⠀
Chùm ảnh: Các loài cá cảnh nước ngọt bản địa tuyệt đẹp của Việt Nam
Cá cảnh là một thú chơi thu hút hàng triệu người trên thế giới. Không phải ai cũng biết rằng rất nhiều loài cá cảnh nước ngọt được ưa chuộng toàn cầu là động vật bản địa của Việt Nam.
Cá bã trầu hay cá thanh ngọc chấm (Trichopsis vittata) dài 6-7 cm, được ghi nhận tại ở các ruộng ngập nước lưu vực sông Mekong, trong đó có Việt Nam. Loài cá này có màu sắc hấp dẫn, có tập tính chọi nhau (ở con đực) giống họ hàng gần cùa chúng là cá chọi.
Cá thiên đường hay cá cờ, cá săn sắt (Macropodus opercularis) dài 8-11 cm, sinh sống ở các ao hồ và ruộng lúa trên cả ba miền Việt Nam. Đây là loài cá cảnh thứ hai được nhập khẩu vào châu Âu (sau cá vàng). Chúng là món ăn tại một số địa phương của Việt Nam. Loài này cũng đánh nhau như cá chọi.
Cá bống mắt tre hay cá bống ong nghệ (Brachygobius doriae) dài 3-4 cm, được ghi nhận tại nhiều vùng nước ngọt và lợ ở miền Nam Việt Nam. Được ưa thích hì kích thước nhỏ và màu sắc độc đáo, chúng đã được khai thác trong tự nhiên để phục vụ xuất khẩu.
Cá cao xạ hay cá mang rỗ (Toxotes chatareus) dài 15-20 cm, được ghi nhận ở khu vực Cần Giờ, TP HCM. Loài cá này có tập tính săn mồi kỳ lạ, đó là dùng miệng bắn “đạn” bằng nước để làm những con côn trùng đậu trên cành cây sát mặt nước rơi xuống
Cá còm da báo hay cá thát lát Đông Dương (Chitala blanci) dài 8-12 cm, sinh sống tại lưu vực sông Mê Kông ở khu vực Nam Bộ. Loài này có ngoại hình rất dễ nhận biết, hoa văn trên cơ thể khá đa dạng.
Cá chạch sông (Mastacembelus armatus) dài 30-50 cm, sống ở các sông ngòi. Ở Việt Nam, loài cá này thường được biết đến như một loại thực phẩm bổ dưỡng chứ không phải là một loại cá cảnh. Chúng đã được khai thác để xuất khẩu.
Cá chạch lửa (Mastacembelus erythrotaenia) có thể dài tới 1,2 mét, sống ở tầng đáy trong các vùng nước ở Nam Bộ. Tương tự cá chạch sông, chạch lửa vừa là cá cảnh xuất khẩu, vừa là món nhậu.
Cá chạch rắn Culi (Pangio kuhlii) dài 7-10 cm, sống ở nền cát của các con sông chảy chậm và suối sạch ở Bình Phước, Tây Ninh. Loài cá này có màu sắc, hình dáng cơ thể và kiểu bơi uốn lượn khá giống rắn, đã được khai thác để xuất khẩu.
Cá chim dơi bạc (Monodactylus argenteus) dài 20-25 cm, được ghi nhận ở đồng bằng sông Cửu Long. Chúng có thể sống được trong bể thủy sinh nước ngọt, nước lợ hoặc nước mặn.
Cá đuôi kéo hay lòng tong đuôi đen (Rasbora trilineata) dài 10-15 cm, xuất hiện tại các ao hồ, đầm lầy và sông suối ở Nam Bộ. Đây là một loài cá cảnh được xuất khấu với số lượng lớn của Việt Nam.
Cá lòng tong đuôi đỏ (Rasbora borapetensis) dài 4-5 cm, sống theo đàn trong các vùng nước của đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là một trong những loài cá cảnh xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Cá hắc bạc hay cá bút chì (Crossocheilus siamensis) dài 12-16 cm, sống ở sông suối và rừng ngập nước ở đồng bằng sông Cửu Long. Chúng được xuất khấu để làm cá cảnh thu dọn rong tảo trong các bể thủy sinh.
Cá hải long hay cá ngựa nước ngọt (Doryichthys boaja) dài 20-30 cm, sống ở các sông suối miền Nam. Từ thập niên 1990, chúng đã được khai thác ở hạ lưu sông Sài Gòn, Đồng Nai để xuất khẩu, đã nghiên cứu thành công qui trình sản xuất giống nhân tạo.
Cá heo xanh (Yasuhikotakia modesta) dài 15-18 cm, phân bố ở lưu vực sông Mekong. Chúng được khai thác với số lượng hạn chế do tập tính sống chui rúc ở đáy, khó đánh bắt.
Cá kim sơn hay cá he đỏ (Barbonymus schwanenfeldii) dài 20-35 cm, có ở lưu vực sông Mekong. Chúng được đánh bắt để làm cá cảnh cũng như thực phẩm.
Cá mút rong, cá may hay cá nô lệ (Gyrinocheilus aymonieri) dài 20-25 cm, sinh sống ở sông Mekong. Vốn được đánh bắt làm thực phẩm, chúng được thuần dưỡng làm cá cảnh từ thập niên 1960.
Cá mao ếch hay cá sư tử (Allenbatrachus grunniens) dài 15-20 cm, xuất hiện nhiều ở vùng biển Cần Giờ và hạ lưu đồng bằng sông Cửu Long. Loài cá cảnh mang vẻ ngoài kỳ lạ này có thịt rất ngon.
Cá nóc da beo (Tetraodon fluviatilis) dài 12-17 cm, xuất hiện nhiều ở vùng cửa sông, rừng ngập mặn, các đầm tôm Nam Bộ. Chúng được xuất khẩu với số lượng hàng trăm nghìn con mỗi năm.
Cá nóc mắt đỏ (Carinotetraodon lorteti) dài 5-6 cm, sống ở những thủy vực có dòng chảy ở Nam Bộ. Tương tự cá nóc biến, loài cá này mang trong mình độc tố tetrodotoxin, đã gây ra một số vụ ngộ độc cho người ăn chúng.
Cá nóc số tám (Tetraodon biocellatus) dài 5-8 cm, được ghi nhận ở sông Mekong. Trữ lượng loài cá này trước đây khá nhiều, nay đã trở nên khan hiếm do bị khai thác quá mức để xuất khẩu.
Cá neon Việt Nam hay cá kim tơ (Tanichthys micagemmae) dài 2-3 cm, được phát hiện vào năm 2001 trong một nhánh của sông Bến Hải ở tỉnh Quảng Trị. 45.000 con được xuất khẩu lần đầu vào năm 2005, đã gây tiếng vang ở thị trường Âu – Mỹ và Nhật Bản.
Cá tỳ bà bướm đốm (Sewellia speciosa) dài 40-55 cm, sống ở các vùng đáy nước lưu vực sông Melong. Chúng được xuất khẩu từ năm 2006 và cũng gây được sự chú ý trên thị trường thế giới.
Cá tỳ bà bướm hổ (Sewellia lineolata) dài 5-8 cm, cư ngụ trên các tảng đá trong vùng nước chảy xiết của các con suối miền Trung. Chúng được tái phát hiện vào năm 1994 (từng được ghi nhận giữa thế kỷ 19 nhưng không được nhắc đến trong 150 năm sau đó), xuất khẩu từ năm 2004.
Cá thủy tinh hay cá trèn giấy (Kryptopterus bicirrhis) dài 10-15 cm, được ghi nhận ở lưu vực sông Mekong. Gây ấn tượng nhờ cơ thể trong suốt, loài cá cảnh này được khai thác khá nhiều trong tự nhiên.
Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG
Tags: Cá, Thiên nhiên, Sinh vật cảnh