Chùm ảnh: Thăm nơi an nghỉ của Thái sư Trần Thủ Độ

Tương truyền, xưa kia lăng mộ Thái sư Trần Thủ Độ có kiến trúc rất bề thế với nhiều tượng thú tạc bằng đá tinh xảo.

Thái sư Trần Thủ Độ (1194 – 1264) là nhân vật lịch sử có ảnh hưởng rất lớn đến triều Trần. Lăng mộ của ông nằm ở Thôn Ngừ, xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Tương truyền, xưa kia lăng mộ này có kiến trúc rất bề thế với nhiều tượng thú tạc bằng đá tinh xảo.

Tuy nhiên, sau những biến động lịch sử, lăng đã dần dần rơi vào cảnh đổ nát và hoang phế. Đến thập niên 1960, trong lăng chỉ còn một tượng hổ và một tượng đá vỡ không rõ hình thù, có thể là tượng Huyền Vũ theo truyền thuyết dân gian.

Pho tượng hổ còn sót lại của lăng được coi là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc cũng như mỹ thuật thời Trần nói riêng, và là một tác phẩm nghệ thuật đẹp trong nền nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam nói chung.

Vào năm 1962, pho tượng này đã được chuyển về Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ở Hà Nội (>> Chùm ảnh: Bức tượng hổ đá 700 tuổi tuyệt đẹp của Việt Nam).

Mộ phần của Thái sư Trần Thủ độ nằm ở trung tâm khu lăng mộ, là một nấm đất hình tròn được kè bằng đá.

Sau một thời kỳ dài nằm trong tình trạng hoang phế, đến năm 1994 lăng mộ Thái sư Trần Thủ Độ được xây dựng lại. Những năm 2000, lăng mộ được trùng tu lớn và có diện mạo như ngày nay.

Trong lịch sử Việt Nam, Trần Thủ Độ là một quyền thần có vai trò lớn trong việc họ Trần đoạt ngôi nhà Lý mà sáng lập ra triều Trần.

Thái sư Trần Thủ Độ là người nắm quyền thực tế của triều Trần trong khoảng thời gian dài, từ năm 1226 đến khi ông qua đời vào năm 1264.

Vào năm 1258, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất, Thái sư Trần Thủ Độ đã nói một câu nổi tiếng, được ghi tạc vào sử Việt: “Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo”.

Theo KIẾN THỨC

Tags: , , , ,