Chùm ảnh: Thăm nơi an nghỉ của cụ Huỳnh Thúc Kháng

Ngôi mộ của cụ Huỳnh Thúc Kháng hướng ra một khoảng không gian rộng mở, bao quát toàn cảnh thành phố Quảng Ngãi với dòng sông Trà Khúc vắt ngang…

Cụ Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947) là nhà yêu nước lỗi lạc của Việt Nam trong giai đoạn thực Pháp đô hộ. Sau khi mất, cụ được an táng trên đỉnh núi Thiên Ấn (xã Tịnh Ấn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi), ngọn núi được coi là biểu tượng của đất Quảng Ngãi.

Khu mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng được bao bọc bởi rừng cây xanh tốt, hướng ra một khoảng không gian rộng mở, bao quát toàn cảnh thành phố Quảng Ngãi với dòng sông Trà Khúc vắt ngang và những dãy núi trùng điệp phía xa.

Cách mộ chừng hơn 100 mét về hướng Đông Bắc là chùa Thiên Ấn, ngôi cổ tự danh tiếng bậc nhất Quảng Ngãi, được khai sơn từ cuối thế kỷ 17.

Mộ cụ Huỳnh được lập năm 1947 và trải qua các đợt trùng tu vào năm 1959, 1971 và 1994. Khuôn viên mộ rộng rãi, thoáng đãng với nhiều cây xanh, nền được lát đá phẳng phiu.

Trước mộ có bàn thờ liền kề một đài bia cao vút. Mặt trước bia ghi lại đôi nét về thân thế sự nghiệp cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Mặt sau của bia khắc những lời ngợi ca lòng yêu nước, sự liêm chính và đức hi sinh của nhà cách mạng lỗi lạc.

Mộ phần của cụ Huỳnh được ốp đá hoa cương đỏ, nằm trên một tầng nền thấp, xung quanh có lan can.

Bình phong sau mộ có dòng chữ “Sĩ phu cùng dân Quảng Ngãi khẳng khái và kiên quyết, phần đông hy sinh vĩ nước, một mực thẳng tới, không thối lui trước một trở lực nào”, trích từ bài viết trong phong trào chống thuế ở Trung Kỳ năm 1908 của cụ Huỳnh.

Ngược dòng lịch sử, cụ Huỳnh Thúc Kháng sinh năm 1876, tại làng Bình Thạnh, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Trong những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, cụ là một trong những nhà lãnh đạo của phong trào Duy Tân. Năm 1908, cụ bị bắt rồi bị đày ở Côn Đảo đến năm 1921 mới được trả tự do.

Sau năm 1945, cụ được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra Hà Nội làm việc, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cuối năm 1946, cụ là đặc phái viên của chính phủ vào cơ quan Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Nam Trung Bộ tại huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.

Ngày 21/5/1947, cụ lâm bệnh nặng và mất tại thôn Phú Bình, xã Hành Phong, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Làm theo tâm nguyện của cụ, nhân dân đã an táng cụ trên đỉnh núi Thiên Ấn.

Năm 1990, mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng cùng với chùa Thiên Ấn và núi Thiên Ấn đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia của Việt Nam.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG

Tags: , , , ,