Chùm ảnh: Cuộc sống nguyên sơ của tộc người Nenets vùng Siberia

Tại vùng bán đảo Yamal, vùng Siberia, thuộc Bắc Cực, lãnh thổ nước Nga, sự phát triển của ngành công nghiệp khai thác khí đốt đang gây ra những tác động xấu đến người Nenets, một trong những bộ tộc sống cuộc sống du mục chăn nuôi tuần lộc hiếm hoi còn sót lại trên trái đất.

Mỗi năm người Nenets cùng với đàn tuần lộc vượt qua quãng đường hơn 1.000km để duy trì sự sống. Thế nhưng, cuộc sống tưởng chừng bình yên của họ đang phải đối mặt với những mối nguy lớn từ các ngành công nghiệp hiện đại. Bộ ảnh sau đây sẽ cho các bạn thấy cuộc sống của người Nenets ở Siberia và các mối đe doạ đời sống của họ.

Người du mục Nenets di cư theo mùa cùng với đàn tuần lộc của họ, đi dọc theo các con đường du mục đã có từ rất xa xưa. Vào mùa Đông, khi nhiệt độ có thể xuống đến âm 50 độ C, gần như tất cả người Nenets thả đàn tuần lộc ở các khu đầm lầy và đồng cỏ địa y ở khu rừng phía Nam, hay rừng taiga. Vào những tháng mùa Hè, khi những tia nắng mặt trời biến đêm thành ngày, họ rời bỏ những khu rừng thông và liễu trơ trụi lá và tiến về phía Bắc. Trước lúc đó, họ đã đi qua dòng nước đóng băng của sông Ob và đến các lãnh nguyên không có cây cối trên bờ biển Kara; quãng đường mà họ đi qua có thể lên đến 1.000km.

Bán đảo Yamal là một dải đất than bùn trải rộng từ bắc Siberia đến biển Kara, lên đến Bắc Cực. Phía Đông nằm trên vùng nước nông của vịnh Ob; phía tây là vịnh Baydaratskaya, nơi bị đóng băng hầu như trong cả năm. Yamal theo ngôn ngữ của người Nenets có nghĩa là “Tận cùng của thế giới”. Đây là một nơi hẻo lánh, vùng đất đóng băng vĩnh cửu với gió lạnh thổi mạnh, các con sông ngoằn nghèo, và các cây bụi thấp bé, và nó là nơi mà người Nenets chăn thả tuần lộc trong hàng ngàn năm qua. Hiện tại, cuộc sống du mục của người Nenets đang phải đối mặt với những mối đe doạ do biến đổi khí hậu, khiến cho sự thay đổi trên các lãnh nguyên trở nên không đoán trước được, và do những khám phá khu bán đảo này có trữ lượng khí đốt lớn nhất hành tinh.

Con đường du cư của người Nenets ngày nay bị ảnh hưởng bởi những cơ sở hạ tầng phục vụ việc khai thác khí đốt. Lũ tuần lộc gặp khó khăn trên đường đi và người Nenets cho biết môi trường ô nhiễm ảnh hưởng đến chất lượng đồng cỏ.

Dưới thời Stalin, cộng đồng người Nenets được chia thành những nhóm nhỏ và sống trong các nông trại tập thể và các ngôi làng được gọi là “kolkhozy”. Mỗi nhóm nộp thịt tuần lộc như là một loại thuế. Trẻ em tách khỏi gia đình và được gửi đến các ngôi trường công lập.

Các túp lều của người Nenets có hình nón, được gọi là “choom” hay “mya”, lợp bằng da tuần lộc và treo lên một chiếc cột lớn.

Với người Nenets “tuần lộc là nhà của họ, là thức ăn, là sự ấm áp và là phương tiện di chuyển”. Dây thòng lọng bắt thú được làm bằng gân tuần lộc, dụng cụ và xe trượt tuyết làm bằng xương.

Mỗi người Nenets có một con tuần lộc linh thiêng, nó sẽ không bị mổ thịt cho đến khi không thể đi được nữa.

Thịt tuần lộc là một món ăn quan trọng trong chế độ ăn uống của người Nenets. Thịt có thể được ăn sống, ướp lạnh hoặc luộc chín, uống cùng với máu tươi của một con tuần lộc mới mổ, rất giàu vitamin. Họ cũng ăn cá chẳng hạn cá hồi trắng, cá muksun, và có thêm trái nam việt quất trên núi để ăn vào mùa Hè.

Sau khi khối CNXH tan rã, thanh niên trẻ tuổi người Nenets bắt đầu rời bỏ làng mạc để ra thành phố, xu hướng này vẫn còn tiếp tục đến ngày nay. Trong môi trường đô thị, hầu hết các thanh niên Nenets khó đáp ứng với cuộc sống khác xa với nhịp sống ở các lãnh nguyên, và từ đó chìm trong rượu chè, thất nghiệp và các bệnh về tinh thần.

Dưới bầu trời xám xịt, một gia đình người Nenets chuẩn bị đồ để chuyển đi nơi khác.

Bắc Cực đang thay đổi rất nhanh. Nhiệt độ trái đất tăng lên và các vùng đóng băng vĩnh cửu tan chảy, giải phóng khí CO2 và mê-tan, những loại khí gây hiệu ứng nhà kính, vào bầu khí quyển. Băng tan sớm vào mùa Xuân và chưa đóng lại cho tới cuối Thu khiến cho những người Nenets buộc phải thay đổi mô hình chăn nuôi du mục đã tồn tại hàng thế kỷ, vì lũ tuần lộc cũng khó di chuyển hơn trên những lãnh nguyên không có tuyết. Nhiệt độ tăng của ảnh hưởng đến các loại cây cỏ sống trên lãnh nguyên, nguồn thức ăn duy nhất cho tuần lộc.

Sự tan chảy của tầng đất đóng băng vĩnh cửu khiến cho một số hồ nước ngọt ở đây trở nên khô cạn, làm giảm nguồn cung cấp cá cho người Nenets. Băng tan ở khu vực quanh bán đảo Yamal lại mở ra một tuyến giao thông đường biển mới. Biển Bắc Cực là một cổng thương mại tiềm năng giữa châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ.

Từ những năm 1990, tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga đã bắt đầu một dự án dài hạn khai thác khí đốt ở khu vực bán đảo Yamal. Đến tháng 05/2012, mẻ khí đốt đầu tiên từ khu vực Bovanenkovo rộng lớn sẽ được sản xuất. Hàng năm, có hàng tỉ mét khối khí đốt sẽ được chuyển đến các nước Tây Âu. Ông Sergei Hudi, một người Nenets nói rằng: “Những gì xảy ra ở mảnh đất này là hết sức quan trọng với chúng tôi. Chúng tôi e rằng với những công trình khai thác mới, chúng tôi sẽ không thể chăn nuôi du mục nữa. Và một khi không thể sống du cư, người Nenets chúng tôi có thể dần biến mất cùng với nhau”.

Ngày nay, các đường ống dẫn khí, các tháp khoan, và những con đường nhựa đang làm biến đổi vùng lãnh nguyên.

Một vài năm trước, một người du mục Nenets đã phát hiện một cái xác của con voi Ma-mút 6 tháng tuổi, bị chôn vùi trong tầng đất đóng băng vĩnh cửu ở bán đảo Yamal. Nó được cho ra đã chết cách đây 42.000 năm.

Người Nenets đã sinh sống và phát triển trên hệ sinh thái mong manh của vùng lãnh nguyên hàng trăm năm qua. Giờ đây, cuộc sống của họ đang bị đe doạ bởi những mối nguy đến từ các ngành công nghiệp khai thác hiện đại.

Để tồn tại, người Nenets cần được gỡ bỏ các rào cản ngăn họ đến với các đồng cỏ và một môi trường không bị ảnh hưởng bởi chất thải công nghiệp. Đối với người Nenets, lãnh nguyên là nhà, và tuần lộc chính là cuộc sống của họ.

Theo TINHTE.VN / THE ATLANTIC

Tags: , , ,