Chùm ảnh: Những loài vật ấn tượng nhất kỷ nguyên ‘hậu khủng long’

Sau khi các loài bò sát khổng lồ tuyệt diệt vào khoảng 65 triệu năm trước, bức tranh sự sống của Trái đất đã dần phục hồi với sự xuất hiện của nhiều loài động vật kỳ thú. Cùng điểm qua một số loài tiêu biểu của giai đoạn “hậu khủng long”.

Entelodon là một chi thú hình dáng gần giống lợn, có chiều dài 3 mét, nặng 1 tấn, tồn tại vào khoảng 37 triệu tới 27 triệu năm ở khu vực ngày nay là Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á. Thức ăn của Entolodon chủ yếu là động vật sống và ở một số nơi chúng là loài săn mồi hung tợn nhất.

Presbyornis là chi chim nước cao 1,5 mét, nặng 15 kg, sinh sống cách đây khoảng 60 triệu tới 50 triệu năm ở Bắc Mỹ. Là một trong những thành viên sớm nhất của bộ Ngỗng (Anseriform), chúng có chân màng, thường lội ở ven bờ để ăn động vật nhỏ và cây cối bằng cái mỏ rộng.

Andrewsarchus là một chi thú săn mồi có kích thước khổng lồ, dài 4 mét, nặng 800 kg, sống cách đây 45 triệu tới 35 triệu năm, với các hóa thạch được tìm thấy ở Mông Cố. Có ngoại hình gần với linh cẩu, chúng được coi là loài ăn thịt lớn nhất từng sống trên đất liền. Các nhà khoa học chưa rõ Andrewsarchus là loài săn mồi hay chuyên ăn xác thối.

Basilosaurus là một chi cá voi gồm các loài có chiều dài từ 12-24 mét, nặng khoảng 27 tấn, sống cách đây 50 triệu năm, hóa thạch được tìm thấy ở Ai Cập, Mỹ, Pakistan. Không thể lặn quá sâu, chúng thường săn mồi gần mặt nước, thức ăn là cá và các động vật biển khác.

Uintatherium là chi động vật ăn cỏ to bằng con tê giác (dài 4 mét, nặng 2 tấn), sống cách đây 45 triệu tới 37 triệu năm ở Bắc Mỹ. Chúng có cơ thể chắc khỏe, răng nanh lớn, mặt có ba cặp núm xương (dài đến 30 cm ở con đực), có lẽ được dùng để phòng thù hoặc ve vãn con cái.

Icaronycteris là chi dơi cổ xưa nhất, dài 14 cm, sải cánh 37 cm, sống cách đây 55 triệu tới 50 triệu năm ở Bắc Mỹ. Chúng giống với các họ hàng hiện đại từ ngoại hình đến cách xác định phương hướng bằng sóng âm. Ngón trỏ của chi trước Icaronycteris có móng vuốt mạnh mẽ.

Hyracotherium là chi ngựa được biết đến sớm nhất, có kích cỡ của một con chó (dài 60 cm, cao 35 cm), sống cách đây 50 triệu năm ở châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ. Khác với các hậu duệ, chúng có cổ ngắn, lưng cong, chi trước có bốn ngón và chi sau ba ngón.

Arsinoitherium là chi thú ăn cỏ có ngoại hình giống tê giác, dài 3,5 mét, cao đến vai 1,8 mét, sống cách đây 36 triệu tới 30 triệu năm ở châu Phi (Ai Cập). Con vật này có cặp sừng mọc song song trên mặt. Chúng dành phần lớn thời gian để nhai lá cứng ở rừng nhiệt đới ven sông hoặc rừng ngập mặn.

Indricotherium là chi động vật có vú lớn nhất từng sống trên đất liền với chiều dài 9 mét, cao đến vai 5,5 mét, nặng 15 tấn, sống cách đây 33 triệu tới 23 triệu năm, hóa thạch được tìm thấy tại Pakistan, Kazakhstan, Trung Quốc. Chúng là tổ tiên của tê giác, dù ngoại hình khác xa. Thức ăn của Indricotherium là lá cây.

Carcharodon Megalodon là loài cá mập khổng lồ, dài đến 20 mét và nặng 100 tấn, sống trong các đại dương cách đây 23 triệu tới 4 triệu năm. Là loài cá mập lớn nhất từng được biết đến, chúng ăn cá voi, các loài cá lớn và rùa biển.

Platybelodon là chi voi có hàm dưới dẹt như cái xẻng, cao 2 mét, nặng 2 tấn, sống cách đây 15 triệu đến 4 triệu năm tại châu Phi, châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ. Trước kía người ra nghĩ rằng loài voi này dùng hàm dưới để xúc thực vật trong đầm lầy. Theo các nghiên cứu mới thì chúng dùng hàm dưới để tước vỏ cây và cắt cành cây.

Phorusrhacos là một chi chim ăn thịt khổng lồ không biết bay, cao 2,5 mét, nặng 130 kg, sống cách đây 12 triệu năm trên các đồng cỏ Nam Mỹ. Là loài săn mồi hung tợn, chúng có đôi chân dài cơ bắp có thể đạt tốc độ 70 km/h, vũ khí sát thương là vuốt nhọn và cái mỏ khoằm cứng như thép.

Argentavis là chi chim biết bay lớn nhất từng được biết đến, với chiều dài 3,5 mét, sải cánh 7 mét, sống cách đây 6 triệu năm ở Nam Mỹ (hóa thạch tìm được tại Argentina). Chúng là loài chim ăn thịt có họ hàng với tổ tiên của loài kền kền hiện đại.

Deinotherium là một chi voi cổ có chiều cao 4 mét, nặng đến 12 tấn, sống cách đây 20 triệu tới 2 triệu năm ở châu Phi, châu Âu và châu Á. Chúng có ngà mọc từ hàm dưới và thường uốn cong xuống, có lẽ được dùng để tước vỏ cây. Đây là loài thú có vú lớn thứ hai từng sống trên đất liền, sau Indricotherium.

Chùm ảnh: Những loài vật ấn tượng nhất kỷ nguyên hậu khủng long

Gomphotherium là chi voi có kích thước bằng voi châu Á hiện đại (cao 2,5 mét, nặng 2 tấn), sống cách đây 20 triệu tới 2 triệu năm ở châu Âu, châu Á, châu Phi, Bắc Mỹ. Các nhà khoa học tin rằng Gomphitherium ưa các vùng đất ngập nước. Chúng có hai cặp ngà được dùng như xẻng đào thực vật thủy sinh.

Gigantopithecus là chi linh trưởng lớn nhất từng tồn tại, cao tới 3 mét, nặng 600 kg, sống cách đây 9 triệu tới 300.000 năm ở Đông Nam Á. Chúng sống trong rừng rậm nhiệt đới, thức ăn chủ yếu là hoa qủa. Các nghiên cứu gần đây cho thấy Gigantopithecus có họ hàng gần với đười ươi hiện đại.

Elasmotherium là một chi tê giác khổng lồ, dài 6 mét, nặng 7 tấn, sống cách đâyo khoảng khoảng 2,6 triệu đến 29.000 năm. Elasmotherium có chiếc sừng rất dài trên mũi khiến nhiều người tin rằng chúng là nguồn gốc của huyền thoại về loài kỳ lân.

Smilodon hay hổ răng kiếm là một chi mèo lớn, cao đến vai 0,9 mét, sống cách đây 12 triệu đến 10.000 năm ở Bắc và Nam Mỹ. Con mèo đáng sợ này có cặp răng nanh dài đến 18 cm và góc mở hàm 120 độ, lý tưởng cho những cú cắn vào cổ con mồi. Có lẽ chúng cũng ăn cả xác thối khi cần thiết.

Procoptodon là chi kangaroo lớn nhất mọi thời đại, dài 2 mét, nặng 230 kg, sống cách đây 2 triệu đến 15.000 năm tại Australia. Chúng nhảy qua các khu rừng và đồng bằng nhờ đôi chân sau chỉ có một ngón, đầu ngón có vuốt cứng và nhọn. Cơ hàm khỏe của loài kangaroo mặt ngắn này giúp chúng ăn các loại lá cứng.

Doedicurus là chi thú có mai khổng lồ, dài 4 mét, nặng 1,5 tấn, sống cách đây 2 triệu đến 10.000 năm ở Nam Mỹ. Cơ thể chúng được bọc giáp và cuối đuôi có chiếc chùy gai được dùng làm vũ khí tự vệ. Người tiền sử có thể là thủ phạm khiến Doedicurus tuyệt chủng.

Megaloceros là chi hươu nai lớn nhất từng tồn tại, dài 2,5 mét, nặng 600 kg, sống cách đây 2 triệu đến 10.000 năm ở châu Âu và châu Á. Cặp gạc quá khổ của chúng rụng hàng năm, có lẽ chỉ được dùng để khoe mẽ với con cái và đe dọa đối thủ chứ không hữu dụng khi chiến đấu.

Mastodons hay voi răng mấu là chi voi có thể cao đến 3 mét, nặng 10 tấn, sống cách đây 4 triệu đến 10.000 năm ở lục địa Á – Âu và Bắc Mỹ. Chúng có các mấu đặc trưng trên răng hàm, hộp sọ lớn và dẹt, ngà có thể dài đến 5 mét, cơ thể ít lông hơn voi ma-mút.

Aepyornis là một chi chim chạy khổng lồ, cao 3 mét, nặng 450 kg, sống cách đây 2 triệu đến 350.000 năm ở Châu phi (Madagascar). Những con chim to đùng ưa hạt và trái cây này không có mỏ và móng sắc để tự vệ vì nơi chúng sống là các đảo bị cô lập, không có kẻ thù tự nhiên.

Mammoth hay voi ma-mút là một chi voi lông lá, loài lớn nhất cao 3,5 mét, nặng trên 10 tấn, sống cách đây 2,6 triệu đến 11.000 năm ở lục địa Á-Âu và bắc Mỹ. Sống ở vùng lạnh giá, chúng có lớp mỡ dày phía dưới bộ lông để giữ ấm. Cặp ngà dài cong vút có lẽ đã được những con voi này dùng để dọn tuyết trên mặt đất.

Megatherium là một chi lười đất với kích cỡ như voi, cao 3,5 mét khi đứng, nặng tới 5 tấn, sống cách đây 2 triệu đến 8.000 năm ở Nam Mỹ. Là loài động vật ăn thực vật chậm rãi, chúng hầu như không có thiên địch trong tự nhiên do kích cỡ quá khổ cùng vũ khí là bộ móng vuốt dài sắc như dao.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG

Tags: ,