Chùm ảnh: Dấu ấn trận tử chiến ở chợ Đồng Xuân ngày 14/2/1947

Chiến tích oanh liệt của các chiến sĩ Tiểu đoàn 101, Trung đoàn Thủ đô trong trận đánh ở chợ Đồng Xuân ngày 14/2/1947 đã đi vào lịch sử như biểu tượng cho tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.Chùm ảnh: Dấu ấn trận tử chiến ở chợ Đồng Xuân ngày 14/2/1947

Nằm bên cổng chợ Đồng Xuân, khu chợ lâu đời nhất Hà Nội, bức phù điêu “Hà Nội mùa đông năm 1946” là chứng tích về 60 ngày đêm chiến đấu oanh liệt của quân và dân Hà Nội trong cuộc Toàn quốc kháng chiến.

Ngược dòng lịch sử, từ sau Tết Đinh Hợi năm 1947, cuộc chiến đấu ở Liên khu I (khu vực phố cổ Hà Nội và phụ cận) đi vào giai đoạn gay go quyết liệt nhất. Quân Pháp được tiếp viện thêm lực lượng, vũ khí đạn dược và phương tiện chiến tranh khép chặt vòng vây quyết tiêu diệt toàn bộ Trung đoàn Thủ đô.

Chùm ảnh: Dấu ấn trận tử chiến ở chợ Đồng Xuân ngày 14/2/1947

Ngày 6 -7/2/1947, quân Pháp tiến quân đánh các vị trí chốt giữ bảo vệ cửa ngõ liên lạc tiếp tế giữa Liên khu I với bên ngoài. Tại khu phố cổ, cuộc chiến giằng co giữa Tiểu đoàn 101 với địch kéo dài tới ngày 8 – 9/2/1947. Địch bị tiêu diệt gần 100 tên và ta vẫn giữ được trận địa.

Ngay trong đêm 14/2/1947, Tiểu đoàn 101 được bổ sung thêm 20 chiến sĩ. 22 giờ, cuộc phản kích bắt đầu. Hai trung đội đầy đủ vũ khí và nhiều chai xăng, lựu đạn buộc quanh mình, lợi dụng đêm tối tiến vào nhà địch trú quân. Bị tấn công bất ngờ, lại không có xe tăng yểm trợ nên địch đã phải rút chạy.

Sau đó, quân Pháp chuyển hướng tiến công và lần này chuẩn bị đầy đủ hơn để đánh vào khu chợ Đồng Xuân với ý đồ sau khi chiếm được khu chợ có thể chọc thẳng vào trung tâm Liên khu I từ Hàng Đường chọc xuống Hàng Ngang – Hàng Đào ra tới bờ hồ Hoàn Kiếm, cắt Liên khu I thành hai mảnh.

Lúc này, Tiểu đoàn 101 quyết tâm bảo vệ khu vực chợ Đồng Xuân bằng mọi giá, dù sau 57 ngày đêm chốt giữ quân ta chỉ còn hơn 100 người, vũ khí chủ yếu là mìn, lựu đạn, dao, mã tấu và một số súng bộ binh… còn lực lượng địch hùng hậu hơn nhiều.

5 giờ sáng ngày 14/2/1947, quân Pháp tập trung hỏa lực từ máy bay, đại bác dồn dập đánh phá khu vực chợ Đồng Xuân và vùng lân cận. Một Tiểu đoàn lính Lê Dương mũ đỏ gồm 400 tên có 5 xe tăng dẫn đầu từ cầu Long Biên, phố Cửa Bắc và Cửa Đông tấn công vào chợ.

Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng quyết liệt. Quân Pháp dùng đại bác, đại liên, trung liên, súng cối bắn dọn đường, sau đó đưa xe tăng và bộ binh tràn vào nhằm cắt đứt liên lạc giữa các vị trí của ta với các chốt phòng thủ, rồi thọc sâu vào Sở Chỉ huy Trung đoàn và tiến tới làm chủ Hà Nội.

Cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra vô cùng ác liệt và kéo dài trong nhiều giờ đồng hồ. Trước tinh thần chiến đấu oanh liệt của chiến sĩ Tiểu đoàn 101, ba xe bọc thép bị phá hủy, gần 200 tên địch bị tiêu diệt và bị thương. Sau ba đợt tấn công, đến tối địch mới chiếm được mặt Nam tuyến phố Hàng Chiếu – Hàng Mã.

Với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, toàn bộ lực lượng của Tiểu đoàn 101 đánh trả rất quyết liệt, đẩy lui nhiều đợt tiến công tiếp theo của địch. Khi xe tăng Pháp tiến được vào chợ, cảm tử quân từ các quầy hàng chờ cho xe tăng đi qua, sau đó xung phong đánh giáp lá cà với bộ binh địch.

Đến gần 1 giờ sáng, quân Pháp phải rút khỏi phố Hàng Chiếu, Hàng Gạo, chợ Đồng Xuân. Toàn trận địa trở lại nguyên vị trí ban đầu. Phía Bắc Liên khu 1 được bảo đảm an toàn, là cơ sở để Trung đoàn Thủ đô rút quân khỏi Hà Nội và hành quân lên Việt Bắc, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ.

Chiến tích oanh liệt của các chiến sĩ Tiểu đoàn 101, Trung đoàn Thủ đô trong trận đánh ở chợ Đồng Xuân ngày 14/2/1947 đã đi vào lịch sử như biểu tượng cho tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, đồng thời để lại nhiều bài học kinh nghiệm về tác chiến phòng ngự trong thành phố của quân đội ta sau này.

Theo KIẾN THỨC

Tags: , , , , ,