Gọi Trung Quốc là ‘Khựa’ hay sự thấp kém về văn hóa của một bộ phận người Việt?

Cá nhân tôi coi việc miệt thị một dân tộc khác điều đó thật là ghê gớm. Tôi không đồng ý Trung Quốc gọi các nước lân bang là bọn “man, di, mọi, rợ” cũng như không lấy gì vui vẻ khi người Khmer gọi Việt Nam là “Yuon”. Những việc này không làm dân tộc đó cao hơn dân tộc kia mà nó chỉ thể hiện tính chất thấp hèn, văn hóa ích kỉ kém cỏi trong thời đại ngày nay.

Gọi Trung Quốc là ‘Khựa’ hay sự thấp kém về văn hóa của một bộ phận người Việt?

Cho đến hiện nay, tôi đã tìm kiếm rất nhiều về nghĩa của từ “khựa” tuy nhiên vẫn chưa có một giải đáp nào thuyết phục cả. Có bạn cho rằng lấy từ “Khứa” – ám chỉ là khách và sao này gọi trại đi thành “khựa”. Ý kiến khác cho rằng đó là biến thể của từ ghép “khắm” và “bựa” = khựa như hiện nay. Hoặc theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hưng Quốc “Về phương diện ngữ nghĩa, “khựa” chưa hề có lịch sử hay tiền sử trong tiếng Việt. Về phương diện ngữ âm, nó gần với hai từ: “khứa”, chỉ một gã nào đó với hàm ý khinh thị (khứa lão) và “bựa”, một tính từ chỉ sự nhếch nhác và thiếu tư cách. Từ “khựa”, bất kể xuất phát từ đâu, đều có âm vang xấu từ hai từ ấy. Hơn nữa, theo Nguyễn Tuân, phần lớn những từ có phụ âm “KH” đều “nhắc đến gọi đến những vật những việc những trạng thái không được vừa mắt, vừa mũi, vừa tai, không được vừa lòng; nó khiến người ta trông thấy nghe thấy, rờ phải ngửi phải nếm phải, đều phải thấy không đẹp lòng, phải thấy khó chịu, đều phải phản đối bằng… một số từ mở ra bởi phụ âm kép KH rất chi là chối cho những cặp tai sành thẩm âm. Có thể nói như thế này được không: những phụ âm kép KH đó báo cáo những cái không hay…”

Cần nói thêm trước khi có chữ “tàu khựa” thì đã xuất hiện từ “tàu phù”.

“Năm 1945, lính Tưởng Giới Thạch, dưới quyền của Lư Hán, vào miền Bắc để giải giới quân Nhật, được/bị dân chúng gọi là “Tàu phù”. Phù tức là phù thũng, một chứng bệnh phổ biến của lính Tàu lúc ấy. Cách gọi như thế, đầy tính chất mỉa mai, thể hiện sự rẻ rúng của người Việt. Nhưng bây giờ, với chữ “Tàu khựa”, nó không còn là mỉa mai hay rẻ rúng nữa: Nó biến thành một sự ghê tởm và khinh bỉ” – theo nguyễn Hưng Quốc.

Đem sự tò mò này mà hơi bất lịch sự hỏi thẳng những người Hoa rành rỏi tiếng Việt lẫn tiếng Anh rằng “khựa” là gì, thì tất cả họ đều không biết. Tóm lại rằng, mặc dù chưa giải thích được từ khựa xuất xứ như thế nào nhưng đủ cơ sở có thể kết luận rằng đây là một từ mới chỉ xuất hiện vài năm trở lại đây thôi.

Vậy từ “khựa” nghiễm nhiên xuất hiện trong cái gọi là “văn hóa dân gian” chứ chưa hề xuất hiện trên học thuật, tự điển. Ấy thế mà một tờ báo điện tử đã dùng từ này để làm tiêu đề cho bài viết của mình. Nếu xét trên tất cả phương diện thì đây có thể xem là hành động kích động phân biệt chủng tộc. Càng không thể dựa vào “chủ nghĩa yêu nước” để cổ vũ cho “chủ nghĩa dân tộc cực đoan”.

Cá nhân tôi coi việc miệt thị một dân tộc khác điều đó thật là ghê gớm. Tôi không đồng ý Trung Quốc gọi các nước lân bang là bọn “man, di, mọi, rợ” cũng như không lấy gì vui vẻ khi người Khmer gọi Việt Nam là “Yuon”. Những việc này không làm dân tộc đó cao hơn dân tộc kia mà nó chỉ thể hiện tính chất thấp hèn, văn hóa ích kỉ kém cỏi trong thời đại ngày nay.

Chính truyền thông và “văn hóa truyền miệng” này đầu độc lớp trẻ. Những đứa học sinh chỉ mới cấp 1, cấp 2 bắt chước những người lớn cứ nói chuyện ra là “khựa này, khựa nọ”. Đã nhiều lần tôi gọi học trò kêu tụi nó cắt nghĩa “khựa” là gì thì y như học sinh không thuộc bài. Rồi cho đến khi tôi nói “em nói một từ mà em không hiểu rõ nghĩa, người ta cũng không hiểu thì em nói làm gì”.

Nhưng câu chuyện chưa kết thúc ở đây, bởi vì dây mơ rễ má với người Tàu này đã có cách đây hơn cả 300 năm. Khi mà Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên, Mạc Cửu… đã góp công khai phá ra miền Nam này. Người Hoa nghiễm nhiên trở thành 1 trong 4 dân tộc anh em ở Nam Bộ bao gồm Việt – Hoa – Khmer và Chăm. Ở một góc độ nào đó, một người dân Nam Bộ có thể chứa những dòng máu của 4 dân tộc trên.

Tôi từng so sánh Sài Gòn giống như nước Mỹ thu nhỏ. Bởi vì ở cái vùng đất Sài Gòn này từng là vùng đất mơ ước của nhiều sắc dân. Ngoài 4 dân tộc kể trên thì còn có Pháp, Mỹ, Nhật, Indo, Ấn Độ, châu Phi hoặc dân ở miền Bắc, miền Trung cũng từng đến đây sinh sống mà chẳng câu nệ anh đến từ đâu, anh làm gì. Sài Gòn bao dung hết tất cả mọi người mà không phân biệt ai cả. Đó chẳng phải là một nước Mỹ thu nhỏ sao!

Vậy mà giờ đây, khi một đứa học trò vô tư bắt chước người lớn hô “Tàu khựa” trong lớp học, nghe mà đau lòng cho một thế hệ đang bị tiêm nhiễm, đầu độc.

Tôi đã chính thức cấm dùng từ “Tàu khựa” ngay từ khi bắt đầu làm thầy giáo. Lí do rất đơn giản thôi, vì trong lớp học còn rất nhiều học trò là người Hoa, cô giáo dạy chữ Hoa và biết đâu tổ tiên của bọn nhóc cũng là người Hoa di cư sang đây. Tôi xem hành động này như là một sự xúc phạm dân tộc, cũng may là bọn nhóc này là học trò quốc tế nên nó hiểu “kì thị chủng tộc” (racism) phải bị tội nặng như thế nào. Ở Việt Nam ta, tù vì kì thị chủng tộc chưa nghe nhưng ở Mỹ, nơi mà lũ nhóc của tôi đang học chương trình giáo dục của Mỹ này thì hiểu rất rõ. Do năm nay tôi nhận thêm dạy một số lớp nên còn nghe loáng thoáng đâu đó, nhưng nếu nghe được thì chỉnh ngay lập tức.

Văn hóa người Hoa di cư mang đến miền Nam này đã ảnh hưởng sâu vào người Việt chúng ta. Trong số những tác phẩm văn học Nam Bộ này đều thấy dấu ấn người Hoa hay về kiến trúc, tín ngưỡng, không thiếu. Tôi nhớ như in hình tượng ông lão người Hoa trong bộ phim “Đất Phương Nam” hiền hiền, lập ra phong trào “thiên địa hội” cùng với người Việt tham gia chống Pháp. Hoặc chuyện những người Hoa cần cù chịu khó trong tác phẩm của Sơn Nam hay Vương Hồng Sển. Hoặc ngồi nói chuyện với những người Hoa từng là cựu tù Côn Đảo chung tay với cựu binh Việt Nam đánh Mỹ năm nào.

Chúng ta nói sẽ không bao giờ quên ơn, chúng ta là dân tộc cao thượng. Vậy mà “khựa này, khựa nọ” cứ xuất hiện. Vậy tại sao người Trung Quốc không hiểu, người Việt ta cũng chẳng hiểu rõ nghĩa mà cứ đi đâu cứ nhắc đến Trung Quốc hiện nay là xuất hiện “Khựa”. Vậy đó chẳng phải là một người không có kiến thức, thiếu hiểu biết mà nói cho nhau nghe chỉ để việc cho sướng cái lỗ tai. Chúng ta là người lớn chúng ta phải làm gương cho con em mình, chúng ta sống ở thế kỉ văn minh thì thể hiện là người có văn hóa. Là người Việt Nam, chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ tất cả dân tộc nào hiện đang sinh sống trên đất nước mình.

Theo QUANG DŨNG / FACEBOOK

Tags: , ,