⠀
Chùm ảnh: Mỏ thiếc Tĩnh Túc – dấu ấn Liên Xô ở vùng núi Đông Bắc
Được các chuyên gia Liên Xô giúp đỡ, Xí nghiệp sản xuất Mỏ Thiếc Tĩnh Túc được khánh thành và đi vào hoạt động từ năm 1956. Công trình khi đó có quy mô lớn nhất, hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á.
Nằm ở địa phận thị trấn Tĩnh Túc, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, mỏ thiếc Tĩnh Túc không chỉ là cơ sở khai khoáng mà còn là chứng tích lịch sử về buổi đầu phát triển công nghiệp ở Việt Nam và tình hữu nghị Việt Nam – Liên Xô. Ảnh: Bia kỷ niệm tình hữu nghị Việt – Xô ở mỏ thiếc, đặt tại cửa ngõ thị trấn Tĩnh Túc.
Ngược dòng thời gian, người Pháp bắt đầu khảo sát và khai thác mỏ thiếc lộ thiên này từ cuối thế kỷ 19. Sau năm 1954, cùng với cả nước, quân và dân Cao Bằng đã bước vào thực hiện cùng lúc hai nhiệm vụ: Xây dựng miền Bắc XHCN và chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: Toàn cảnh mỏ thiếc Tĩnh Túc.
Nhờ nguồn tài nguyên phong phú với các khoảng sản giá trị cao như vàng, mangan, thiếc, vonfram… và các khai trường, hầm mỏ do Pháp để lại, Cao Bằng được Trung ương định hướng tập trung vào ngành công nghiệp khai khoáng luyện kim màu. Ảnh: Thiếc sa khoáng được khai thác từ mỏ thiếc Tĩnh Túc.
Được các chuyên gia Liên Xô giúp đỡ, tháng 10/1955, mỏ thiếc Tĩnh Túc được thành lập. Việc tổ chức, xây dựng đội ngũ công nhân, cải tạo lại các cơ sở, hầm mỏ sản xuất… được xúc tiến khẩn trương. Ảnh: Quảng trường bên mỏ thiếc Tĩnh Túc.
Đúng một năm sau, Xí nghiệp sản xuất Mỏ Thiếc Tĩnh Túc được khánh thành và đi vào hoạt động. Công trình khi đó có quy mô lớn nhất, hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Tượng đài Bác Hồ ở mỏ thiếc Tĩnh Túc
Khi ấy, để làm ra hạt quặng, người thợ mỏ phải vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ do địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt. Chưa kể, thời kì này Việt Nam vẫn thiếu thốn về trang thiết bị, nguồn thực phẩm. Ảnh: Phù điêu sau tượng đài, với nội dung thể hiện lịch sử đấu tranh và phát triển của Mỏ thiếc, kể từ thời thực dân đô hộ cho đến nay.
Vượt qua mọi thách thức, tập thể cán bộ mỏ thiếc đã làm ra những thỏi thiếc đầu tiên trong sự phấn khởi vô bờ. Ngày 15/9/1958, Mỏ Thiếc Tĩnh Túc vinh dự được Bác Hồ về thăm và động viên. Ảnh: Cảnh Bác Hồ về thăm mỏ thiếc được tạc trên phù điêu.
Kể từ khi đi vào khai thác trên quy mô lớn, mỏ thiếc Tĩnh Túc đã trở thành “đứa con đầu lòng” của ngành khai khoáng, luyện kim màu của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Công trình cũng góp phần thắt chặt tinh thần hữu nghị Việt – Xô. Ảnh: Hoạt động sản xuất ở mỏ thiếc được tái hiện trên phù điêu.
Từ một vùng đất hoang vu, Vào thời điểm những năm 1960-1970, Tĩnh Túc trở thành thị trấn sầm uất, dân số cả vài ngàn người, đèn điện sáng trưng, đời sống sung túc. Ảnh: Khu nhà tuổi đời nửa thế kỷ của công nhân mỏ thiếc ở trục phố chính của thị trấn Tĩnh Túc.
Theo biểu đồ thống kê, mỏ đạt sản lượng cao nhất vào năm 1962, với sản lượng khai thác lên đến 619 tấn quặng thiếc. Năm 1967 là thời điểm số lượng công nhân của mỏ đạt đỉnh với tổng số 3.000 người. Ảnh: Bức phù điêu có từ năm 1976 tại khu nhà công nhân mỏ.
Sau hơn 60 năm hình thành và phát triển, xí nghiệp khai thác mỏ năm nào đã chuyển thành Công ty cổ phần Khoáng sản và Luyện kim Cao Bằng, tiếp tục công tác khai khoáng, sàng lọc quặng thiếc, với sản phẩm chủ lực là thiếc thỏi thương phẩm 99,75% Sn.
Có thể nói, với một bề dày lịch sử và truyền thống của nhiều thế hệ giai cấp công nhân vùng mỏ, mỏ thiếc Tĩnh Túc đang đóng góp ổn định và bền vững cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Cao Bằng nói riêng và cả nước nói chung.
Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG
Tags: Di tích lịch sử, Địa điểm du lịch, Cao Bằng, Quan hệ Việt Nam - Liên Xô