Có thật là Trung Quốc đã mất vị thế ‘công xưởng toàn cầu’?

Suy nghĩ cho rằng đã qua thời kì Trung Quốc giữ vai trò công xưởng toàn cầu, và đang thất thế trước các nước Đông Nam Á và Ấn Độ có thể không chính xác, tờ Nikkei bình luận.

Có thật là Trung Quốc đã mất vị thế ‘công xưởng toàn cầu’?

Kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng sau thương chiến

Thực tế cho thấy ngành sản xuất của Trung Quốc có sức chống chịu khá tốt, bằng chứng là nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang tiếp tục tăng trưởng và kéo theo đó là hoạt động xuất khẩu toàn cầu với sức cạnh tranh cao.

Các chính trị gia tại Washington và khu vực châu Á Thái Bình Dương nên thừa nhận thực tế rằng ngành sản xuất của Trung Quốc đã sống sót qua cuộc chiến thương mại mà chính quyền Tổng thống Trump khởi xướng, không những vậy, mà còn tiếp tục đẩy mạnh sản xuất đa dạng các mặt hàng, từ xe ô tô cho đến các mặt hàng điện tử.

Tất nhiên thực tế rằng một số ngành sản xuất đã rời bỏ Trung Quốc để di chuyển sang các nước láng giềng.

Và trong trường hợp này, Việt Nam là quốc gia hưởng lợi, qua đó giúp Việt Nam đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu trong những năm qua. Tuy nhiên, điều đó không thể ngăn cản sự vươn lên của nền kinh tế Trung Quốc.

Một trong những lý do chính đó là quy mô lớn của ngành sản xuất Trung Quốc mà khó quốc gia nào trong khu vực có thể đạt được.

Ước tính giá trị sản xuất tại Trung Quốc cao hơn toàn bộ phần còn lại của châu Á cộng lại. Nhật Bản, nước có quy mô sản xuất lớn thứ hai trong khu vực, chỉ ước tính bằng 1/4 sản lượng của Trung Quốc. Ấn Độ, bất chấp các nỗ lực thúc đẩy ngành sản xuất theo sáng kiến Sản xuất tại Ấn Độ (Make in India), chỉ tương đương 1/10 sản lượng của Trung Quốc.

Tương tự là đối với trường hợp của Việt Nam, dù đang ghi nhận tăng trưởng sản xuất công nghiệp ở mức cao, nhưng khó có thể so sánh với quy mô của Trung Quốc, trong khi thế mạnh sản xuất lại chỉ tập trung ở một số sản phẩm nhất định.

Do đó, việc dịch chuyển một số dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc khó có thể ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế nước này. Thực chất, ngành sản xuất Trung Quốc đang có những sự thay đổi lớn trong nhiều năm qua, khi tốc độ tăng trưởng của ngành trong giai đoạn 2016 – 2019 ở mức cao nhất kể từ 2013 đến nay.

Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trên thị trường thế giới tiếp tục tăng từ 2016 lên tới 18% vào năm 2019, tỉ lệ cao nhất trong vòng 2 thập kỷ trở lại đây.

Đáng lưu ý, điều này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc phải đối mặt với nhiều tác động tiêu cực, trong khi những quốc gia cạnh tranh chính như Đức, Mỹ, Nhật hay Hàn Quốc đều ghi nhận mức giảm về thị phần xuất khẩu toàn cầu. Trong khu vực châu Á, tăng trưởng trong kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc kể từ năm 2016 đã vượt hơn tất cả các nước cộng lại.

Thách thức với các nền kinh tế châu Á

Ngoài ra, lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu của Trung Quốc còn đến từ sự đa dạng trong mặt hàng xuất khẩu, từ những ngành thâm dụng lao động đến ứng dụng công nghệ cao. Điều này đã góp phần duy trì tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc trong 3 năm trở lại đây, bao gồm cả hàng dệt may, vốn là đối tượng chịu tác động mạnh nhất từ việc dịch chuyển sản xuất ra các nước láng giềng.

Nhưng cùng với đó, Trung Quôc đang đẩy mạnh tăng cường nâng cao năng lực ở các lĩnh vực sản xuất đòi hỏi công nghệ cao và kĩ năng nhân công. Ở nhiều lĩnh vực, các công ty Trung Quốc đang giữ vai trò dẫn dắt toàn cầu dựa trên cải tiến công nghệ và phát triển sản phẩm.

“Vì vậy, đừng tin vào những phát ngôn thổi phồng”, William Bratton, tác giả cuốn sách China’s rise, Asiea declines (Trung Quốc vươn lên, châu Á lùi lại – tạm dịch) bình luận.

Theo đó, cho dù vẫn có những thảo luận cho rằng đang có xu hướng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, thâm hụt thương mại của cả khu vực này với Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng lên trong vòng 3 năm qua, thay vì suy giảm.

Cho dù hiện chi phí lao động tại Trung Quốc đăng tăng lên, vẫn có nhiều khu vực tại nước này có mức thu nhập thấp và là điểm tập trung của các ngành sản xuất thâm dụng lao động. Điều đó tiếp tục tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn và trải dài ở nhiều ngành công nghiệp khác nhau của Trung Quốc.

Thế mạnh lớn của ngành sản xuất Trung Quốc đã tạo ra thách thức lớn đối với cả những nền kinh tế mới nổi và phát triển ở khu vực. Việc duy trì lợi thế cạnh tranh toàn cầu trong lĩnh vực sản xuất là yếu tố cốt lõi cho tăng trưởng kinh tế, và sự thống trị của ngành sản xuất Trung Quốc dự báo sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới triển vọng tăng trưởng đối với phần còn lại của châu Á.

Vấn đề ở đây là làm cách nào các nước châu Á có thể đối phó trước sự thống trị trong sản xuất của Trung Quốc, và một chính phủ Mỹ mới nên áp dụng chính sách thương mại nào trong bối cảnh này. Sự phản ứng của Bắc Kinh sau đó sẽ quyết định liệu Trung Quốc có tiếp tục đứng đầu khu vực, và cả thế giới trong lĩnh vực sản xuất hay không.

Theo BÁO TỔ QUỐC / NIKKEI

Tags: ,