Cuộc đời bi tráng của Vương hậu Triều Tiên Myeong Seong

Được chính thức sắc phong Vương phi của Vương quốc Đại Triều Tiên vào tháng 3-1866, Myeong Seong (tiếng Hán là Minh Thành) trở thành Quốc mẫu vào giai đoạn cuối của triều đại Joseon, khi đất nước đang trong tình cảnh bên ngoài chịu áp lực từ Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và các nước phương Tây, triều chính bên trong bị chi phối bởi nhiều thế lực thủ cựu.

Vương phi Myeong Seong bằng trí tuệ và tầm nhìn xuất chúng được đánh giá là một nhân vật sáng chói trong lịch sử Triều Tiên cận đại, một nhà cải cách mang tham vọng hiện đại hóa Triều Tiên, nâng cao vị thế quốc gia qua những nỗ lực thiết lập quan hệ với các cường quốc bên ngoài. Sự biến năm Ất Mùi 1895 và cái chết bi thương của bà vì nền độc lập tự cường đã lay động con tim nhiều thế hệ đời sau trên bán đảo Triều Tiên.

Quốc mẫu 16 tuổi

Hoàng đế Gojong (tiếng Hán – Cao Tông), vị vua cuối cùng trong lịch sử 500 năm của triều đại Joseon, đồng thời cũng là hoàng đế đầu tiên của Đại Hàn đế quốc, sinh năm 1852, là con trai thứ 2 của quan nhiếp chính Yi Ha-eung tước hiệu Heungseon Daewongun (Hưng Tuyên Đại Viện Quân).

Năm 1863, sau khi Vua Cheoljong (Triết Tông, 1831-1863) băng hà mà không có người nối dõi, Đại phi của Triết Tông là người thuộc gia tộc Kim Andong quyết định chọn một người trị vì vương thất Triều Tiên. Mùa thu năm 1864, con trai thứ hai của nhiếp chính Hưng Tuyên Đại Viện Quân được chọn làm người nối ngôi khi mới 12 tuổi.

Còn Vương phi tương lai tên thật là Min Ja Yeong sinh trưởng trong gia đình quý tộc họ Min (vì thế người đời sau thường gọi bà là Vương phi Min hay Mẫn Vương phi), mồ côi cả cha lẫn mẹ khi mới lên 8 tuổi  và đây chính là “điều may mắn định mệnh” khi Cao Tông được 15 tuổi, vương thất quyết định chọn cho ông một Vương phi.

Vì vua còn nhỏ tuổi nên nắm trọn trong tay mọi quyền hành, Hưng Tuyên Đại Viện Quân có chủ đích tìm kiếm một tiểu thư ít thân nhân để không làm chi phối quyền lực của vương thất và điều này ngẫu nhiên khế hợp với ý nguyện của mẹ vua Gojong cũng là một người trong gia tộc họ Min, từ lâu đã nhắm đến tiểu thư Min Ja Yeong nổi tiếng vì dung mạo đoan trang xinh đẹp và tư chất thông minh hơn người.

Qua một cuộc tuyển chọn và một loạt những nghi thức, đòi hỏi khắt khe của vương triều, ngày 20-3-1866, Min Ja Yeong được vào triều kiến tại đại điện và nhận sắc phong Vương phi, chính thức trở thành quốc mẫu khi mới 16 tuổi.

Từ ngày đầu bước đại vào cung, Vương phi Min đã tỏ ra là người thông minh, nhanh nhạy và vô cùng quyết đoán. Vương phi đặc biệt quan tâm đến chính trị, quan hệ quốc tế, kinh tế… Mặc dù Hoàng gia không khuyến khích nhưng Vương phi vẫn chuyên tâm nghiên cứu khoa học, triết học và tôn giáo.

Tuy nhiên, trong dân gian vẫn tồn tại lời truyền khẩu cho rằng, Vương phi Myeong Seong không phải là người ngay từ đầu muốn tham dự vào việc triều chính. Dù đã có chính cung, nhưng vua Cao Tông chỉ sủng ái những cung nữ dung nhan quyến rũ mà ít gần gũi nàng, nên nàng thường lấy việc đọc sách làm thú vui cho bớt cô quạnh. Chính những kiến thức thu được qua những cuốn sách này về sau đã trở thành bước đệm để Vương phi tham gia vào việc triều chính giúp vua cai quản đất nước.

Nếu như các vương phi trước đây khi được trọn quyền cai quản hậu cung, họ thường tìm cách tạo vây cánh để củng cố quyền lực nhằm làm bệ đỡ vững chắc cho con cái hoặc người thừa tự thì với Myeong Seong, Vương phi có hướng đi khác.

Chính sử Đại Triều Tiên ghi nhận chính Vương phi Myeong Seong là người luôn đi đầu trong xúc tiến cải cách hệ thống cầm quyền bằng sự sáng suốt và thiên khiếu ngoại giao xuất chúng của mình được vận dụng trong đường lối làm vững mạnh quyền tự chủ quốc gia thông qua việc hiệp thương với các cường quốc trên thế giới.

Tới nay, những ghi chép về Vương phi Myeong Seong vẫn còn được lưu lại trong văn khố nhiều nơi trên thế giới. Isabella Bird Bishop, nhà địa lý học và là Hội viên hội Địa lý Hoàng gia Anh Quốc từng có thời gian sinh sống ở Triều Tiên vào giai đoạn cuối, đã miêu tả Vương phi Myeong Seong “có cặp mắt lạnh và sắc sảo, được người này tiếp chuyện, tôi có ngay ấn tượng về phong thái cao quý và trí tuệ mẫn tiệp”.

William F. Sands, Chánh tòa công sứ Mỹ thì nhìn nhận: “Bà là một nữ chính trị gia vĩ đại vượt lên trên thời đại và giới hạn tầm thường của nữ giới vương quốc Triều Tiên”. Còn Miura, công sứ người Nhật cũng đã có những ghi chép cho thấy sự cảm phục và dè chừng đối với bà: “Khi tiếp kiến vua, tôi thấy hoàng hậu khẽ đến bên nói giúp vua, hoàng hậu tỏ ra là người có nhiều tài năng, không hề sơ suất”.

Vương phi Myeong Seong hạ sinh được 2 người con trai, nhưng hoàng tử đầu sớm qua đời. Rất nhiều lời đồn cho rằng, chính nhiếp chính đại thần Hưng Tuyên Đại Viện Quân đã ngầm ra lệnh cho thái y kê thuốc sai khiến cho hoàng tử thể lực dần suy kiệt và khi lâm bệnh thì không ai bắt được đúng bệnh. Lời đồn đó lý giải vì sao Vương phi Myeong Seong càng ngày càng bộc lộ rõ thái độ chống lại sự độc đoán, can thiệp cả vào việc nước lẫn việc nhà của người cha chồng này.

Hơn nữa, vào giai đoạn này, Hưng Tuyên Đại Viện Quân cũng đang khiến lòng dân ta thán bởi nhiều quyết định cứng rắn và không thỏa đáng, như chính sách bế quan tỏa cảng, bài xích các ngoại giao đoàn nước ngoài hay lệnh cho xây sửa lại cung Gyeongbok (cung Cảnh Phúc) tiêu tốn một khoản lớn của quốc khố.

Máu chảy cung Cảnh Phúc

Năm 1873, nhân có bản tấu của viên quan tên là Choi Ik-hyeon lên án các chính sách và đường lối sai trái của Hưng Tuyên Đại Viện Quân, vua Cao Tông và Vương phi Myeong Seong tuyên bố sẽ trực tiếp giải quyết việc triều chính, rút bỏ hoàn toàn quyền lực của cha mình. Vua Cao Tông cùng Vương phi cùng thiết triều, cùng lắng nghe và quyết định những việc quan trọng của đất nước.

Được làm chủ trong chính sự, vua Cao Tông đã bỏ chính sách đóng cửa trước đây của Hưng Tuyên Đại Viện Quân. Trước tình cảnh nền kinh tế đất nước bị đình đốn do thương nhân trong nước không cạnh tranh nổi với thương nhân Nhật Bản, Vương phi Myeong Seong đã có ý muốn hiện đại hóa vương quốc Triều Tiên vốn đã quá lạc hậu. Năm 1881, sau chuyến thăm Nhật Bản, được sự đồng tình của Vua Cao Tông, bà đã âm thầm đấu tranh ngoại giao với các cường quốc Nhật, Trung Quốc, Nga; đưa ra kế sách hiện đại hóa quân sự và nghiên cứu sâu rộng các mô hình kinh tế phương Tây.

Nhà vua cảm phục tài cầm quyền khôn ngoan của vợ nên tình cảm giữa họ ngày càng gắn bó. Một mặt, Vương phi Myeong Seong tích cực quan hệ với nhà Thanh nhằm giảm bớt ảnh hưởng của người Nhật tại vương quốc Triều Tiên; mặt khác, bà cũng đẩy mạnh quan hệ ngoại giao với Mỹ nhằm đưa ngành công nghiệp Triều Tiên vượt qua Nhật.

Tuy nhiên, tình hình chính sự ngày càng rối ren bởi sự công khai đối lập với nhiếp chính vương đã khiến ông được thể kích động những mâu thuẫn với thế lực cũ trong vương thất. Năm 1882 còn xảy ra cuộc nổi dậy “quân loạn năm Nhâm Ngọ”, thể hiện sự bất mãn của lực lượng binh sĩ triều đình đối với giới cầm quân theo hình thức mới du nhập vào từ phương Tây. Vương phi Myeong Seong bấy giờ phải đối đầu trước nhiều khó khăn đến mức bà phải rời khỏi cung để lánh nạn.

Chính trong tình cảnh ấy, bà càng thể hiện khả năng quyền biến của mình qua việc gửi thư cầu viện nhà Thanh hỗ trợ dẹp loạn quân và giành lại vương quyền. Không chỉ thế, sau sự kiện chiếm đảo Geomun của Anh vào năm 1885, Vương phi Myeong Seong đã cử cố vấn ngoại giao người Đức là Paul Georg von Mllendorff sang Nhật Bản hiệp thương với Anh để giải quyết vấn đề.

Năm 1894 trải qua các cuộc nổi dậy của phong trào nông dân Donghak (Đông học), qua cuộc chiến giữa nhà Thanh (Trung Quốc) và Nhật, người Nhật ngày càng can thiệp sâu hơn vào tình hình chính trị của Triều Tiên. Để ngăn chặn dã tâm xâm chiếm của Nhật, Vương phi Myeong Seong đã táo bạo kết thân với nước Nga Sa hoàng, thể hiện rõ ý chí đối đầu với Nhật. Thế kỷ XIX là giai đoạn xảy ra nhiều cuộc chiến tranh giành lãnh thổ của các nước lớn trên thế giới. Một nước nhỏ yếu và kinh tế đang kiệt quệ như Triều Tiên lúc bấy giờ chỉ còn cách tận dụng mối mâu thuẫn giữa các nước lớn này.

Để làm được điều đó, người đứng đầu vương quốc phải có một năng lực hoạt động chính trị hết sức sắc bén, làm sao vừa có thể tận dụng các mối bang giao để gây dựng được thanh thế cho quốc gia lại vừa tránh sa vào cảnh vong nô cho ngoại bang. Nhận thấy Vương phi chính là vật cản lớn nhất cho việc thực hiện ý đồ xâm chiếm Triều Tiên, đế quốc Nhật đã gây nên “Sự biến năm Ất Mùi”.

Ngày định mệnh 8-10-1895, một nhóm thích khách đột nhập cung Cảnh Phúc sát hại nhiều người một cách dã man, trong đó có Vương phi Myeong Seong. Cho đến gần đây vẫn còn nhiều uẩn khúc không có lời giải trong vụ Vương phi bị sát hại ở tuổi 43.

Vào năm 2005, trên báo Hàn Quốc Chosun Ilbo, nhà sử học Lee Tae-jin thuộc Đại học Quốc gia Seoul đã công bố tài liệu năm trang về vụ sát hại Vương phi, do Phái bộ Ngoại giao Nhật Bản thời điểm đó tại Seoul gửi về Tokyo, 3 tháng sau khi vụ này xảy ra. Trước đây, giới nghiên cứu vẫn cho rằng Vương phi Myeong Seong bị sát hại ngay tại nơi ở của bà trong cung Cảnh Phúc, căn cứ theo lời tường thuật của một viên sĩ quan người Nga phụ trách đội vệ binh hoàng cung.

Tuy nhiên, theo các tài liệu mới này, những kẻ được lệnh hạ sát Vương phi đã đưa bà ra ngoài sân và sát thủ vung kiếm chém ngang thân bà. Tài liệu cũng ghi rõ: các sát thủ đã đưa thi thể của Vương phi Myeong Seong lên một ngọn đồi bên cạnh hoàng cung rồi hỏa thiêu.

Vào thời điểm đó, dưới áp lực của các cường quốc, Nhật Bản đã buộc phải tiến hành điều tra và tổ chức phiên tòa xét xử kẻ được coi là thủ phạm, nhưng rốt cuộc bị cáo được tha bổng. Theo nhà sử học Hàn Quốc Lee Tae-jin, việc đưa Vương phi Myeong Seong ra bên ngoài rồi xuống tay giết hại cho thấy đây không phải là một vụ ám sát, mà có thể xem là “một sự can thiệp quân sự có chủ ý” của chính quyền Nhật lúc đó.

Người Nhật ép Vua Cao Tông ban bố lệnh cắt tóc, buộc người dân Triều Tiên phải thay đổi phong tục tập quán, cắt ngắn tóc, sửa lại quần áo. Nhân dân hết thảy đều căm phẫn. Việc Vương phi bị thế lực bên ngoài giết hại đã khiến tình hình trong nước sôi sục, dấy lên phong trào rửa hận chống Nhật như phong trào “Nghĩa binh năm Ất Mùi” và sau này được tiếp nối, phát triển thành phong trào vận động độc lập của vương quốc Đại Triều Tiên.

Tháng 2-1896, Vua Cao Tông đã lẻn ra khỏi hoàng cung, chạy đến tòa công sứ Nga tại Triều Tiên xin tị nạn. Năm 1897, sau khi quay lại hoàng cung, Cao Tông liền đổi quốc hiệu thành Đại Hàn đế quốc và truy phong Vương phi đã ngã xuống vì nền độc lập tự cường quốc gia thành Hoàng hậu Myeong Seong.

Gyeongbokgung hay còn gọi Cung Cảnh Phúc là một hoàng cung nằm ở phía bắc Seoul, Hàn Quốc. Xây dựng lần đầu vào năm 1394, đây là cung điện chính và lớn nhất trong năm cung điện của triều đại Triều Tiên. Năm 1553 cung bị hỏa hoạn, cháy mất một phần và được tu bổ trở nên nguy nga hơn 3 năm sau đó.

Khi Nhật Bản xâm lăng Triều Tiên vào cuối thế kỷ XVI, cung Cảnh Phúc bị phá hủy hoàn toàn. Triều đình Triều Tiên phải dùng Xương Đức cung trong suốt 270 năm cho đến khi cung Cảnh Phúc được xây lại vào năm 1868. Sau sự biến sát hại Vương phi Myeong Seong, Vua Cao Tông cùng hoàng gia phải rời bỏ cung Cảnh Phúc và không bao giờ trở lại đó nữa. Cung điện ngày nay phần lớn được phục dựng bắt đầu từ năm 1995.

Năm 2005, chính phủ cho chuyển Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc vào cung Cảnh Phúc. Đây là tuyệt tác kiến trúc kết hợp hài hòa giữa bàn tay con người và thiên nhiên, khuôn viên vườn cảnh có đình tạ mỹ lệ, hoa cỏ cắt tỉa công phu điển hình cho nghệ thuật vườn cảnh Hàn Quốc. Ngày nay, để làm sống lại phong cảnh huy hoàng của triều đại phong kiến xa xưa, các nghi lễ diễu binh của ngự lâm quân thường diễn ra ở cung Cảnh Phúc.

.

Lời bẩm báo với phụ mẫu tiên hoàng qua… đường dây điện thoại

Trong lịch sử của triều đại Joseon, Hoàng đế Cao Tông (Gojong) là vị vua làm hao tốn khá nhiều bút mực của các nhà sử học và giới nghiên cứu với các luận điểm chỉ trích, bênh vực đan xen nhau. Vương quốc Đại Triều Tiên vào giai đoạn cuối thế kỷ XIX bị các cường quốc Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây nhăm nhe xâm chiếm hoặc chi phối quyền lực.

Triều đình ký các hiệp ước với Pháp và Mỹ lần lượt trong các năm 1866 và 1871, tiếp theo là cuộc cách mạng của nông dân do phái Đông học lãnh đạo nổ ra và bao trùm lên cả nước vào năm 1894.

Năm 1895 xảy ra vụ Nhật Bản giết hại dã man quốc mẫu Myeongseong… Đứng trước hàng loạt những biến cố lịch sử như vậy nên năng lực lãnh đạo và quyền lực chính trị của Cao Tông trở nên mờ nhạt do bị cuốn vào dòng xoáy của lịch sử.

Tuy nhiên Cao Tông cũng là vị vua đã nỗ lực rất nhiều trong việc đưa Joseon tiến tới một quốc gia cận đại. Ông đã dành tâm sức vào việc mở mang tri thức cho người dân như vào năm 1884 đã cho mở cửa trường học công lập đầu tiên chiêu sinh cả những người xuất thân không phải hàng danh gia vọng tộc.

Sau thời gian hơn 1 năm ẩn thân ở dinh Công sứ Nga, năm 1897 ông quay về cung Deoksu và xưng hoàng đế, đổi quốc hiệu từ Joseon thành Đại Hàn đế quốc với tinh thần sẽ phát triển thành quốc gia độc lập tự chủ thoát ra khỏi sự can thiệp của ngoại bang.

Chiến tranh Nga – Nhật kết thúc năm 1905 mà Nhật Bản là bên thắng cuộc nên đế quốc này buộc Đại Hàn ký Điều ước bảo hộ năm Ất Tỵ (còn được gọi là Hiệp ước Eulsa-Triều Tiên chịu sự bảo hộ của Nhật). Sau đó, Nhật còn thiết lập Phủ Thống đốc giám trực tiếp thống trị Hàn Quốc, Ito Hakubun đảm nhiệm chức vụ toàn quyền Nhật Bản đầu tiên tại Đại Hàn đế quốc.

Tháng 4-1907, Cao Tông bí mật trao nhiệm vụ cho ba người là Lee-jun, Lee Sang-seol, Lee Wy-jong tới Hội nghị hòa bình thế giới diễn ra ở Hague của Hà Lan vào ngày 15-6 để công bố bức thư của Cao Tông cho cộng đồng quốc tế và kêu gọi độc lập cho Đại Hàn cũng như vô hiệu hóa Hiệp ước Eulsa. Nhiệm vụ này bị gián điệp trong cung Deoksu báo cho Toàn quyền Ito.

Khi 3 đặc sứ đến nơi, đại diện chính phủ Hà Lan là nước chủ nhà của Hội nghị do đã được Nhật Bản thông báo lấy lý do Đại Hàn đế quốc không có chủ quyền ngoại giao nên đã không cho phép họ vào tham dự cùng đại biểu đại diện cho 45 quốc gia, việc này khiến đặc sứ Lee Jun vì không chịu nổi uất ức mà chết.

Vua Cao Tông nổi giận lên án âm mưu thâm độc của Nhật. Toàn quyền Ito Hakubunnhân dịp này buộc Cao Tông thoái vị vào ngày 19-7-1907 và phải nhường ngôi cho Thái tử Lý Thạch, tức Thuần Tông.

Những năm cuối đời, thái đế Cao Tông sống trong u uất sầu não rồi băng hà vào rạng sáng ngày 21-1-1919. Một ngày trước khi qua đời, ông còn rất mạnh khỏe nên cái chết của ông làm dấy lên lời đồn rằng, Phủ thống đốc Nhật đã cho người bỏ thuốc độc vào trong trà dâng lên cho ông.

Dù mang quốc hiệu là đế quốc nhưng Đại Hàn đã không có năng lực tự vệ để giữ quyền tự chủ và chỉ dẫn đến sự can thiệp vào nội bộ của nhiều cường quốc, rồi trở thành thuộc địa của Nhật, nhưng không thể phủ nhận rằng lịch sử 13 năm của Đại Hàn đế quốc là xuất phát điểm của Hàn Quốc cận đại.

Trong nỗ lực ứng dụng văn minh phương Tây theo phương châm bảo tồn cái cũ và tiếp thu cái mới thì những khía cạnh ưu việt của phương Tây như chế độ sở hữu, giáo dục, y tế, bưu điện, kiến trúc, đường sắt đã được du nhập và đặt gốc rễ vào bán đảo Triều Tiên trong thời kỳ này. Bị mang tiếng là ông hoàng vong quốc nhưng Cao Tông vẫn ấp ủ mơ ước và quyết tâm xây dựng một quốc gia cận đại cường thịnh, vì thế ông đã được giới học thuật đánh giá lại theo chiều hướng tích cực.

Nhắc lại việc hoàng tử đầu tiên của Cao Tông và Vương phi Myeong Seong chết trẻ trong nhiều nghi vấn, thừa dịp này, Nhiếp chính Hưng tuyên Đại Viện quân đã tấu với Cao Tông rằng, Vương phi không có khả năng để sinh tiếp cho nhà vua một hoàng nam.

Bị sức ép của triều thần, Hoàng đế Gojong bất đắc dĩ phải lập thêm một quý phi, người này sau đó đã hạ sinh cho nhà vua một người con (về người này có nhiều ghi chép mâu thuẫn nhau nên không rõ số phận). Khi Hoàng đế Cao Tông được 22 tuổi, theo điều luật truyền đời của vương thất, quan nhiếp chính Hưng tuyên Đại Viện quân buộc phải cáo lão về hưu. Thoát khỏi vòng kiểm soát của người cha chồng đầy mưu mô và cực kỳ thủ cựu, cả nhà vua và hoàng hậu lại quay về với nhau, không lâu sau đó Vương phi Myeong Seong thụ thai và sinh hạ một hoàng tử.

Lý Thạch là con đẻ của Hoàng hậu Myeong Seong, tuổi trẻ trải qua những biến cố sóng gió như việc mẹ đẻ bị quân Nhật sát hại, đã cùng cha tị nạn trong tòa công sứ Nga và tận mắt chứng kiến cuộc tranh giành khốc liệt giữa hai phái thân Nga và thân Nhật trong cộng đồng người Triều Tiên vong quốc.

Một ngày tháng 9-1898, Thái tử Lý Thạch sau khi uống một tách cà phê bất thần lăn ra đất bất tỉnh nhân sự. Được ngự y  cấp cứu kịp thời và phát hiện trong tách cà phê có ai đó đã cố tình bỏ vào một lượng lớn nha phiến, Lý Thạch tuy thoát chết nhưng về sau thể chất càng suy nhược và mắc chứng vô sinh suốt đời.

Năm 1907, ngồi vào ngai vàng thay cha mới được mấy ngày, Toàn quyền Nhật Bản chìa ngay ra Hiệp ước Đinh Mùi gồm bảy điều nhấn mạnh: Toàn quyền Nhật Bản có quyền lực tối cao, triều đình nô thuộc phải thực hiện cải cách quan chế, bổ nhiệm người Nhật Bản vào hàng ngũ quan lại; quân  đội của Đại hàn đế quốc phải giải tán, Thuần Tông Lý Thạch lúc này đúng nghĩa là một ông vua bù nhìn.

Tháng 10-1910, Điều ước sáp nhập Nhật-Hàn được thông qua, toàn bán đảo Triều Tiên chính thức bị Nhật Bản thôn tính. Hoàng gia Đại Hàn biến thành một chi trực thuộc sự giám sát và bảo hộ của Hoàng gia Nhật Bản. Xưng hiệu của Lý Thạch từ Thuần Tông hoàng đế bị hạ xuống chỉ còn là Lý vương. Mỗi năm, hoàng tộc nhận được “ân huệ” từ Toàn quyền Nhật Bản một khoản tiền gọi là sinh hoạt phí.

Thuần Tông lực bất tòng tâm, chỉ biết âm thầm nuốt hận. Ông thường một mình lặng lẽ tới tẩm cung hoặc lăng mộ vua cha khóc lóc giãi bày thế sự và cảnh tình vong nô ô nhục. Khi trong cung được mắc điện thoại, ông đã sai người nối dây bắc máy thông tới tẩm cung và lăng mộ phụ hoàng Cao Tông.

Cứ mỗi dịp lễ tết, lễ vọng hoặc ngày rằm, ông lại mặc áo đại tang, lập hương án bày linh vị phụ mẫu tiên hoàng rồi sai thị vệ bắc máy nối dây, cầm ống nghe quỳ gập mình bẩm báo mọi việc trên đời với vong linh những người đã khuất, vừa lầm rầm khấn tấu vừa không ngớt đưa tay gạt dòng nước mắt. Ngày 25-4-1926, Thuần Tông trút hơi thở cuối cùng bởi những vết thương tinh thần trầm trọng.

Những cái tên cuối cùng trong gia phả hoàng thất triều đại Joseon

Các phi tần của Hoàng đế Cao Tông từng sinh cho ông hơn chục người con gồm cả trai gái, đa phần đều yểu mạng. Ngoài Lý Thạch con của hoàng hậu Myeong Seong, những người còn lại đều là con cái của các quý phi, quý nhân. Thuần Tông Lý Thạch không người nối dõi nên em trai là Lý Ngần được lập vương.

Tháng 12-1907, Lý Ngần mới 10 tuổi, được toàn quyền Ita đưa sang Nhật du học thực chất là nằm trong âm mưu bắt cậu để dùng làm con tin trong những cuộc mặc cả chính trị sau này. Lý Ngần được đưa vào học Trường sĩ quan lục quân Thiên Hoàng, sau đó tham gia quân đội Nhật.

Năm 1920, lại cũng chính người Nhật sắp đặt cho Lý Ngần kết hôn với công nương Hoshi dòng dõi hoàng tộc Nhật Bản. Hoshi nhan sắc nghiêng thành, từng được tiến cử làm thái tử phi Nhật Bản, nhưng vì ngự y chẩn đoán rằng cô không có khả năng sinh con nên được “đẩy lên” bàn cờ hôn phối với hậu duệ Lý Ngần của vương thất Đại Hàn.

Nhưng vương phi Hoshi lại một lòng yêu kính và coi đất nước chồng như tổ quốc mình, hai người sống bên nhau trong hạnh phúc và tin nhau tuyệt đối. Mưu thâm làm cho vương thất Đại Hàn tuyệt tự bị “phá bĩnh” vì bỗng dưng vương phi Hoshi lưu giữ được giọt máu của Lý Ngần và sinh hạ con trai Lý Tấn.

Khi Lý Tấn mới 7 tháng tuổi, chưa kịp hoàn thành dự định đưa con về Triều Tiên, cậu bé bất ngờ tắt thở. Tháng 12-1931, vợ chồng Lý Ngần – Hoshi lại sinh con trai thứ – hoàng thế tôn cuối cùng của vương triều Joseon ngay trên đất Nhật Bản – đặt tên là Lý Cửu.

Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, lực lượng quân phiệt Nhật đại bại, Thiên hoàng Nhật Bản phải đích thân đọc tuyên cáo đầu hàng quân Đồng Minh vô điều kiện. Từ đây, cuộc sống của cả “gia đình con tin” Lý Ngần mới chấm dứt, đồng thời cũng bị bãi bỏ nguồn kinh phí từ hoàng gia Nhật Bản nhằm duy trì cuộc sống. Chính phủ Nhật Bản không thừa nhận họ là công dân Nhật Bản, chính phủ Hàn Quốc mới thành lập cũng không công nhận họ là người Hàn Quốc!

Mãi tới năm 1963, Lý Ngần mới được phép dẫn theo mọi người trong gia đình về định cư tại Hàn Quốc. Được quay về cố quốc,  vợ chồng Lý Ngần dùng danh nghĩa là bào đệ của Thuần Tông Lý Thạch kêu gọi những tổ chức tư nhân và các nhà tài phiệt mang tư tưởng bảo hoàng đóng góp tài chính cho các hoạt động trùng tu lăng tẩm, đền đài của vương triều xưa và làm từ thiện. Năm 1970, Lý Ngần qua đời, thọ 73 tuổi, người vợ gốc hoàng gia Nhật Bản trọn đời tình nghĩa 19 năm sau mới nối gót theo ông.

Ngược về quá khứ, tháng 5-1912, có một phi tần sinh cho Cao Tông một cô công chúa được đặt tên là Đức Huệ. Cao Tông lúc đó đã 60 tuổi. Ngoài mặt vui mừng bao nhiêu thì trong lòng lo lắng bấy nhiêu vì ông rất sợ công chúa Đức Huệ cũng sẽ bị người Nhật bắt đi mất. Vì vậy, khi Đức Huệ còn nhỏ, ông đã ngầm đánh tiếng tuyển phò mã với hy vọng giữ lại được con gái.

Không lâu sau, Cao Tông băng hà. Năm 1925, khi lên 13 tuổi, công chúa Đức Huệ bị người Nhật đưa sang Tokyo tiếng là để nhận sự giáo dục dành cho con cháu vương thất. Ít lâu sau, mẹ đẻ của cô bị bạo bệnh qua đời. Cô công chúa bé bỏng liên tục chứng kiến sự ra đi của những người thân yêu nhất, muốn chở che bảo vệ cô nhất nên cô dần trở nên xa lánh tất cả người lạ rồi lâm chứng tự kỷ, thiểu năng trí tuệ.

Lúc này, cũng lại hoàng gia Nhật Bản tìm cách sắp xếp hôn nhân cho Đức Huệ, gả cô cho một công tử dòng dõi quyền quý tên là Syubushi. Lý Ngần kịch liệt phản đối cuộc hôn nhân này, nhưng ông cuối cùng cũng không thể làm gì hơn cho cô em gái đáng thương.

Sau khi lấy chồng, bệnh tình của công chúa Đức Huệ trở nên thất thường, đôi lúc nhớ và kể rành mạch mọi chuyện và nhiều khi nói cười như người vô thức, hay biểu hiện nỗi sợ hãi kỳ quặc nên người ta phải đưa cô vào bệnh viện tâm thần. Năm 1953, trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê, công chúa Đức Huệ ký vào giấy ly hôn được người khác thảo sẵn.

Năm 1962, công chúa Đức Huệ được đưa về nước, vào điều trị tại bệnh viện thủ đô Seoul. Khi bệnh tình tạm thuyên giảm, bà được xuất viện và chính phủ bố trí cho bà sống trong một căn phòng thuộc hoàng cung ngày xưa. Năm 1989, công chúa Đức Huệ qua đời, hưởng thọ 77 tuổi.

Lý Cửu, con trai của Lý Ngần và phu nhân Hoshi khi lớn lên cũng sang Nhật du học và sau là Mỹ. Năm 1958, Lý Cửu yêu và kết hôn cùng một cô gái Mỹ tên Julia Molock. Năm 1982, do Julia không thể sinh cho chồng một người nối dõi tông đường nên hai người chia tay nhau. Năm 2005, Lý Cửu qua đời tại Tokyo, khép lại trang gia phả cuối cùng của hoàng gia triều đại Joseon.

Cung “an dưỡng” của quan nhiếp chính quyền uy

Cung Unhyun là một trong các di tích lịch sử quan trọng liên quan đến giai đoạn cuối triều đại Joseon. Vua Cao Tông lên ngôi khi tuổi đời còn quá trẻ, nên trong suốt 10 năm đầu tiên trị vì, từ năm 1863 đến 1873, mọi công việc triều chính đều do thân phụ là Hưng Tuyên Đại Viện Quân nhiếp chính.

Ông nổi tiếng cứng rắn và nhiều mưu mô trong việc đàn áp các thế lực chính trị đối đầu, cương quyết thực hiện chính sách bế quan tỏa cảng để ngăn chặn và tiêu trừ mọi luồng ảnh hưởng từ phương Tây như tư tưởng dân chủ, đạo Thiên chúa hay phong trào Tây học…

Vì Cao Tông lên ngôi khi chỉ mới 12 tuổi, nên Hưng Tuyên Đại Viện Quân đã thay con nhiếp chính công việc triều đình. Tại cung Unhyun, ông đã cho thực hiện rất nhiều chính sách quan trọng của quốc gia. Nơi này không ít lần chứng kiến việc ông dùng quyền uy để gây ảnh hưởng lên việc cải cách chính trị. Kể từ sau khi được thăng chức từ Hưng Tuyên Quân lên thành Hưng Tuyên Đại Viện Quân, dinh thự của ông cũng được mở rộng và nâng cấp hoành tráng cho tương xứng với quy mô cung điện đồng thời được đổi tên thành cung Unhyun.

Vào thời điểm rộng nhất, cung Unhyun có diện tích khoảng 33.000m², kéo dài từ Viện văn hóa Nhật Bản đến tận sân vận động Trường tiểu học Gyodong và từ Viện văn hóa Nhật Bản đến tòa nhà Công ty Samwhan ngày nay. Theo sử sách ghi chép, tường rào của cung kéo dài đến hàng trăm mét, với 4 cửa, trông không thua kém gì các cung điện của bậc vua chúa.

Một công trình quan trọng trong cung Unhyun có tên gọi là “Lão An Đường”- nơi an dưỡng khi về già – Ngôi nhà này có chiều ngang 6 gian và chiều rộng 3 gian. Có lẽ Hưng Tuyên Đại Viện Quân đặt tên cung như vậy nhằm tránh miệng lưỡi thế gian gán cho mình là người tham quyền cố vị, nhưng thực chất “Lão An đường”  lại là nơi giải quyết các công việc triều chính trọng đại và che giấu hoạt động chính trị của ông.

“Nơi an dưỡng” của nhiếp chính Hưng Tuyên lúc ấy đã “cáo lão về vườn” là nơi khởi phát cuộc binh biến năm 1882, theo lệnh ông, các đạo quân chủ lực hoàng gia đã tấn công và thanh trừng nhiều thân hữu và đồng minh của Vương phi Myeong Seong.

Trước tình thế rối ren bởi thù trong giặc ngoài, hai vợ chồng nhà vua buộc phải chạy trốn khỏi hoàng cung, Hưng Tuyên Đại Viện Quân tiếp quản hoàng cung, nhanh chóng ban bố lệnh thủ tiêu tất cả các chương trình hiện đại hóa, khôi phục lại các chính sách bế quan tỏa cảng.

Nhận sự cầu viện từ vua Cao Tông, nhà Thanh đã phái binh lính đến dẹp loạn. Quan nhiếp chính bị bắt giữ, nhưng vì là thân phụ của vua nên không bị khép tội phản nghịch, từ đây bị tước bỏ mọi quyền hành và không được giữ bên mình cho dù một tên lính thị vệ có vũ trang. Ông sống hết quãng đời còn lại của mình tại nơi này cho đến khi qua đời vào năm 1898.

Bên cạnh “Lão An đường “ là “Lão Lạc Đường”, theo lời người xưa truyền lại, nhân tài nào được Hưng Tuyên Đại Viện Quân trọng dụng đều phải bước qua chiếc cổng này để lên nhậm chức. Vì vậy, chiếc cổng này có tên là “Đăng Long Môn”, tức là cửa rồng bay lên. “Lão Lạc Đường” thênh thang với 9 căn phòng nằm ở trung tâm cung Unhyun, với chiều ngang 10 gian và chiều rộng 3 gian. Đây cũng chính nơi diễn ra hôn lễ của vua Cao Tông và Vương phi Myeong Seong vào ngày 21-1-1866. Một tháng trước khi cử hành hôn lễ, Myeong Seong đã được nhập cung học các nghi lễ Hoàng gia.

Để cử hành hôn lễ, hoàng gia đã phải huy động 1.641 người và 700 con tuấn mã, và tất cả đều phải đi xuyên qua cung Unhyun. Sau hôn lễ, nếu Vua Cao Tông ở phòng to nhất, hoàng hậu ở phòng to thứ hai thì sẽ không còn nơi nào đủ rộng để vợ chồng Hưng Tuyên Đại Viện Quân nghỉ ngơi. Nghĩ vậy Hưng Tuyên Đại Viện Quân đã cho xây dựng Nhị Lão Đường. Như vậy ngoài Lão Lạc Đường là nhà chính thì vợ chồng Hưng Tuyên Đại Viện Quân còn có một không gian riêng biệt khác là “Nhị Lão Đường”.

Đây từng là nơi nghỉ ngơi của thân mẫu vua Cao Tông, tức phu nhân của Hưng Tuyên Đại Viện Quân. Ngôi nhà này có 7 gian chiều ngang và 7 gian chiều rộng, được làm theo cấu trúc hình vuông để ngăn chặn nam giới xâm nhập, ngoại trừ Hưng Tuyên Đại Viện Quân. Chữ “Nhị” có nghĩa là hai, còn chữ “Lão” có nghĩa là già, như vậy “Nhị Lão Đường” có nghĩa là nơi sống của hai người cao tuổi đáng kính nhất trong cung, ý chỉ hai vợ chồng Hưng Tuyên Đại Viện Quân.

Đối diện Nhị Lão Đường giờ là tòa Bảo tàng di sản; được chia thành 18 khu, bao gồm khu hiện vật liên quan đến cung Unhyun, khu di vật của Hưng Tuyên Đại Viện Quân, khu trưng bày y phục cưới của vua Cao Tông và vương phi Myeong Seong.

Xưa kia, để diện kiến Vua Cao Tông, Hưng Tuyên Đại Viện Quân thường xuyên đi từ cung Unhyun đến chỗ vua thiết triều là cung Gyeongbuk (Cảnh Phúc cung, nơi các thích khách Nhật Bản đột nhập giết hại nhiều người và Vương phi Myeong Seong năm 1895).

Ngày nay, vào mỗi chiều chủ nhật của tháng 4, tháng 5, tháng 9 và tháng 10 hàng năm, ban quản lý khu di tích lại cho tái hiện hành trình vào cung “vấn an” nhà vua của vị nhiếp chính một thời quyền uy nghiêng trời lệch đất, để du khách trong và ngoài nước có dịp cùng xem và hiểu rõ hơn về cuộc sống của ông lúc bấy giờ.

Những buổi biểu diễn tái hiện hoạt cảnh Hưng Tuyên Đại Viện Quân vào cung chỉ được tiến hành 2 lần vào ngày chủ nhật. Một người đàn ông mặc trang phục đại quan triều đình, ngồi trong một chiếc kiệu lớn và được khoảng 20 người trong vai lính tráng hộ tống qua các con đường trong tiếng nhã nhạc vang lừng.

Cung Unhyun bây giờ chỉ rộng ước chừng 7.100m2, tức chỉ bằng một phần tư kích thước ban đầu, tọa lạc tại phường Unni, quận Jongno, thủ đô Seoul. Hiện vẫn còn một hậu duệ của Hưng Tuyên Đại Viện Quân là nhà nghiên cứu Lee Cheong, năm nay đã 75 tuổi, đang sinh sống trong cung.

Vào năm 1993, ông nhượng quyền sở hữu di tích này cho chính quyền thành phố Seoul với giá khoảng 7,5 triệu USD. Sau đó, chính quyền đã chi thêm khoảng 1,2 triệu USD để tiến hành tu sửa, tân trang và bảo quản. Bắt đầu từ năm 1997 cho đến nay, cung Unhyun đã trở thành một tài sản lịch sư ã- văn hóa của thủ đô Seoul.

Đâu là dung mạo Vương phi liệt nữ?

Ngày 15-8-2010, một nhóm nghiên cứu về văn hóa của Trường Đại học Chonnam Hàn Quốc đã công bố một bức ảnh chân dung hoàng hậu Myeong Seong đăng trên tờ nhật báo Novaya Vremia của thành phố St. Petersburg, Nga vào ngày 21-10-1895.

Một vương phi của một vương quốc vùng viễn đông xuất hiện trên nhật báo Nga vì sau cuộc chiến tranh Giáp Ngọ năm 1894, Nhật Bản tuy là “đồng văn đồng chủng” với Trung Quốc nhưng bắt đầu vươn lên bành trướng. Vì thua trận, Thanh triều phải ký hòa ước Mã Quan (1895) mà Phương Tây gọi là hòa ước Shimonoseki, lấy tên địa điểm ký kết tại thành phố phía Nam Nhật Bản và sau đó lần lượt diễn ra các đợt nhượng bộ lãnh thổ ở phía Bắc với Nhật, Nga và các nước khác, trong đó Bắc Kinh phải bồi thường chiến phí cho Nhật và rút quân khỏi Triều Tiên.

Vương triều Triều Tiên mất sạch niềm tin dựa vào đế chế nhà Thanh nên Vương phi Myeong Seong phải quay sang cầu cạnh nước Nga, những mong nước này hợp tác giúp bà chống Nhật.

Việc bà bị nhóm thích khách Nhật Bản mù quáng sát hại vào ngày 8-10-1895 để lại dấu ấn về những gì xấu xa và tàn bạo trong lịch sử: Xác của bà bị thiêu rụi và những tổ chức tuyên truyền cho Chính phủ Nhật Bản đã miêu tả cuộc ám sát như là hệ quả của cuộc tranh giành quyền lực giữa lực lượng cấp tiến do vua Cao Tông và bà đứng đầu và phe thủ cựu đối lập là cha chồng bà – nhiếp chính Hưng Tuyên Đại Viện Quân.

Trong giới sử học lưu truyền hai giả thuyết lý giải vì sao đường đường là một quốc mẫu nhưng Myeong Seong không hề lưu lại một bức chân dung nào cho hậu thế chiêm ngưỡng.

Giả thuyết thứ nhất cho rằng, những người thân cận vì lo sợ bà sẽ bị ám sát trong cuộc đối đầu quyết liệt này nên đã khuyên bà hết sức hạn chế việc lộ diện. Tạp chí Three miles của Hàn Quốc trong số ra tháng 9-1933, từng viết: “Không một ai thấy được dung nhan của hoàng hậu Myeong ngoài Vua Cao Tông và những người trong vương thất”.

Quan điểm thứ hai là, sau khi giết hại vương phi, quân Nhật đã đốt sạch toàn bộ ảnh chụp của bà.

Bức ảnh Vương phi Myeong Seong đăng trên nhật báo Novaya Vremia của Nga chiều cao 8cm, ngang 5cm, bên dưới có dòng chú thích: “Người con gái hoàng gia Triều Tiên bị sát hại”. Trang phục và kiểu tóc của người phụ nữ quý tộc trong bức chân dung này giống hệt các phu nhân triều đại nhà Thanh của Trung Quốc, nhưng khuôn mặt lại có nét hao hao giống phụ nữ Tây Âu ở điểm mắt 2 mí và sống mũi cao!

Theo suy đoán của nhóm nghiên cứu văn hóa, bức ảnh này đã được vẽ bởi người họa sĩ theo hầu phu nhân đại sứ Nga đến tiếp kiến Vương phi Myeong Seong. Một giáo sư trong nhóm nghiên cứu cho biết: “Căn cứ theo quy tắc của hoàng cung thời bấy giờ, họa sĩ người nước ngoài không được phép vào cung vì vậy, đây có thể là bức chân dung được vẽ lại dựa trên lời mô tả về ngoại hình và cách ăn mặc của người đã được thấy tận mắt dung mạo của vương phi. Vì chỉ vẽ theo lời mô tả nên đến phần trang phục, ông ta lấy kiểu trang phục của nữ nhân quyền quý Thanh triều… đắp vào”.

Một số nhà phân tích cho rằng, sở dĩ Vương phi Myeong Seong có khuôn mặt giống người phương Tây vì chịu ảnh hưởng bởi suy nghĩ của chính phủ Nga khi đó. Một thành viên của đoàn nghiên cứu lịch sử Đông Bắc Á còn chỉ ra rằng: “Bức chân dung này được vẽ dựa trên lời mô tả của một phụ nữ Anh, từng sống tại Triều Tiên, có tên Isabela “. Nhưng hầu hết người Hàn Quốc cho rằng, bức vẽ này khác xa hình ảnh phụ nữ Triều Tiên thời kỳ đó, và tuyệt đối không thể là hình ảnh chân thực về vị vương phi mà họ yêu kính.

Sau này, tờ báo Tin tức độc lập được thành lập ở Los Angeles vào năm 1910 bởi vị tổng thống Hàn Quốc đầu tiên, Syng Man Rhee (Lý Thừa Vãn) từng đăng một bức ảnh chú thích “Hoàng hậu Myeong Seong”. Nhưng ngay sau đó, lập tức có ý kiến hoài nghi cho rằng Hoàng hậu không thể chụp ảnh với phục trang của một thường dân như thế.

Năm 1935, Nhật báo Triều Tiên cho đăng một bức ảnh toàn thân của hoàng hậu Myeong Seong. Khi ấy, có nhà sử học đã đích thân đi tìm vị cung nữ từng hầu hạ Hoàng hậu để xác nhận, nhưng người đó đã phủ nhận ngay khi nhìn bức ảnh.

Ngoài ra, còn có bức ảnh được tìm thấy trong tập ảnh của một doanh nhân người Đức có dịp đến Triều Tiên trong khoảng thời gian từ năm 1894-1895. Trong tập ảnh này có ảnh Hoàng đế Cao Tông và con trai, và đáng chú ý là một bức ảnh được cho là của hoàng hậu Myeong Seong bởi dòng chú thích phía dưới bức ảnh ghi: “Vương phi bị sát hại”.

Một bức ảnh khác về Hoàng hậu Myeong Seong cũng được lưu truyền rất rộng rãi và đã được sử dụng trong giáo trình lịch sử xuất bản năm 1990 của Hàn Quốc. Nhưng đến năm 1906, trong cuốn sách “Ghi chép về những điều mắt thấy tai nghe tại Hàn Quốc” của tác giả Hummel Herbert, người từng công bố bức ảnh trên, khi giới thiệu về bức ảnh này, ông lại nói đó là ảnh một cung nữ! Đến năm 2004, bức ảnh đã được giới học thuật xác nhận là ảnh của cung nữ và xóa khỏi giáo trình lịch sử.

Năm 2005, một học giả người Hàn Quốc đã công bố một bức vẽ minh họa ông mua tại Nhật Bản mô tả khung cảnh một công sứ người Nhật cùng phiên dịch của ông đến tiếp kiến hoàng đế Cao Tông và Hoàng hậu Myeong vào ngày 8-12-1894. Bức ảnh minh họa này được đăng trên tạp chí Họa báo phong tục số 84, phát hành lần đầu vào ngày 25-1-1895 tại Nhật Bản. Nội dung bức ảnh tuy rất đáng chú ý nhưng suy cho cùng thì vẫn là một… bức minh họa.

Hơn 120 năm đã trôi qua kể từ ngày Hoàng hậu Myeong Seong kết thúc cuộc đời bi tráng, vì không để lại bức ảnh nào nên hậu thế vẫn không ngừng tìm kiếm trong nhiều  thư tịch không những trong nước mà còn ở nước ngoài và tùy nghi phác họa chân dung bà theo những cách riêng của mình, nhưng các nhà nghiên cứu Hàn Quốc đều cho rằng, đến nay, vẫn chưa có bức ảnh nào của bà được xem là chân xác nhất.

Theo AN NINH THẾ GIỚI

Tags: