Giải mã sức mạnh mềm Qatar: Nghệ thuật dùng đồng tiền mua vị thế

Qatar được như ngày hôm nay là thành quả của một quá trình vận dụng thành công các yếu tố “sức mạnh mềm”, nhà báo Mon Sanroma phân tích. 

Ngày 27/6/1995, trong lúc đang tận hưởng kì nghỉ hè tại Thụy Sĩ, Quốc vương Khalifa bin Hamad Al Thani không hề biết rằng đó cũng chính là ngày cuối cùng đất nước Qatar nằm dưới quyền cai trị của ông. Bởi cùng lúc đó tại quê nhà, người con trai Hamad bin Khalifa Al Thani đã cướp ngôi, trở thành Quốc vương thứ 7 trong lịch sử Qatar. Cuộc đảo chính không tốn một giọt máu này cũng chính là bước ngoặt thay đổi vận mệnh quốc gia nhỏ bé vùng Vịnh.

Trong 18 năm trị vì (1995-2013), Quốc vương Hamad bin Khalifa Al Thani đã đưa Qatar từ một nước thậm chí nhiều người còn không tìm nổi trên bản đồ, trở thành một cường quốc khu vực, với tiềm lực kinh tế hùng mạnh cùng các lợi ích chính trị được thiết lập tại khắp nơi trên thế giới.

Phân tích về sự trỗi dậy của Qatar, trong một nghiên cứu đăng tải trên website của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Catalan, tác giả – nhà báo/Thạc sĩ Quan hệ Quốc tế Mon Sanroma – đã chỉ ra những yếu tố góp phần tạo nên vị thế của Qatar hiện nay.

Trong đó, ông nhấn mạnh các yếu tố cấu thành sức mạnh mềm (soft power), thông qua ngoại giao và truyền bá văn hóa, đã đóng vai trò chủ đạo trong quá trình “thay máu” của quốc gia nhỏ bé vùng vịnh này.

Sức mạnh mềm, hướng đi của Qatar

Trong sức mạnh mềm, về mặt ngoại giao, nhà báo Sanroma cho rằng Qatar áp dụng một hệ thống chính sách đối ngoại với nhiều điểm khác biệt so với những nước nhỏ khác.

Đa phần các nước nhỏ thường chọn một trong hai phương án: (i) xích lại gần một nước lớn, thực thi chính sách đối ngoại phụ thuộc hoàn toàn vào nước lớn đó; hoặc (ii) cân bằng quan hệ giữa hai hoặc nhiều nước lớn, thực thi chính sách linh hoạt tùy thuộc tình hình.

Tuy nhiên, Qatar lại chọn một hướng đi khác. Nước này sẵn sàng thực hiện những nước cờ đối ngoại gây tranh cãi. Ví dụ điển hình là năm 2012, Quốc vương Hamad Al Thani đã tới thăm Dải Gaza, trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên tới thăm khu vực đầy bất ổn này kể từ năm 2006, sau khi Israel áp đặt lệnh phong tỏa.

“Cây gậy và củ cà-rốt” một kiểu chính sách ngoại giao trong quan hệ quốc tế, thường được các nước lớn áp dụng nhằm khống chế các nước nhỏ hơn. “Cây gậy” tượng trưng cho sự đe dọa trừng phạt, còn “củ cà-rốt” tượng trưng cho quyền lợi hay phần thưởng.
.

Một nét chủ đạo trong chính sách đối ngoại của Qatar là “ngoại giao cà-rốt”. Sở dĩ nói vậy bởi Qatar biết tận dụng sức mạnh kinh tế của họ để đóng vai trung gian hòa giải, với những hứa hẹn về các khoản hỗ trợ kinh tế, thường dưới dạng các hợp đồng xây dựng cơ sở hạ tầng sau khi một hiệp định hòa bình đã được kí kết.

Mặt khác, Qatar cũng áp dụng một phong cách ngoại giao theo kiểu “thị trường ngách”. Cụ thể, nước này chọn lọc những nguồn lực khai thác được từ các khu vực khác nhau, miễn là khu vực đó có thể mang lại lợi nhuận lớn nhất.

Về khía cạnh văn hóa, Qatar thúc đẩy 3 mũi nhọn chính: đó là giáo dục, thể thao, và truyền thông.

Cuối những năm 90 của thế kỉ trước, Qatar bắt đầu thiết lập một “Thành phố Giáo dục”, với mục tiêu mang một nền giáo dục chất lượng cao cũng như các cơ hội thực tập hấp dẫn đến với Qatar.

Tại tổ hợp giáo dục quy mô lớn này, Qatar kết hợp các trường học quốc tế ở cấp tiểu học và trung học, với các chương trình kết nối cùng các trường Đại học danh tiếng của phương Tây.

“Thành phố Giáo dục” Qatar nay là nơi tụ họp của nhiều trường đại học với thế mạnh ở nhiều chuyên ngành khác nhau, như đại học Virginia, đại học Y Weill Cornell, đại học Texas A&M, đại học Carnegie Mellon, đại học Georgetown (tất cả của Mỹ), đại học HEC Paris (Pháp), và đại học UCL (Anh).

Có thể thấy, lãnh đạo Qatar hiểu rõ các chương trình học tập trao đổi quốc tế có tầm quan trọng lớn đến mức nào đối với việc quảng bá văn hóa đất nước. Điều này đã phần nào được thể hiện qua số lượng học sinh nước ngoài tới học tập tại Qatar ngày càng tăng trong những năm trở lại đây.

Bên cạnh giáo dục, thể thao cũng là một phần quan trọng trong chiến lược thúc đẩy “sức mạnh mềm” của Qatar. Đất nước nhỏ bé này đã giành được quyền đăng cai  Vòng Chung kết FIFA World Cup 2022, sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh. Đây cũng sẽ là lần đầu tiên một quốc gia Arab trở thành chủ nhà của World Cup.

Dù bản thân không phải một cường quốc thể thao, nhưng Qatar đặt mục tiêu trở thành một trong những điểm đăng cai các sự kiện thể thao lớn nhất, hấp dẫn nhất.

Ngoài “chiến lợi phẩm” VCK World Cup 2022, Qatar cũng đã giành được quyền đăng cai và tổ chức thành công Asian Cup 2011, Thế Vận Hội Châu Á Asian Games 2006, Giải Quần vợt Qatar ExxonMobile mở rộng, chặng đua Công thức I Qatar Grand Prix,… cùng nhiều sự kiện khác.

Về mặt truyền thông, Qatar kết hợp quảng bá hình ảnh cũng như áp đặt quan điểm chính trị của mình thông qua “gã khổng lồ” Al-Jazeera, một trong những kênh tin tức lớn nhất thế giới vào lúc này. Tuy vẫn còn thua kém BBC hay CNN về độ phổ biến, song trong cộng đồng Ả rập hay rộng hơn là thế giới Hồi giáo, Al-Jazeera nắm vị thế độc tôn.

Tóm lại, theo nhà báo Sanroma, thông qua biện pháp ngoại giao cùng các hình thức quảng bá văn hóa, Quốc vương Hamad Al Thani muốn dựng lên hình ảnh một Qatar kết hợp hài hòa giữa những giá trị văn hóa Ả rập/Hồi giáo cổ truyền với sự tiến bộ của phương Tây, một xã hội vừa cổ điển vừa hiện đại.

Bên cạnh việc thắt chặt quan hệ với các đối tác Hồi giáo tại Trung Đông (Qatar thậm chí còn có quan hệ tốt với Iran, “kẻ thù” của đại đa số cộng đồng các nước Arab), Qatar cũng luôn tìm cách thể hiện mình là một đồng minh đáng tin cậy của phương Tây.

Họ cho phép Mỹ xây dựng căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình, cũng như là nước Vùng Vịnh đầu tiên cho phép Israel thiết lập một văn phòng thương mại.

Thách thức của hiện tại và tương lai

Trong 18 năm dưới sự trị vì của Quốc vương Hamad bin Khalifa Al Thani, có thể thấy Qatar đã áp dụng rất thành công mô hình sức mạnh mềm để nâng tầm vị thế của đất nước.

Tuy nhiên gần đây, trong thời kì các cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả rập diễn ra, Qatar đã áp dụng một số biện pháp sức mạnh cứng, mà hệ quả là hình ảnh của họ chịu tác động tiêu cực, qua đó ảnh hưởng xấu tới các nỗ lực sức mạnh mềm trước đó.

Ngoài ra, việc trở thành tâm điểm của khu vực cũng như toàn cầu hiện nay đang mang đến cho Qatar nhiều “tác dụng phụ”. Điển hình là cuộc khủng hoảng ngoại giao mới đây, khi 9 nước liên tiếp tuyên bố cắt quan hệ ngoại giao với Doha chỉ trong vài ngày, trong số đó có hai quốc gia “đàn anh” tại vùng Vịnh là Ả rập Saudi và UAE.

Hai thập kỉ chuyển mình đã giúp Qatar có được vị thế như ngày nay. Nhưng giữ được thành quả này trong bối cảnh áp lực ngoại giao đè nặng cũng những hệ lụy đi kèm sẽ là một thử thách không nhỏ đối với Quốc vương Tamim bin Hamad Al Thani trẻ tuổi.

Theo TRÍ THỨC TRẺ

Tags: ,