Đôi điều về tranh chân dung

Con người đã vẽ tranh chân dung từ hàng ngàn năm nay. Phần lớn tranh chân dung ban đầu được vẽ ra để vinh danh hoặc tưởng nhớ người đã khuất. Tuy nhiên, tới thế kỉ 15, người ta vẽ chân dung nhằm phục vụ nhiều mục đích. Tranh nhỏ vẽ làm kỷ niệm, còn những bức chân dung lớn, đồ sộ thường dung trong giao tế, giúp các nhân vật quan trọng tạo nên hình ảnh ấn tượng cho mình.Đôi điều về tranh chân dung

Nguồn: Đến với Nghệ Thuật, Rosie Dickins.

Biên dịch: Vũ Hiển & Phạm Quỳnh Châu.

Đúng như đời thực

Ngày nay, ta thường nhìn ảnh chụp để biết được ngoại hình của ai đó. Nhưng trước khi nhiếp ảnh ra đời, ta phải dựa vào chân dung. Bởi vậy, các nghệ sĩ phải rất để ý tới đặc điểm khuôn mặt, và chi tiết đặc trưng nhất thường được tô đậm – chẳng hạn như chiếc mũi to – để nhấn mạnh nét giống nhau giữa tranh và người mẫu.

Nhưng chân dung không chỉ sao chép ngoại hình, mà còn được tính toán để thể hiện nhân vật chính với dáng vẻ đặc biệt. Do đó, tư thế, nét mặt và quần áo thường được lựa chọn cẩn thận để phô diễn góc độ đẹp nhất của người mẫu và nói lên phần nào tính cách, địa vị xã hội của họ. Nhiều họa sĩ vẽ chân dung rất thành công vì tọa ra được những bức tranh biết tôn người mẫu.

Chân dung giai nhân áo đỏ (Portrait of a Lady in Red, khoảng 1460-1470) của tác giả vô danh; sơn dầu và màu keo trứng trên gỗ, 42x29cm. Góc mặt nghiêng là đặc trưng của tranh chân dung Ý thời kỳ đầu. Quý cô trong tranh có vầng trán cao, rất hợp thời, trang phục lộng lẫy, chứng tỏ nàng thuộc dòng dõi giàu có.

Phản chiếu chính mình

Đến thế kỉ 16, khi những tấm gương có chất lượng tuyệt hảo ra đời, nhiều nghệ sĩ bắt đầu vẽ tranh tự họa. Gương soi mang lại cho họ cơ hội xem lại diện mạo và đặc điểm của chính mình. Đó cũng là cách hay để luyện tập và thử nghiệm kỹ thuật mới mà không phải lo lắng chuyện làm hài lòng người khác. Quan trọng hơn, cũng giống một hình thức quảng cáo sơ khởi, tranh tự họa giúp nghệ sĩ khoe tài nghệ với các khách hàng muốn đặt vẽ chân dung.

Chân dung tự họa tuổi 63 (Self Portrait aged 63, 1669) của Rambrandt van Rijn; sơn dầu trên toan, 86x71cm. Đây là một trong số những bức tranh chân dung tự họa ông vẽ lúc sinh thời. Rambrandt từng ăn diện ở vài bức ranh trước. Nhưng khi về già, ông dường như chẳng còn quan tâm đến sự hào nhoáng. Ở bức này, ông vẽ chính mình trong trang phục bình thường và tư thế đơn giản.

Lựa chọn đạo cụ

Nghệ sĩ vẽ chân dung rất chú trọng tìm kiếm đạo cụ và phụ kiện phù hợp để diễn tả đời sống, tính cách của người được vẽ – ví dụ: họ kiếm sống bằng nghề gì. Những đạo cụ có thể kể cho ta nghe nhiều câu chuyện. Vài bức chân dung của các gia đình xưa có vẽ cả chiếc nôi trống, để diễn tả một em bé đã mất – đáng buồn là chuyện này xảy ra khá thường xuyên. Các phong cách thời thượng cũng thay đổi. Ở thế kỉ 17, nền tranh chân dung thường chỉ là những mảng màu trơn, u tối. Nhưng sang thế kỉ 18, khung cảnh ngoài trời rực rỡ xuất hiện ở nền tranh nhiều hơn.

Chân dung tự họa với chiếc mũ rơm (Self portrait in a Straw Hat, sau năm 1782) của Elisabeth Louise Vigée-Lebrun; sơn dầu trên toan, 98x71cm. Bà là nghệ sĩ vẽ chân dung rất thành công thời đó. Trong tranh, trong tranh bà vẽ bản thân với các họa cụ gắn liền với nghề nghiệp. Y phục bà mặc khá lộng lẫy, dường như không phù hợp với việc vẽ tranh, nhưng lại là mốt nhất bấy giờ. Đó cũng là trang phục mà khách hàng của bà thường mặc.

Thời hiện đại

Tranh vẽ lúc nào cũng đắt đỏ – trong khi giờ đây ảnh chụp rất rẻ hầu như ai cũng có một tấm chân dung. Khi nhiếp ảnh ra đời gần 200 năm trước, nhiều người vơi dần hứng thú với việc vẽ tranh. Nhưng một số nghệ sĩ vẫn cố đánh bại ảnh chụp bằng những phương pháp vẽ hoàn toàn khác biệt.

Thông thường, tranh chân dung chỉ ghi lại một góc cạnh nhân vật – có thể là góc nghiêng, chính diện hoặc chéo ba phần tư – dù đôi khi, các họa sĩ có thể them góc khác của nhân vật, như một tác phẩm điêu khắc hoặc hình phản chiếu ở nền tranh. Thời hiện đại, các họa sĩ thậm chí còn đưa ra các ý tưởng táo bạo hơn, bằng cách kết hợp các mảnh ghép hình ảnh của người mẫu từ nhiều góc độ khác nhau. Điều này dường như rất lạ, không mấy tả thực so với cách vẽ truyền thống. Nhưng, bằng cách mô tả đồng thời nhiều góc cạnh, các nghệ sĩ cố tạo nên bức chân dung thể hiện nhân vật trọn vẹn nhất có thể.

Chân dung Picasso (Portrait of Picasso, 1912) của Juan Gris; sơn dầu trên toan, 74x93cm. Chính họa sĩ Pablo Picasso là người sang tạo nên kĩ thuật vẽ đa góc, được sử dụng ở bức tranh này. Bởi vậy, tranh không chỉ là chân dung Picasso dơn thuần – mà còn phản ánh một trong những sang tạo nổi danh nhất của ông.

Theo DOART.COM.VN

Tags: