Chùm ảnh: Dấu tích trận tử chiến trên đồi A1 Điện Biên Phủ

Đồi A1 là nơi diễn ra trận đánh ác liệt nhất trong toàn chiến dịch Điện Biên Phủ, với số binh sĩ thương vong của cả hai bên là cao nhất.

Trong chiến cuộc Điện Biên Phủ năm 1954, đồi A1 (Pháp gọi là Eliane 2) là cứ điểm quan trọng bậc nhất trong tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ. Ảnh: Một góc đồi A1 với đường giao thông hào và bãi rào kẽm gai bảo vệ vòng ngoài.

 Do địa thế thuận tiện cho việc tổ chức các tuyến phòng ngự cùng vị trí chiến lược đặc biệt, quân Pháp đã xây dựng đồi A1 trở hành ổ đề kháng mạnh nhất Điện Biên Phủ. Ảnh: Một lô cốt của Pháp trên đồi A1.

 Toàn bộ quả đồi được bao bọc bởi một hệ thống hầm ngầm bí mật vô cùng kiên cố, bố trí hỏa lực mạnh với các ổ súng máy, lỗ châu mai sao cho một lính phòng ngự có thể cùng lúc chống lại nhiều lính tấn công. Ảnh: Trong một đường hào của quân Pháp.

 Trận đồi A1 là trận đánh mở màn ngày 31/3/1954, là một trong những trận đánh quan trọng nhất trong giai đoạn 2 và 3 của chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Mộc góc của khu vực đỉnh đồi A1.

 Mục tiêu của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong trận này là xóa sổ trung tâm đề kháng Eliane 2 trong dãy cứ điểm phía Đông Điện Biên Phủ, tạo nên bước ngoặt quyết định thắng lợi của cuộc chiến. Ảnh: Hệ thống lô cốt, hầm hào trên đỉnh đồi.

 Hiểu được tầm quan trọng của trận đánh, trong suốt thời gian giao tranh, quân Pháp liên tục tăng viện những lực lượng mạnh nhất và hỗ trợ tối đa hỏa lực để bảo vệ cứ điểm này đến cùng. Ảnh: Khu hầm chỉ huy cứ điểm của quân Pháp.

 Do vậy, quân đội Việt Nam đã phát động 4 đợt tiến công liên tục, chịu tổn thất lớn nhưng chỉ chiếm được một nửa đồi. Ảnh: Lô cốt đại liên bảo vệ ban chỉ huy cứ điểm của quân Pháp.

 Phải tới ngày 6/5, nhờ khối bộc phá 1 tấn được đào bí mật để phá sập hệ thống hầm ngầm, quân ta mới vô hiệu hóa được các ổ đề kháng trên đỉnh đồi. Sáng ngày 7/5/1954, lực lượng Việt Minh làm chủ hoàn toàn đồi A1. Ảnh: Hố bộc phá trên đồi A1.

 Đây là trận chiến đấu gay go quyết liệt nhất trong toàn chiến dịch Điện Biên Phủ, với số binh sĩ thương vong của cả hai bên là cao nhất.

 Trong toàn bộ trận chiến đấu ở đồi A1, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu 828 lính Pháp (bị chết 376, bị thương và bị bắt 452). Ảnh: Xe tăng Bazeille của Pháp bị quân ta tiêu diệt sáng 1/4/1954 trên đồi A1.

 Tổng số thương vong của quân ta trong 36 ngày đêm là 2.516 người (hy sinh 1.004 chiến sĩ, bị thương 1.512). Ảnh: Mộ của 4 chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam hi sinh rạng sáng 1/4/1954 trên đồi A1.

 Với việc mất đồi A1, trung tâm đề kháng Eliane phía Đông tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của Pháp đã hoàn toàn sụp đổ. Việt Minh gần như đã nắm chắc phần thắng vì chỉ còn cách Sở chỉ huy cứ điểm vài trăm mét.

 Ngay sau khi chiếm đối A1, quân ta đã dễ dàng thọc sâu tiêu diệt sở chỉ huy Pháp. Toàn bộ quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ đầu hàng, điều mà họ không thể nghĩ đến vào thời điểm 2 tháng trước đó.

Theo KIẾN THỨC

Tags: , , , ,