Chùm ảnh: Những vật dụng kỳ lạ của thổ dân châu Đại Dương ở Hà Nội

Khám phá đời sống và những phong tục tập quán độc đáo của các tộc người châu Đại Dương qua loạt hiện vật “hiếm có khó tìm”, được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Hà Nội.Chùm ảnh: Những vật dụng kỳ lạ của thổ dân châu Đại Dương ở Hà Nội

Mặt nạ làm từ gỗ, tre, sợi thực vật, phẩm màu của người Iatmul, khu vực trung lưu sông Sepik, Papua New Guinea. Các họa tiết trên mặt nạ thể hiện mô-típ trang trí thường thấy trên mặt tiền nhà của những người đàn ông – loại hình kiến trúc nổi tiếng của các bộ tộc châu Đại Dương.

Mặt nạ tổ tiên, làm từ gỗ, xơ cọ, ốc tiền, phẩm màu, vật phẩm lưu giữ trong nhà đàn ông ở vùng trung lưu sông Sepik, Papua New Guinea. Nhà đàn ông có kiến trúc đặc sắc và luôn cao nhất làng, mặt tiền trang trí cầu kỳ.

Trống một mặt, làm từ gỗ và da kỳ đà, vật phẩm trong nhà đàn ông của người Asmat, phía Tây đảo New Guinea, Indonesia. Ở đảo New Guinea, các hoạt động cộng đồng và nghi lễ đều do đàn ông đã thành đinh bàn bạc và tổ chức ở nhà đàn ông.

Sáo tre khắc họa tiết và tô màu, vật phẩm trong nhà đàn ông ở đảo Ambrym, Vanuatu. Nhà đàn ông của các tộc người ở châu Đại Dương là nơi lưu giữ tro cốt và mặt nạ tổ tiên, tượng thần linh, chiến tích săn bắn, nhạc cụ… Người chưa thành đinh không được tiếp xúc với các đồ vật này.

Tấm điêu khác goge (phiên bản hiện đại), dùng để bày trong nghi lễ thành đinh ở Papua New Guinea. Đây là một nghi lễ quan trọng của nam giới, đánh dấu bước chuyển từ trẻ em lên người trưởng thành, thường dành cho các bé trai 8-10 tuổi.

Dụng cụ phết vôi ăn trầu, được dùng trong lễ thành đinh ở Papua New Guinea. Nghi lễ này diễn ra ngoài làng, phụ nữ và trẻ em không được tham dự. Người thụ lễ phải tuân thủ nhiều cấm kỵ, ăn kiêng, và được khứa lên cơ thể để tạo “sẹo cá sấu” – phỏng theo linh vật của vùng đất.

Dao nghi lễ làm bằng xương chim đà điều đầu mào. Trong lễ thành đinh, người thụ lễ đeo loại dao xương chim và được tặng vài chiếc lông của loài chim biểu trưng này. Từ nay họ sẽ là con người mới, được tham gia các hoạt động cộng đồng.

Mặt nạ làm bằng dây mây, phẩm màu của người Abelam ở Wombum, trung lưu sông Sepik, Papua New Guinea. Loại mặt nạ này được dùng để trang trí trên những củ mài lớn trong lễ hội củ mài. Đây là loại củ có vai trò rất quan trọng trong đời sống của người Abelam.

Tevau – cuộn tiền làm từ sợi thực vật, vỏ ốc, hạt cây, lông chim (đã sờn, bong theo thời gian) của cư dân quần đảo Santa Cruz, Solomon. Đây là vật phẩm trao đổi quan trọng, đặc biệt là làm sính lễ khi cưới, được dùng như tiền tệ cho đến thập niên 1970. Hiện vật khi còn nguyên vẹn có 50.000 chiếc lông màu đỏ của loài chim hút mật Myzomela cardinalis.

Bên trái: Trang sức đeo cổ làm từ vỏ trai ngọc (Pinctada maxima), cũng được sử dụng như tiền tệ ở Papua New Guinea thời xưa. Chúng được gọi là kina – nguồn gốc tên gọi đơn vị tiền tệ Papua New Guinea hiện đại. Bên phải: Chuỗi hạt đeo cổ làm từ nanh lợn rừng, hạt ý dĩ, lông mao.

Tapa – loải vải làm từ vỏ cây dướng (Broussonetia papyrifera), trang trí bằng cách in dập họa tiết hoặc vẽ bằng tay, có nguồn gốc từ Tonga hoặc Samoa. Tapa do phụ nữ làm, dùng cho y phục, gói vật thiêng, làm lễ vật, vách ngăn trong nhà…

Bát làm từ đất nung, tô phẩm màu của người Sawos, trung lưu sông Sepik, Papua New Guinea. Loạt bát này dùng để đựng thức ăn, nhất là bột cọ sago. Chúng được dùng làm vật phẩm trao đổi trên toàn vùng trung lưu sông Sepik.

Mặt nạ hình đầu chim làm bằng gỗ, sợi thực vật, phẩm màu, mắt làm bằng vảy ốc xà cừ của cư dân bản địa ở New Ireland, Papua New Guinea.

Gàu tát nước trong thuyền, làm bằng gỗ, khắc họa tiết hình học, xuất xứ từ quần đảo Trobriand, Papua New Guinea.

Khay đựng thức ăn làm bằng gỗ, khắc họa tiết, xuất xứ từ quần đảo Trobriand, Papua New Guinea.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG

Tags: , , ,