Chùm ảnh: Đây là tổ tiên cực ngầu của mọi con mèo nhà

Vào thời cổ đại, diện mạo của mèo nhà không có nhiều khác biệt với mèo rừng châu Phi. Theo hoạt động di cư và sự phát triển của tuyến đường thương mại cổ xưa, những con mèo này được đưa đến khắp các vùng đất.

Sinh sống ở khu vực Trung Đông và châu Phi, mèo rừng châu Phi (Felis lybica) là một loài mèo hoang dã được coi là tổ tiên của các giống mèo nhà ngày nay. Ảnh: Wikipedia.

Theo các nhà nghiên cứu, một số cá thể mèo rừng châu Phi đã được thuần hóa vào khoảng 10.000 trước ở vùng Trung Đông. Hài cốt của những con mèo nhà đầu tiên được tìm thấy trong các ngôi mộ cổ có niên đại 9.500 năm ở đảo Síp. Ảnh: Destination Uganda Travelers.

Vào thời cổ đại, diện mạo của mèo nhà không có nhiều khác biệt với mèo rừng châu Phi. Theo hoạt động di cư và sự phát triển của tuyến đường thương mại cổ xưa, những con mèo này được đưa đến khắp các vùng đất, theo thời gian phân hóa thành nhiều giống mèo khác nhau. Ảnh: Wiktionary.

Ngày nay, mèo rừng châu Phi có thể được tìm thấy ở nhiều loại môi trường sống khác nhau trong khu vực phân bố của chúng, như thảo nguyên, xavan, vùng cây bụi rậm, thậm chí là vùng ngoại ô của các đô thị. Ảnh: iNaturalist.

Chúng có kích cỡ tương đương mèo nhà, với chiều dài đầu và thân từ 45–75 cm, chiều dài đuôi chừng 20–38 cm và cân nặng dao động trong khoảng 3-6,5 kg. Ảnh: Wikipedia.

Mèo rừng châu Phi có bộ lông màu nâu hoặc vàng xám với những vằn đen rõ nét trên chân và đuôi, thân có sọc nhạt, có khi đứt quãng như đốm. Trông chúng khá giống mới mèo mướp nhà. Ảnh: Dr. BioBlogo.

Vào ban ngày, mèo rừng châu Phi thường ẩn nấp và nghỉ ngơi trong các bụi rậm. Chúng chủ yếu hoạt động vào lúc hoàng hôn và đêm tối. Ảnh: Africa Geographic.

Thức ăn chủ yếu của mèo rừng châu Phi là chuột và các loài thú nhỏ khác. Các loài chim, bò sát, lưỡng cư và côn trùng cũng có thể là nạn nhân của chúng. Ảnh: Ann van Dyk Cheetah Centre.

Mèo rừng tiếp cận con mồi một cách từ tốn, và tấn công ngay khi con mồi nằm trong tầm bắt của nó. Dù không còn sống trong môi trường hoang dã, những con mèo nhà vẫn duy trì tập tính săn mồi này của tổ tiên. Ảnh: Africa Geographic.

Thời gian mang thai của mèo rừng cái kéo dài từ 56 đến 60 ngày. Chúng chủ yếu sinh từ một đến ba chú mèo con vào mùa mưa và ấp áp. Đôi khi mèo mẹ sinh tới năm chú mèo con. Ảnh: iNaturalist.

Mèo con mở mắt sau khoảng 10–14 ngày và có thể di chuyển khi được một tháng tuổi. Khi được khoảng ba tháng tuổi, chúng bắt đầu học các kỹ thuật săn mồi từ mẹ. Chúng tự lập khi được khoảng sáu tháng tuổi. Ảnh: Africa Geographic.

Có ba phân loài mèo rừng châu Phi là mèo rừng châu Phi chính thức (Felis lybica lybica) – phân bố phía Bắc châu Phi, mèo rừng Nam Phi (Felis lybica cafra) – phân bố ở phía Nam và Mèo rừng châu Á (Felis lybica ornata) – phân bố ở Trung Đông. Ảnh: Nick Dean / Flickr.

Trong tự nhiên, mèo rừng châu Phi có phạm phân vi phân bố rộng và số lượng còn nhiều. Trong Sách Đỏ IUCN, chúng được xếp vào diện Ít quan tâm. Ảnh: Christian Jakimowitsch.

Mối đe dọa nghiêm trọng với loài mèo hoang dã này là hiện tượng ô nhiễm di truyền khi lai tạp với mèo nhà, dẫn đến suy thoái nguồn gen nguyên bản. Ảnh: Reddid.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG

Tags: , ,