⠀
Chùm ảnh: ‘Gan lì cóc tía’ – hóa ra cóc tía là con vật kỳ lạ này
Cóc tía là con vật đã đi vào tiềm thức người Việt qua câu thành ngữ “gan lì cóc tía”. Nhưng hiện tại, hầu như không ai có cơ hội bắt gặp chúng trong thực tế.
Trên phương diện khoa học, họ Cóc tía (Bombinatoridae) gồm các loài cóc có đặc trưng là thân hình dẹp, có phần bụng với màu đỏ hay vàng sặc sỡ, phân bố rộng từ châu Âu sang châu Á. Ảnh: Getty Images.
Việt Nam chỉ có duy nhất một loài cóc tía, đó là cóc tía chân màng nhỏ, có danh pháp là Bombina microdeladigitora. Trong nhiều tài liệu ở nước ta, chúng được gọi ngắn gọn là loài cóc tía. Ảnh: Luan Thanh Nguyen / Berkeley.edu.
Thoạt nhìn, loài cóc này trông giống gần cóc nhà, nhưng đi sâu vào giải phẫu học sẽ thấy nhiều sự khác biệt, như lỗ mắt hình tam giác, không có màng nhĩ, lưỡi tròn gắn với thềm miệng. Dài thân của chúng khoảng 70 – 80 mm. Ảnh: Genus Bombina.
Mặt lưng cóc tía Việt Nam có mầu đồng thau hay xanh lá cây với nhiều mụn lớn có những lỗ nhỏ để tiết nhựa – một dạng nọc độc. Mặt bụng, bàn tay, bàn chân cóc tía có những đốm lớn màu đỏ, vàng sặc sỡ trên nền đen. Cá thể đực có da xù xì hơn cá thể cái. Ảnh: Phùng Mỹ Trung / Vncreatures.net.
Sinh cảnh của cóc tía là vùng núi cao từ 1.200 mét trở lên. Chúng sống trong các hốc đá, bọng cây có nước, kiếm ăn chủ yếu vào ban đêm, thức ăn là các loài côn trùng. Rất ít khi thấy các cá thể cái mà chủ yếu gặp con đực. Ảnh: Luan Thanh Nguyen / Berkeley.edu.
Các loài cóc tía có một phương cách tự vệ rất độc đáo. Khi bị đe dọa, chúng không tìm cách bỏ chạy mà sẽ lật ngửa bụng để khoe ra mảng màu cảnh báo rằng chúng rất độc, kẻ nào dại dột nuốt vào bụng thì sẽ phải “ôm hận”. Ảnh: Wikipedia.
Có lẽ, thái độ lì lợm, đầy thách thức khi đối mặt với những kẻ mạnh hơn đã khiến người Việt xưa kính nể đến mức phải thốt lên là “gan lì cóc tía”. Đó cũng là thời mà cóc tía còn hiện ở nhiều nơi và rất dễ bắt gặp. Ảnh: Jodi Rowley.
Còn ngày nay, cóc tía chân màng nhỏ đã trở thành một loài lưỡng cư rất hiếm, chỉ sinh sống rải rác trên một diện tích hẹp ở phía Nam Trung Quốc và Bắc Việt Nam. Ảnh: Vnherps.
Ở Việt Nam thế kỷ 20, loài này từng được ghi nhận ở Hà Giang (Tây Côn Lĩnh), Lào Cai (Sapa), Lai Châu, nhưng hiện chỉ còn một quần thể trên dãy Hoàng Liên Sơn. Trong Sách Đỏ Việt Nam, chúng được xếp vào diện Rất nguy cấp. Ảnh: Bombina Facebook.
Nếu không có các biện pháp bảo tồn thích hợp, loài cóc tía của Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị biến mất trong tương lai. Khi đó, chúng chỉ còn để lại một di sản duy nhất là câu “gan lì cóc tía”. Ảnh: Bombina Facebook.
Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG
Tags: Thiên nhiên, Động vật, Lưỡng cư