Chùm ảnh: Những điều khó tin về loài thú xấu xí nhất quả đất

Bên cạnh ngoại hình dị hợm, tập tính cũng như đặc điểm sinh học của loài vật này kỳ lạ khống kém…

Phân bố ở những sinh cảnh đồng cỏ khô ráo của vùng Sừng châu Phi, chuột chũi trần hay chuột chũi không lông (Heterocephalus glaber) thường được mô tả là loài thú có vú xấu xí bậc nhất thế giới.

Các cá thể điển hình của loài vật này dài từ 8 đến 10 cm, nặng không quá 50 gam. Chúng được nhận biết với lớp da nhăn nhúm màu hồng, trụi lông, không giống bất cứ loài gặm nhấm họ hàng nào khác.

Do dành phần lớn cuộc sống trong hang dưới lòng đất, đôi mắt của chuột chũi trần đã bị thoái hóa, kích thước rất nhỏ và gần như mù. Bù lại, chúng có xúc giác rất nhạy cảm.

Những chiếc răng lớn và nhô ra của chúng được sử dụng để đào đất, đồng thời là vũ khí chiến đấu với kẻ thù, chủ yếu là rắn. Môi của chúng được bịt kín ngay sau răng, ngăn không cho đất lấp đầy miệng khi đào.

Bên cạnh ngoại hình dị hợm, tập tính cũng như đặc điểm sinh học của chuột chũi trần kỳ lạ khống kém. Chúng thường quần cư thành từng đàn lớn (trung bình 75 đến 80, có thể lên đến 200 cá thể) trong hệ thống hang dài hàng km nằm sâu dưới mặt đất.

Lối sống của chúng giống các loài côn trùng như ong, mối. Đầu đàn là một chuột chúa, là chuột cái duy nhất thực hiện chức năng sinh sản với cộng sự là một vài chuột đực. Những con chuột khác trong đàn vô sinh, có nhiệm vụ kiếm ăn, đảo hẩm, bảo vệ tổ, chăm sóc chuột con…

Hàng năm, chuột chúa có thể cho ra đời 100 con và duy trì được tốc độ sinh sản cho đến 20 tuổi. Khi nó chết đi, những con chuột cái khác sẽ cạnh tranh để chọn ra một con tiếp quản vị trí chuột chúa. Cơ thể chuột chúa mới sẽ biến đổi để tiếp tục vai trò duy trì nòi giống cho đàn.

Chuột chúa sẽ chăm sóc chuột sơ sinh trong tháng đầu tiên. Sau đó các thành viên khác trong đàn cho chuột con ăn thức ăn – loại phân mềm giàu dinh dưỡng chúng bài tiết ra – cho đến khi chuột đủ lớn để ăn thức ăn rắn.

Chuột chũi trần ăn rễ củ của một số loài cây chúng tìm thấy sâu dưới lòng đất. Khi ăn, chúng ăn phần bên trong nhưng bỏ phần bên ngoài, cho phép củ tái sinh. Bản thân loài chuột này lại là con mồi của một số loài rắn bản địa.

Chuột chũi trần có thể sống hơn 26 năm (gấp 9 lần các loài chuột có kích thước tương đương) và hiếm khi bị ưng thư. Chúng có khả năng này do cơ thể tự loại bỏ những protein bị tổn thương một cách hiệu quả, đồng thời giữ lại những protein ổn định và có chất lượng cao.

Một nhân tố khác cũng góp phần làm tăng tuổi thọ của loài chuột là tốc độ trao đổi chất trong cơ thể chúng rất thấp, giúp làm giảm quá trình oxy hóa (quá trình phá huỷ tế bào).

Loài chuột chũi này thích nghi tốt với tình trạng oxy hạn chế trong các đường hầm. Chúng có thể sống được ít nhất 5 giờ trong điều kiện không khí chỉ chứa 5% oxy. Trong bầu không khí không có oxy, chúng tồn tại được 18 phút mà không bị tổn thương gì.

Da của chuột chũi trần không có chất dẫn truyền thần kinh trong các sợi cảm giác. Điều này khiến chúng không cảm thấy đau đớn khi tiếp xúc với axit hoặc ớt, và không bị các triệu chứng ngứa như các loài gặm nhấm khác.

Đây cũng là loài động vật có vú máu lạnh duy nhất được biết đến trên Trái đất. Khi nhiệt độ thấp, lũ chuột sẽ tụ tập với nhau hoặc tìm kiếm những phần nông của hang được sưởi ấm bởi mặt trời. Khi quá nóng, chúng sẽ rút vào những phần sâu hơn, mát hơn của hang.

Do những đặc điểm sinh học “siêu việt”, hiện nay chuột chũi trần là đối tượng nghiên cứu trong nhiều phòng thí nghiệm trên khắp thế giới. Các nhà khoa học hi vọng, loài vật này sẽ là chìa khóa để con người nâng cao tuổi thọ và khống chế được các căn bệnh ung thư.

Trong tự nhiên, các quần thể chuột chũi trần vẫn duy trì được số lượng đông đảo ở địa bàn cư trú. Loài vật độc đáo này cũng đã được đưa đến một số vườn thú, trở thành đối tượng thu hút đông đảo du khách đến quan sát, khám phá.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG

Tags: , ,