⠀
Chùm ảnh: Những hiện vật quý của văn minh cổ châu Mỹ ở Hà Nội
Các nền văn hóa bản địa châu Mỹ luôn có sức hút vô cùng to lớn đối với những người ưa khám phá văn minh nhân loại. Cùng chiêm ngưỡng những hiện vật lịch sử quý giá đến từ Nam Mỹ được trưng bày Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
Bình gốm có vòi của văn hóa Mochica (100 TCN – 700 SCN). Người Mochica sinh sống trên bờ Bắc Thái Bình Dương ở Peru. Họ là cư dân nông nghiệp, nổi tiếng với kỹ thuật dẫn nước vào ruộng vườn.
Mặt nạ tang lễ bằng đồng của văn hóa Mochica (100 TCN – 700 SCN). Các thủ lĩnh Mochica được mai táng trong những ngôi mộ lộng lẫy, cùng với đồ gốm hai màu, trang sức bằng vàng, ngọc lam, vỏ sò gai…
Hình người thổi sáo bằng bạc dập nổi của văn hóa Chimu (1100-1463). Người Chimu sống trên bờ Bắc Peru. Họ là những thợ kim hoàn tuyệt vời và là chủ nhân của loại đồ gốm đen làm bằng khuôn.
Mảnh tấm choàng làm bằng vải sợi len, hoa văn dệt của văn hóa Chimu (1100-1463). Họa tiết trên vải mô phỏng đầu chùy hình ngôi sao đặc trưng của văn hóa Inca (1450-1532). Những họa tiết nhỏ là mô-típ Chimu truyền thống. Đồ vải của người Chimu thường được cài lông chim và đáp vàng.
Cối đá hình động vật của văn hóa Chorrera (1.500-500 TCN). Chủ nhân của văn hóa Chorrera sống trên bờ Thái Bình Dương phía Nam Ecuador. Họ trồng ngô, đậu, bầu, làm đồ gốm đa sắc chất lượng cao và có kỹ năng chế tác đồ trang sức, đồ dùng bằng đá điêu luyện.
Bàn nạo hình cá bằng gốm của văn hóa Tumaco – La Tolita (500 TCN – 300 SCN). Cư dân của nền văn hóa này vừa đánh cá vừa trồng trọt bên bờ Thái Bình Dương vùng Nam Colombia và Bắc Ecuador. Họ sản xuất nhiều đồ gốm hình người, đồng thời là những thợ kim hoàn tài năng, là cư dân dầu tiên trên thế giới dùng bạch kinh để chế tác.
Hình người cách điệu bằng đá của văn hóa Valdivia (3.600-1.450 TCN). Cư dân văn hóa Valdivia vừa trồng trọt, vừa đánh cá ở duyên hải Ecuador. Họ là cư dân Nam Mỹ đầu tiên sản xuất những hình người cách điệu bằng đá hoặc gốm được giới nghiên cứu gọi là “Venus”. Các đồ vật này có thể đã được dùng trong nghi lễ.
Tấm manta làm từ vải sợi len, hoạt tiết dệt, dùng làm tấm choàng, địu trẻ em và vận chuyển đồ vật của người Aymara ở Tarabuco, Bolivia. Peru và Bolivia là hai vùng đất ở truyền thống dệt rất lâu đời. Công việc này chủ yếu do phụ nữ đảm nhiệm.
Mũ trẻ em bằng len đan tay của người Mapuche ở Chile. Trước đây màu nhuộm của cộng đồng bản địa châu Mỹ được làm từ thực vật, hoàng vật, ngày nay chủ yếu là màu công nghiệp. Hoa văn đề tài động vật, thực vật rất phổ biến, có sự khác nhau tùy khu vực.
Mola – tấm trang trí áo nữ bằng vải sợ bông của người Kuna ở quần đảo San Blas, Panama. Họa tiết mola được tạo theo kỹ thuật đáp vải ngược, với nhiều lớp vài màu khâu chồng lên nhau tạo nên hoa văn trừu tượng hoặc tả thực (hoa, động vật, đời sống…).
Hoa tai, đồ kim hoàn của cư dân bản địa Colombia. Vàng, bạc, bạch kim, đồng, thiếc rất phong phú ở Nam Mỹ. Nghề kim hoàn ra đời ở Peru từ thiên kiên kỷ 2 TCN, sau đó phát triển sang Ecuador và Colombia.
Hình người ngồi, đồ kim hoàn của cư dân bản địa Colombia. Tumbaga – hợp kim vàng – đồng được sử dụng phổ biến. Kim loại được đổ vào chén nhỏ để nung chảy trong lò đơn giản, sau đó được dát thành lá mỏng để chế tác đồ vật theo các kỹ thuật khác nhau: Dập nổi, hàn, gò, đúc bằng khuôn sáp…
Hình người ngồi với đồ đội đầu lớn, đồ kim hoàn của cư dân bản địa Colombia. Các loài hình đồ kim hoàn Colombia rất phong phú, gồm trang sức đeo cổ, hoa tai, hình người và động vật, mặt nạ tang lễ… Chúng thu hút người Tây Ban Nha đến tìm miền đất hứa vào thế kỷ 16.
Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG
Tags: Hiện vật lịch sử, Văn minh nhân loại, Văn minh bản địa châu Mỹ, Bảo tàng