Chùm ảnh: Dấu tích trận tử chiến Bắc Bộ phủ ngày 20/12/1946

Hàng trăm vết đạn vẫn hằn in rõ ràng trên thép đặc như thể trận đánh vừa diễn ra cách đây chưa lâu. Điều này gây ám ảnh về sự tàn khốc của cuộc tử chiến ở Bắc Bộ phủ ngày đầu Toàn quốc kháng chiến.

Tòa nhà Bắc Bộ phủ (nay là Nhà khách Chính phủ, số 12 Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm) là một chứng nhân đặc biệt của cuộc Toàn quốc kháng chiến mùa đông năm 1946 ở Hà Nội. Vào ngày 20/12/1946, tại nơi đây đã diễn ra một trận chiến dữ dội giữa quân Pháp và lực lượng Vệ quốc đoàn.

Ngày nay, trên hàng rào sắt của Bắc Bộ phủ vẫn còn lưu lại rất nhiều vết đạn từ trận chiến hơn 7 thập niên trước, như minh chứng cho một thời kỳ máu lửa đầy bi tráng của thủ đô Hà Nội.

Những vết đạn này có thể nhìn thấy dễ dàng khi đứng ở vỉa hè phía trước Bắc Bộ phủ.

Đây là đạn của quân Pháp. Khi đó chúng dùng súng máy “vãi” vào Bắc Bộ phủ, nơi một đại đội Vệ quốc đoàn đang trấn giữ.

Các vết đạn tập trung nhiều nhất ở khu vực cổng vào.

Có viên găm thẳng…

…Tạo nên hố sâu hoắm.

Viên thì bắn sượt…

…Gây ra “vết thương” trên thép, trông như cái miệng há hoác.

Có những viên đạn xuyên thủng cả thanh rào đúc bằng thép, để lại lỗ thủng trông như một con mắt vô hồn, chết chóc.

Nhiều vết đạn trên một đoạn ngắn của các thanh hàng rào.

Các vết đạn vẫn còn rất rõ ràng, như thể cuộc chiến vừa diễn ra cách đây chưa lâu.

Điều này gây ám ảnh về sự tàn khốc của chiến tranh.

Ngày ngày, rất nhiều người qua lại khu vực Bắc Bộ phủ, nhưng không mấy ai để ý đến những dấu tích lịch sử này.

Ngược dòng thời gian, thực hiện Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, tối 19/12/1946, quân và dân Hà Nội nổ súng tiến công quân địch, mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược.

Tại Bắc Bộ phủ, lực lượng Vệ quốc đoàn khẩn trương chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Tại đây, ta đã xây dựng trận địa, hầm hào, đục tường thông các nhà để tiện cơ động. Ngoài vũ khí cá nhân, ta có và ba khẩu trung liên,bom ba càng và các loại vũ khí tự chế như chai cháy, mìn, bom…

Đêm ngày 19, rạng sáng ngày 20, một cánh quân Pháp từ trong thành, phối hợp với lực lượng đã ém sẵn ở Khách sạn Metropole đồng loạt tiến công vào Bắc Bộ phủ. Đợt tiến công thứ nhất, thực dân Pháp huy động khoảng một đại đội bộ binh, có xe tăng yểm trợ tiến công chính diện Bắc Bộ phủ.

Về phía ta từ các trận địa, vị trí ụ súng bảo vệ vòng ngoài, hỏa điểm trên tầng gác cao đã đánh trả quyết liệt, diệt hàng chục tên, địch buộc phải tháo chạy vào khách sạn.

Đợt thứ hai, địch sử dụng hai xe tăng hạ nòng pháo yểm trợ cho bộ binh xung phong. Đại đội trưởng Mộng Hùng chỉ huy tổ bom ba càng chiến đấu dũng cảm, hai chiến sĩ dùng bom ba càng diệt hai xe tăng địch và anh dũng hy sinh, bộ binh địch hoảng loạn tháo chạy.

Khoảng 8 giờ sáng ngày 20/12/1946, quân Pháp tiếp tục tiến công Bắc Bộ phủ. Chúng sử dụng khoảng một đại đội kết hợp với xe tăng từ khu Nhà băng Đông Dương (nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) tiến công vào tòa nhà.

Quân ta kháng cự mãnh liệt và gây cho địch nhiều thiệt hại. Nhưng với sự chênh lệch quá lớn về hỏa lực, khoảng hơn một giờ sau, xe tăng địch húc đổ hàng rào sắt trước Bắc Bộ phủ, bộ binh địch tràn vào.

Trước tình thế bất lợi đó, quân ta rút về Liên khu 1, củng cố lực lượng tiếp tục kháng chiến. Sau một đêm, một ngày chiến đấu dũng cảm và kiên cường, 45 cán bộ chiến sĩ Đại đội 1 anh dũng hy sinh.

Quân Pháp tuy chiếm được Bắc Bộ phủ nhưng bị tổn thất lớn, gần 150 tên lính lê dương thiện chiến bị tiêu diệt, 4 xe tăng và xe bọc thép bị phá hủy.

Trận Bắc Bộ phủ đã trở thành một trận đánh tiêu biểu của tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của quân và dân Hà Nội trong những ngày đầu kháng chiến.

Một số hình ảnh khác về những vết đạn trên hàng rào Bắc Bộ phủ.

Theo KIẾN THỨC

Tags: , ,