Chùm ảnh: Trường Quốc Học – một chứng nhân lịch sử của xứ Huế

 Với truyền thống lịch sử đáng tự hào, trường Quốc Học là một trong những di tích lịch sử văn hóa đặc biệt của Huế.

Chùm ảnh: Trường Quốc Học – một chứng nhân lịch sử của xứ Huế

 Thành lập vào năm 1896, trường Quốc Học Huế (tên chính thức hiện nay: Trường THPT Chuyên Quốc Học) là một trong những ngôi trường lâu đời và nổi tiếng nhất Việt Nam. Ảnh: Mặt tiền của trường Quốc Học.

 Trường được xây dựng trên nền của Dinh Thủy sư (nơi huấn luyện binh lính đường thủy của quân đội triều Nguyễn) ở bờ Nam sông Hương, ban đầu chỉ là một ngôi trường kiểu cũ với ba tòa nhà tranh vách đất, tổng cộng có ba tòa nhà mặt tiền hướng ra đường Jules Ferry (sau năm 1955 là đường Lê Lợi) và sông Hương. Ảnh: Cổng chính của trường được xây theo kiểu cổng tam quan trong kiến trúc Việt Nam.

 Từ năm 1915, trường được xây dựng lại theo kiểu Pháp, nhưng phần cổng và tường bao về cơ bản vẫn được giữ nguyên với lối kiến trúc truyền thống. Ảnh: Bức bình phong hình long mã – yếu tố kiến trúc đậm nét Huế – ở mặt trước của trường.

 Khi mới ra đời, trường có tên là Pháp tự Quốc học Đường (gọi tắt là Quốc Học) với mục đích đào tạo lớp người phục vụ cho chính quyền thực dân phong kiến. Trong chương trình khi ấy, Pháp văn là môn học chính và giáo viên phần lớn là người Pháp. Ảnh: Một trong hai khu giảng đường chính của trường.

 Trường đã đổi tên qua nhiều thời kỳ như Trường Trung học Khải Định (1936-1954), Trường Trung học Ngô Đình Diệm (1955-1956) và trở về với tên Quốc Học từ năm 1956 cho đến nay. Ảnh: Mặt chính diện của một khu giảng đường.

 Trong lịch sử tồn tại của mình, trường Quốc Học còn nổi tiếng bởi những nhà cách mạng kiệt xuất của Việt Nam đã từng theo học tại đây, trong đó nổi bật là hai tên tuổi Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Tượng đài Nguyễn Tất Thành trong sân trường được dựng từ năm 1989.

 Năm 1908, Nguyễn Sinh Cung – một trong 10 học sinh giỏi nhất của trường Tiểu học Pháp – Việt Đông Ba đã thi vượt cấp vào lớp đệ nhị niên trung học tại trường Quốc Học niên khoá 1908 – 1909. Ba năm sau, Nguyễn Sinh Cung mang tên mới là Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước từ cảng Nhà Rồng ở Sài Gòn… Ảnh: Khung cảnh nhìn từ hành lang tầng 2 của một khu giảng đường.

 Năm 1925, chàng thiếu niên Võ Nguyên Giáp rời trường Tiểu học Đồng Hới ở quê nhà Quảng Bình để vào Huế ôn thi vào trường Quốc học Huế. Ông đã đỗ thứ hai trong kỳ thi này. Trong 2 năm học, Võ Nguyên Giáp luôn đứng đầu lớp, trừ 1 tháng bị rớt xuống hạng nhì. Ảnh: Các tòa nhà trong trường được liên kết với nhau bằng các hành lang có mái che.

 Trong thời học tập ở Huế, Võ Nguyên Giáp có vài lần đến thăm nhà yêu nước Phan Bội Châu để nghe thuyết giảng về lý tưởng Cách mạng. Năm 1927, ông bị đuổi học cùng sau khi tổ chức một cuộc bãi khóa với một số bạn học cùng chí hướng. Đây là một dấu mốc quan trọng đánh dấu sự dấn thân cho sự nghiệp cách mạng của chàng trai Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Sân bóng rổ của trường.

 Bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, rất nhiều tên tuổi các chiến sĩ cách mạng ưu tú, các nhà hoạt động văn hoá xuất sắc đã trưởng thành từ trường Quốc Học Huế, như Trần Phú, Lê Duẩn, Phạm văn Ðồng, Tố Hữu… Ảnh: Nhà thể dục thế thao của trường.

 Với truyền thống đáng tự hào như vậy, trường Quốc Học đã trở thành một trong những di tích lịch sử văn hóa đặc biệt của Huế. Ảnh: Khu nhà hồ bơi của trường.

 Về mặt giáo dục, ngày nay trường Quốc Học Huế nổi tiếng bởi kết quả học tập xuất sắc của học sinh, trình độ của giáo viên. Trường đã được chính phủ Việt Nam chọn để xây dựng thành một trong ba trường phổ thông trung học chất lượng cao của Việt Nam. Ảnh: Bên trong một lớp học.

 >> Chùm ảnh: Khám phá trường nữ sinh Đồng Khánh trứ danh xứ Huế
.

Theo KIẾN THỨC

Tags: , , , ,