⠀
Giuseppe Tartini và bản Sonata Âm láy ma quỷ
Có lẽ tác phẩm nổi tiếng nhất của Tartini là sonata giọng Sol thứ, thường được biết đến nhiều hơn với cái tên Sonata Âm láy ma quỷ (Devil’s Trill Sonata), viết cho violon cùng phần đệm basso continuo. Rất nhiều giai thoại được dựng lên xung quanh cái tên và nguồn gốc ra đời tác phẩm. Nhưng giai thoại nào cũng cho rằng bản Sonata này khởi nguồn từ một giấc mơ.
Giuseppe Tartini sinh ngày 8 tháng 4 năm 1692 tại Pirano, một thị trấn nhỏ trên bán đảo Istria, thuộc Cộng hòa Venice (ngày nay là Piran, Slovenia). Cha mẹ ông dự tính tương lai cho con trai mình là trở thành một linh mục dòng Francis và nhờ thế Tartini đã được đào tạo âm nhạc cơ bản. Ông học luật tại Đại học Padua, nơi ông trở nên điêu luyện trong môn đấu kiếm. Sau cái chết của người cha năm 1710, ông kết hôn với một học trò của mình là Elisabetta Premazone. Mối quan hệ của ông với Elisabetta trước đây không được cha ông tán thành, phần vì cô ở tầng lớp dưới, phần vì sự khác biệt quá lớn về tuổi tác giữa hai người. Thật không may cho Tartini, Elisabetta cũng lọt vào mắt xanh của Cardinal Cornaro đầy quyền lực. Cornaro ngay lập tức buộc cho Tartini tội bắt cóc Elisabetta. Tartini phải trốn khỏi Padua tới tu viện Assini dòng Thánh Francis, nơi ông có thể thoát khỏi truy tố và tiếp tục chơi violon.
Có một giai thoại kể rằng khi Tartini được nghe nhà soạn nhạc kiêm nghệ sĩ violon Ý Francesco Maria Veracini (1690 – 1768) chơi đàn vào năm 1716, ông đã bị ấn tượng mạnh đến nỗi vì quá thất vọng với kĩ năng chơi đàn của chính mình, ông đã trốn đến Ancona và tự nhốt mình trong một căn phòng để luyện tập.
Kĩ năng chơi violon của Tartini được cải thiện một cách khác thường. Vào năm 1721 ông được bổ nhiệm vị trí Kapellmeister (chỉ huy dàn nhạc) tại Il Santo ở Padua, với một hợp đồng cho phép ông chơi đàn cho cả các tổ chức khác nữa nếu ông muốn. Ở Padua, ông đã gặp gỡ và kết thân với nhà soạn nhạc, nhà lý luận âm nhạc Francesco Antonio Vallotti (1697 – 1790).
Năm 1726, Tartini mở một trường dạy violon và đã thu hút được học viên từ khắp châu Âu. Dần dần ông cũng trở nên hứng thú với lý thuyết về hòa âm. Từ năm 1750 đến cuối đời, ông đã xuất bản nhiều chuyên luận âm nhạc.