Chùm ảnh: Về thăm cội nguồn thiêng liêng của cách mạng Việt Nam

Di tích lịch sử Pắc Bó vẫn giữ được cảnh quan hùng vĩ, nguyên sơ như thời Bác Hồ từ nước ngoài trở về Tổ quốc lập căn cứ hoạt động cách mạng.

Nằm ở xã biên giới Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, di tích lịch sử cách mạng Pác Bó là địa danh gắn bó mật thiết với cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời được coi là cái nôi của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam. Ảnh: Suối Lê Nin – con suối bắt nguồn từ chiến khu Pác Bó.

Theo các tài liệu lịch sử, sau nhiều năm bôn ba tại nhiều quốc gia trên thế giới, vào ngày 28/1/1941 lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã vượt qua biên giới Việt – Trung để trở về căn cứ Pắc Bó trực tiếp lãnh đạo cuộc cách mạng trong nước. Ảnh: Khu vực cửa hang Cốc Bó, nơi ở và làm việc của Bác Hồ tại chiến khu Pác Bó từ ngày 8/2/1941.

Tại căn cứ này, nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của cuộc cách mạng đã diễn ra dưới sự điều hành của Người và các đồng chí. Ảnh: Không gian bên trong hang Cốc Bó với chiếc bàn làm việc đơn sơ của Bác Hồ.

Từ ngày 10/5 – 19/5/1941, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII họp tại lán Khuổi Nậm ở chiến khu Pác Bó. Hội nghị đã hoàn chỉnh đường lối chiến lược, sách lược của cách mạng Việt Nam, trong đó xác định giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng nước ta. Ảnh: Lán Khuổi Nậm được phục dựng tại vị trí của lán xưa.

Các đại biểu dự Hội nghị đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng và bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư của Đảng, quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (sau này thường gọi tắt là tổ chức Việt Minh). Ảnh: Đầu nguồn suối Lê Nin.

Cũng tại căn cứ cách mạng Pắc Bó, Bác đã sáng lập ra tờ báo “Việt Nam độc lập” là cơ quan tuyên truyền của tổ chức Việt Minh. Ảnh: Bàn đá bên suối Lê Nin, nơi Bác Hồ ngồi làm việc vào ban ngày.

Trên mặt trận vũ trang, đội du kích Pắc Bó đã được thành lập. Đây là lực lượng vũ trang cách mạng đầu tiên của tỉnh Cao Bằng. Cùng với sự kiện này, nhiều lớp huấn luyện chính trị, quân sự… đã được tổ chức. Ảnh: Khung cảnh hùng vĩ nơi một khúc của suối Lê Nin chảy qua.

Từ căn cứ Pắc Bó, Bác Hồ đã tới hoạt động nhiều nơi trên đất Cao Bằng. Tháng 12/1944, tại địa điểm Nà Sác, Người đã ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng ngày nay. Ảnh: Hang Diêm Tiêu, nơi cất giấu tài liệu bí mật của Bác Hồ tại Pác Bó.

Ngày 4/5/1945, Bác cùng các đồng chí của mình rời Pắc Bó đi xuống chiến khu Tân Trào (Tuyên Quang) để chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám vĩ đại, lật đổ chế độ phong kiến, thực dân, thành lập nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Ảnh: Ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc thiểu số trong lòng chiến khu.

Do bận công việc của đất nước, vào ngày 20/2/1961, sau 20 năm xa cách, dù đã 71 tuổi và sức khỏe giảm sút, nhưng Bác Hồ vẫn đi bộ trở lại thăm Pắc Bó – nơi có ý nghĩa như quê hương thứ hai của Người. Ảnh: Nền nhà sàn của ông Lý Quốc Súng ở Pác Bó – nơi Bác Hồ đã ở trong những ngày đầu trở về Tổ quốc (từ ngày 28/01 – 07/02/1941).

Ngày nay, di tích lịch sử Pắc Bó là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất của tỉnh Cao Bằng. Nơi đây không chỉ là địa điểm về nguồn thiêng liêng mà còn hấp dẫn du khách vì cảnh quan hùng vĩ và vẫn giữ được nét nguyên sơ như thời Bác Hồ từ nước ngoài trở về Tổ quốc lập căn cứ hoạt động cách mạng. Ảnh: Suối Lê Nin chảy qua những khu rừng nguyên sơ.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG

Tags: , , , ,