⠀
Chùm ảnh: Chứng tích cuộc khởi nghĩa của người Việt 1.400 năm trước
Không chỉ là một trong những tấm bia đá cổ nhất Việt Nam, bia “Đại Tùy Cửu Chân” còn là chứng tích về một cuộc khởi nghĩa hào hùng của người Việt mà ngày nay ít ai biết đến.
Là hiện vật của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, tấm bia “Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng chi bi văn” được dựng năm 618, là một trong những tấm bia đá cổ nhất từng được phát hiện tại nước ta.
Bia được Giáo sư sử học Đào Duy Anh phát hiện năm 1960 trong đền thờ Lê Ngọc tại địa phận làng Trường Xuân, xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa ngày nay.
Hiện vật có chiều cao 153 cm, rộng 77 cm, dày 10,5 cm, chia làm 3 phần: trán bia, thân bia và chân bia. Trán bia có các chữ “Đại Tùy Cửu Chân bộ Bửu An đạo trường chi bi văn”.
Mặt bia nhiều chỗ đã bị bào mòn, nhiều chữ bị mờ không nhìn thấy rõ nét. Qua những gì còn đọc được, tấm bia ghi lại thân thế và sự nghiệp của hào trưởng Lê Cốc (Lê Ngọc) cùng sự kiện ông và các con khởi nghĩa chống lại nhà Đường năm 618.
Khi mới được phát hiện, bia “Đại Tùy Cửu Chân” đã làm chấn động giới sử học Việt Nam vì đây là bia đá cổ nhất được biết đến vào thời điểm đó. Tấm bia giữ ngôi vị này cho đến năm 2013, khi một bia cổ hơn được tìm thấy ở Bắc Ninh.
Ngược dòng lịch sử, Lê Cốc (535 – 618) là hào trưởng sống vào giữa thời kỳ phong kiến Bắc thuộc, xuất thân từ một gia đình quý tộc có nhiều đời được phong hầu. Thời thuộc Tùy, ông là Thái thú quận Cửu Chân (vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay).
Cuối đời Tùy, hào kiệt các nơi nổi lên cát cứ, Lê Cốc cũng cát cứ ở quận Cửu Chân. Khi nhà Đường thay thế nhà Tùy, Lê Cốc không thần phục mà nhân thời cơ cùng các con khởi nghĩa. Dân chúng khắp nơi đã theo ông để chống lại ách áp bức nặng nề của người phương Bắc…
Bị quân đội nhà Tùy trấn áp mạnh tay, Lê Cốc cùng 4 người con và các nghĩa sĩ đã chiến đấu kiên cường và hi sinh oanh liệt.
Sau khi mất, Lê Cốc và vợ con của ông được nhân dân nhiều nơi trong vùng Đông Sơn, Nông Cống lập đền thờ, tôn làm thành hoàng làng. Dưới thời vua Lê Hiển Tông, ông được triều đình ban hai đạo sắc phong thần, được coi là người “Hộ quốc tý dân” (giúp nước, che chở cho dân).
Trong thời gian khởi nghĩa, Lê Cốc đã dựng một bia đá tại làng Trường Xuân, chính là tấm bia “Đại Tùy Cửu Chân”. Có thể nói, đây là chứng tích về một cuộc khởi nghĩa hào hùng của người Việt mà ngày nay ít người biết đến.
Theo KIẾN THỨC
Tags: Hiện vật lịch sử, Thời Bắc thuộc, Bảo tàng, Bia đá