⠀
Chùm ảnh: Những bức tranh tường có 1-0-2 ở cung điện của vua Khải Định
Những bức tranh tường ở cung An Định có tuổi đời ngót nghét 100 năm, là những tác phẩm hội họa hết đáo của giai đoạn chuyển tiếp giữa mỹ thuật truyền thống với mỹ thuật mới ở Việt Nam đầu thế kỷ 20.
>> Chùm ảnh: Sự tuyệt mỹ của cung An Định ở Cố đô Huế |
Nằm ở số 97 Phan Đình Phùng, TP Huế, cung An Định là cung điện riêng của vua Khải Định từ khi còn là thái tử đến khi làm vua. Không chỉ nổi tiếng với kiến trúc hoa Mỹ, cung điện này còn được biết đến với những bức tranh tường hết sức độc đáo.
Đó là một bộ tranh gồm 6 bức được vẽ bằng sơn dầu trực tiếp lên mặt tường trát xi măng của sảnh chính tầng một lầu Khải Tưởng, tòa nhà chính của cung An Định.
Các tranh này không đề tên người vẽ, nội dung tái hiện lại các lăng vua của nhà Nguyễn. Đầu tiên là lăng Gia Long với góc nhìn từ sân chầu trước lăng hướng ra núi Đại Thiên Thọ.
Đối diện với tranh lăng Gia Long là tranh lăng Minh Mạng. Tranh được thể hiện với góc nhìn từ Bửu Thành của lăng hướng về tòa Minh Lâu, công trình nằm ở vị trí trung tâm.
Tranh lăng Thiệu Trị nằm cùng mặt tường với tranh lăng Gia Long. Góc nhìn của bức tranh này là từ vườn hoa sau lầu Đức Hinh hướng về Bửu Thành của lăng Thiệu Trị.
Đối diện với tranh lăng Thiệu Trị là tranh lăng Tự Đức. Bức tranh thể hiện hình ảnh hồ Lưu Khiêm với Xung Khiêm Tạ nằm ở giữa.
Riêng lăng Đồng Khánh có hai bức, nằm hai bên cửa ra vào sảnh chính. Hai bức này có kích cỡ nhỏ hơn bốn bức trước. Một bức vẽ lại khung cảnh nhìn từ nhà bia của lăng.
Bức kia vẽ một góc khu tẩm điện của lăng vua Đồng Khánh. Có lẽ có hai bức tranh lăng Đồng Khánh vì vua Đồng Khánh là cha vua Khải Định, chủ nhân của các bức tranh này.
Cả 6 bức tranh này đều tả cảnh thực ở các khu lăng tẩm nên những ai đã đi thăm thực địa rồi sẽ không khó để nhận ra.
Về cách thể hiện, các bức tranh vừa được vể theo luật viễn cận châu Âu, vừa có phần mang góc nhìn sinh động của người phương Đông.
Màu chủ yếu ở cả 6 tranh là màu xanh diễn tả cây, màu lam của trời và nước, màu nâu của mái ngói và màu xám của cấu trúc gạch.
Dù được vẽ trực tiếp trên mặt tường nhưng tranh lại khung đắp nổi rất cầu kỳ, gây ấn tượng như tranh vẽ trên giá rồi lồng khung treo tường.
Theo sử sách, cung An Định được xây dựng năm 1918. Vì vậy, những bức tranh tường được vẽ vào khoảng thời điểm năm 1918 trở về sau, đến nay đã ngót nghét 100 tuổi.
Có thể coi đây là những bức tranh của giai đoạn chuyển tiếp giữa mỹ thuật truyền thống với mỹ thuật mới ở Việt Nam đầu thế kỷ 20.
Do những thăng trầm của lịch sử, đến thập niên 1990, các bức tranh tường ở cung An Định đã xuống cấp nghiêm trọng.
Từ năm 2005, với sự giúp đỡ của chuyên gia CHLB Đức, bộ tranh đã được phục hồi theo phương pháp phục hồi hoàn nguyên và sử dụng các chất bảo quản nhằm ngăn chặn những tác hại của môi trường.
Cho đến nay, những tác phẩm hội họa này đã được trả lại diện mạo vốn có. (Hình ảnh trong bài được thực hiện với sự đồng ý của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Bài có sử dụng tư liệu của Cổng thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế).
Theo KIẾN THỨC
Tags: Huế, Hội họa, Khải Định, Di tích lịch sử, Địa điểm du lịch, Nhà Nguyễn