⠀
Chùm ảnh: 21 món ăn đặc trưng ngày năm mới của các nước trên thế giới
Vào dịp năm mới, mỗi một quốc gia trên thế giới lại có món ăn đón Giao thừa hoàn toàn khác biệt. Ví dụ như: người Thổ Nhĩ Kỳ thưởng thức quả lựu, trong khi đó người Nhật lại ăn mì Soba.
Cùng điểm qua những món ăn đặc biệt mà người dân tại 21 quốc gia trên thế giới dùng để chào đón năm mới:
1. Hy Lạp: Bánh vasilopita
Đây là một loại bánh cà phê thường được làm với hạnh nhân, được nướng theo kiểu truyền thống bằng cách đặt một đồng xu nhỏ vào trong lòng bánh. Tương truyền rằng vào thời khắc ngay sau khi chuyển giao sang năm mới hoặc vào ngày đầu tiên của năm mới, khi các thành viên trong gia đình cùng nhau cắt bánh, nếu người nào tìm thấy đồng xu này trong phần bánh của mình thì người đó sẽ may mắn trong cả năm đó. Ảnh: A. Zhuravleva / Shutterstock.
2. Nhật Bản: Mì Soba
Mì soba được xem là món ăn chính thức trong đêm giao thừa tại xứ sở Phù Tang, món này có tên gọi đầy đủ là toshikoshi soba, nghĩa là năm cũ đã qua. Sợi mì được làm bằng bột kiều mạch, thân mì thuôn dài tượng trưng cho cuộc sống trường thọ. Chính vì điều đó, khi người Nhật dùng mì soba, họ không bao giờ cắt đứt sợi mì, mà ăn bằng cách húp sợi mì cho đến hết chiều dài thì mới thôi. Ảnh: Naotake Murayama / Flickr.
3. Mexico: Bánh Rosca de Reyes
Bánh Rosca de Reyes là món bánh truyền thống của Mexico, được nướng với dạng hình vòng như chiếc nhẫn, và phủ trên nó là các loại kẹo trái cây. Ngoài ra, người ta còn đặt trong nhân bánh một món trang sức nhỏ hoặc một đồng xu. Ý nghĩa của món trang sức giấu trong chiếc bánh chính là hình ảnh chúa Hài đồng Jesus được sự trợ giúp của Ba người thông thái, đã trốn thoát khỏi sự truy sát của vua Heroid. Vậy nên, bất cứ ai tìm thấy món đồ này trong phần bánh của mình, người ấy sẽ được may mắn trong năm đó. Ảnh: Ray Bouknight / Flickr.
4. Ireland: bánh mì phết bơ
Nhiều nhà sử gia nói rằng người Ireland thường bỏ những ổ bánh mì phết bơ trên bậc cửa ngoài nhà trong dịp năm mới, để trẻ em tại địa phương có thể đến và nhặt mang về. Người ta tin rằng miếng bánh mì để ngoài cửa tượng trưng cho một ngôi nhà không có sự nghèo đói, và chủ nhân của ngôi nhà sẽ có một năm mới no ấm sung túc đang chờ đón. Ảnh: Mike McCune / Flickr.
5. Nam Mỹ: Đậu mắt đen
Đậu mắt đen được ví như những đồng xu nhỏ, tượng trưng cho của cải sung túc đang chờ đón trong năm mới. Một giả thuyết khác cho rằng đậu mắt đen được ví như sự may mắn, bởi nó là cây trồng duy nhất mà những người lính Liên Bang Miền Bắc không thèm ăn trong cuộc nội chiến Mỹ, có nghĩa rằng cây đậu mắt đen là thứ đã nuôi sống những người lính thuộc phe Liên Minh Miền Nam. Ảnh: jeffreyw / Flickr.
6. Thụy Điển và Na Uy: Bánh pudding gạo
Thông thường, người Thụy Điển và người Na Uy thường hay đặt một hạt hạnh nhân trong bánh pudding gạo, nếu ai tìm được nó thì được cho là năm mới sẽ thịnh vượng. Ảnh: LearningLark / Flickr.
7. Argentina: Đậu
Người Argentina tin rằng ăn đậu vào những ngày đầu năm mới sẽ giúp họ có công việc ổn định hoặc tìm được một công việc khác tốt hơn. Ảnh: cookbookman17 / Flickr.
8. Hàn Quốc: Canh bánh gạo (tteokguk)
Loại canh năm mới này được nấu với bánh gạo, nước xương, thịt, hành hoa và một số loại rau khác. Trong ngày đầu năm, cả gia đình người Hàn Quốc sẽ cùng nhau quây quần và thưởng thức món canh này, họ tin rằng nó sẽ mang lại may mắn và sức khỏe dồi dào. Đối với người Hàn Quốc, dịp năm mới cũng quan trọng như ngày sinh nhật, thế nên người ta cũng tin rằng món canh này sẽ đem đến thêm một năm tuổi thọ cho bất cứ ai ăn nó. Ảnh: KPG Payless2 / Shutterstock.
9. Đức: Bánh Berliner
Món bánh donut biến thể phiên bản Đức này được biết với tên gọi là Berliner hoặc Krapfen. Người Đức thường ăn bánh này vào đêm Giao thừa, bánh được phủ bởi một lớp bột đường và có nhân mứt trái cây. Tuy nhiên trong ngày lễ này, nhiều người với khiếu hài hước của mình đã bày trò ‘chơi khăm’ bằng cách mời bạn mình những chiếc bánh bơm đầy nhân mù tạt. Ảnh: Quanthem / iStock.
10. Iran: Faloodeh
Món tráng miệng này được làm từ bún dai và si-rô ngọt, nước hoa hồng hoặc nước chanh, được dùng trong nhiều dịp lễ tại vùng đất cổ Ba Tư, trong đó có dịp lễ năm mới. Ảnh: ivanadb / iStock.
11. Cộng hòa Belarus: Bắp
Những phụ nữ chưa kết hôn tại Belarus sử dụng hạt bắp để xem ai sẽ là người đi lấy chồng trong năm tới. Mỗi người đặt một đống hạt bắp trước mặt mình và cùng nhau đợi cho người ta thả con gà trống ra. Nếu con gà trống đến và mổ đống bắp của ai trước thì người đó sẽ là người đầu tiên đi lấy chồng. Ảnh: Luz / Flickr.
12. Hà Lan: Bánh Oliebollen
Bánh Oliebollen dịch ra có nghĩa là ‘những quả bóng dầu mỡ’; các viên bánh được nhồi với nho khô, sau đó đem chiên rồi phủ một lớp bột đường. Theo truyền thuyết, những ai ăn bánh Oliebollen sẽ sống sót qua cơn thịnh nộ của nữ thần Perchta. Trong bóng tối của đêm Giao thừa, nữ thần này bay qua bầu trời, tay cầm thanh kiếm và mổ bụng những bộ lạc nổi loạn. Tuy nhiên, thanh kiếm của thần Percha sẽ trượt qua bụng của những người nào đã ăn no nê loại bánh béo mỡ này. Ảnh: Patsy73 / iStock.
13. Tây Ban Nha: 12 quả nho
Ngay thời điểm mà đồng hồ điểm giữa đêm Giao thừa, người Tây Ban Nha sẽ nhanh chóng ăn ngay 12 quả nho, tượng trưng cho 12 tháng trong một năm. Mỗi quả nho mọng ngọt đại diện cho một tháng tốt lành, nếu nho chua thì tức là tháng đó sẽ không tốt. Ảnh: Morgan Sherwood / Flickr.
14. Scotland: Rượu Whiskey
Rượu whiskey là thứ không thể thiếu được lễ hội Hogmanay đón năm mới tại đất nước Scốt-len, được tổ chức vào đêm 31/12. Vào ngày này, mọi người sẽ cùng nhau đổ xô ra đường và uống rượu đón năm mới. Đúng nửa đêm, “người khách đầu tiên” sẽ đến thăm nhà, đó là khi những người hàng xóm mang theo đồ ăn thức uống để tặng cho nhau. Ảnh: Flickr/Dominick.
15. Phần Lan: Cá trích muối
Cá vốn là món phổ biến tại nhiều quốc gia trong dịp Tết. Thế nhưng người Ba Lan sử dụng món cá trích muối này vào lễ đón năm mới với niềm tin rằng nó sẽ đem lại một năm an khang thịnh vượng. Cá trích muối được ngâm trong nước trong 24h đồng hồ, sau đó đặt vào trong lọ với hành, gia vị, đường và giấm trắng. Ảnh: etitarenko / iStock.
16. Trung Quốc: Bánh sủi cảo
Trong ngày Tết cổ truyền Trung Hoa, thường diễn ra vào cuối tháng Một dương lịch, bánh sủi cảo chính là biểu tượng của sự thịnh vượng và trường thọ. Bánh sủi cảo thường được nặn thành hình nửa vòng tròn nhỏ, trông tựa như thỏi tiền thời xưa tại Trung Quốc. Ảnh: Sarah Schmalbruch / INSIDER.
17. Italia: Đậu lăng
Kèm với cá, người Italia thưởng thức món đậu lăng vào dịp năm mới vì chúng trông giống như những đồng tiền nhỏ. Những hạt đậu tròn tròn được cho là biểu tượng của tương lai tốt đẹp và sự phát đạt trong năm tiếp theo. Ảnh: trexec / iStock.
18. Cuba và Áo: Heo sữa quay
Tại Áo và Cuba, quay heo sữa trên lửa được xem là một hoạt động truyền thống trong dịp Lễ đón năm mới. Tại cả hai đất nước này, và nhiều đất nước khác trên thế giới, người ta cho rằng heo con là biểu trưng cho thịnh vượng, may mắn và tương lai tốt đẹp.
19. Ấn độ: Cơm độn với đậu lăng
Tại Ấn Độ, người dân tổ chức lễ đón năm mới vào mùa xuân cùng với cơm và đậu lăng. Một lần nữa, đậu lăng trông giống như đồng xu và biểu trưng cho tương lai phát đạt. Ảnh: nata_vkusidey / iStock.
20. Thổ Nhĩ Kỳ: Quả lựu
Tại Việt Nam cũng như một số nước châu Á, quả lựu với nhiều hạt bên trong là biểu tượng của con đàn cháu đống. Người Thổ Nhĩ Kỳ cũng tin rằng: nếu trong ngày đầu năm mới mà ăn lựu, thì trong năm sắp tới sẽ có tin vui về sinh sản và giàu có sung túc. Ảnh: MAURO CATEB / Flickr.
21. El Salvador: Trứng
Vài phút trước khi đến thời khắc chuyển giao sang năm mới, người dân tại El Salvador sẽ nhanh chóng đập một quả trứng vào trong ly nước rồi để bên cửa sổ. Khi đồng hồ điểm đúng 12 giờ, mọi người sẽ nhìn xem lòng đỏ trứng của mình có hình dạng gì, thì năm mới cũng sẽ đến như vậy. Ảnh: Daniel Novta / Flickr.
Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN/ THIS IS INSIDER
Tags: Năm mới, Ẩm thực