Chùm ảnh: Hiện trường vụ nổ thảm khốc ở thành phố Beirut

Những người lính gục xuống khóc khi thấy thi thể đồng đội, cảng bị san phẳng, đường phố đầy gạch, còi báo động khắp mọi nơi… là cảnh tượng kinh hoàng sau vụ nổ ở Beirut.

Hai vụ nổ ở cảng Beirut vào tối 4/8 làm ít nhất 78 người chết và hàng nghìn người khác bị thương. Trong đó, vụ nổ thứ hai tạo ra làn sóng áp lực mạnh, gây thiệt hại nặng nề và rộng hơn nhiều, khiến người gục ngã, xe bị lật và tạo đám mây khói bụi bao phủ trung tâm Beirut, theo New York Times.

Vụ nổ thứ hai tạo cột khói khổng lồ màu cam trên bầu trời, nhìn thấy từ xa. Ảnh: AFP.

Đống đổ nát tại khu vực cảng Beirut, gần như bị san phẳng. Ảnh: Reuters.

Cửa sổ nhiều tòa chung cư cách đó hàng km bị áp lực làm vỡ, khiến đường phố Beirut ngổn ngang nhiều mảnh vỡ, mảnh kính. Ảnh: AP

Theo tường thuật của AFP, quân lính đã phong tỏa hiện trường đầy mảnh vỡ, đổ nát. Một phụ nữ ngoài 20 tuổi đứng đó và hét lên với lực lượng an ninh, hỏi về anh/em trai của cô, là một nhân viên ở cảng. “Tên là Jad, có mắt xanh lá cây”, cô cầu xin, nhưng không được gì. Gần đó, một phụ nữ khác gần như sắp ngất, cũng đang hỏi về người thân của mình ở cảng. Ảnh: AFP.

Bên trong cảng, các kho chứa trông giống những cái hộp bị thiêu rụi, mọi thứ bị phá hủy tới mức không thể nhận ra, trong khi trực thăng chữa cháy bay phía trên và phun nước xuống. Mọi xe hơi đậu trong bán kính vài trăm mét đều bị thiệt hại, những chiếc gần hiện trường nhất trở thành sắt vụn. Vụ nổ lớn đến mức có thể cảm thấy được ở Cyprus cách đó 240 km, cũng theo AFP. Ảnh: AFP .

Tiếng còi vang lên khắp nơi, khi xe cứu thương đưa thi thể ra trong suốt ít nhất ba tiếng, còn xe cứu hỏa liên tục ra vào hiện trường. Ảnh: AP.

Một số lính cứu hỏa đang lo lắng tìm kiếm đồng đội đã đến chữa cháy ngay từ đầu, trước khi có vụ nổ thứ hai làm rung chuyển thành phố. Một vài người lính gục xuống khóc khi thi thể một đồng đội được đưa ra trên cáng. Một cảnh sát mở điện thoại cho phóng iên AFP xem ảnh của người đồng đội xấu số, chụp cạnh người vợ chưa cưới. Ảnh: Reuters.

Đội y tế đang làm việc tại bãi đỗ xe của bệnh viện ở Beirut. Nhiều bệnh viện gần hiện trường bị tàn phá nặng nề. Ảnh: Zuma Press.

Nhiều người đổ tới các bệnh viện để chữa trị vết thương do trúng mảnh kính vỡ từ tác động của vụ nổ. Ảnh: Getty.

Trực thăng trút nước xuống hiện trường ở Beirut. Ảnh: Getty.

Một tài khoản Instagram được lập ra để giúp mọi người tìm thông tin về người thân đang mất tích đã có 40.000 người theo dõi. Đã có gần 100 bài đăng về người mất tích, theo Guardian. Ảnh: Getty Images.

Ít nhất 4.000 người bị thương được đưa tới các bệnh viện, đa phần tự đi hoặc được người quen đưa tới, sau khi phải vượt qua những con phố mà xe không qua lại được do thiệt hại, trong khi xe cứu thương thì quá tải. Ảnh: Getty Images.

Bệnh viện St. George ở trung tâm bị thiệt hại nặng và phải dừng hoạt động, đưa bệnh nhân sang các nơi khác. “Mọi tầng của bệnh viện bị thiệt hại”, bác sĩ Peter Noun, một trưởng khoa trong viện, nói với New York Times. “Ngay cả trong chiến tranh tôi cũng chưa chứng kiến cảnh này, thực sự là một thảm họa”. Ảnh: AP.

Các quan chức chính phủ nói “các chất dễ nổ” đã được cất giữ ở nơi xảy ra hai vụ nổ, nằm tại khu cảng phía bắc của Beirut, gần đó có nhiều bệnh viện, thánh đường, nhà thờ và đại học. Ảnh: AFP.

Ngoài khó khăn từ dịch COVID-19, chính phủ Lebanon gần đây phải đối phó với các cuộc biểu tình lớn do khủng hoảng kinh tế, quản lý yếu kém và tham nhũng. Đợt biểu tình tháng 10/2019 phản đối tình trạng thiếu thốn các hạ tầng căn bản – không có nước sạch, không có điện – khiến Thủ tướng Saad Hariri phải từ chức. Nhưng đến nay chưa có nhiều thay đổi – nạn thiếu điện vẫn vậy, kinh tế càng tệ đi, giá thực phẩm tăng tới 80%, theo Guardian. Ảnh: AFP.

Vụ nổ phá vỡ quãng thời gian nhiều năm liền khá bình yên ở thủ đô Lebanon, gợi lại những ngày mà hỗn loạn, đánh bom là việc diễn ra thường ngày trong thời kỳ nội chiến 1975-1990 và các lần xung đột giữa Israel và lực lượng Hezbollah. Ảnh: AFP.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN 

Tags: , ,