Chùm ảnh: Điểm mặt cả họ nhà cò sinh sống ở Việt Nam

Trong thế giới chim chóc, họ Diệc (Ardeidae) gồm các loài cò, vạc, diệc… có chân cao, cơ thể mảnh dẻ, mỏ dài linh hoạt, thích nghi với cuộc sống ở các vùng đất ngập nước. Cùng điểm qua các loài điển hình hiện diện tại Việt Nam.

Ảnh: eBird.

Cò trắng (Egretta garzetta) dài 55-56 cm, là loài định cư phổ biến tại nam Bộ, trú đông tương đối phổ biến trong cả nước. Sinh cảnh của chúng là các vùng đất ngập nước, nơi canh tác.

Cò đen (Egretta sacra) dài 58-59 cm, là loài định cư ven biển không phổ biến đến tương đối phổ biến tại Đông Bắc, Trung, Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Loài này sống ở các đảo nhỏ, bãi đá ven biển, bãi biển, thỉnh thoảng gặp ở đầm lầy.

Cò trắng Trung Quốc (Egretta eulophotes) dài 68-69 cm, là loài trú đông không phổ biến tại Đông Bắc, Nam Bộ, di cư hiếm qua Đông Bắc, Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Chúng sống ở các vùng ngập triều, rừng ngập mặn. Là loài Nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam.

Cò ngàng lớn (Ardea alba) dài 85-102 cm, là loài định cư không phổ biến tại Nam Bộ, trú đông tương đối phổ biến tại Đông Bắc và Trung Bộ. Chúng sống ở các vùng đất ngập nước, đồng lúa nước, rừng ngập mặn.

Cò ngàng nhỏ (Ardea intermedia) dài 65-72 cm, là loài định cư hiếm đến không phổ biến tại Nam Bộ, trú đông tương đối phổ biến tại Đông Bắc, Trung Bộ và Nam Bộ. Chúng sống ở các vùng đất ngập nước, đồng lúa nước.

Cò lửa lùn (Ixobrychus sinensis) dài 36-38 cm, là loài định cư tương đối phổ biến tại Đông bắc và Nam Bộ, ghi nhận di cư qua Trung và Nam Trung Bộ. Sinh cảnh của loài này này vùng đất ngập nước nước ngọt, đôi khi ghi nhận tại đồng lúa nước.

Cò lửa (Ixobrychus cinnamomeus) dài 38-41 cm, loài định cư tương đối phổ biến trong cả nước, di cư qua Đông Bắc và Bắc Trung Bộ. Chúng sống ở đầm lầy ven biển, đồng lúa nước, đất ngập nước nước ngọt.

Cò hương (Dupetor flavicollis) dài 54-61 cm, là loài định cư không phổ biến tại Nam Bộ, di cư sinh sản không phổ biến tại Đông Bắc. Môi trường sống của chúng là đất ngập nước nước ngọt, đất nông nghiệp, đầm lầy, rừng ngập mặn.

Cò xanh (Butorides striatus) dài 40-48 cm, là loài định cư không phổ biến đến tương đối phổ biến trong cả nước. Chúng sống ở các vùng bãi bùn ngập triều, rừng ngập mặn, đảo ngoài khơi, sông suối trong hoặc gần rừng, hồ nước.

Cò bợ (Ardeola bacchus) dài 45-52 cm, là loài định cư phổ biến tại Đông Bắc, Nam Bộ, di cư sinh sản tương đối phổ biến trong cả nước, sinh sản mạnh tại một số vườn chim vùng Đông Bắc. Sinh cảnh của chúng là đất ngập nước nước ngọt, rừng ngập mặn.

Cò bợ Java (Ardeola speciosa) dài 45-46 cm, là loài định cư tương đối phổ biến tại Nam Bộ (Cần Giờ, Gò Công, Cà Mau). Loài này sống ở vùng đất ngập nước, rừng ngập mặn, chủ yếu là các vùng đất thấp ven biển.

Cò ruồi (Bubulcus coromandus) dài 48-53 cm, là loài định cư phổ biến trong cả nước, di cư phổ biến qua Đông Bắc. Chúng sống ở các vùng đất ngập nước, đất canh tác, đồng lúa nước, kiếm ăn gần các loài gia súc.

Vạc (Nycticorax nycticorax) dài 58-65 cm, là loài định cư tương đối phổ biến tại Tây Bắc, Đông Bắc, Trung, Nam Trung Bộ, rất phổ biến tại Nam Bộ. Chúng sống ở đầm lầy, đồng lúa nước, rừng ngập mặn, kiếm ăn ban đêm.

Vạc hoa (Gorsachius magnificus) dài 54-56 cm, là loài định cư hiếm tại Đông Bắc. Chúng sống ở các con suối, hồ trong rừng lá rộng thường xanh, rừng trên núi đá, kiếm ăn ban đêm.

Vạc rừng (Gorsachius melanolophus) dài 48-51 cm, là loài di cư sinh sản hiếm tại Đông Bắc, Bắc Trung Bộ, định cư không phổ biến tại Trung Trung Bộ và Nam Bộ. Sinh cảnh của chúng là đầm lầy, suối trong rừng lá rộng thường xanh, rừng hỗn giao, rừng đầm lầy, rừng thứ sinh, kiếm ăn ban đêm.

Diệc xám (Ardea cinerea) dài 90-98 cm, là loài di cư trú đông ven biển, tương đối phổ biến tại Đông Bắc, Trung Bộ, định cư hiếm tại Nam Bộ. Loài này sống ở các vùng đất ngập nước trong đất liền và ven biển, rừng ngập mặn.

Diệc lửa (Ardea purpurea) dài 78-90 cm, là loài định cư không phổ biến tại Nam Bộ, trú đông không phổ biến đến tương đối phổ biến trong cả nước, trừ Tây Bắc. Chúng sống ở các vùng đất ngập nước, đầm lầy, hồ, sông lớn, rừng ngập mặn.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG

Tags: , ,