Đừng để Sài Gòn trở thành ‘thành phố mất trí nhớ’

Những công trình kiến trúc ghi dấu ấn lịch sử, đậm chất nhân văn xứng đáng có chỗ đứng trong không gian kiến trúc của thành phố, như hiện thân sống động một giai đoạn quá khứ lịch lãm của đời sống đô thị Sài Gòn.

Dinh Thượng Thơ (trái) và Tu viện Thủ Thiêm (phải).

 “Tại cuộc họp báo định kỳ của UBND TP HCM trưa 2/5, Giám đốc Sở Quy hoạch- Kiến trúc Nguyễn Thanh Nhã cho biết công trình Dinh Thượng Thơ ngoài 150 tuổi có thể bị đập bỏ để làm dự án nâng cấp trụ sở HĐND- UBND TP HCM. Theo vị lãnh đạo sở: “Công trình này không nằm trong danh mục di tích của ngành Văn hóa – Thể thao nên thành phố quyết định không bảo tồn” [1].

Ngày 30/4, trước quyết định bán đấu giá 9 lô đất thuộc khu chức năng số 1 khu Đô thị Thủ Thiêm, Lãnh đạo UBND thành phố cũng yêu cầu các đơn vị liên quan có phương án di dời cơ sở tôn giáo, Nhà thờ Thủ Thiêm (xây dựng lần đầu năm 1859), Tu viện Thủ Thiêm của Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm có mặt từ năm 1840 [2].

.

Việc chính quyền thành phố “bật đèn xanh” cho việc phá dỡ những công trình kiến trúc mang dấu ấn lịch sử ngoài trăm năm cho mục đích tái thiết và phát triển chưa nhận được sự đồng thuận của các nhà khoa học, các chuyên gia và nhân dân thành phố.

Theo rà soát của báo Người Đô Thị, khoản 3 điều 37 Luật Di sản văn hóa sửa đổi bổ sung năm 2009 cho thấy, tuyên bố của thành phố về Dinh Thượng Thơ là chưa đủ cơ sở. Vì công trình có tuổi thọ trên 100 năm là có dấu hiệu di sản, các xử lý cần phải có ý kiến của ban ngành theo tinh thần của Luật Di sản văn hóa. Báo Tuổi Trẻ Online cũng đã tiến hành thăm dò ý kiến, chỉ sau 20 tiếng, kết quả cho thấy đại đa số đề nghị phải bảo tồn công trình kiến trúc này (2020/2303 ý kiến).

Trong bối cảnh văn hóa tinh thần, giá trị đạo đức xã hội gặp nhiều lao đao như hiên nay, có thể nói kết quả cuộc thăm dò là tín hiệu rất mừng. Nó chứng tỏ trong xã hội vẫn có rất nhiều người quan tâm đến giá trị của quá khứ, biết quý trọng văn hóa lịch sử…

Một chân lý đơn giản và hiển nhiên là không có quá khứ thì không có hiện tại. Dẫu biết tiến trình xây dựng đất nước tiến lên công nghiệp hóa hiện đại hóa, trong đó TP.HCM là một đầu tàu, thì việc giữ lại tất cả công trình văn hóa lịch sử là không thể. Tuy nhiên những công trình kiến trúc ghi dấu ấn lịch sử, đậm chất nhân văn như Nhà thờ Thủ Thiêm, Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm và Dinh Thượng Thơ xứng đáng có một chỗ đứng trong không gian kiến trúc của thành phố. Chúng là hiện thân sống động một giai đoạn quá khứ lịch lãm của đời sống đô thị Sài Gòn.

Hơn 30 năm đổi mới, mặc dù thành phố đã có những bước nhảy vọt trên nhiều lĩnh vực như tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, tốc độ đô thị hóa, dân số gia tăng v.v… nhưng ít có công trình xứng tầm về giá trị kiến trúc thẩm mỹ. Công trình có chiều sâu tâm linh và giá trị nhân văn càng hiếm. Với những gì đang diễn ra, thành phố có nguy cơ dần trở thành “thành phố mất trí nhớ”. Nhìn các tòa cao ốc mới xây ta thấy thuần giá trị vật chất: tận dụng tối đa không gian để tăng diện tích sàn xây dựng, vi phạm quy hoạch về không gian cây xanh, không gian công cộng, vi phạm độ cao… là những câu chuyện thường gặp. Tôi gọi đó là những tòa nhà có “kiến trúc máy tính”.

Có lẽ đã có ai đó ngồi bấm máy tính cân đo thiệt hơn chuyện tiền nong việc giữ hay đập bỏ các công trình. Tuy nhiên nếu không xác định ý nghĩa triết học của phát triển kinh tế, quản lý quy hoạch chăm chăm chạy theo đồng tiền thì sẽ đến ngày chúng ta sống với cái túi tiền đầy nhưng tâm hồn rỗng tuếch và cơ thể đầy tật bệnh. Rồi, vẫn giữ phong cách quản lý đó thì sau Dinh Thượng Thơ, Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm, ai biết được sẽ là những công trình nào?

Nên nhắc, thành phố vừa “hy sinh” Thương xá Tax, hàng trăm cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng cho phát triển. Nỗi xót xa, tiếc nuối còn chưa nguôi trong lòng người dân.

Dự án chống lại giá trị văn hóa thường không có tuổi thọ lâu! Khuôn viên Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM (trước kia là Thư viện quốc gia) đã bị tận dụng để đặt trụ sở công ty của “Vũ Nhôm”. Vài năm trước dư luận xôn xao trước thông tin công ty này đề xuất phương án xây dựng Khu phức hợp cao tầng văn phòng, khách sạn 20 tầng tại đây. Giờ thì “Vũ Nhôm” đang ngồi trong khám chờ ra hầu tòa, còn dư luận cũng đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh việc cấp phép cho thuê đất này [3].

Theo TS Nguyễn Quốc Tuấn, Nguyên Viện trưởng viện nghiên cứu tôn giáo thì Quy hoạch khu Đô thị Thủ Thiêm dành cho cả triệu dân lưu trú và làm việc mà không có quy hoạch công trình tôn giáo là một thiếu sót. Điều này đúng cho không chỉ Thủ Thiêm. Và cho dù nhiệm kỳ sau có thể sửa sai bằng cách lấp vào lô đất trống một công trình tôn giáo mới chăng nữa thì cũng chỉ là việc làm chắp vá. Có được một bề dày lịch sử và chiều sâu tâm linh như Nhà thờ Thủ Thiêm mất 100 năm chưa chắc gầy dựng được. Phá bỏ Dinh Thượng Thơ để thế vào một công trình hiện đại là một việc dễ. Nhưng tạo ra một dấu ấn kiến trúc như Dinh hiện hữu thì người lạc quan nhất cũng không mơ.

Nhìn những bức ảnh chụp chính diện Dinh Thượng Thơ của người xưa lưu lại lòng tôi bồi hồi xúc động, bất chợt hai câu thơ thuở học trò hiện về: Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương… Cái hồn ấy, giá trị lịch sử ấy không thể mua được bằng tiền hay “nhiều tiền”. Không chú trọng lưu giữ cái hồn của người xưa trong phát triển thì nguy cơ “trật đường ray”, “mất trí nhớ” luôn hiện hữu!

————————————

Chú thích:

[1] “Dinh Thượng thơ” gần 160 tuổi ở Sài Gòn sẽ không được bảo tồn, Người Lao động, 02/05/2018.
[2] Cận cảnh nhà thờ, nhà dòng Thủ Thiêm gần 180 tuổi, Pháp luật TP.HCM, 3/5/2018.
[3] Xung quanh việc thuê đất của Cty CP Xây dựng Bắc Nam 79 liên quan Vũ “nhôm”: Nhiều câu hỏi cần phải được làm rõ, Lao động online, 20/04/2018.

Theo TRÚC NGUYỄN / VIETNAMNET 

Tags: , ,