⠀
Chùm ảnh: Đã mắt với sắc màu các loài chim hút mật Việt Nam
Trong thế giới các loài chim, họ Hút mật (Nectarriniidae) nổi tiếng với các loài chim có sắc màu rực rỡ vô cùng bắt mắt. Cùng khám phá điều này qua các loài chim hút mật Việt Nam.
Chim hút mật bụng hung (Chalcoparia singalensis) dài khoảng 11 cm, là loài chim định cư, sinh sống tại nhiều vùng miền Việt Nam, dễ bắt gặp tại các vườn quốc gia Cát Tiên, Bù Gia Mập. Sinh cảnh của loài này là rừng lá rộng thường xanh, rừng rụng lá, rừng thứ sinh, rừng ngập mặn, thi thoảng là rừng trồng. Ảnh: eBird.
Chim hút mật họng nâu (Anthreptes malacensis) dài khoảng 14 cm, là loài định cư phổ biến lại Nam Trung Bộ và Nam Bộ, thường gặp ở vườn quốc gia Cát Tiên, Bù Gia Mập, Phú Quốc. Chúng sống ở bìa rừng, rừng thứ sinh, rừng ngập mặn, cây bụi ven biển, rừng trồng và vườn ở vùng đất thấp. Ảnh: eBird.
Chim hút mật họng hồng (Leptocoma brasiliana) dài khoảng 10 cm, là loài định cư tương đối phổ biến tại Nam Trung Bộ và Nam Bộ (vườn quốc gia Cát Tiên, khu BTTN Vĩnh Cửu). Sinh cảnh của chúng là rừng lá rộng thường xanh nơi trống trải, rừng đầm lầy, bìa rừng, rừng thứ sinh, cây bụi ven biển, , rừng ngập mặn, rừng trồng. Ảnh: eBird.
Chim hút mật lưng đen (Leptocoma calcostetha) dài khoảng 14 cm, là loài định cư tương đối phổ biến ở Nam Bộ. Loài chim này sống ở rừng ngập mặn, cây bụi ven biển, rừng thứ sinh, rừng trồng gần biển. Ảnh: eBird.
Chim hút mật họng đen (Cinnyris asiaticus) dài khoảng 11 cm, là loài định cư tương đối phổ biến ở Trung, Nam Trung Bộ và Tây Bắc của Nam Bộ. Chúng sống trong rừng cây gỗ lớn rụng lá, cây bụi ven biển, vườn trồng, đất nông nghiệp. Ảnh: eBird.
Chim hút mật họng tím (Cinnyris jugularis) dài từ 11-13 cm, là loài định cư tương đối phổ biến trên cả nước (vườn quốc gia Tam Đảo, Ba Vì, Cúc Phương, Bạch Mã, Cát Tiên). Sinh cảnh của chúng là rừng lá cây gỗ lớn, rừng đầm lầy, rừng ngập mặn, cây bụi ven biển, vườn trồng, đất cánh tác. Ảnh: eBird.
Chim hút mật họng vàng (Aethopyga gouldiae) dài 11-16,5 cm, là loài định cư tương đối phổ biến tại Tây Bắc, Đông Bắc và Nam Trung Bộ (vườn quốc gia Hoàng Liên, Bạch Mã, Chư Yang Sin, Bidoup Núi Bà). Chúng sống trong rừng lá rộng thường xanh, bìa rừng, rừng thứ sinh ở độ cao 1.000-2.600 mét. Ảnh: eBird.
Chim hút mật Nê Pan (Aethopyga nipalensis) dài 11-33,5 cm, là loài định cư tương đối phổ biến tại Tây Bắc và Trung Bộ (vườn quốc gia Hoàng Liên, Chư Yang Sin, Bidoup Núi Bà). Sinh cảnh cúa chúng là rừng lá rộng thường xanh, rừng thứ sinh, bìa rừng ở độ cao 1.140 – 2.750 mét. Ảnh: eBird.
Chim hút mật đuôi nhọn (Aethopyga christinae) dài 10-12 cm, là loài định cư tương đối phổ biến trong cả nước (vườn quốc gia Hoàng Liên, Tam Đảo, Ba Vì, Bạch Mã, Chư Yang Sin). Chúng sống ở rừng lá rộng thường xanh, bán thường xanh, bìa rừng, rừng thứ sinh. Ảnh: eBird.
Chim hút mật ngực đỏ (Aethopyga saturata) dài 11-15 cm, là loài định cư ít phổ biến, ghi nhận tại Tây Bắc, Đông Bắc và Trung Bộ (vườn quốc gia Tam Đảo, Cúc Phương, Bạch Mã, Chư Yang Sin, Bidoup Núi Bà). Chúng sống ở rừng thường xanh, bìa rừng có độ cao từ 200 – 1.700 mét. Ảnh: eBird.
Chim hút mật đỏ (Aethopyga siparaja) dài 11-13,5 cm, là loài định cư tương đối phổ biến trong cả nước (vườn quốc gia Tam Đảo, Ba Vì, Cúc Phương, Bạch Mã, Cát Tiên). Sinh cảnh của chúng là rừng lá rộng thường xanh, rừng rụng lá, bìa rừng, rừng thứ sinh, vườn trồng. Ảnh: eBird.
Chim hút mật bụng vạch (Kurochkinegramma hypogrammicum) dài 14-15 cm, là loài định cư được ghi nhận trong cả nước, phổ biến hơn ở Nam Bộ. Chúng sống ở rừng lá rộng thường xanh. Ảnh: eBird.
Theo KIẾN THỨC
Tags: Động vật, Màu sắc, Chim, Thiên nhiên