Đạo Minh Lý – tôn giáo độc đáo hình thành ở Việt Nam

Đạo Minh Lý ra đời lấy Tam giáo làm tôn chỉ, dung hoà các tín ngưỡng, thực hiện cơ tận độ trong buổi hạ ngươn, tiếp tục và hoàn thành sứ mạng cho Chánh pháp để hướng dẫn nhơn sanh tự tu, tự độ tránh khỏi sanh tử khổ đau, thực hiện lòng từ bi, bác ái, bình đẳng xây dựng xã hội hoà bình, an lạc.

Đầu những năm 1920, một số công chức, viên chức ở Sài Gòn đã tập hợp nhau cùng nghiên cứu, tìm hiểu về giáo lý của tam giáo: Thích – Lão – Nho. Ông Âu Kiệt Lâm, pháp danh Minh Chánh cùng một số thân hữu mua sách từ Pháp nghiên cứu về nhân điện.Sau đó, ông phát tâm tin tưởng thiêng liêng, học cách cầu “huyền cơ”, rồi dần được ơn trên hướng vào cửa đạo. Đến năm 1924, các vị đó đã giác ngộ chơn lý của đạo và được sự chỉ dạy của ơn trên thông qua “huyền cơ” để sáng lập tôn giáo lấy tên là Minh Lý đạo, có ý nghĩa là:

– “Minh khai tường Đại đạo,Lý hiểu đạt thâm uyên”;
– “Minh chánh giáo, đạo truyền thiện hạnh,Lý trực đàm, đức hoá cường ngôn”.

Minh có nghĩa là thông hiểu nhận biết rõ ràng. Lý là lẽ phải tuyệt đối. Minh Lý là thông hiểu đến sự tuyệt đối đạt tới lẽ phải mà thành đạo.

Sáu vị chức sắc có công khai đạo Minh lý gồm: ông Âu Kiệt Lâm, pháp danh Minh Chánh; ông Nguyễn Văn Xưng, pháp danh Minh Giáo; ông Nguyễn Văn Đề, pháp danh Minh Đạo; ông Lê Văn Ngọc, pháp danh Minh Truyền; ông Nguyễn Văn Miết, pháp danh Minh Thiện; ông Võ Văn Thạnh, pháp danh Minh Trực… Quá trình khai đạo, các vị chức sắc đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống tổ chức Minh Lý đạo, có chức sắc, tín đồ, có giáo lý, giáo luật, kinh sách phục vụ cho tín đồ, môn sanh tu hành. Thời gian từ tháng 9/1925 đến tháng 2/1927, Minh Lý đạo tạm mượn chùa Linh Sơn ở đường Cô Giang làm nơi tụng kinh Sám hối vào các ngày 14 vào 30 âm lịch. Để có nơi thờ các đấng thiêng liêng, các vị chức sắc Minh Lý đạo tiến hành xây dựng chùa. Ngày 3/1/1926, Đức Diêu Trì Kim Mẫu ban cho chữ hiệu của chùa là “Tam Tông miếu”. Ông Trần Kim Ký đã hiến đất cất chùa và được bà Ba Ngỡi, bà Huỳnh Thị Ngôn cùng một số vị khác ủng hộ về tài chính. Ngày 9/9/1926, toàn đạo tổ chức lễ khởi công đặt viên đá đầu tiên. Đến ngày 2/2/1927, Tam Tông miếu hoàn thành. Chùa đã qua hai đợt sửa chữa, trùng tu vào các năm 1941 và năm 1957. Hiện nay, Tam Tông Miếu ở số 82 đường Cao Thắng, phường 4, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.

Sau ba năm khai đạo, số người nhập đạo ngày càng đông nên các vị chức sắc đứng đầu Minh Lý đạo đã xin phép chính phủ lúc đó công nhận tổ chức. Thời gian này, Minh Lý đạo tập hợp kinh sách để ấn tống đặng phát cho tín đồ, môn sanh cùng mọi người có chí làm lành, đặng độ người đời biết việc tu hành. Đồng thời quí vị chức sắc được thiêng liêng chỉ dạy hoàn chỉnh về lễ nghi, các kiểu bài vị, phép sắp Bàn đàn, phép Khai kinh, phép đọc kinh.

Như vậy, thời kỳ lập đạo, quí vị chức sắc Minh Lý đạo đã hoàn chỉnh giáo lý, giáo luật, hệ thống tổ chức, kinh sách, xây dựng cơ sở thờ tự và phân định thứ tự chức sắc.

Từ năm 1941 đến năm 1965, Minh Lý đạo trong cơ khảo đạo. Chư môn sanh phải tự tu học, cơ đạo chinh nghiêng, một số đạo hữu nản lòng tu hành. Tuy vậy, một số vị trung kiên đã quyết chí tu hành ở lại chùa lo đạo, duy trì cúng lễ và trùng tu Tam Tông miếu. Thời gian này, ông Định pháp Nguyễn Minh Thiện đã phế bỏ việc đời để chuyên tâm dẫn dắt mối đạo. Ông Định pháp đã kết tập Thánh ngôn, Thánh giáo, viết sách, dịch Kinh, trùng tu Thánh miếu, chuẩn bị xây dựng Bác Nhã Tịnh đường, hướng dẫn môn sanh tu hành theo con đường chính nghĩa chơn tu đúng theo chơn truyền đạo pháp của Minh Lý. Đặc biệt, ông Minh Thiện đã biên soạn cuốn giáo lý làm nền tảng cho Minh Lý đạo là Minh Lý học thuyết để cho môn sanh theo đó mà tu học. Từ năm 1965 đến năm 1975, đây là thời kỳ khai cơ giáo pháp. Minh Lý đạo đã hoàn thiện về tổ chức, hình thành Hội thánh và hoàn chỉnh bộ kinh “Minh Lý chơn giải” để bổ túc cho cuốn “Minh Lý học thuyết”.Minh Lý đạo không thờ thánh tượng mà thờ bài vị. Bửu điện của Minh Lý đạo là Thiên bàn có 5 cấp: Cấp thứ nhất thờ bài vị Diêu Trì Kim Mẫu; Cấp thứ hai thờ bài vị Ngọc hoàng Thượng đế, Hồng quân Lão tổ; Cấp thứ ba thờ Tam Giáo tổ sư: Thích Ca Phật tổ, Thái Thượng Lão quân, Văn Tuyên Khổng thánh; Cấp thứ tư thờ Tứ đại Bồ tát: Địa tạng Bồ tát, Văn Thù Bồ tát, Phổ Hiền Bồ tát, Quan Âm Bồ tát; Cấp thứ năm thờ 7 bài vị của Ngũ đẩu Tinh quân và chư Phật, chư Tiên.

Minh Lý đạo xây dựng tổ chức có: Hội đồng Hội thánh là cơ quan cao nhất của đạo; Viện Bảo đạo lo phần tu tịnh, giữ gìn đạo pháp do vị Tổng lý đứng đầu; Viện Hành đạo lo về công việc hành chính của đạo do vị Hiệp lý đứng đầu.

Về cấp tu trong Minh Lý đạo gồm 8 bậc là: Hướng tịnh sư (tín đồ mới nhập môn); Chí tịnh sư, Tâm tịnh sư, Thanh tịnh sư (hàng Môn sanh); Khiết tịnh sư, Vĩnh tịnh sư, Siêu tịnh sư (hàng Giáo sư); Giác tịnh sư (ngôi Giáo tổ). Tín đồ của Minh Lý đạo bắt buộc phải ăn chay 6 ngày trong tháng. Hàng Môn sanh ăn chay ít nhất là 10 ngày trong tháng. Hàng Giáo sư phải ly gia cắt ái. Người tu đạo Minh Lý phải tuân thủ Giới luật để tập sửa tính tình, đồng thời có hình phạt để trị người phạm tội. Tuỳ từng phẩm vị mà đạo qui định việc chấp hành Giới luật, bao gồm Mười điều trọng giới (Sát giới, Đạo giới, Dâm giới, Vọng ngữ giới, Cô tửu giới, Thuyết tứ chúng quá giới, Tự tán huỷ tha giới, Sân tâm bất thọ hối giới, Báng tam bửu giới) và Bốn mươi tám điều khinh giới.

Đạo phục của Minh Lý đạo có màu đen và trắng, nam mặc áo dài đen, quần trắng, khăn đóng đen; nữ mặc áo dài đen, quần đen.

Trong đàn lễ của Minh Lý đạo dùng bàn ba cấp, là chỉ ba tầng công phu; Tấm nắp bàn (trong đỏ, ngoài vàng) là tâm ý; Lư trầm là tánh mạng; Ba cây hương lớn là Tam tài; Ba bình hoa là Tinh – Khí – Thần, Tam hoa tụ đảnh; Ba cây đèn lớn là Tam giáo (Trời, Đất, Người); năm đĩa trái cây là ngũ hành (đỏ, đen, xanh, trắng, vàng); sáu ngọn đèn nhỏ là lục trần và lục căn; rượu trà là lục nguyệt; mâm tròn đựng chung rượu là đạo. Khi đọc kinh phải khoanh tay, tay trái để trong, tay mặt để phía ngoài, khi quì đọc kinh phải chắp tay để trước ngực, đọc xong mỗi bài kinh thì quì lạy, thực hiện Tam qui cửu bái, nghĩa là mỗi lần quì, lạy ba lạy.

Kinh của Minh Lý đạo chỉ dùng Việt ngữ để người đọc dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc. Bộ kinh được chia làm năm: Kinh Bố cáo, Kinh Sấm hối, Kinh Tịnh nghiệp vãn, Kinh Nhựt tụng, Kinh Giác thế. Một số bài kinh của Minh Lý đạo được đạo Cao đài sử dụng như bài Niệm hương, Bài Khai kinh, Kinh sấm hối… Luật đạo có Giới luật và hình phạt, Tứ đại điều qui và Nhị thập tứ điều. Luận có Minh Lý yếu giải, Minh Lý học thuyết, Minh Lý chơn giải do ngài cố Định pháp Nguyễn Minh Thiện biên soạn và kết tập đại thành.

Giáo lý của Minh Lý đạo là sự kết hợp tinh hoa của ba tôn giáo lớn ở phương Đông là đạo Thích – Lão – Nho làm một (Qui nguyên tam giáo) để hướng dẫn tín đồ, môn sanh tu hành, tự độ, vị tha độ dẫn loài người xây dựng một xã hội hòa bình, an lạc. Trên cơ sở của học thuyết Tam giáo, Minh Lý đạo hình thành Kinh chú, Sớ điệp, Luật lệ, Lễ nghi và giáo lý. Những công việc hàng ngày về kinh chú, sớ điệp, luật lệ, lễ nghi thuộc về Hình nhi hạ học. Giáo lý cao siêu thuộc về Hình nhi thượng học. Giáo lý của Minh Lý đạo được tạo thành trên ba nguyên tắc: Tam giáo hiệp nhứt (Thích – Lão – Nho) trên đặc điểm luân lý, luyện khí, tu tâm là ba phương pháp cần thiết cho sự tu hành; Tam giáo qui nguyên, tuy ba tôn giáo có đặc điểm khác nhau nhưng cùng hướng về căn bổn của đạo làm người là ngôi Viên Nhứt; Chấp trung thủ nhứt là nắm giữ ngôi Viên Nhứt. Tam giáo đồ của Minh Lý cũng gọi là lược đồ Hoả hậu, tượng trưng ba nguyên tắc lập đạo nói trên. Minh Lý đạo lấy lược đồ Hoả hậu làm biểu hiệu của đạo. Phần học Công truyền ở tại Thánh sở Tam Tông miếu, còn phần học Tâm pháp giảng và tu tại Bác Nhã Tịnh đường.

Từ sau hoà bình đến nay, Minh Lý đạo tiếp tục lập trường thuần tuý tu hành, đem đạo độ đời theo tôn chỉ dung hoà tín ngưỡng, mở rộng tình thương nhằm hoằng dương chánh pháp, phục vụ nhơn sanh đến giác ngộ, giải thoát. Quí vị chức sắc Minh Lý đạo – Tam Tông miếu đem tình thương yêu đồng đạo đến với đồng bào để tích cực tham gia công việc nhân đạo, từ thiện xã hội. Qua tổng kết 5 năm gần đây, Minh Lý đạo – Tam Tông Miếu đã làm được nhiều việc tốt giúp đỡ, hỗ trợ đồng đạo và ủng hộ người nghèo, đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, hạn hán… với giá trị hàng trăm triệu đồng mỗi năm, thực hiện “Tốt đạo, đẹp đời”. Minh Lý đạo – Tam Tông miếu nêu cao tinh thần bình đẳng, cộng tác và hòa ái để giữ mối giao hảo, trao đổi đạo pháp với các tôn giáo bạn. Hiện nay, Minh Lý đạo – Tam Tông miếu do ông Tổng lý Lê Chơn Huệ, pháp danh Tường Định, phẩm vị Q. Vĩnh Tịnh sư lãnh đạo, với hơn 400 môn sanh, phạm vi hoạt động ở 3 tỉnh, thành phố là Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh.

Đạo Minh Lý ra đời lấy Tam giáo làm tôn chỉ, dung hoà các tín ngưỡng, thực hiện cơ tận độ trong buổi hạ ngươn, tiếp tục và hoàn thành sứ mạng cho Chánh pháp để hướng dẫn nhơn sanh tự tu, tự độ tránh khỏi sanh tử khổ đau, thực hiện lòng từ bi, bác ái, bình đẳng xây dựng xã hội hoà bình, an lạc.

Theo BTGCP.GOV.VN 

Tags: