Giao hưởng số 14 của Shostakovich: Sự đau thương của cái chết

Shostakovich nhập viện ngày 13/1/1969 và chẳng bao giờ có thể bình phục được hoàn toàn sau cơn đau tim ba năm trước đó. Giờ đây, một dạng bại liệt khiến ông mất khả năng sử dụng bàn tay phải thoải mái và hầu như không thể đi lại. Do thành phố đang có dịch cúm nên ông không được phép tiếp khách đến thăm, song sự cô độc này lại khiến ông có thể tập trung hoàn toàn vào bản Giao hưởng số 14.

Tác giả: Mark Wigglesworth, nhạc trưởng và cựu giám đốc âm nhạc Nhà hát Opera quốc gia Anh.

Nguồn: https://www.markwigglesworth.com/notes/marks-notes-on-shostakovich-symphony-no-14/

Biên dịch: Ngọc Anh dịch.

Bản giao hưởng nảy sinh từ nỗi sợ hãi

Bảy năm trước, ông từng phối dàn nhạc thành công cho tập liên khúc “Songs and Dances of Death” (Những bài ca và điệu nhảy của Thần chết) của Mussorgsky, người mà ông coi là vĩ đại nhất trong các nhà soạn nhạc Nga. Mussorgsky viết tập liên khúc này với phần đệm piano vào năm 1875. Mặc dù sau đó nó đã được Glazunov và Rimsky-Korsakov phối dàn nhạc nhưng Shostakovich vẫn cảm thấy chưa đủ với các ca khúc gốc và bản thân tác phẩm quá ngắn so với chủ đề. Có thể điều này trùng khớp với mong muốn từ lâu là viết một tập liên khúc của chính mình với “các chủ đề bất hủ về tình yêu và cái chết”.

Việc buộc phải điều trị nội trú tại bệnh viện Kremlin là cơ hội hoàn hảo cho tác phẩm đó. Đến ngày 16/2, ông đã hoàn thành tác phẩm ở dạng tổng phổ piano, việc phối dàn nhạc được hoàn tất sau đó hai tuần. Ông tiến hành rất nhanh bởi nỗi sợ hãi về cái chết sắp đến. Trong một bức thư gửi bạn là Isaac Glikman, ông giải thích: “Tôi viết rất nhanh. Tôi sợ điều gì đó sẽ xảy ra với mình, chẳng hạn như tay phải của tôi sẽ tê liệt hoàn toàn, hoặc tôi đột nhiên bị mù hay chuyện gì đó tương tự. Tôi rất đau đớn trước những ý nghĩ này”.

Khi đã hoàn thành tác phẩm, ông cũng chẳng thấy thư thái. Ông bị ám ảnh tới mức nhớ toàn bộ tác phẩm để nếu tổng phổ chẳng may thất lạc thì vẫn có thể viết lại toàn bộ. Dù ban đầu ông đã viết tác phẩm cho Galina Vishnevskaya(1) hát nhưng lịch diễn của cô không cho phép cô học tác phẩm này ngay lập tức. Không muốn chờ đợi, buổi công diễn lần đầu do một giọng nữ cao khác đảm nhiệm. “Tôi sợ mình sẽ chết sớm và tôi muốn nghe tác phẩm của mình. Giao hưởng số 14 là tác phẩm mang tính bước ngoặt với tôi. Tất cả những gì tôi đã viết trong nhiều năm qua là sự chuẩn bị cho tác phẩm này”.

Tại buổi công diễn lần đầu, Shostakovich đã vượt qua sự nhút nhát thường lệ để giải thích cho khán giả rằng “cuộc sống là tài sản quý giá nhất của con người. Nó chỉ được trao cho anh ta một lần và anh ta nên sống sao cho không phải trải qua nỗi đau xé lòng khi nghĩ đến những năm tháng bị lãng phí hoặc cảm thấy quằn quại hổ thẹn vì quá khứ tầm thường và nhục nhã, sao cho vào lúc hấp hối có thể tự nhủ là mình đã dành toàn bộ cuộc đời và năng lượng cho sự nghiệp cao cả nhất trên thế gian – chiến đấu để giải phóng nhân loại. Tôi muốn người nghe bản giao hưởng này nhận ra rằng ‘cuộc sống’ thực sự tươi đẹp. Bản giao hưởng của tôi là sự phản kháng mãnh liệt trước cái chết, một lời nhắc nhở những người đang sống rằng họ nên sống trung thực, tận tâm, cao thượng, không bao giờ vi phạm luật lệ cơ bản. Điều này rất quan trọng bởi sẽ mất nhiều thời gian trước khi các nhà khoa học thành công để đem lại sự bất tử cho con người. Cái chết luôn chờ sẵn chúng ta, tôi không thấy bất cứ điều gì tốt đẹp vào cuối cuộc đời chúng ta cả. Cái chết thật đáng kinh hãi. Không có gì thoát khỏi nó”.

Shostakovich từng phản đối quan điểm coi cái chết là một khởi đầu huy hoàng của cuộc sống ở thế giới bên kia và không đồng tình với những nhà soạn nhạc miêu tả cái chết bằng thứ âm nhạc đẹp đẽ, rạng rỡ và ngây ngất. Đối với ông, cái chết thực sự là dấu chấm hết và ông lấy đó làm nguồn cảm hứng để đảm bảo rằng ông đã sống hết mình.

Những bài thơ kết nên tác phẩm

Giao hưởng số 14 không nói về cái chết chung chung mà là về cái chết không tự nhiên; cái chết do bị sát hại, áp bức và chiến tranh. Trên thực tế, không có một cái chết ‘bình thường’ nào được mô tả trong toàn bộ tác phẩm và điều quan trọng là cả bốn tác giả thơ mà mà Shostakovich chọn phổ nhạc đều chết trong hoàn cảnh có phần kém tự nhiên hơn: Lorca bị bắn mà không cần xét xử trong Nội chiến Tây Ban Nha; Apollinaire chết năm 1918 vì những thương tích mà ông bị từ Thế chiến Thứ nhất; Rilke qua đời năm 1926 ở tuổi 51 do một dạng bệnh bạch cầu hiếm gặp, và Küchelbecker bị đày ở Siberia vì đã tham gia cuộc nổi dậy thất bại “Người Tháng Chạp” chống lại Sa hoàng năm 1825, nơi ông bị điếc và mù vào năm 1846. Bản giao hưởng của Shostakovich là lời ai điếu gửi tới tất cả những người đã chết trong đau đớn, nhưng đặc biệt là tới những người bạn nghệ sĩ đau khổ mà ông cảm thấy có mối đồng cảm như vậy.

Ca khúc mở đầu, gần như mang tính giới thiệu, là một khúc bi ca dành cho một trăm tình nhân đã khuất. Giai điệu đầu tiên của De Profundis gợi nhắc ngay đến các nốt trong bản Mass Gregory dành cho người quá cố mà chủ đề Dies Irae trong đó đã được rất nhiều nhà soạn nhạc sử dụng trong nhiều thế kỷ. Tính bất hủ của nó với vai trò ý tưởng giai điệu tạo ra bầu không khí vĩnh cửu. Đây là một khúc nhạc cho quá khứ, hiện tại và cho muôn đời sau. Việc bi ca cho những tình nhân gợi rằng các nạn nhân chết khi còn quá trẻ và, như để củng cố ngụ ý đó, Shostakovich đã thêm vào lời thơ gốc của Lorca từ ‘đam mê’. Đây là điểm đầu tiên trong số nhiều sửa đổi mà nhà soạn nhạc đã thực hiện đối với lời thơ, mỗi sửa đổi đều tiết lộ rất rõ ràng cách ông muốn ngôn từ của các thi sĩ đó được diễn giải trong tác phẩm âm nhạc của chính ông. Một số nạn nhân ở Liên Xô thậm chí còn không hề được đặt bia mộ cho xứng, và ý tưởng về những cây thập giá được dựng lên “để họ không bị người đời lãng quên” có ý nghĩa rất lớn đối với Shostakovich. Ông thường coi âm nhạc của mình như một loại thập giá nào đó có thể duy trì ký ức của những người khác.

Sự trống rỗng về cảm xúc của khúc dạo đầu này là điển hình của nỗi tiếc thương rút kiệt sức lực nhưng nó cho phép vũ điệu Malaguena sau đó bùng nổ một cách hung tợn. Shostakovich hạn chế màu sắc dàn nhạc để tạo ra sự tương phản lớn. Người ta có thể lơ đãng nghe mà không nhận ra là chỉ có 25 người tham gia biểu diễn và phần lớn là đàn dây. Tuy nhiên âm thanh vẫn đu đưa người nghe từ những bình nguyên cằn cỗi của Andalusia đến những căn phòng đầy mồ hôi, bẩn thỉu và nồng nặc khói thuốc của một quán bar địa phương ở Tây Ban Nha, gần như có thể ngửi thấy hơi rượu. Thần chết đang nhảy múa trên những chiếc bàn, lao vào rồi lao ra. Dù bài thơ gốc của Lorca kết thúc với cảnh Thần chết cuối cùng cũng rời đi nhưng Shostakovich đã quyết định kết thúc với sự khác biệt ớn lạnh: “Thần chết sẽ không rời đi”.

Thần chết là một từ giống cái trong tiếng Nga, và nhân vật phù thủy Loreley trong truyền thuyết từ lâu đã được coi là một trong những nhân vật thảm khốc nhất. Phiên bản bài thơ của thi sĩ Đức Clemens Brentano của Lorca đã truyền cảm hứng cho Shostakovich để trở thành tác phẩm mang đậm tính opera nhất của ông, khi cho cả hai ca sĩ cùng kể câu chuyện. Điều này cũng cho ta cảm giác rằng hai ca khúc đầu tiên là các phần giới thiệu và chính ở Loreley, bản giao hưởng mới thực sự bắt đầu. Bằng khả năng sáng tác xuất chúng, Shostakovich kết hợp dễ dàng các biểu trưng kiểu Wagner về sông Rhine, cùng với các trích dẫn gần như trực tiếp từ “The Sorcerer’s Apprentice” (Người học trò phù thủy) của Dukas cũng như sử dụng chủ đề mười hai âm cho đoạn fugato điên cuồng đệm cho quyết định lao mình xuống vách đá của Loreley. Bằng tài năng của mình, Shostakovich đã thống nhất những ý tưởng khác biệt này một cách hoàn hảo.

Đoạn solo đơn độc của cello dẫn vào ca khúc tiếp theo và kết hợp với giọng hát để trở thành một duo tương đồng về phong cách với một trong những aria khổ hình tuyệt vời của Bach(2).

Loreley, đau buồn vì người yêu ở xa, rõ ràng là người phụ nữ trong ca khúc tiếp theo cười trong tuyệt vọng khi biết người yêu đã chết. Chưa bao giờ ranh giới giữa tiếng cười và nước mắt lại được vẽ một cách tinh vi như ở đây, và nó dẫn thẳng đến ca khúc dài nhất của tác phẩm, khởi đầu chương chậm của bản giao hưởng.

Phần lớn âm nhạc cho đến lúc này được giọng nữ cao thể hiện, và tại đây giọng nam bắt đầu thay thế giọng nữ. Cứ như thể chính Shostakovich đang bắt đầu lên tiếng và dĩ nhiên là ba ca khúc tiếp theo có vẻ có ca từ gần gũi nhất với cõi lòng nhà soạn nhạc. Năm 1911, Guillaume Apollinaire bị bắt oan và bỏ tù vì đánh cắp một vài bức tượng từ bảo tàng Louvre ở Paris và bài thơ À la Santé (Ở nhà tù Santé) là kết quả của chuyện không mấy nghiêm trọng là ông phải ở tù năm ngày. Khi Alexander Solzhenitsyn phát hiện ra Shostakovich đã chọn bài thơ để phố nhạc, ông đã rất tức giận và viết thư cho nhà soạn nhạc để nói rằng thật kỳ quặc khi nhà soạn nhạc vinh danh hàng triệu người đã phải chịu đựng trong các Gulag bằng một bài thơ của một người không bao giờ có thể hiểu được mức độ đau khổ. Những lời phàn nàn của ông cho thấy ông không được trực tiếp nghe bản nhạc bởi những thay đổi nhỏ của Shostakovich đối với lời thơ, cùng với phần âm nhạc diễn tả nỗi đau đớn lên đến tột cùng, khiến đây trở thành một mô tả đáng khiếp hãi về nỗi đau đớn và thống khổ của người tù cô đơn. Apollinaire viết về những tia nắng và âm thanh của thành phố đang lọt vào, nhưng những dòng thơ này đã bị Shostakovich cắt bỏ. Không có gì mang tính an ủi trong phòng giam tù nhân của ông và khúc interlude dài ở hình thức fuga và sắc thái pianissimo là một mô tả khó quên về thời gian dường như đã dừng lại vĩnh viễn. Âm thanh bộ gỗ thi thoảng vang lên dường như miêu tả tiếng nước nhỏ giọt chậm rãi ở hành lang hiu quạnh và ẩm ướt nào đó phía xa xa. Trong cuốn Lời chứng(3), Shostakovich giải thích: “Tôi đã nghĩ về những phòng giam, những cái hố khủng khiếp nơi người ta bị chôn sống, vừa đợi ai đó đến tìm vừa lắng nghe mọi âm thanh. Điều đó thật khủng khiếp, bạn có thể phát điên vì sợ. Nhiều người không thể chịu được áp lực và bị mất trí. Tôi hiểu điều đó”.

Cảm giác giận dữ trước những bất công này được thể hiện đầy đủ trong chương 8 Phản ứng của những người cossack Zaporizhia trước sultan Constantinople. Sự kiện cụ thể được đề cập đến là phản ứng của những người nông dân trước những hành động tàn bạo do chính quyền gây ra trong thời kỳ Mohammed IV là Sultan Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1648-1687, và nhiều người Nga hẳn đã biết đến bức tranh cùng tiêu đề năm 1891 của Ilya Repin thể hiện niềm vui sướng cuồng loạn của đám đông sau khi kẻ độc tài trị vì họ cuối cùng đã bị hạ bệ. Nhưng hình ảnh những người cossack nhảy múa và cười cợt hả hê bên ngôi mộ của kẻ áp bức họ là điều mà nhiều người trong số những người cùng thời nhà soạn nhạc hẳn đã mơ ước, và chính trong ca khúc này, thứ Shostakovich phản đối cụ thể nhất không phải cái chết mà là ở sự áp bức gây ra cái chết.

Những nghịch âm cực độ của chương nhạc này có hiệu quả rõ ràng, nhưng chúng cũng có tác dụng chỉ ra tầm quan trọng hơn nữa của giai điệu du dương đáng nghe của ca khúc tiếp theo. Không phải ngẫu nhiên mà ở đây Shostakovich lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất chuyển sang một thi sĩ Nga, vì chính ca khúc này đã mang trong nó thông điệp căn bản của tác phẩm và do vậy việc nhà soạn nhạc tìm cách sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ để diễn đạt nó có vẻ thích hợp. Thi sĩ Nga Delvig chết dưới tay cảnh sát khi mới 33 tuổi và để tưởng nhớ ông, Küchelbeker viết một bài thơ nói về các thi sĩ được Chúa cử xuống từ thiên đàng để giải tỏa những đau khổ của con người, họ luôn bị bạo chúa căm ghét và kinh sợ vì chỉ họ mới dám tự do nói sự thật. Bài thơ của Küchelbeker, với những phần được Shostakovich dùng làm ca từ, là sự tôn vinh sức mạnh của các nghệ sĩ và tầm quan trọng của tình bạn giữa họ khi đối mặt với sự chuyên chế. Không khó để hiểu tại sao Shostakovich, người đã trải nghiệm việc rất nhiều bạn bè văn nghệ sĩ của mình bị sát hại hay bỏ tù, đáp lại tình cảm đó một cách đẹp như vậy.

Đoạn kết không thể tránh khỏi

Ngay từ đầu, bản giao hưởng đã là trải nghiệm đau thương: thảm sát, tự sát, đụng độ nơi chiến hào, cõi lòng tan nát, biệt giam, sự điên loạn và sự áp bức của độc tài. Nhưng thông điệp của nó là, dù trên thế giới có những thứ kinh hoàng song chính Nghệ thuật là thứ vẫn có thể khiến cuộc sống đáng giá. Không một bạo chúa nào có thể dập tắt một bản nhạc và không một kẻ áp bức nào có thể tước đi trải nghiệm cảm xúc khi nghe một bản nhạc. Nhạc thính phòng luôn là cách để Shostakovich có khả năng thể hiện tốt nhất những suy nghĩ sâu kín nhất của mình và, kết hợp với thực tế là phần lớn ca khúc này do một nhóm thính phòng chỉ gồm năm nghệ sĩ thể hiện, thế giới hòa âm ấm áp cùng ca từ tiếng Nga thực thụ khiến cho Delvig rõ ràng là đỉnh điểm về âm nhạc, cảm xúc và triết lý của tác phẩm. Con người sẽ luôn phải chết đi, nhưng Nghệ thuật sẽ tồn tại mãi mãi. Shostakovich cảm thấy, dù cái chết thể xác là sự kết thúc và không có gì tốt đẹp có thể nói về nó, nhưng bằng cách tạo ra âm nhạc tuyệt vời, tinh thần sẽ có thể tồn tại mãi mãi.

Cũng giống như hai ca khúc đầu tiên trong liên khúc đã tạo thành một kiểu introduction, hai ca khúc cuối cùng cũng cùng nhau tạo thành chương kết. Bằng cách thay đổi dòng thơ mở đầu của Rilke từ “Anh ấy nằm” thành “Thi sĩ nằm”, Shostakovich tạo được liên kết với thi sĩ của ca khúc trước, nhưng bằng cách bắt đầu với một trích dẫn âm nhạc trực tiếp từ phần mở đầu của toàn bộ bản giao hưởng. Điều đó tạo cảm giác rằng chúng ta đã đi được một vòng tròn. Trong cái kết thúc là sự khởi đầu của chúng ta. Ca từ ví cơ thể với phong cảnh mà nó đã biết đến trong đời, và với một trái cây đang rữa nát mà nó trở thành khi chết.

Như một chuyển biến bất ngờ, các nghệ sĩ lĩnh xướng lần đầu tiên cùng nhau hát trong ca khúc cuối cùng. Kết luận của nó là cái chết, như một sự hiện diện toàn năng và không thể tránh khỏi, không chỉ ở bên chúng ta vào lúc cuối đời mà cũng trong suốt cuộc đời, luôn dõi theo và chờ đợi. Chúng ta không bao giờ biết khi nào nó có thể tấn công. Shostakovich cảm thấy rằng phần kết bản giao hưởng này là phần kết duy nhất hoàn toàn đúng đắn mà ông từng viết.

Tại buổi công diễn lần đầu, Shostakovich đã nói về viêc cần phải có một sự im lặng đặc biệt trong khi nghe tác phẩm này. Do đó, những người ủng hộ ông đã đặc biệt tức giận khi, tại một trong những khoảnh khắc yên tĩnh nhất, người ta nghe thấy một tiếng va chạm lớn trong khán phòng khi một người đàn ông bỏ ra ngoài một cách hấp tấp và vụng về. Sau đó, khi phát giác ra rằng người đàn ông đó không phải ai khác mà chính là Pavel Ivanovitch Apostolov, một trong những người phê phán của Shostakovich cũng như một trong những kẻ khủng bố hung hãn vào cuối những năm 1940, người ta cho rằng sự phản đối của ông ta đã được lên kế hoạch cẩn thận để thính giả xao nhãng đến cực độ. Chỉ về sau người ta mới biết rằng trong buổi biểu diễn này, Apostolov thật sự bị một cơn đau tim; ông ta đã chết trong vòng một tháng. Sự trớ trêu đã không từ một ai.

Shostakovich đã trăn trở rất lâu về tên gọi của tác phẩm, “lần đầu tiên tôi thấy lúng túng khi không biết nên gọi tác phẩm của chính mình là gì.” Ban đầu ông gọi nó là oratorio nhưng sau đó cảm thấy rằng, nếu không có hợp xướng thì điều này không phù hợp. Việc người ta có thể coi nó là một chùm liên khúc, một opera hòa nhạc, một giao hưởng hay thậm chí là một bản nhạc thính phòng là bằng chứng nữa cho thấy đây là một tác phẩm tuyệt vời và độc đáo. Đây là bản nhạc kết hợp những khía cạnh hay nhất của tất cả các thể loại này và là một bản nhạc mà trong khi kháo sát chủ đề buồn bã nhất của cuộc đời lại tạo ra những thông điệp truyền cảm hứng nhất. Vì thế tôi sẽ ủng hộ việc coi đây là tác phẩm vĩ đại nhất của ông.

———————————-

Chú thích:

1. Galina Vishnevskaya (1926–2012): giọng soprano người Nga và là vợ của nghệ sỹ cello Mstislav Rostropovich.
2. Aria trong vở oratotio thuật lại những khổ hình của Chúa Jesus.
3. Solomon Volkov (1944–): nhà báo và nhà âm nhạc học người Nga gốc Do Thái nổi tiếng với cuốn Testimony (Lời chứng) mà ông khẳng định rằng đó là Hồi ký của Shostakovich.

Theo TẠP CHÍ TIA SÁNG

Tags: , , ,