Chùm ảnh: Hội quán Quảng Đông ở phố cổ Hà Nội bây giờ ra sao?

Không chỉ là một công trình kiến trúc đặc sắc của phố cổ Hà Nội, hội quán Quảng Đông còn là nơi ghi dấu sự nghiệp nhà cách mạng Tôn Trung Sơn…

Nằm ở số 22 Hàng Buồm, là một trong hai hội quán cổ của người Hoa ở Hà Nội, hội quán Quảng Đông được hình thành bởi cộng đồng người gốc Quảng Đông (Trung Quốc) định cư tại phường Hà Khẩu, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương khoảng 400 năm trước.

Cho đến đầu thế kỷ 20, hội quán là nơi thực hành tín ngưỡng, điểm giao dịch, thỏa thuận buôn bán, phân xử tranh chấp thương mại và tổ chức các sinh hoạt cộng đồng của cộng đồng người gốc Hoa trên phố Hàng Buồm và các phố lân cận.

Lịch sử hội quán còn gắn liền với tên tuổi nhà cách mạng Tôn Trung Sơn. Trong quá trình hoạt động và chuẩn bị cho Cách mạng Tân Hợi ở Trung Quốc năm 1911, ông đã lưu trú tại hội quán Quảng Đông vào năm 1903 – 1904.

Theo dòng lịch sử, cộng đồng người Hoa ở Hà Nội mai một dần, và chức năng cùng kiến trúc hội quán Quảng Đông cũng biến đổi. Trong những thập niên cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, hội quán vang bóng một thời trở thành trường Mẫu giáo Tuổi Thơ.

Từ cuối năm 2018, trường mẫu giáo bắt đầu được di dời để trùng tu toàn diện kiến trúc cổ đặc sắc nhất phố Hàng Buồm. Cuối năm 2021, công trình khánh thành trong vai trò một trung tâm triển lãm nghệ thuật, với tên gọi chính thức là Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm.

Khuôn viên hội quán Quảng Đông xưa có diện tích khoảng 1.800 m2, ngày nay vẫn được bảo toàn tương đối nguyên vẹn. Dù đã bị sửa đổi trong quá khứ, không gian và kiến trúc hội quán vẫn giữ được nhiều nét cổ kính, là sự kết hợp giữa các nền văn hóa Pháp – Việt – Hoa.

Về tổng quan, hội quán có lối kiến trúc điển hình của các hội quán Hoa kiều, với bốn dãy nhà bố cục hợp thành chữ “Khẩu” (口), ở giữa là giếng trời thoáng đãng. Các đơn nguyên kiến trúc từ trước ra sau gồm tiền đường, phương đình, trung đường và hậu cung.

Phong cách kiến trúc Quảng Đông tiêu biểu của hội quán thể hiện ở kiểu mái có đầu hồi và đầu đao vuông bằng, sắc cạnh.

Tương tự như một số hội quán nổi tiếng của người Hoa Chợ Lớn, kiến trúc hội quán 22 Hàng Buồm gây ấn tượng mạnh nhờ các phù điêu khắc nổi, được tạo tác rất tỉ mỉ, cầu kỳ.

Nổi bật là dãy phù điêu gốm trên tường tiền đường được thực hiện vào lần trùng tu năm 1920. Các tác phẩm này tái hiện các câu chuyện trong Tam Quốc Diễn nghĩa và Tây du ký, có nét tương đồng lớn với gốm Biên Hòa.

Mặt trước hội quán cũng có những mảng phù điêu lộng lẫy. Tiếc rằng, theo thời gian, những phù điêu này đã bị hư hỏng khả nặng, phần lớn đã mất hết đầu người.

Hiện tại hội quán có hai khu vực thờ tự, một dành cho Quan Công, một dành cho Bà Thiên Hậu. Do các biến động lịch sử mà đồ nội thất nguyên bản của hội quán đã mất mát phần lớn.

Một số điện thờ cũ được cải tạo thành không gian trưng bày nghệ thuật, là nơi để các nghệ sĩ đương đại giới thiệu những các phẩm tâm huyết của mình.

Mặt sau hội quán thông ra phố Nguyễn Siêu, đã được cải tạo thành một không gian mở phục vụ các hoạt động cộng đồng.

Đây là nơi lý tưởng để quan sát cuộc sống ở phổ cổ Hà Nội từ một góc nhìn mới lạ.

Kể từ sau khi khánh thành, hội quán Quảng Đông – Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm đã trở thành một điểm đến mới của khu phố cổ, thu hút nhiều du khách, đặc biệt là giới trẻ, đến tham quan, thưởng thức nghệ thuật, chụp ảnh kỷ niệm.

Ngoài hội quán Quảng Đông, Hà Nội xưa còn có hội quán Phúc Kiến, được xây từ năm 1817. Ngày nay hội quán này là trường Tiểu học Hồng Hà ở số 40 phố Lãn Ông…

Một số hình ảnh khác về hội quán Quảng Đông – Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG

Tags: , , ,