⠀
Chùm ảnh: Mộ tướng Võ Tánh và câu chuyện cảm động thời binh đao
Phía sau lăng mộ tướng Võ Tánh ở thành Hoàng Đế có một câu chuyện lịch sử cảm động vẫn còn được lưu truyền tới nay.
Nằm ở xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, thành Hoàng Đế có tiền thân là thành Đồ Bàn của người Chăm, sau này trở thành kinh đô của triều Tây Sơn rồi được triều Nguyễn tiếp quản. Tòa thành này cùng là nơi an nghỉ của tướng Võ Tánh, một vị tướng nổi tiếng của nhà Nguyễn.
Khu lăng mộ tướng Võ Tánh nằm giữa thành, có khuôn viên rộng với tường bao quanh. Bờ tường mặt trước có bình phong dạng cuốn thư ở chính giữa, hai bên có hai lối vào.
Phía sau cửa lăng có một nền sân hình chữ nhật, trên phủ cát, là nền móng một công trình cũ trong thành. Cuối sân có lối đi dẫn đến tòa lầu bát giác.
Tòa lầu bát giác này là nơi thờ tướng Võ Tánh và Ngô Tùng Châu, vị công thần đã tử thủ ở Bình Định cùng tướng Võ Tánh năm xưa.
Chính giữa công trình là văn bia.
Sau văn bia là bàn thờ bằng gỗ sơn son thiếp vàng.
Tường và các cột bên trong lầu bát giác có treo một cặp câu đối và nhiều bài minh văn.
Sau lầu bát giác có một lối đi dẫn đến khu mộ.
Đầu khu mộ có một hương án lớn.
Sau hương án là mộ phần tướng Võ Tánh. Mộ có hình tròn nằm trên ba bậc nền chữ nhật. Trên mộ có đắp biểu tượng một con dơi.
Nằm kề bên mộ tướng Võ Tánh là mộ Ngô Tùng Châu hình chữ nhật. Hài cốt của ngôi mộ này đã được cải táng về Phù Cát, Bình Định.
Bình phong sau mộ.
Bên ngoài khu mộ có đặt một số tượng sư tử có nguồn gốc từ thành Đồ Bàn xưa.
Theo sử sách, Võ Tánh (1768 – 1801) là vị tướng có công giúp chúa Nguyễn Ánh chống nhà Tây Sơn, được xếp cùng với Đỗ Thanh Nhơn và Châu Văn Tiếp là “Gia Định tam hùng”. Ông tử trận trong cuộc chiến với quân Tây Sơn trước khi nhà Nguyễn chính thức thành lập.
Quanh cái chết của tướng Võ Tánh, có một câu chuyện cảm động vẫn còn được lưu truyền tới nay.
Theo giai thoại, vào năm 1801, tướng Võ Tánh cùng quân sĩ bị tướng Trần Quang Diệu của triều Tây Sơn vây hãm ở thành Bình Định. Trong thành binh sĩ lâu ngày thiếu lương thực, có người khuyên Võ Tánh nên vượt vòng vây trốn thoát, nhưng ông cương quyết ở lại.
Tướng Võ Tánh đã nói: “Không thể được. Ta phụng mạng giữ thành này, nên thề với thành cùng sống chết. Nếu bỏ thành mà hèn nhát trốn lấy một mình, thì sau này còn mặt mũi nào trông thấy chúa thượng?”.
Biết không thể cứu thánh, ông cho người trao cho Trần Quang Diệu một bức thư xin tha chết cho quân sĩ trong thành. Sau đó ông tự thiêu để giữ khí tiết. Ngô Tùng Châu cũng dùng thuốc độc tự vẫn theo chủ tướng. Đó là ngày 7/7/1801.
Sau khi chiếm thành Bình Định, tướng Trần Quang Diệu đã chấp thuận lời thỉnh cầu của tướng Võ Tánh, không giết hại các bại binh nhà Nguyễn. Nhiều người trong đội quân này đã ở lại Bình Định để xây dựng cuộc sống mới.
Nghĩa khí của Võ Tánh động lòng người, nên nhân dân trong vùng đã xây lăng mộ và thờ phụng trong thành Hoàng Đế. Lễ cúng tướng Võ Tánh diễn ra vào ngày ông mất (26/5 Âm lịch) hàng năm. Vào ngày này, mâm cơm cúng không có món thịt nướng vì gợi nhớ tới cái chết do tự thiêu của ông.
Người dân Bình Định cũng đã lưu truyền câu ca về cái chết của tướng Võ Tánh như sau: “Ngó lên ngọn tháp Cánh Tiên/ Cảm thương quan Hậu thủ thiềng (thành) ba năm”.
Sau này, để tưởng nhớ tướng Võ Tánh, vua Gia Long sai lập một mộ nữa cho ông ở Phú Nhuận (nay là hẻm số 19 đường Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận, TP HCM) và chôn hình nhân bằng sáp.
Theo KIẾN THỨC
Tags: Di tích lịch sử, Địa điểm du lịch, Bình Định, Kiến trúc lăng mộ, Chiến tranh Tây Sơn - Chúa Nguyễn