⠀
Chùm ảnh: Chuông La Chữ – hiện vật lịch sử đặc biệt của triều Tây Sơn
Không chỉ là quả chuông duy nhất của triều Tây Sơn còn được lưu giữ, chuông La Chữ còn mang những giá trị nghệ thuật đặc sắc, được thể hiện qua các hoa văn, hoạ tiết trang trí…
Chùa làng La Chữ (xã Hương Chữ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế) là nơi đang lưu giữ một quả chuông độc nhất vô nhị, có thể coi là một báu vật hiếm hoi còn sót lại của triều đại Tây Sơn.
Đó là quả chuông cổ bằng đồng được đúc vào năm Quang Trung thứ 4 (1791), do tướng Võ Văn Dũng – một vị võ tướng chủ chốt của triều Tây Sơn và vợ là bà Lê Thị Vy cùng nhạc phụ Lê Công Học là người trong làng đứng ra cúng dường.
Chuông đúc bằng đồng, cao 1,26 mét, chu vi giữa thân chuông là 1,7 4 mét, chu vi miệng chuông là 1,80 mét. Đường kính miệng đo phủ bì được 0,7 mét.
Không chỉ là quả chuông duy nhất của triều Tây Sơn còn được lưu giữ, chuông La Chữ còn độc đáo hiếm có bởi các hoa văn, hoạ tiết trang trí không hề mang nặng dấu ấn của văn hóa Phật giáo như các quả chuông đương thời mà thiên về văn hóa dân gian.
Vành trên đỉnh chuông được trang trí bằng bộ “tứ thời” (Xuân, Hạ, Thu, Đông) với các hình tượng gương lược (mùa xuân), ngọn lá và thanh gươm (mùa hạ), hai bầu rượu (mùa thu), chiếc quạt lá vả và cuốn sách (mùa đông).
Ở giữa chuông có hình 8 vị võ tướng tay cầm khí giới đứng thành 4 cặp bên mỗi nụ chuông, được tạo hình rất sinh động.
Gần miệng chuông là những hoạ tiết thể hiện bộ tứ linh Long, Lân, Quy, Phượng, nằm ở 4 phía khác nhau.
Chuông có các đường hoa văn tinh tế chạy vòng theo miệng chuông, nổi với 4 nụ chuông và đỉnh chuông. Miệng chuông loe ra, được trình bày nhiều đường gân chạy vòng quanh để nâng lưng phần miệng chuông cao dần lên và rộng dần ra rất mỹ thuật.
Các mặt chuông đều có khắc chữ, ghi lại ngày đúc chuông và công đức của người cúng dường.
Một điểm đặc biệt khác của chuông đồng La Chữ là tuy nhỏ nhưng khi đánh lên chuông lại có tiếng ngân vang xa kỳ lạ. Tương truyền, các bô lão trong làng sợ tiếng chuông vang đến tai vua triều Nguyễn và bị tịch thu bèn cho “thiến” chuông bằng cách khoan trên đỉnh nhiều lỗ rồi trám chì vào nhằm giảm bớt tiếng vang.
Trên thân chuông còn nhiều lỗ thủng và vết xước do đạn bắn trong trận chiến chống quân Pháp xảy ra ở làng La Chữ vào năm 1950. Dù vậy, mỗi khi đánh, tiếng chuông vẫn ngân vang trong trẻo.
Sau hàng trăm năm, quả chuông kỳ lạ của làng La Chữ vẫn được người dân gìn giữ hết sức cẩn thận như một chứng nhân lịch sử, đồng thời là một “bảo bối” hộ mệnh cho ngôi làng.
Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG
Tags: Huế, Chuông, Nhà Tây Sơn, Hiện vật lịch sử