Cuộc cải cách để bành trướng toàn cầu của quân đội Trung Quốc

Quân đội Trung Quốc đã bắt đầu cải cách cùng với cả đất nước này từ cuối thập niên 1970. Động cơ khác thúc đẩy cải cách quân đội là cuộc chiến xâm lược Việt Nam thất bại năm 1979.

Nguồn: Tân trường thành của Trung Quốc / Aleksandr Khramchikhin, Phó Giám đốc Viện Phân tích chính trị và quân sự // NVO, 20/10/2017.

Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu, việc cải cách chỉ là cắt giảm mạnh quân số (trước hết dĩ nhiên là giảm quân số lục quân) vốn được huấn luyện và bảo đảm cực kỳ tồi may lắm là chỉ có vũ khí bộ binh. Số lượng vũ khí trang bị sản xuất thời Thế chiến II và thập niên 1950 cũng bị cắt giảm đáng kể. Nhiều binh đoàn, đơn vị đã bị giải thể, chủ yếu là bộ binh (ở đúng nghĩa đen của thuật ngữ này). Thực chất chẳng hề có cải cách thực sự nào. Tuy vậy, các biện pháp này đã cho phép cắt giảm đáng kể chi phí quân sự, dồn thêm tiền để tiến hành cải cách kinh tế. Ngoài ra, quân đội Trung Quốc còn có quyền hoạt động kinh tế. Điều đó đã làm giảm nhẹ hơn nữa gánh nặng nuôi dưỡng quân đội Trung Quốc cho ngân sách nhà nước, nhưng cũng đã sinh ra nạn tham nhũng lớn nên vào năm 1998, hoạt động kinh tế của quân đội bị chấm dứt.

Tiếp sau tăng trưởng kinh tế

Cùng với sự gia tăng sức mạnh kinh tế của Trung Quốc, chi phí quân sự cũng bắt đầu tăng dần, trên cơ sở các công nghệ nội địa và nước ngoài (cả của Liên Xô/Nga lẫn của phương Tây) đã chế tạo ra các mẫu vũ khí trang bị mới.

Lúc đầu, các mẫu này thua kém xa các mẫu nước ngoài về chất lượng. Bộ chỉ huy quân đội Trung Quốc hiểu rõ điều đó nên các mẫu vũ khí trang bị này đã được sản xuất với số lượng rất hạn chế và thực chất chỉ là các mẫu thí nghiệm. Tuy nhiên, rất nhiều chuyên gia nước ngoài, kể cả ở Nga, đã sai lầm xem đó là chính sách lâu dài. Luận thuyết cho rằng, quân đội Trung Quốc mua sắm vũ khí trang bị hiện đại chỉ ở số lượng không đáng kể cho các đơn vị tinh nhuệ cho đến nay vẫn thấy nói trong sách báo mặc dù chẳng có chút gì đúng so với hiện thực. Sau khi một mẫu vũ khí trang bị nào đó được hoàn thiện đạt đến các tính năng kỹ-chiến thuật mà bộ chỉ huy quân đội Trung Quốc yêu cầu, nó liền được đưa vào sản xuất hàng loạt, điều dễ dàng thực hiện nhờ năng lực sản xuất khổng lồ của công nghiệp quốc phòng Trung Quốc. Trong quân đội Trung Quốc có khẩu hiệu “kết hợp cơ giới hóa và thông tin hóa”, có nghĩa là mua sắm hàng loạt tất cả loại vũ khí trang bị hiện đại dành cho tất cả các quân chủng, đồng thời áp dụng vào quân đội các phương pháp tác chiến lấy mạng làm trung tâm. Hiện nay, Trung Quốc đã tiến lên trình độ những nước tiên tiến nhất về gần như tất cả các chủng loại vũ khí trang bị. Nếu như vẫn còn sự thua hụt về chất lượng nào đó thì nó cũng không phải là nghiêm trọng, hơn nữa lại dễ dàng được bù đắp bởi số lượng vũ khí trang bị được sản xuất ra.

Cho đến gần đây, trong cơ cấu tổ chức của quân đội Trung Quốc vốn xây dựng theo mô hình “Phổ-Liên Xô” đã gần như không diễn rea sự thay đổi nào. Do đó, việc đưa vào trang bị cho quân đội các vũ khí trang bị hiện đại ở mức độ nhất định đã chỉ là “đổ rượu mới vào bình cũ”. Cuối cùng, từ năm 2016, cuộc cải cách cơ cấu tổ chức quân đội Trung Quốc đã bắt đầu và chính nó đang thực sự làm thay đổi diện mạo quân đội Trung Quốc. Quân đội Trung Quốc không còn là quân đội kiểu “Phổ-Liên Xô” và trở thành kiểu “Mỹ-Nga”. Rõ ràng là chính quân đội Mỹ và quân đội Nga hiện nay đã trở thành hình mẫu cho giới lãnh đạo chính trị-quân sự Trung Quốc trong quá trình cải cách hai năm qua. Song dĩ nhiên là quân đội Trung Quốc mới không sao chép cả quân đội Mỹ lẫn Nga.

Cần phải nói rằng, quyền lãnh đạo của đảng đối với quân đội Trung Quốc đã chỉ càng được tăng cường. Quân ủy trung ương đảng cộng sản Trung Quốc vẫn là cơ quan lãnh đạo tối cao quân đội Trung Quốc và thực tế là cả quốc gia nói chung.

Hiện nay, Quân ủy trung ương gồm có: Bộ tham mưu liên hợp (bao gồm các bộ tham mưu quân chủng), Văn phòng Quân ủy, 5 bộ (Công tác chính trị, Phát triển trang bị, Quản lý và huấn luyện, Bảo đảm hậu cần, Động viên quốc phòng), 3 ủy ban (Chính pháp, Kiểm tra kỷ luật, KHKT), 3 văn phòng (Quy hoạch chiến lược, Cải cách và biên chế, Hợp tác quân sự quốc tế), Cục Kiểm toán và Tổng cục Quản lý các cơ quan quân ủy. Bộ tổng tham mưu và các tổng cục bị giải thể, Bộ tham mưu liên hợp mới giống nhiều hơn với Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân. Đồng thời, lục quân cũng đã lần đầu tiên có bộ tư lệnh riêng của mình mà các chức năng của nó trước đây là do Bộ tổng tham mưu đảm nhiệm.

Trực thuộc Quân ủy trung ương hiện nay có 5 chiến khu: Bắc bộ (Bộ tư lệnh đặt tại thành phố Thẩm Dương), Trung bộ (Bắc Kinh), Tây bộ (Thành Đô), Nam bộ (Quảng Châu), Đông bộ (Nam Kinh) thay thế cho 7 đại quân khu trước đây. Các chiến khu là các tập đoàn chiến dịch-chiến lược cao nhất của quân đội Trung Quốc, dưới quyền chỉ huy của chúng là tất cả các binh đoàn, đơn vị và hạm tàu của lục quân, không quân và hải quân Trung Quốc.

Ngoài ra, trực thuộc Quân ủy trung ương còn có Lực lượng tên lửa, cũng như quân chủng thứ 5, hoàn toàn mới là Lực lượng chi viện chiến lược phụ trách chuẩn bị cho chiến tranh lấy mạng làm trung tâm, tác chiến không gian mạng, chiến tranh vũ trụ, tác chiến điện tử.

Quân chủng mới – Lực lượng chi viện chiến lược

Phần lớn các đơn vị biên chế của Lực lượng chi viện chiến lược liên quan đến hạ tầng vũ trụ: Đó là Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền (chính là sân bay vũ trụ Shuangchengzi hay Căn cứ 20), Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên (Sân bay vũ trụ Ngũ Trại, Căn cứ 25), Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương (Sân bay vũ trụ Tây Xương, Căn cứ 27), hai trung tâm điều khiển bay vũ trụ (Ở Bắc Kinh và Tây An), Trung tâm vũ trụ giám sát đại dương (Căn cứ 23). Ngoài ra, thuộc biên chế Lực lượng chi viện chiến lược còn có trường thử hạt nhân ở Khu tự trị Tân Cương-Duy Ngô Nhĩ (chính là Căn cứ 21), Trung tâm nghiên cứu và phát triển khí động học (Căn cứ 29), Đại học ngoại ngữ quân đội Trung Quốc, các trung tâm quân y, cũng như Đơn vị 61786 (Một viện nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ thông tin).

Trung Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới thành lập một quân chủng với tư cách Lực lượng chi viện chiến lược. Nó sẽ không chịu trách nhiệm về bảo đảm hậu cần cho lực lượng vũ trang truyền thống mà về phát triển và tiến hành các phương pháp tác chiến mới. Rõ ràng là tại đây, người ta nghiên cứu phát triển các hình thức và phương pháp tác chiến lấy mạng làm trung tâm dành cho chính quân đội Trung Quốc và đối phó với các hình thức và phương pháp tác chiến đó của quân đội nước ngoài, trước hết là quân đội Mỹ. Sự phụ thuộc quá mức của quân đội Mỹ vào các loại vệ tinh có chức năng khác nhau trở thành một trong những điểm sơ hở nhất của quân đội Mỹ. Việc phá hủy vật lý và/hoặc chế áp vô tuyến điện tử đối với các vệ tinh của đối phương đối với quân đội Trung Quốc nói chung và trước hết là Lực lượng chi viện chiến lược sẽ là nhiệm vụ không kém phần quan trọng so với việc triển khai các cụm vệ tinh của mình. Ngoài ra, Lực lượng chi viện chiến lược sẽ được giao nhiệm vụ tiến hành chiến tranh thông tin ở nghĩa rộng của thuật ngữ này – tức là từ tác chiến điện tử cho đến chiến tranh tâm lý.

Một quân chủng trước đây mang cái tên khá lạ lùng “Lực lượng pháo binh 2” từ năm 2016 đã có cái tên phù hợp hơn là Lực lượng tên lửa (tương đương với Bộ đội Tên lửa chiến lược Nga). Nhiều khả năng, quân chủng này vẫn duy trì cơ cấu tổ chức bên trong như cũ – các quân đoàn (tập đoàn quân) tên lửa (căn cứ) được biên chế mấy lữ đoàn tên lửa. Mỗi lữ đoàn được trang bị một loại tên lửa, gồm từ 3-6 tiểu đoàn tên lửa. Mỗi tiểu đoàn gồm 3 đại đội tên lửa, còn mỗi đại đội có thể gồm 3 trung đội tên lửa. Tùy thuộc vào chủng loại tên lửa, mỗi bệ phóng có thể nằm trong trang bị của một đại đội tên lửa hay một trung đội tên lửa. Do đó, mỗi lữ đoàn tên lửa có thể có từ 9-54 bệ phóng (giếng phóng hay bệ phóng cơ động).

Trong Lực lượng tên lửa hiện có 9 quân đoàn tên lửa, từ số 61 đến 69.

Từ sư đoàn chuyển sang lữ đoàn

Trong Lục quân và Không quân Trung Quốc từ trước cải cách năm 2016 đã bắt đầu quá trình chuyển dần từ các sư đoàn sang các lữ đoàn với tư cách loại binh đoàn chủ yếu. Trong Lục quân, đã thành lập nhiều lữ đoàn các loại, phân bố rất không đồng đều theo các đại quân khu và quân đoàn.

Trong Không quân vốn từng có 44 sư đoàn không quân, mỗi sư đoàn gồm 3 trung đoàn, việc chuyển sang các lữ đoàn diễn ra bằng cách rút các trung đoàn khỏi biên chế các sư đoàn và chuyển đổi thành các lữ đoàn với cùng phiên hiệu (hơn nữa, trung đoàn vẫn giữ nguyên biên chế cũ). Như vậy, trong sư đoàn còn lại 1 hay 2 trung đoàn, hoặc là bộ chỉ huy sư đoàn bị giải thể hoàn toàn. Trong tiến trình cải cách hiện nay, quá trình “lữ đoàn hóa” trong Không quân Trung Quốc đã được đẩy nhanh, còn trong Lục quân thì lại có nội hàm hoàn toàn mới mà về thực chất có thể coi là giai đoạn 2 của đợt cải cách hiện nay (bắt đầu vào mùa xuân năm 2017). Nó trù định giải thoát cho Lục quân khỏi những tàn tích của bộ binh truyền thống chất lượng thấp và chuyển hẳn thành chủ lực của quân đội hiện đại.

Hiện nay, trong Lục quân còn lại 13 quân đoàn, trong mỗi quân đoàn có 6 lữ đoàn hợp thành và 6 lữ đoàn chuyên trách.

Các lữ đoàn hợp thành được xây dựng bằng cách “pha trộn” các sư đoàn và lữ đoàn xe tăng, cơ giới hóa và bộ binh cơ giới. Theo thông tin hiện có, một lữ đoàn hợp thành gồm có 4 tiểu đoàn độc lập, 1 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn phòng không, 1 tiểu đoàn công binh, nhiều đơn vị khác. Mỗi tiểu đoàn độc lập được biên chế 31 xe chiến đấu bộ binh hay xe bọc thép chở quân và 6 cối 120 mm, ngoài ra, trong 2 trong số 4 tiểu đoàn độc lập, mỗi tiểu đoàn được biên chế 40 xe tăng hay xe chiến đấu trang bị vũ khí hạng nặng. Trong tiểu đoàn pháo có 36 pháo tự hành và /hoặc pháo phản lực (hệ thống rocket phóng loạt) và 9 hệ thống tên lửa chống tăng tự hành, còn tiểu đoàn phòng không được biên chế 18 hệ thống pháo-tên lửa phòng không và hệ thống tên lửa phòng không mang vác.

Các lữ đoàn chuyên trách trong mỗi quân đoàn là 1 lữ đoàn pháo, 1 lữ đoàn phòng không, 1 lữ đoàn đặc nhiệm, 1 lữ đoàn không quân lục quân, 1 lữ đoàn công binh, 1 lữ đoàn chi viện. Phiên hiệu của các lữ đoàn này giống phiên hiệu của quân đoàn mà chúng trực thuộc. Trong 2 trong số 13 quân đoàn, thay cho 1 lữ đoàn không quân lục quân lại là 1 lữ đoàn đổ bộ đột kích.

Chiến khu Bắc bộ

Hiện nay, nằm trong địa bàn trách nhiệm của Chiến khu Bắc bộ quân đội Trung Quốc hiện là toàn bộ đường biên giới với Nga (ngoại trừ một khu vực nhỏ phía Tây trên dãy Altai), đường biên giới với CHDCND Triều Tiên và phần lớn đường biên giới với Mông Cổ.

Lục quân Chiến khu Bắc bộ có 3 quân đoàn.

Quân đoàn 78 gồm: Các lữ đoàn hợp thành 8, 48, 68, 115, 202, 204, lữ đoàn pháo 78, lữ đoàn phòng không 78, lữ đoàn đặc nhiệm 78, lữ đoàn không quân lục quân 78, lữ đoàn công binh 78, lữ đoàn chi viện 78.

Quân đoàn 79: Các lữ đoàn hợp thành 46, 116, 119, 190, 191, 200, lữ đoàn pháo 79, lữ đoàn phòng không 79, lữ đoàn đặc nhiệm 79, lữ đoàn không quân lục quân 79, lữ đoàn công binh 79, lữ đoàn chi viện 79.

Quân đoàn 80: Các lữ đoàn hợp thành 47, 69, 118, 138, 199, 203, lữ đoàn pháo 80, lữ đoàn phòng không 80, lữ đoàn đặc nhiệm 80, lữ đoàn không quân lục quân 80, lữ đoàn công binh 80, lữ đoàn chi viện 80.

Trực thuộc trực tiếp Chiến khu Bắc bộ có 11 lữ đoàn biên phòng (từ số 321 đến 331) và 4 lữ đoàn phòng thủ bờ biển (từ số 332 đến 335).

Trong biên chế không quân Chiến khu Bắc bộ 6 sư đoàn không quân (1, 5, 11, 12, 16, 21, bao gồm tổng cộng 13 trung đoàn không quân) và 9 lữ đoàn không quân (2, 3, 15, 31, 61, 88, 89, 90, 91).

Trực thuộc Chiến khu Bắc bộ hiện còn có Hạm đội Bắc Hải. Ngoài lực lượng tàu được biên chế (gồm cả 1 tàu sân bay và gần như tất cả các tàu ngầm hạt nhân), hạm đội còn được biên chế các sư đoàn không quân hải quân 2 và 5 Lữ đoàn lính thủy đánh bộ 77.

Chiến khu Trung bộ

Địa bàn trách nhiệm của Chiến khu Trung bộ quân đội Trung Quốc không tiếp giáp với đường biên giới bên ngoài, chiến khu này làm nhiệm vụ bảo vệ thủ đô và các chức năng “trung tâm” khác.

Lục quân Chiến khu Trung bộ cũng có 3 quân đoàn.

Quân đoàn 81 gồm: Các lữ đoàn hợp thành 7, 70, 162, 189, 194, 195, Lữ đoàn pháo 81, Lữ đoàn phòng không 81, Lữ đoàn đặc nhiệm 81, Lữ đoàn không quân lục quân 81, Lữ đoàn công binh 81, Lữ đoàn chi viện 81.

Quân đoàn 82: Các lữ đoàn hợp thành 6, 80, 151, 188, 196, 205, Lữ đoàn pháo 82, Lữ đoàn phòng không 82, Lữ đoàn đặc nhiệm 82, Lữ đoàn không quân lục quân 82, Lữ đoàn công binh 82, Lữ đoàn chi viện 82.

Quân đoàn 83: Các lữ đoàn hợp thành 11, 58, 60, 113, 129, 193, Lữ đoàn pháo 83, Lữ đoàn phòng không 83, Lữ đoàn đặc nhiệm 83, Lữ đoàn công binh 83, Lữ đoàn chi viện 83, Lữ đoàn đổ bộ đột kích 161.

Trong biên chế không quân Chiến khu Trung bộ có 6 sư đoàn không quân (7, 13, 15, 19, 24, 36, bao gồm tổng cộng 15 trung đoàn không quân) và lữ đoàn không quân 56.

Ngoài ra, trong địa bàn trách nhiệm của Chiến khu Trung bộ còn triển khai các binh đoàn, đơn vị trực thuộc trực tiếp các bộ tư lệnh không quân hoặc hải quân. Đó là Bộ tư lệnh thành phố Bắc Kinh (Các sư đoàn đồn trú 1 và 3, một sư đoàn pháo), Quân đoàn đổ bộ đường không 15 (Các lữ đoàn đổ bộ đường không 127, 128, 130, 131, 133, 134, các lữ đoàn đặc nhiệm, chi viện, không quân), Sư đoàn không quân 34, Trung tâm huấn luyện-thử nghiệm không quân (Các lữ đoàn không quân 170, 171, 172, 175, 176).

Chiến khu Tây bộ

Chiến khu Tây bộ có 2 quân đoàn lục quân.

Quân đoàn 76: Các lữ đoàn hợp thành 12, 17, 56, 62, 149, 182, Lữ đoàn pháo 76, Lữ đoàn phòng không 76, Lữ đoàn đặc nhiệm 76, Lữ đoàn không quân lục quân 76, Lữ đoàn công binh 76, Lữ đoàn chi viện 76.

Quân đoàn 77: Các lữ đoàn hợp thành 39, 40, 55, 139, 150, 181, Lữ đoàn pháo 77, Lữ đoàn phòng không 77, Lữ đoàn đặc nhiệm 77, Lữ đoàn không quân lục quân 77, Lữ đoàn công binh 77, Lữ đoàn chi viện 77.

Trong biên chế không quân Chiến khu Tây bộ có 4 sư đoàn không quân (4, 6, 20, 33, bao gồm tổng cộng 11 trung đoàn không quân), 5 lữ đoàn không quân (16, 109, 110, 111, 112) và Lữ đoàn máy bay không người lái chiến đấu 178.

Các quân khu cấp tỉnh là Quân khu Tân Cương Quân khu Tây Tạng, nằm trong thành phần Đại quân khu Lan Châu trước đây, sau đó thuộc Chiến khu Tây bộ trong thời gian không lâu, thì này trực thuộc trực tiếp Bộ tư lệnh Lục quân. Nhiều khả năng, các quân khu này cơ bản giữ nguyên cơ cấu tổ chức thời trước cải cách.

Trong biên chế Quân khu Tân Cương còn lại các sư đoàn: bộ binh cơ giới 4, cơ giới hóa nhẹ 8, các sư đoàn bộ binh sơn cước 6 và 11, Lữ đoàn pháo 2, một lữ đoàn phòng không, một lữ đoàn đặc nhiệm, Lữ đoàn không quân lục quân 3, một lữ đoàn công binh, 3 lữ đoàn biên phòng (318, 319, 320).

Quân khu Tây Tạng gồm: các lữ đoàn bộ binh sơn cước 52 và 53, Lữ đoàn hợp thành 54, Lữ đoàn pháo 308, Lữ đoàn tên lửa phòng không 651, lữ đoàn công binh, lữ đoàn đặc nhiệm, lữ đoàn không quân lục quân, 4 lữ đoàn biên phòng (305, 306, 307, 308).

Chiến khu Nam bộ

Thuộc địa bàn trách nhiệm của Chiến khu Nam bộ là đường biên giới với 3 nước Đông Nam Á (Việt Nam, Lào, Myanmar).

Lục quân chiến khu Nam bộ có 2 quân đoàn.

Quân đoàn 74: Các lữ đoàn hợp thành 1, 16, 125, 132, 154, 163, Lữ đoàn pháo 74, Lữ đoàn phòng không 74, Lữ đoàn đặc nhiệm 74, Lữ đoàn không quân lục quân 74, Lữ đoàn công binh 74, Lữ đoàn chi viện 74.

Quân đoàn 75: Các lữ đoàn hợp thành 15, 31, 32, 37, 122, 123, Lữ đoàn pháo 75, Lữ đoàn phòng không 75, Lữ đoàn đặc nhiệm 75, Lữ đoàn công binh 75, Lữ đoàn chi viện 75, Lữ đoàn đổ bộ đột kích 121.

Trực thuộc trực tiếp Chiến khu Nam bộ còn có lực lượng đồn trú Hongkong, 5 lữ đoàn biên phòng (313, 314, 315, 316, 317), 2 lữ đoàn phòng thủ bờ biển (311, 312).

Trong biên chế không quân Chiến khu Nam bộ5 sư đoàn không quân (2, 8, 9, 18, 44, bao gồm tổng cộng 10 trung đoàn không quân) và 7 lữ đoàn không quân (5, 54, 124, 125, 126, 130, 131) và 1 lữ đoàn máy bay không người lái chiến đấu. Có khả năng Trung đoàn không quân 6 của Sư đoàn không quân 2 (chính trung đoàn này là đơn vị đang tiếp nhận các tiêm kích Su-35S mua của Nga) đã được chuyển đổi thành Lữ đoàn không quân 6.

Trực thuộc Chiến khu Nam bộ còn có Hạm đội Nam Hải, trong đó có các sư đoàn không quân 8 và 9 của không quân hải quân, các lữ đoàn lính thủy đánh bộ 1 và 164.

Chiến khu Đông bộ

Chiến khu Đông bộ là chiến khu duy nhất sao chép toàn bộ một trong 7 đại quân khu trước đây (Đại quân khu Nam Kinh). Chiến khu Đông bộ kế thừa (chỉ đổi phiên hiệu) cả 3 quân đoàn lục quân của đại quân khu Nam Kinh.

Quân đoàn 71: Các lữ đoàn hợp thành 2, 35, 160, 178, 179, 235, Lữ đoàn pháo 71, Lữ đoàn phòng không 71, Lữ đoàn đặc nhiệm 71, Lữ đoàn không quân lục quân 71, Lữ đoàn công binh 71, Lữ đoàn chi viện 71.

Quân đoàn 72: Các lữ đoàn hợp thành 5, 10, 34, 85, 90, 124, Lữ đoàn pháo 72, Lữ đoàn phòng không 72, Lữ đoàn đặc nhiệm 72, Lữ đoàn không quân lục quân 72, Lữ đoàn công binh 72, Lữ đoàn chi viện 72.

Quân đoàn 73: Các lữ đoàn hợp thành 3, 14, 86, 91, 92, 145, Lữ đoàn pháo 73, Lữ đoàn phòng không 73, Lữ đoàn đặc nhiệm 73, Lữ đoàn không quân lục quân 73, Lữ đoàn công binh 73, Lữ đoàn chi viện 73.

Trực thuộc trực tiếp Chiến khu Đông bộ còn có 4 lữ đoàn phòng thủ bờ biển (301, 302, 303, 304).

Trong biên chế không quân Chiến khu Đông bộ có 5 sư đoàn không quân (10, 14, 26, 28, 32, bao gồm tổng cộng 12 trung đoàn không quân) và 9 lữ đoàn không quân (7, 8, 9, 78, 83, 85, 86, 93, vận tải-cứu hộ) và 1 lữ đoàn máy bay không người lái chiến đấu.

Cũng trực thuộc Chiến khu Đông bộ còn có Hạm đội Đông Hải, trong đó có các sư đoàn không quân hải quân 4 và 6.

Từ “biển người” sang “biển robot”

Từ cơ cấu tổ chức mới của quân đội Trung Quốc, có thể rút ra kết luận về số lượng vũ khí trang bị thuộc các lớp khác nhau trong biên chế quân đội Trung Quốc. Hoàn toàn rõ ràng là các binh đoàn mới đã được thành lập không phải là để các binh sĩ xe tăng tiếp tục chạy trên các xe tăng Туре 59 (sao chép Т-54 của Liên Xô), còn các phi công tiếp tục bay trên tiêm kích J-7 (sao chép MiG-21). Tất cả các vũ khí trang bị cũ còn lại trong biên chế trong tương lai rất gần sẽ bị thay thế bằng loại mới đang được sản xuất loạt.

Ví dụ, căn cứ vào số lượn và tổ chức biên chế của các binh đoàn, có thể nói rằng, trong biên chế quân đội Trung Quốc sẽ có không dưới 7.000 xe tăng và xe chiến đấu trang bị vũ khí hạng nặng thuộc các loại mới. Mạnh nhất trong số đó là xe tăng Туре 99, tương tự nhưng không hẳn là tương đương Т-90 của Nga. Hiện có 900-1.000 xe tăng này, gần như chỉ có trong các đơn vị của Chiến khu Bắc bộ và Chiến khu Trung bộ. Xe tăng Туре 96 (hiện có đến 3.500 chiếc thuộc mấy biến thể), tương tự Т-72 của Liên Xô/Nga, đang được đưa vào trang bị cho các đơn vị của các chiến khu Tây bộ, Đông bộ, Nam bộ, các quân khu Tây Tạng và Tân Cương.

Số lượng xe chiến đấu bộ binh (Туре 04, Туре 05…) và xe bọc thép chở quân (Туре 92, Туре 09…) sẽ là hơn 10.000 chiếc. Số lượng pháo tự hành mới (Туре 05, Туре 07, Туре 09) ít nhất là 3.000 đơn vị, cũng có chừng 3.000 hệ thống rocket phóng loạt (Туре 03, họ WM, họ WS, riêng họ pháo phản lực WS là pháo phản lực mạnh nhất thế giới). Xét về tất cả các lớp vũ khí trên, không dưới một nửa các tham số số lượng đã được thực hiện. Điều đó liên quan đến các hệ thống tên lửa chống tăng HJ-9 và HJ-10, các hệ thống tên lửa phòng không HQ-16, HQ-17, HQ-22, các hệ thống tên lửa phòng không mang vác QW-1, QW-2, FN-6, FN-16, các hệ thống pháo-tên lửa phòng không Туре 95 và Туре 07, các trực thăng chiến đấu Z-10 và Z-19. Ở mức độ lớn, đã khắc phục được sự tụt hậu tồn tại cho đến gần đây của Lục quân Trung Quốc so với các quân đội tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực phòng không lục quân và không quân lục quân.

Điều đáng nói là Trung Quốc cũng đang ráo riết trang bị cho lục quân các robot dùng để thay thế trước hết lính công binh và bộ binh trên chiến trường. Điều đó cho thấy quân đội Trung Quốc đã thay đổi kinh ngạc như thế nào trong thời gian cải cách: thời chiến tranh xâm lược Việt Nam, thủ đoạn chiến thuật quen thuộc là “chiến thuật biển người”, nghĩa là mạng sống của người lính hoàn toàn không có giá trị gì cả.

Cần phải nói rằng, cực kỳ sai lầm là ý kiến phổ biến cho rằng, do những cải cách gần đây, vai trò và tầm quan trọng của Lục quân trong quân đội Trung Quốc đã giảm mạnh. Trên thực tế, chỉ quân số của Lục quân và tương ứng là tỷ lệ của Lục quân trong tổng quân số quân đội Trung Quốc giảm đi. Tuy vậy, như đã nói ở trên, đã chỉ diễn ra sự giải thoát hoàn toàn Lục quân khỏi lực lượng bộ binh trang bị và huấn luyện kém, nhờ đó, khả năng chiến đấu thực tế chỉ có tăng. Điều đặc trưng đối với các quân đội hiện đại là “giảm cân” tương đối cho lục quân chính là bằng cách giảm quân, quân đội Trung Quốc hoàn toàn hội nhập với xu hướng này của thế giới.

Ngoài ra, về mặt đổi mới vũ khí trang bị, quân đội Trung Quốc không hề thua kém quân đội các nước khác. Công tác huấn luyện chiến đấu được tiến hành cực kỳ ráo riết. Ví dụ, gần đây thường xuyên tiến hành diễn tập hoạt động của các binh đoàn, đơn vị quân đội Trung Quốc trong điều kiện nhiệt độ cực thấp (ở Nội Mông và tỉnh Hắc Long Giang), hơn nữa, tham gia các cuộc diễn tập này không chỉ có các binh đoàn của Chiến khu Bắc bộ. Họ cũng thường xuyên tiến hành tập trận với khoa mục chiến dịch tiến công chiều sâu bằng các cum quân lớn từ mấy chiến khu (trước đó là từ mấy đại quân khu). Họ cũng thường xuyên thao luyện việc cơ động binh sĩ và vũ khí trang bị của trọn vẹn các binh đoàn trên quãng đường xa (hơn 1.000 km) có sử dụng các phương tiện giao thông ô tô, đường sắt và hàng không thương mại.

Trong biên chế của Không quân và Không quân hải quân Trung Quốc hiện có hơn 220 máy bay ném bom JH-7, hơn 400 tiêm kích hạng nặng họ Su-27/30/35С/J-11/15/16, hợn 250 tiêm kích hạng nhẹ J-10. Trung Quốc cũng đang tiếp tục sản xuất với nhịp độ cao JH-7, J-11В (sao chép trái phép Su-27), J-16 (sao chép trái phép Su-30), J-10 (các biến thể mới В và С).

Họ đang mua từ Nga các tiêm kích Su-35S (hiện có 8 chiếc, sẽ có 24 chiếc). Trung Quốc đã vượt Nga về sản xuất tiêm kích thế hệ 5. Nếu Т-50 (nay có tên chính thức là Su-57) của Nga còn chưa hoàn thành giai đoạn thử nghiệm thì trong Lữ đoàn 176 của Không quân Trung Quốc hiện đã có không dưới 6 chiếc J-20 sản xuất loạt với số hiệu 5 con số của đơn vị thường trực.

Trung Quốc cũng đã vượt xa Nga về phát triển máy bay không người lái. Nếu trong quân đội Nga hiện chí có các máy bay không người lái trinh sát tầm ngắn thì quân đội Trung Quốc hiện đã có đủ các loại máy bay không người lái trinh sát, cũng như một số loại máy bay không người lái chiến đấu (WD-1, WJ-600, họ СН, cũng như các máy bay không người lái cải hoán từ tiêm kích J-6).

Cùng với việc mua các hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400 của Nga, Trung Quốc đang tiếp tục phát triển hệ thống tên lửa phòng không nội địa HQ-9. Họ cũng đang gnhieen cứu chế tạo loại máy bay ném bom chiến lược giống như В-2 của Mỹ để thay thế loại máy bay lạc hậu Н-6.

“Chuỗi ngọc trai”

Công tác huấn luyện chiến đấu trong Không quân Trung Quốc đang được tiến hành với cường độ không kém trong Lục quân. Họ đang tiến hành các cuộc diễn tập với sự tham gia của hàng trăm máy bay chiến đấu và tạo ra các điều kiện sát tối đa với chiến tranh công nghệ cao hiện đại.

Ngoài ra, việc liên hợp lục quân và không quân trong khuôn khổ các chiến khu sẽ mang lại thêm những khả năng rộng lớn cho các lực lượng này. Ví dụ, việc kết hợp các tên lửa đường đạn chiến thuật và tên lửa hành trình, các hệ thống rocket phóng loạt tầm xa họ WS, các máy bay không người lái chiến đấu và trinh sát sẽ bảo đảm cho quân đội Trung Quốc đột phá kể cả mạng lưới phòng không mặt đất hiện đại nhất và sự tự do hành động cho máy bay có người lái của Trung Quốc. Những khả năng như thế thì ngày nay ngay cả quân đội Mỹ và Nga đều chưa có, chứ chưa nói đến bất cứ quân đội nào khác.

Hải quân Trung Quốc hầu như đã không bị đụng chạm gì trong đợt cải tổ này, nếu không nói đến việc các hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải nay đã trực thuộc tương ứng các chiến khu Bắc, Đông và Nam bộ.

Hạm đội tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc hiện vẫn chưa ra khỏi giai đoạn đóng tàu ngầm loạt nhỏ, song được bù đắp bởi sự hiện diện của hạm đội tàu ngầm thông thường đông đảo nhất thế giới (hơn 55 chiếc), bao gồm các tàu ngầm tối tân nhất lớp Type 039А/В và Type 043, cũng như các tàu ngầm Projekt 636EM do Nga sản xuất.

Bổ sung cho tàu sân bay Liêu Ninh (tàu Varyag của Liên Xô trước đây), Trung Quốc đã gần như hoàn thiện xong một tàu sân bay nội địa có thiết kế tương tự (tàu Sơn Đông).

Họ đã đưa vào biên chế 11 tàu khu trục lớp Type 052C/D được mệnh danh là “các tàu khu trục Arleigh Burke của Trung Quốc”, tiếp tục đóng các tàu lớp Type 052D (Hải quân Nga không có các tàu cùng loại).

Hải quân Trung Quốc đang vững bước tiến đến vị trí số 1 thế giới về số lượng frigate hiện đại (đã đưa vào biên chế 24 frigate lớp Type 054А, việc đóng hàng loạt đang tiếp tục).

Năng lực của ngành đóng tàu Trung Quốc đặc biệt bộc lộ rõ ở ví dụ đóng các tàu lớp Type 056 vốn là lớp tàu quá độ giữa frigate và corvette (tàu hộ vệ). Từ năm 2012, Hải quân Trung Quốc đã đưa vào trang bị 32 tàu lớp này, việc đóng tàu đang tiếp tục. Trong khi đó, từ năm 2001, Nga chỉ đưa vào biên chế 7 tàu cùng lớp (5 tàu lớp Projekt 20380, 2 tàu lớp Projekt 11661), còn Mỹ từ năm 2005 chỉ đưa được vào biên chế 9 tàu (5 tàu lớp Independence, 4 tàu lớp Freedom). Có nghĩa là Trung Quốc đã vượt 2 lần cả Mỹ và Nga cộng lại trong một quãng thời gian ngắn hơn nhiều.

Chính sự phát triển của hải quân hiện nay đang thể hiện rõ nhất ý đồ của Bắc Kinh bành trường ra bên ngoài và sở hữu khả năng “tung sức mạnh” trên quy mô toàn cầu.

Ở cấp độ chính thức, lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố rằng, họ không định xây dựng các căn cứ hải quân thực sự như của Mỹ. Nhưng không loại trừ xây dựng các “trạm bảo đảm toàn diện lưỡng dụng”. Các trạm này sẽ tạo nên “Chuỗi ngọc trai”, tức là một chuỗi các trạm trú đóng của Hải quân Trung Quốc bảo đảm việc vận chuyển xuôn xẻ dầu mỏ và các hàng hóa chiến lược khác từ Cận Đông và châu Phi về Trung Quốc và hiện thực hóa khái niệm “Một vành đai, một con đường” (Con đường tơ lụa mới).

“Chuỗi ngọc trai” bắt đầu từ căn cứ hải quân Du Lâm trên lãnh thổ Trung Quốc, trên đảo Hải Nam. Đây là căn cứ hải quân lớn nhất châu Á, có khả năng tiếp nhận và phục vụ tất cả các loại tàu, còn trong hầm của căn cứ có thể bố trí đến 20 tàu ngầm, kể cả tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn và tàu ngầm hạt nhân tiến công.

Tiếp đó nằm trong chuỗi căn cứ còn có các cơ sở trên các quần đảo tranh chấp ở Biển Đông. Trên quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam), đó là đảo Woody (Phú Lâm), trên đảo này bố trí trạm trú đóng Tây Sa với các công trình bến cảng, một đường băng lớn và các trận địa tên lửa phòng không HQ-9. Trên quần đảo Trường Sa bố trí trạm trú đóng Đá Chữ Thập (Fiery Cross), bao gồm 7 rạn san hô. Các rạn san hô này có kích thước cực nhỏ, nhưng trên đó đã xây dựng nhiều công trình khác nhau như đường băng, các bãi đáp trực thăng, các trạm khí tượng, các kho xăng dầu, đạn dược, trận địa tên lửa phòng không, radar…

Ở Thái Bình Dương, bên ngoài vùng biển của mình và tại khu vực tranh chấp trên Biển Đông, Trung Quốc không có các căn cứ hải quân nào khác, nhưng lại có 2 cơ sở hỗ trợ là trạm vệ tinh khí tượng trên đảo Kirakira (quần đảo Solomon) và trạm kiểm soát tình hình mặt nước (bao gồm cả trinh sát kỹ thuật) trên đảo Tuamotu (Polinesia thuộc Pháp). Ở đây, điều thú vị là một cơ sở trinh sát kỹ thuật của quân đội Trung Quốc thực tế lại nằm trên lãnh thổ một nước thành viên NATO. Ngoài ra, Hải quân Trung Quốc có thể sử dụng Port Moresby (New Guinea) để tiếp liệu.

Liên quan đến “Chuỗi ngọc trai”, thì sau các quần đảo tranh chấp trên Biển Đông, các trạm bảo đảm của hải quân Trung Quốc được bố trí ở Ấn Độ Dương, tại khu vực Tây Nam Á và Nam Á, Cận Đông và châu Phi.

Căn cứ hải quân “chính thức”, thực sự đầu tiên của Trung Quốc ở hải ngoaijh là cảng Djibouti (thủ đô của nước Djibouti). Cảng Gwadar ở Pakistan thực tyế cũng là căn cứ hải quân thật sự của Trung Quốc, mặc dù về pháp lý thì không phải. Họ còn sử dụng các cảng Kyaukpyu, Yangon và Sittwe ở Myanmar, Hambantota ở Sri Lanka, Chittagong ở Bangladesh, Salalah ở Oman, Aden ở Yemen, Nacala ở Mozambique, Victoria ở quần đảo Seychelles, Antsiranana ở Madagascar, Mobasa ở Kenia, Dar es Salaam ở Tanzania để bảo đảm vật chất kỹ thuật cho các tàu hải quân Trung Quốc và các thủy thủ đoàn nghỉ ngơi. Ngoài ra, trên quần đảo Coco của Myanmar còn có một trung tâm điện tử lớn của Hải quân Trung Quốc. Đây là trạm dẫn đường cho tàu ngầm, sử dụng để quan sát bằng radar tình hình mặt biển, bảo đảm thông tin liên lạch, trinh sát và tác chiến điện tử.

Có những phỏng đoán mà nay chưa được xác nhận cho rằng, căn cứ hải quân thực sự thứ hai của Trung Quốc ở hải ngoại sẽ là Walvis Bay ở Namibia, có nghĩa đã là ở Nam Đại Tây Dương, nơi mà “Chuỗi ngọc trai” sẽ vươn tới ở giai đoạn tiếp theo. Sau đó, nó có thể tiến lên phía Bắc, bao gồm Luanda ở Angola và Lagos ở Nigeria, điều sẽ biến Trung Quốc thành cường quốc Đại Tây Dương. Sự mở rộng này sẽ dựa trên việc Trung Quốc xây dựng các tuyến đường bộ đi qua cả châu Phi theo hướng vĩ tuyến (đến Nigeria và Senegal) và hướng kinh tuyến (đến Nam Phi). Và điểm xuất phát của tất cả những tuyến đường này sẽ là Djibouti.

Tóm lại, quân đội Trung Quốc từ lâu đã quá dư thừa để phòng thủ đất nước, song năng lực của nó vẫn tiếp tục tăng nhanh. Điều đó liên quan cả đến lực lượng hạt nhân chiến lược, lẫn tất cả các thành phần lực lượng thông thường. Cuộc cải cách hiện nay sẽ mang lại cho quân đội Trung Quốc một chất lượng mới, củng cố vị trí trong top 3 quân đội mạnh nhất thế giới của nó.

Theo VIETNAMDEFENCE.COM

Tags: ,