Doanh nhân trẻ Việt Nam là những người như thế nào?

Chú tôi, trong lần đầu tiên trở lại Sài Gòn sau hai mươi năm làm việc ở nước ngoài, nói: “Những chủ doanh nghiệp trẻ chúng mày rất giỏi và nhạy, nhưng vật dục, vô hậu…”.

Mặc dù cũng phần nào hiểu được nỗi thất vọng của ông khi làm việc với lớp doanh nhân trẻ, không phải là tất cả, tôi vẫn không khỏi bất ngờ trước nhận xét đó nên xin chia sẻ ra đây cùng bạn đọc.Trong mắt người ở phương xa về như chú tôi, lứa doanh nhân trẻ và những người đang nắm giữ các vị trí quản lý trong các công ty hiện sống và kinh doanh theo hướng cơ hội, kiểu “ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau”, thậm chí là theo cái thói “sạch sành sanh vét cho đầy túi tham”, và không biết nghĩ đến những hệ lụy có thể gây ra cho xã hội…

Tôi không muốn bàn cãi với ông khi nhận ra giữa tôi và ông có sự bất đồng quan điểm. Nhưng tôi tự hỏi tại sao qua lăng kính của những doanh nhân thành đạt đi trước, hình ảnh lớp doanh nhân trẻ chúng tôi lại xấu đến vậy?

Về việc có khá nhiều người trẻ hiện làm ăn theo khuynh hướng thực dụng, có lẽ tôi không cãi lại chú tôi được. Nhưng chúng tôi cũng đâu thể tháo chạy khỏi cái guồng quay bất định của cuộc sống hiện tại. Dù là người điều hành thuê hay đang làm chủ các công ty (đủ loại hình, đủ quy mô), chúng tôi đều phải toan tính nhiều hơn trước quá nhiều nguy cơ rình rập: tình hình làm ăn ngày một khó khăn do kinh tế trì trệ; chính sách đối với doanh nghiệp cứ thay đổi xoành xoạch; tiền bạc ngày một khó kiếm trong khi các ngân hàng lại tăng cường siết nợ, vật giá leo thang…

Câu chuyện của những người “tam thập nhi lập” như chúng tôi là đang đứng trước một bức tranh kinh tế xám xịt cùng với tình hình thị trường biến chuyển phức tạp; đang phải đối diện với hoàn cảnh hầu hết các mối quan hệ đang “đóng chặt hầu bao”; Chính phủ hay các cơ quan hữu quan chưa có những chính sách phù hợp và những hỗ trợ cần thiết. Thử hỏi nếu không thực dụng với những phương án “một ngày một bữa” để trụ lại và hy vọng có thể lai dắt con thuyền doanh nghiệp qua hết thời kỳ khó khăn, thì phải chăng, nơi chúng tôi nên đến là… cục thuế (để khai báo giải thể hay tạm ngưng hoạt động)?

Trong tình thế buộc phải thực dụng để tồn tại, nhiều người trẻ cũng không thể không làm những chuyện như chi hoa hồng cho người có thể cung cấp thông tin về các dự án và các gói thầu đang mở; lót tay cho những người có quyền “sinh tử” đối với các sản phẩm và dịch vụ mà họ cung cấp, thậm chí “đi đêm” với những “người giữ cửa” một số cơ quan công quyền. Tuy không thể chắc chắn bất cứ “phi vụ” nào cũng thành công, nhưng những ai theo cách hành xử không lành mạnh đều có cơ hội thắng, từ đó kiến tạo công ăn việc làm cho nhân viên.

Trên quan điểm cá nhân, tôi nghĩ nhiều doanh nhân trẻ buộc phải chấp nhận sự gièm pha của thế hệ cha anh về những việc họ làm, nhưng vẫn tự hỏi, trong một môi trường mà sự thắng thua chủ yếu dựa vào các mối quan hệ như hiện nay, liệu những doanh nhân thành đạt thế hệ cha anh có thể làm khác?

Còn cái sự “vô hậu” của doanh nhân trẻ mà chú tôi đề cập, có lần được ông nói cụ thể hơn là “không có trách nhiệm với xã hội”. Cũng có thể, do khó khăn, nhiều ông chủ trẻ đang dần trở nên vô cảm trước những cảnh đời bất hạnh, vô cảm với những mối quan hệ không thể sinh lợi, và lắm khi vô cảm ngay cả với chính bản thân mình khi phải ép mình trở nên vô cảm để gìn giữ những giá trị vật chất kiếm được một cách khó khăn, để tồn tại. Thật ra điều này là có thật, nhưng khi bị dán mác “vật dục” và “vô hậu”, vẫn có điều gì đó thật đau đớn!

Có thể dưới lăng kính của các chuyên gia về đạo đức, tính thực dụng và sự vô cảm là những phạm trù kiêng kỵ đối với bất cứ bản thể hữu cơ nào. Nhưng thật may mắn là cũng có không ít người trong chúng tôi từng thấm nhuần triết lý “Gieo suy nghĩ, gặt hành vi. Gieo hành vi, gặt thói quen. Gieo thói quen, gặt tính cách. Gieo tính cách, gặt số phận”, cho nên có thể nói, chúng tôi chỉ thực dụng và vô cảm trong một giai đoạn nhất định chứ tuyệt nhiên không phải là lớp người vật dục đến vô hậu. Chúng tôi chấp nhận lao vào cuộc chơi bằng ý chí của người trẻ và đang cố gắng bơi khi còn sức trẻ. Chúng tôi chấp nhận trả giá khi bị xem là những kẻ thực dụng.

Chỉ cần khó khăn qua đi, tôi tin nhiều người trong chúng tôi sẽ trở lại nguyên bản những doanh nhân chân chính. Vậy nên, đừng đánh đồng những doanh nhân trẻ thực dụng với loại gian thương vô hậu, sẵn sàng vi phạm pháp luật và đạo đức kinh doanh.

Theo ĐÔNG NGUYỄN / DOANH NHÂN SÀI GÒN (2013)

Tags: