Chùm ảnh: Cận cảnh các loài sao biển kỳ lạ nhất quả đất

Thuộc ngành Da gai (Echinodermata), các loài sao biển rất phong phú về hình dạng, kích thước và màu sắc, là những họa tiết điểm tô cho bức tranh muôn màu của cuộc sống bí ấn dưới đáy biển.

Sao biển hoa hướng dương (Pycnopodia helianthoides) dài 80-100 cm, sống giữa đám tảo biển ngoài khơi ở vùng biển ven bờ Đông Bắc Thái Bình Dương. Loài sao biển nhiều tay này là một trong những loài sao biển lớn nhất thế giới. Chúng ăn động vật thân mềm và các loài da gai nhỏ hơn.

Sao biển kép (Iconaster longimanus) dài 10-12 cm, phân bố ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Nhiều loài dai gai phát triển từ các ấu trùng phù du. Nhưng loài sao biển này không có giai đoạn ấu trùng. Chúng đẻ những quả trứng lớn có noãn hoàng.

Sao biển mụn cơm (Echinaster callosus) dài 20-25 cm, được ghi nhận ở Tây Thái Bình Dương. Thuộc một họ gồm các loài sao biển có cơ thể cứng và tay hình nón, chúng khá khác thường vì có các nốt sần màu trắng và hồng.

Sao biển bảy cánh (Luidia ciliaris) dài 50-60 cm, phân bố ở Đại Tây Dương. Khác với phần lớn các loài sao biển khác, loài này có bảy tay. Chúng có chân ống dài và di chuyển nhanh khi đuổi bắt các động vật da gai khác.

Sao biển khảm (Plectaster decanus) dài 20-24 cm, sống ở các bờ biển đá Tây Nam Thái Bình Dương. Tương tự một số thành viên cùng họ khác, chúng có đặc điểm nổi bật là màu sắc và hoa văn đa dạng.

Sao biển mũ gai (Acanthaster planci) dài 50-60 cm, phân bố ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Loài này chuyên săn các polip san hô và là mối đe dọa đối với hệ sinh thái rạn san hô. Chúng có 10-20 tay đầy gai nhọn, có độc tố nhẹ, có thể làm con người bị thương.

Sao biển xanh (Linckia laevigata) dài 20-30 cm, được ghi nhận ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Loài sao biển tay rắn này có bề mặt nhẵn, không gai, thường có màu xanh lam, nhưng số ít có màu tía hay cam. Chúng thường sống liên kết với tôm ăn mãnh vụn phân hủy.

Sao biển vòng cổ (Fromia monilis) dài 10-12 cm, phân bố từ Tây Thái Bình Dương đến Biển Đỏ. Tương tự nhiều thành viên trong họ, loài sao biển tay rắn này có màu sắc rực rỡ để cảnh bảo động vật săn mồi rằng chúng là loài có độc.

Sao biển chân ngỗng (Anseropoda placenta) dài 15-20 cm, phân bố ở Đông Dại Tây Dương. Loài sao biển mỏng dẹt có các tay không phân cách rõ ràng này săn giáp xác cư ngụ ở đáy biển.

Sao biển gối (Culcita novaeguineae) dài 20-25 cm, phân bố ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Loài sao biển ăn san hô này thuộc một họ sao biển có tay ngắn khi lớn lên. Đến khi trưởng thành, cơ thể chúng có hình tấm đệp to bè.

Sao biển núm đỏ (Protoreaster lincki) dài 25-30 cm, sống ở Ấn Độ Dương. Thuộc một họ sao biển đệm, loài này ăn tảo khi còn non và chuyển sang săn các động vật không xương sống khác khi trưởng thành.

Sao biển hạt (Choriaster granulatus) dài 20-27 cm, phân bố ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Loài sao biển đệm lớn này sống trên các triền dốc nhiều sỏi và các rạn san hô. Chúng ăn tảo và các mảnh vụn hữu cơ ở vùng biển nông.

Đuôi rắn mảnh dẻ (Ophiothrix fragilis) dài 12-15, phân bố ở Đông Bắc Đại Tây Dương. Loài sao biển đuôi rắn này thường sống trong các quần thể đông đúc. Chúng có tay gai dựng lên để bắt các mảnh thức ăn nhỏ.

Đuôi rắn đầu Gorgon (Gorgonocephalus caputmedusae) dài 20-25 cm, phổ biến ở các vùng bờ biển châu Âu. Loài này có những cánh tay phân nhánh như những con rắn cuộn tròn. Các cá thể lớn thường xuất hiện ở nơi dòng biển chảy mạnh, dồi dào thức ăn.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG

Tags: , ,