Chùm ảnh: Đau thương, tang tóc bao trùm khắp Dải Gaza

Từ khu dân cư đến trụ sở cơ quan báo chí, đâu cũng có thể trở thành mục tiêu tấn công của quân đội Israel. Các cuộc tấn công khiến người dân Palestine chìm trong tang tóc.

Người dân Palestine tham dự tang lễ của 2 phụ nữ và 8 trẻ em thiệt mạng sau vụ không kích của Israel ở thành phố Gaza, ngày 15/5. Các cuộc tấn công của Israel trong tuần qua đã khiến ít nhất 145 người Palestine thiệt mạng, gồm 41 trẻ em và 23 phụ nữ.

Một người Palestine xem xét hiện trường vụ tấn công. Theo chồng của một nạn nhân, cả 10 người là thành viên trong một gia đình đang tụ tập nhân ngày lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo. Con trai 5 tháng tuổi của anh là người duy nhất sống sót.

Bé Omar, 5 tháng tuổi, là người duy nhất sống sót trong gia đình anh Abu Hatab sau khi mẹ và 4 anh trai thiệt mạng vì đòn không kích của Israel. Hình ảnh em bé sống sót kỳ diệu được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, đông đảo người dùng bày tỏ nỗi đau lòng và sự phẫn nộ với mức độ tàn nhẫn của cuộc không kích. Ảnh: Twitter/Ibrahim Khadra.

Đống đổ nát bên trong hiện trường. Theo các nhân chứng, đồ chơi trẻ em và các đĩa thức ăn còn dang dở vung vãi tại hiện trường. “Không có cảnh báo nào trước đó”, một người hàng xóm cho biết.

Tòa nhà nơi các hãng thông tấn quốc tế Associated Press (AP)Al Jazeera đóng trụ sở cũng bị Israel không kích ngày 15/5. Israel gọi điện cho chủ nhà để cảnh báo về vụ không kích trước khi vụ tấn công xảy ra một giờ.

“Thế giới sẽ biết ít hơn về tình hình ở Gaza sau vụ việc”, Gary Pruitt, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của AP, nói. “Chúng tôi cảm thấy sốc và kinh hoàng khi quân đội Israel tấn công trụ sở của AP và các cơ quan thông tấn khác ở Gaza”.

Một nhân viên cảnh sát Palestine đứng trên đống đổ nát. Chỉ vài giờ trước, đây còn là tòa nhà chứa trụ sở của hãng thông tấn AP Al Jazeera. AP đã đóng trụ sở ở đây 15 năm. Qua 3 cuộc chiến, tòa nhà chưa bao giờ bị tấn công trực tiếp.

Hình ảnh tòa nhà (giữa) ngay trước khi đổ sập. Quyền Tổng giám đốc hãng tin Al Jazeera Mostefa Souag gọi đây là “tội ác chiến tranh” của Israel nhằm “bịt miệng báo chí để che giấu cuộc tàn sát và những đau khổ của người dân Gaza.

Khói bụi bốc lên khi tòa nhà đổ sập. Từ khi xung đột nổ ra, Israel đã tấn công nhiều tòa nhà cao tầng ở Gaza với cái cớ rằng ở đây có các khí tài quân sự của lực lượng Hamas.

Một người phụ nữ bế một đứa trẻ sơ tán khỏi tòa nhà trước vụ không kích của Israel. Vụ việc không gây thương vong do mọi người trong tòa nhà đều đã kịp sơ tán. Tuy vậy, hệ thống camera của AP trên mái nhà, dùng để ghi lại các hình ảnh trực tiếp về tình hình dải Gaza, đã bị phá hủy.

Người dân Palestine tụ tập xung quanh một ôtô bị phá hủy bởi cuộc không kích của Israel.

Một khẩu pháo của Israel đang nã đạn pháo vào dải Gaza. Bên cạnh không quân và tên lửa, Israel cũng đã sử dụng pháo binh để tấn công khu vực này.

Người Palestine than khóc trong tang lễ của chàng trai 20 tuổi Husam Asayra, bị quân đội Israel bắn chết ở Bờ Tây. Người Palestine đã biểu tình trên khắp Bờ Tây, đặc biệt là khu vực gần các khu định cư Do Thái trong những tuần qua.

Thi thể của Asarya được người đưa tang khiêng đi.

Thi thể của một người Palestine bị Israel bắn chết. Từ khi bạo lực xảy ra, quân đội Israel đã giết ít nhất 11 người Palestine ở Bờ Tây.

Hai người Liban vẫy cờ Palestine và cờ Hezbollah (tổ chức bán quân sự ở Liban, đối thủ của Israel) về phía các khu định cư Israel bên kia biên giới. Một số người Liban và Palestine đã tìm cách xâm nhập Israel qua biên giới sau khi bạo lực nổ ra ở Gaza.

Người biểu tình giơ biểu ngữ ủng hộ Palestine tại thành phố Frankfurt, Đức, ngày 15/5. Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra ở khắp các châu lục nhằm lên án chiến dịch quân sự của Israel và ủng hộ Palestine.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN / AP

Tags: , , ,