Chùm ảnh: Các loài chim bồ câu hoang dã đẹp nhất quả đất

Bồ câu vương miện Victoria, bồ câu mào cỏ chông, bồ câu gà lôi… là những loài chim bồ câu khiến con người mê mẩn vì ngoại hình quyến rũ của mình.

Chùm ảnh: Các loài chim bồ câu hoang dã đẹp nhất quả đất

Bồ câu vương miện Victoria (Goura victoria) dài 75-75 cm, thuộc nhóm có kích cỡ lớn nhất trong họ Bồ câu, đồng thời cũng là loài bồ câu có ngoại hình ấn tượng nhất, với cái mào xòe ra như vương miện trên đầu. Chúng phân bố ở Bắc đảo New Guinea. Ảnh: eBird.

Bồ câu cánh nâu đồng (Phaps chalcoptera) dài 33-36 cm, có các mảng lông mang màu sắc óng ánh trên đôi cánh. Chúng phân bố rộng ở Australia. Ảnh: eBird.

Bồ câu mào cỏ chông (Geophaps plumifera) dài 20-22 cm, có cái mào trên đầu dựng đứng và dải da màu đó ở mắt đặc trưng, sống ở các sinh cảnh đá khô cằn nhiều bụi cỏ chông ở Australia. Ảnh: eBird.

Bồ câu mào tháp (Ocyphaps lophotes) dài 31-35 cm, là họ hàng gần của Bồ câu mào cỏ chông. Chúng phân bố rộng ở các vùng đồng trống khắp lục địa Australia. Ảnh: eBird.

Bồ câu gà lôi (Otidiphaps nobilis) dài 45-50 cm, mang một số đặc điểm hình thái khiến người ta có thể nhầm chúng với gà lôi. Loài chim này sống trên mặt đất ở New Guinea. Ảnh: eBird.

Cu quả Wompoo (Ptilinopus magnificus) dài 29-55 cm, có màu sắc rực rỡ, sống dưới các tán rừng mưa ở New Guinea và Australia. Ảnh: eBird.

Bồ câu Nicobar (Caloenas nicobarica) dài 33-40 cm, có những chiếc lông dài rực rỡ bao phủ phần trên cánh. Chúng sống ở các vùng bờ biển và rừng trên đảo từ Malaysia đến New Guinea. Ảnh: eBird.

Bồ câu đốm cánh (Columba guinea) dài 33-38 cm, thường tụ tập quanh các thị trấn và làng mạc ở các vùng đất phia Nam sa mạc Sahara, châu Phi. Ảnh: eBird.

Bồ cầu hồng (Nesoenas mayeri) dài 32 cm, là loài đặc hữu ở Mauritius. Quần thể của chúng từng bị đe dọa tuyệt chủng, nay đã phục hồi nhờ chương trình nuôi nhốt. Ảnh: eBird.

Gầm ghì đá (Columba livia) dài 31-35 cm, chính là bồ câu nhà trong điều kiện sống hoang dã, chưa bị thuần hóa. Trong điều kiện tự nhiên, loài này sống ở các vùng núi châu Âu và châu Á. Khác với bồ câu nhà, gầm ghì đá không có sự đa dạng về màu lông. Ảnh: eBird.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG

Tags: , ,