⠀
Chùm ảnh: Những loài chim chìa vôi thú vị của Việt Nam
Trong thế giới chim, họ Chìa vôi (Motacillidae) là nhóm chim nhỏ có đuôi dài và mảnh như cái chìa vôi. Ở Việt Nam có những loài chim chìa vôi nào?
Ảnh: eBird.
Chìa vôi vàng (Motacilla flava) dài 18-19 cm, là loài trú đông tương đối phổ biến đến phổ biến trong cả nước. Sinh cảnh của loài chim chìa vôi này là các khu vực trống trải, thường kiếm ăn gần nước.
Chìa vôi bụng vàng (Motacilla tschutschensis) dài 18-19 cm, vùng phân bố và sinh cảnh tương tự như chìa vôi vàng.
Chìa vôi đầu vàng (Motacilla citreola) dài 18-19 cm, là loài di cư trú đông không phổ biến tại Tây Bắc, Đông Bắc (Sa Pa, Trùng Khánh), lang thang tại ven biển Nam Bộ. Chúng ưa thích đầm lầy, bờ hồ, các sông lớn, vùng đất canh tác ẩm ướt.
Chìa vôi núi (Motacilla cinerea) dài 18-19 cm, là loài di cư trú đông tương đối phổ biến đến phổ biến trong cả nước. Chúng sống ở các khu vực trống trải khác nhau, bìa rừng, thường xuyên kiếm ăn dọc theo các con suối có nước chảy.
Chìa vôi trắng (Motacilla alba) dài 18-19 cm, là loài định cư không phổ biến tại Tây Bắc, Đông bắc, di cư trú đông phổ biến trong cả nước. Chúng sống ở các sinh cảnh trống trải khác nhau, thường ở nơi gần nước.
Chìa vôi Mekong (Motacilla samveasnae) dài 18-19 cm, là loài định cư không phổ biến, chỉ được ghi nhận tại Đông Bắc của Nam Trung Bộ (VQG Yok Đôn, dọc sông Mekong và các vùng hạ lưu), là loài đặc hữu Đông Dương, hạng NT (Sắp bị đe dọa) trong Sách Đỏ IUCN. Chúng sống ở các bờ cát dọc sông, suối, đảo nhỏ có cỏ và cây bụi.
Chìa vôi rừng (Dendronanthus indicus) dài 17-18 cm, là loài trú đông tương đối phổ biến tại Đông Bắc, Trung, Nam Trung Bộ, di cư không phổ biến qua Đông Bắc, Bắc Trung Bộ (VQG Tam Đảo, Cúc Phương, Xuân Thủy). Chúng sống ở rừng lá rộng thường xanh, rừng rụng lá mở, rừng trồng, vườn, rừng ngập mặn, thường đậu trên mặt đất.
Chim manh lớn (Anthus richardi) dài 18-20 cm, là loài định cư tương đối phổ biến trong cả nước. Sinh cảnh của loài chim thuộc họ Chìa vôi này là các khu vực trống trải, đồng cỏ, nơi canh tác khô ráo.
Chim manh họng trắng (Anthus rufulus) dài 15-16 cm, vùng phân bố và sinh cảnh tương tự chim manh lớn.
Chim manh Vân Nam (Anthus hodgsoni) dài 16-17 cm, là loài trú đông phổ biến trong cả nước. Chúng sống ở rừng trống trải, bìa rừng, rừng thứ sinh, đất canh tác gần cây gỗ, thường di chuyển trên mặt đất, đuôi vẫy lên vẫy xuống.
Chim manh họng đỏ (Anthus cervinus) dài 15-17 cm, là loài trú đông không phổ biến đến tương đối phổ biến trong cả nước (trừ Tây Bắc), di cư qua Đông Bắc. Chúng sống ở khu vực canh tác khô ráo và trống trải, thường gần nguồn nước, luôn đi theo đàn.
Chim manh lưng xám (Anthus rubescens) dài 16-17 cm, là loài lang thang tại Tây Bắc và Đông Bắc. Sinh cảnh của chúng là đầm lầy, gần khu vực đất ngập nước, đất canh tác.
Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG
Tags: Thiên nhiên, Động vật, Chim