Chùm ảnh: Loài thú trông như con lai của nhím và chuột cống ở Việt Nam

Nhìn thoáng qua, loài vật này giống như một loài lai tạp giữa nhím và chuột cống, với phần đầu hơi giống chuột, còn phần thân mập mạp và có gai tua tủa như nhím.

Trong số các loài động vật gặm nhấm sinh sống ở Việt Nam, đon, còn gọi là don hay nhím đuôi dài (Atherurus macrourus) là một loài vật mang nhiều đặc điểm thú vị. Ảnh: Encyclopedia of Life.

Đây là một loài thú nhỏ trong họ Nhím (Hystricidae), các cá thể trưởng thành cân nặng 3-5 kg, dài thân 38-50 cm, dài đuôi 14-23 cm. Ảnh: Thai National Parks.

Nhìn thoáng qua, đon giống như một con vật lai tạp giữa nhím và chuột cống, với phần đầu hơi giống chuột với tai tròn, mắt và tai khá nhỏ, còn phần thân mập mạp và có gai tua tủa như nhím. Ảnh: BioLib.

So với họ hàng gần nhất ở Việt Nam là nhím (Hystrix brachyura), đon có lông gai thô, thưa, ngắn (7-10 cm) và dẹp hơn. Đuôi đon dài và có một chùm lông đuôi lớn như chiếc bàn chải ở chót đuôi. Ảnh: Wikipedia.

Tứ chi của đon ngắn và mập mạp, bàn chân trước và sau có năm ngón, vuốt thẳng, Nệm chân dày, mềm giúp chúng chuyện động êm trong rừng vào đêm tối. Ảnh: EAC News Cambodia.

Đon chủ yếu sống ở rừng trên núi đá vôi hay nơi có nhiều đá lộ đầu, ở trong các hang, hốc đá tự nhiên. Đây là loài động vật nhanh nhẹn, có thể chạy, leo trèo và bơi tốt. Ảnh: Freunde Hauptstadtzoos.

Loài vật này có tập tính sống theo bầy đàn từ 6-8 con. Ban ngày chúng ẩn nấp trong hốc cây, ban đêm mơi mò ra kiếm ăn. Ảnh: Earth.com.

Thức ăn của đon gần giống nhím, gồm rễ cây, măng, vỏ cây, quả chín rụng xuống đất. Chúng có khả năng thích nghi với nhiều môi trường khác nhau từ rừng nguyên sinh đến các vùng đất canh tác. Ảnh:
ZooChat.

Ở Việt Nam, đon hiện diện ở hầu hết ở các vùng còn rừng, đặc biệt là các khu vực núi có nhiều hang đá sâu. Trên thế giới, chúng được ghi nhận ở Thái Lan, miền Đông Myanmar, Lào, Campuchia, Malaysia, Indonesia. Ảnh: Panda.org.

Do có thịt ngon, lại dễ nuôi và sinh sản nên hiện nay đon đã được nuôi thương phẩm tại nhiều trang trại quy mô hộ gia đình ở Việt Nam. Ảnh: Tạp Chí Nông Thôn Việt.

Trên phương diện bảo tồn, số lượng đon ở Việt Nam và các quốc gia trong khu vực còn tương đối nhiều, và chúng chưa phải là loài nằm trong diện bị đe dọa. Ảnh: Vườn quốc gia Hoàng Liên.

Tuy nhiên cũng cần phải có biện pháp bảo vệ loài đon trong tự nhiên, vì số lượng của chúng đang có xu hướng giảm dần do bị người dân săn bắn và bẫy bắt, cùng tình trạng suy thoái rừng. Ảnh: BioLib.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG

Tags: ,