Dân binh biển Trung Quốc đội lốt ngư dân đe dọa hòa bình, an ninh Biển Đông

Đội tàu dân binh biển của Trung Quốc lên tới hàng trăm chiếc cùng hàng nghìn người dưới vỏ bọc tàu đánh cá mà thực ra là một “đội quân trá hình”, là cánh tay vũ trang nối dài với mức độ hung hăng, gây hấn ngày một gia tăng thực sự là mối đe dọa nguy hiểm cho hòa bình, ổn định, an ninh cũng như tự do hàng hải ở Biển Đông.

Dân binh biển Trung Quốc đội lốt ngư dân đe dọa hòa bình, an ninh Biển Đông

Dân binh biển đội lốt tàu cá

Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Thủ đô Washington D.C của Mỹ vừa có cảnh báo về mối nguy của đội tàu dân binh biển của Trung Quốc ở Biển Đông. Cảnh báo này được đưa ra sau vụ tàu hải cảnh và tàu dân binh Trung Quốc cản trở tàu M/V DA BFAR của Cơ quan Ngư nghiệp và Thủy sản Philippines (BFAR) đang thực hiện nghiên cứu ở Biển Đông, khiến Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) hồi cuối tháng 5 vừa qua đã phải triệu tập quan chức cấp cao của Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đến để phản đối.

Theo đó, khi đang tiếp cận bãi Cỏ Mây hiện đang do Philippines kiểm soát để tiến hành các hoạt động nghiên cứu, tàu M/V DA BFAR đã bị một tàu hải cảnh của Trung Quốc bám sát với khoảng cách chỉ 100 m. Cùng lúc, một tàu hải cảnh khác và 2 tàu dân binh biển của Trung Quốc cũng tiến gần lại. Với sức ép như vậy, tàu DA BFAR buộc phải rút khỏi khu vực.

Sự việc đe dọa khiến tàu M/V DA BFAR của Philippines buộc phải quay đầu khiến dư luận theo sát tình hình Biển Đông nhớ lại vụ “tàu cá” Trung Quốc đâm chìm tàu cá Gem-Ver 1 của Philippines gần bãi Cỏ Rong rồi bỏ mặc 22 ngư dân chới với trên biển vào tối 9-6-2019. Những ngư dân Philippines này đã may mắn được một tàu Việt Nam phát hiện và cứu kịp thời.

Ngay sau vụ tàu cá Gem-Ver 1 của Philippines bị đâm chìm, Giám đốc AMTI Gregory Poling khi đó đã cho rằng, vụ việc này là “hệ quả tất yếu của việc Bắc Kinh điều hàng trăm tàu cá làm lực lượng dân binh”. Vị chuyên gia về hàng hải và an ninh hàng hải này cảnh báo, những vụ đâm tàu tương tự sẽ còn tái diễn vì có hàng trăm tàu dân binh Trung Quốc hoạt động ở vùng biển xung quanh quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Cảnh báo của Giám đốc AMTI hoàn toàn có cơ sở nếu nhìn vào thực tế ở Biển Đông thời gian qua khi đội tàu dân binh biển Trung Quốc thường xuyên có những hoạt động hung hăng, gây hấn, “bắt nạt” tàu thuyền của các quốc gia khác. Hồi tháng 3-2021, hàng trăm tàu dân binh của Trung Quốc xuất hiện trái phép tại khu vực đá Ba Đầu (Whitsun) trong cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Lúc cao điểm, có khoảng 220 tàu vỏ sắt dạng tàu cá được cho thuộc lực lượng dân binh biển Trung Quốc đã “kết bè” dàn đội hình hàng ngang tại vùng biển này trong toan tính được cho là “hành động khiêu khích rõ ràng của việc quân sự hóa khu vực”.

Nhìn nhận về sự xuất hiện của hàng trăm tàu dân binh biển Trung Quốc tại Biển Đông, Giáo sư Alexander Vuving thuộc Trung tâm Nghiên cứu an ninh châu Á – Thái Bình Dương ở Honolulu (Mỹ) cho rằng, Trung Quốc có thể đang dùng thủ đoạn ở bãi cạn Scarborough nhằm ngang nhiên giành quyền kiểm soát trên thực tế tại đá Ba Đầu vốn có vị trí chiến lược ở Biển Đông. Vị Giáo sư chuyên gia về vấn đề an ninh ở châu Á – Thái Bình Dương này chỉ rõ, Trung Quốc từng tìm cách dùng sức mạnh quân sự cưỡng chiếm đá Ba Đầu vào thập niên 1990 nhưng không thành công, song Bắc Kinh sau đó đã thay đổi cách thức trong việc dùng sức mạnh hòng tìm cách cưỡng chiếm các thực thể ở Biển Đông.

Diễn biến phức tạp và nguy hiểm trên biển

Giới chuyên gia nhận định, việc Trung Quốc triển khai hàng trăm tàu dân binh tới Biển Đông với toan tính dùng lực lượng này để hiện thực hóa tham vọng chủ quyền. Bởi việc sử dụng lực lượng quân sự để cưỡng chiếm một thực thể nào đó ở Biển Đông lúc này có thể gây ra sự phản ứng dữ dội ở khu vực và thế giới, tuy nhiên nếu dùng một lực lượng vũ trang trá hình, như lực lượng dân binh biển, vẫn có thể giúp Trung Quốc đạt mục đích.

Đó cũng chính là lý do Trung Quốc thời gian qua, bên cạnh phát triển lực lượng hải quân đã đổ tiền đổ của để phát triển các lực lượng khác như kiểm ngư, dân binh biển… để làm đội quân xung kích trong hoạt động dùng sức mạnh áp đặt chủ quyền phi pháp ở Biển Đông. Những tàu thuộc lực lượng dân binh biển Trung Quốc vẻ ngoài giống tàu cá nhưng có sức mạnh vượt trội.

Theo các chuyên gia quốc tế, từ năm 2000, Trung Quốc đã đầu tư đóng mới, lắp đặt trang thiết bị hiện đại và nhất là được huấn luyện bài bản cho lực lượng dân binh tàu vỏ sắt. Những tàu này có lượng giãn nước từ 200 – 750 tấn, công suất từ 200 – 500 mã lực và có thể đạt tốc độ lên tới 20 hải lý/giờ, tức là lớn và nhanh hơn tuyệt đại đa số các tàu cá thực sự trong khu vực. Thiết bị trên tàu, ngoài máy định vị, dò cá, máy báo thời tiết, còn có các thiết bị thông tin hiện đại sóng ngắn, sóng cực ngắn…

Một điều tinh vi khác là các tàu dân binh biển của Trung Quốc có thể nằm lẫn trong đội ngũ tàu cá vỏ sắt đánh bắt xa bờ do các địa phương quản lý, nhưng cũng có thông tin cho rằng khi thực hiện các nhiệm vụ, chiến dịch yêu sách chủ quyền thì các tàu dân binh biển nằm dưới sự kiểm soát và chỉ huy của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), trực tiếp là lực lượng hải quân. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, xung đột trên biển ở khu vực, các tàu thuộc lực lượng dân binh biển này có thể được sử dụng để hỗ trợ cho một số nhiệm vụ quân sự của Trung Quốc.

Do vậy, theo giới chuyên gia, lực lượng dân binh biển của Trung Quốc giữ vai trò quan trọng trong việc “thiết lập sự hiện diện đã rồi của Trung Quốc ở những khu vực tranh chấp” trên biển. Toan tính của Trung Quốc là dùng lực lượng này, với số lượng vô cùng đông đảo, để có thể giành “chiến thắng mà không cần giao chiến” tại các vùng biển mà Trung Quốc đòi chủ quyền với sự hậu thuẫn, hộ tống của các tàu vũ trang như lực lượng hải cảnh (cảnh sát biển) và có thể cả tàu chiến nếu cần.

Theo giới chuyên gia, lực lượng dân quân biển Trung Quốc là ví dụ điển hình về “chiến thuật vùng xám” của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa yêu sách đòi chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông, cho phép nước này tiếp tục phớt lờ Luật Biển quốc tế, nhất là phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài thường trực (PCA) bác bỏ yêu sách đòi chủ quyền của Trung Quốc trên vùng biển chiến lược này.

Trước toan tính nguy hiểm của Trung Quốc trong việc phát triển và sử dụng đội tàu dân binh biển, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ hồi năm 2019 là Đô đốc John Richards đã cảnh báo rằng, Washington đã biết việc Trung Quốc sử dụng một đội tàu cá dân binh biển để thúc đẩy các yêu sách phi pháp ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Đô đốc John Richards cảnh báo, Hải quân Mỹ sẽ đáp trả các hành động gây hấn của những tàu đó vì chúng được coi là một phần của lực lượng vũ trang.

Theo AN NINH THỦ ĐÔ

Tags: , ,