất cao. Có thể nói khi đổ bộ xuống, chỉ trong thời gian ngắn có thể tăng gấp đôi, gấp 3 (đối phương ít) và có thể tăng nhiều hơn nếu đối phương đông để có thể bao vây tiêu diệt đối phương, không cho thoát.

Yểm trợ cho việc đổ quân còn có bom phát quang, dù là rừng núi cũng phát quang đủ để máy bay hạ cánh. Việc sử dụng máy bay trực thăng quy mô lớn trong chiến tranh là một phát minh mới trong thế kỷ 20 của Mỹ mà đối phương khó có thể đối phó được.

Quân đội nhân dân Việt Nam chưa từng đánh kiểu đó, cũng chưa học được kinh nghiệm đánh này của các nước trên thế giới (kể cả Nga) mà phải tự sáng tạo ra cách đánh. Trận Ia-đrăng đã làm cho quân kỵ binh bay của Mỹ thương vong nặng nề, chứng tỏ quyết tâm chiến đấu ý chí quyết thắng ngay từ trận đầu mà quan trọng đem lại niềm cổ vũ cho quân và dân miền nam và bắt đầu làm lung lay ý chí của giới cầm quyền Mỹ. Sau trận đó, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh quyết định tặng đơn vị đánh trận Ia-đrăng một lần hai Huân chương Quân công hạng nhất, ngay tại chiến trường.

Ý nghĩa của trận đánh đối với Bộ tư lệnh Tây Nguyên và Quân giải phóng là quyết đánh thắng quân Mỹ ngay từ trận đầu để cổ vũ khí thế đồng thời còn rút kinh nghiệm tạo ra cách đánh cho quân mình vì đây là trận đầu tiên Quân đội nhân dân Việt Nam chạm trán với quân Mỹ. Ý nghĩa còn vượt lên trên nữa khi nghe ông Mc Namara nói những suy nghĩ về chiến tranh Việt Nam đã gặp phải khó khăn ngay từ sau trận đánh Ia-đrăng. Ông là người sớm nhận ra những khó khăn thất bại của Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Ông cho rằng sai lầm khủng khiếp của Mỹ là không hiểu Việt Nam.

Có học giả hỏi lấy tiêu chí gì để đánh giá một trận đánh, một cuộc chiến tranh?

Tôi trả lời: Lấy tiêu chí mục tiêu của trận đánh đó nhằm mục đích gì. Tất nhiên, trong chiến tranh phải so sánh số thương vong của hai bên. Chúng tôi quý sinh mạng của từng người chiến sĩ nhưng đánh với quân Mỹ có nhiều bom đạn, hiện đại đến như thế thì số thương vong của chúng tôi cao là dễ hiểu và khó tránh khỏi, nhưng điều quan trọng là chúng tôi phải tiêu diệt được quân Mỹ, mà nói tiêu diệt quân Mỹ thì ông Tua-ri-xơn có lúc hỏi nghĩa là thế nào. Tôi nói một tiểu đoàn bị tiêu diệt 70% số quân trở lên là đã bị tiêu diệt và Tua-ri-xơn nói giờ tôi mới hiểu từ tiêu diệt. Chúng tôi còn bảo vệ được lực lượng của mình để tiếp tục chiến đấu, còn tìm được cách đánh có hiệu lực, và làm cho quân Mỹ thất bại trong chiến lược “tìm diệt và đánh gãy xương sống của Việt Cộng”.

Khi chiến tranh đang diễn ra, người ta nói rằng Mỹ là siêu cường, Việt Nam là một nước nhỏ, Mỹ không thắng đã là thất bại. Về trận đánh, rõ ràng trận Ia-đrăng Mỹ đã thất bại. Số thương vong, Mỹ công bố chết 309 người, chúng tôi nhiều hơn một chút nhưng chúng tôi đạt được mục tiêu chúng tôi đã đề ra đó là chẳng những đã tiêu diệt được quân Mỹ mà còn tạo ra được cách đánh. Đồng thời trận đánh đó còn tác động tới ý chí, cả vấn đề chiến lược của cuộc chiến tranh, làm cho Bộ trưởng quốc phòng Mỹ bắt đầu dao động về cuộc chiến đấu này.

Có người hỏi Trung tướng đánh giá về cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 thế nào?

Tôi nói: Đó là cuộc tiến công đồng loạt trong hai đêm đánh vào quân địch ở 41 thành phố, thị xã, đưa chiến tranh vào thành thị trên quy mô lớn. Đây là một phương thức tiến công mới, chưa từng xuất hiện trong lịch sử chiến tranh trên thế giới. Cuộc tiến công đồng loạt đó làm cho Westmoreland hoàn toàn bị bất ngờ, làm đảo lộn thế trận. Vì ông ta nói rằng đã đẩy được quân chủ lực đối phương ra biên giới, gần như đánh gãy xương sống Việt Cộng. Giờ xương sống của Việt Cộng chẳng những không gãy mà còn mạnh lên, còn có thể đưa quân chủ lực vào Sài Gòn, vào Huế, giữ Huế trong 25 ngày.

Đó là một sự thật và cuộc tiến công đồng loạt đó làm rung chuyển nước Mỹ, làm giới cầm quyền Mỹ phải thảo luận, nên tiếp tục cuộc chiến tranh thế nào. Phía chúng tôi có khuyết điểm là kéo dài cuộc tiến công vào thành thị, về sau bị thương vong nặng nề, nhưng dù có thương vong như vậy thì thắng lợi của chúng tôi Mỹ không thể làm đảo ngược được.

Ngày 24, 25/3/1968, Tổng thống Mỹ Johnson phải họp Hội đồng những nhà chiến lược khôn ngoan nhất nước Mỹ gồm 16 người trong đó có 12 người (chủ yếu là các nhà chiến lược diều hâu) phát biểu rằng, đã đưa cho ông Westmoreland hơn 40 vạn quân, đánh nhau ba năm mà không bảo vệ được sứ quán của Mỹ ở Sài Gòn, giờ ông ta còn đòi tăng thêm 20 vạn nữa thì bao giờ mới đưa lính Mỹ về được. Do vậy, phải rút quân Mỹ về, phi Mỹ hóa cuộc chiến tranh.

Tổng thống Johnson rất buồn và phải chấp nhận ý kiến đó, tuyên bố không ra ứng cử tổng thống nhiệm kỳ lần thứ hai, tuyên bố không tăng thêm 20 vạn quân, triệu Westmoreland về nước mà báo chí lúc đó gọi là cách chức bằng cách đá hất lên, về làm tham mưu trưởng lục quân Mỹ, ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra Bắc Việt Nam, bắt đầu chấp nhận đàm phán.

Tổng thống Nixon được gọi là diều hâu lên thay Johnson cũng phải thực hiện từng bước rút quân. Mc Namara sang hội thảo với Việt Nam từ năm 1995 đến 1997 đều nói rằng từ sau Tết Mậu Thân không một ai trong giới cầm quyền và quân sự của nước Mỹ nói muốn giành chiến thắng bằng quân sự trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Nixon phải nói rằng rút quân trong danh dự. Và năm 1969, Nixon đã cho rút sáu vạn, năm 1970 rút 18 vạn, năm 1971 rút 13 vạn quân… Chúng tôi bị thương vong nặng nề nhưng số quân Mỹ rút ra như thế nên so sánh lực lượng trên chiến trường vẫn đem đến cho chúng tôi lợi thế rất lớn. Vì thế, chúng tôi đánh giá cuộc tấn công Tết Mậu Thân là một  thắng lợi quyết định, tạo ra bước ngoặt trong chiến tranh đánh bại ý chí của giới cầm quyền Mỹ muốn giành chiến thắng quân sự trong cuộc chiến tranh này, mặc dầu còn rất gay go và quyết liệt.

Về sau này trong cuộc đàm phán có một vấn đề rất khó là quân Mỹ phải rút ra, quân Bắc Việt ở lại. Điều đó rất khó chấp nhận đối với quân đội Sài Gòn và chính quyền Sài Gòn, thậm chí ngay cả với Mỹ. Nhưng sự thật, vì đã thất bại nên phải tuyên bố rút quân Mỹ về lấy tù binh ra, không có cách nào để từ chối điều khó chấp nhận ấy. Nixon trong tài liệu được giải mã của Larry Berman đã nói rằng: quân Bắc Việt Nam là người Việt Nam nên có thể vào Việt Nam, đó là một sự thật. Tất nhiên, đến lúc này ông ta mới nói như vậy. Còn từ trước tới nay, Việt Nam luôn là một nước thống nhất, không có hai nước Việt Nam, nếu có chỉ là chính quyền Mỹ muốn chia cắt Việt Nam.

Khi thảo luận trong cuộc đàm phán ở Paris, chúng tôi thường nói nước Việt Nam là một, một tiếng nói, một nền văn hóa, một dải đất, chưa bao giờ có hai nước Việt Nam. Vance lúc đó là phó đoàn sau này là ngoại trưởng Mỹ, có nói rằng nếu chỉ nói như các ngài thì thế giới giờ đây phải có hàng nghìn nước vì nhiều người có tiếng nói riêng, có văn hóa riêng nhưng vẫn không thành một nước, nhưng các ngài có một thực tế lịch sử là chưa có hai nước Việt Nam và đồng thời có luật pháp quốc tế là hội nghị Geneva năm 1954 có cả Mỹ tham gia. Hội nghị long trọng công nhận độc lập chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam nên Việt Nam là một nước thống nhất đã được luật pháp quốc tế công nhận. Chúng tôi phải trở lại với thực tế đó.

Một thực tế nữa là kết thúc cuộc chiến tranh . Quân Mỹ đưa 327.000 quân vào Triều Tiên, một bên là quân Mỹ, một bên là quân Bắc Triều Tiên và một triệu quân chí nguyện của Trung Quốc đánh nhau trong ba năm rất ác liệt, thương vong cả hai bên nặng nề nhưng kết cục Triều Tiên vẫn bị chia cắt ở vĩ tuyến 38, hiện nay quân Mỹ còn ở Hàn Quốc 37 nghìn.

Ở Việt Nam, Mỹ đưa vào 545 nghìn, chiến đấu từ 1965 đến 1972, kết quả quân Mỹ phải rút hết, quân đội chính quyền Sài Gòn sụp đổ, Việt Nam hoàn toàn độc lập và thống nhất. Đó là kết quả rõ rệt của cuộc chiến tranh, từ tiêu chí đó xem xét ai đạt được mục tiêu trong chiến tranh mới đánh giá được thắng lợi hay thất bại, không thể đơn giản là chỉ so sánh về thương vong của hai bên.

Tất nhiên, trong cuộc chiến tranh này, Mỹ đã dùng máy bay ném bom chiến lược B.52, chất độc da cam, nhiều bom đạn, kỹ thuật tiên tiến, có thể nói rằng hơn cả trong chiến tranh thế giới lần thứ 2, như vậy làm sao nước chúng tôi không bị thương vong nhiều, đó là điều khó tránh, nhưng chúng tôi thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” nên dù phải hy sinh chúng tôi vẫn chiến đấu. Nhưng nếu hy sinh không thì là vì trí tuệ Việt Nam, nghệ thuật quân sự, biết kết hợp quân sự chính trị và ngoại giao nên chúng tôi mới đi đến thắng lợi cuối cùng. Đó là chiến thắng của cả ý chí và trí tuệ. Tuy nhiên, chúng tôi còn được sự ủng hộ rộng lớn của nhân dân thế giới và sự ủng hộ có hiệu quả của Liên Xô và Trung Quốc lúc đó. Chúng tôi đánh giá cao và biết ơn.

Một ví dụ khác, Thụy Điển là một nước trung lập, nước tư bản không phải là một nước cộng sản nhưng đã ủng hộ mạnh mẽ cuộc chiến đấu của chúng tôi. Thậm chí Thủ tướng Olof Palmer còn xuống đường biểu tình và Thụy Điển nói rằng cuộc chiến đấu của Việt Nam là đại diện cho lương tri của nhân loại. Cuộc chiến đấu của chúng tôi đã được sự ủng hộ rộng lớn của nhân dân thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ. 200 trường đại học Mỹ có phong trào phản đối chiến tranh. Đó cũng là một nguồn tiếp sức cho chúng tôi.

Có người hỏi có thể nói Mỹ chỉ thua về chính trị hay vì chính trị khó khăn chứ không thua về quân sự.

Trong thời đại ngày nay, chính trị và quân sự gắn liền với nhau; chính trị chi phối quân sự, chính trị còn là một lực lượng, một sức mạnh chứ không phải chỉ có quân sự. Phải hiểu đúng như thế mới thấy được cái mới, thấy cách mạng thông tin bùng nổ, phong trào cách mạng trên thế giới có một sức mạnh to lớn, nhân dân thế giới phân biệt đâu là chính nghĩa đâu là phi nghĩa. Mỹ tuy là một siêu cường nhưng không thể sống biệt lập mà phải có bạn bè và chính phủ Mỹ phải trả lời cho nhân dân Mỹ tại sao Mỹ tham gia vào cuộc chiến tranh lại bị thế giới phản đối đến như vậy, cho nên không thể nói chỉ thua về chính trị chứ không thua về quân sự; không thua về quân sự, sao Mỹ lại phải đơn phương rút hết quân?

Tôi cho rằng trong cuộc chiến tranh này Mỹ đã thất bại cả về chính trị, quân sự và ngoại giao, đó là điều rõ ràng. Ở cuộc hội thảo này không ai phải tranh cãi nhiều vấn đề này. Chiến tranh đã qua đi, để lại cho hai nước chúng tà bài học: hiểu biết lẫn nhau, hòa bình và hữu nghị. Trung tướng Moore bắt tay tôi và nói rằng: Bây giờ chúng ta đã là bạn của nhau, và nên mãi mãi là bạn của nhau.

Theo NHÂN DÂN ONLINE

Tags: , ,