Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trong lịch sử và bản sắc văn hóa Việt

Một đặc điểm nổi bật của lịch sử Việt Nam mà các nhà sử học dễ nhận thấy là, trong tiến trình lịch sử, kể từ khi hình thành nhà nước đầu tiên, dân tộc ta đã phải chống ngoại xâm rất nhiều lần.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trong lịch sử và bản sắc văn hóa Việt

Tác giả: GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam. Trích từ sách “50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ – Điện Biên Phủ: Hợp tuyển công trình khoa học”, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, 2005.

Không kể những cuộc chiến đấu mang tính huyền thoại thời Hùng Vương, từ cuộc kháng chiến chống Tần vào cuối thế kỷ 3 TCN cho đến kháng chiến chống Pháp kết thúc bằng trận Điện Biên Phủ thế kỷ 20, Việt Nam đã phải tiến hành 14 cuộc kháng chiến giữ nước. Trên đây là chưa tính đến những cuộc xung đột với các vương quốc láng giềng phía nam mà tính chất xâm lược và chống xâm lược cần phải xem xét cụ thể trong những trường hợp cụ thể. Trong số 14 cuộc kháng chiến trên, chỉ có ba lần thất bại, dẫn đến ba thời gian bị nước ngoài đô hộ là: thời kỳ đô hộ Trung Quốc (179 TCN – 905) kéo dài hơn nghìn năm; thời đô hộ Minh (1407-1427) kéo dài 20 năm; thời đô hộ Pháp (1884-1945) kéo dài hơn 60 năm.

Trong thời gian mất nước, nhân dân Việt Nam đã nhiều lần vùng lên khởi nghĩa giành lại độc lập dân tộc. Số lượng các cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng dân tộc không thể thống kê chính xác vì tư liệu về thời kỳ đô hộ Trung Quốc quá khiếm khuyết. Riêng trong 20 năm đô hộ Minh đầu thế kỷ 15, theo sử triều Minh, số lượng các cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ đã lên đến trên 60 cuộc.

Tính từ kháng chiến chống Tần cuối thế kỷ 3 TCN đến kháng chiến chống Pháp thế kỷ 20, trong hơn 22 thế kỷ, thời gian chống ngoại xâm và đô hộ nước ngoài đã lên đến trên 12 thế kỷ, chiếm quá nửa thời gian lịch sử. Thật hiếm thấy một dân tộc nào trong lịch sử tồn tại và phát triển của mình lại phải chống ngoại xâm nhiều đến như thế, tính số lần và thời gian chống ngoại xâm. Nhưng từ đó nghĩ rằng Việt Nam là chiến tranh, là nước hiếu chiến thì quá xa lạ với thực tế lịch sử và ước vọng của nhân dân Việt Nam. Đặc điểm này xuất phát từ vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam.

Việt Nam ở vào vị trí đầu mối giao thông tự nhiên nối liền với đại lục qua hệ thống sông Hồng, sông cửu Long và có bờ biển dài nhìn ra đại dương, giao tiếp với các nước hải đảo Đông Nam Á. Vì vậy, từ thời xa xưa cho đến thời hiện đại, bất cứ một thế lực chính trị-quân sự nào có ý đồ bành trướng xuống Đông Nam Á đều muốn tìm cách thôn tính Việt Nam để thiết lập một đầu cầu chiến lược cho kế hoạch bành trướng của mình. Chúng ta có thể thấy rõ tính toán đó trong ý đồ bành trướng xuống Đông Nam Á của đế chế Nguyên thế kỷ 13, đế chế Minh thế kỷ 15, thực dân Pháp thế kỷ 19, phát xít Nhật, đế quốc Mỹ thế kỷ 20. Hơn nữa, từ khi đế chế Tần thành lập, Việt Nam lại tồn tại bên cạnh một đế chế phong kiến Trung Quốc lớn mạnh từ Tần (221-206 TCN) đến Thanh (1644-1911) mà Việt Nam là một đối tượng cần chinh phục trên hướng bành trướng xuống Đông Nam Á.

Trong lịch sử chống ngoại xâm, chỉ có một ít trường hợp nước xâm lược là một quốc gia bình thường, đất đai, dân số, tiềm lực các mặt không hơn kém Việt Nam bao nhiêu như trường hợp nước Nam Việt thế kỷ 3, II TCN, nước Nam Hán thế kỷ 10, nước Xiêm thế kỷ 18. Ngoại trừ những trường hợp trên, Việt Nam phải đương đầu với nhiều đế chế lớn mạnh bậc nhất ở phương Đông thời cổ đại – trung đại như các đế chế Tần (221-206 TCN), Hán (206-220), Tùy (581-618), Đường (618-907), Tống (960-1279), Mông Cổ, Nguyên (1271-1368), Minh (1368-1644), Thanh (1644-1911) và những cường quốc đế quốc chủ nghĩa trên thế giới thời cận đại-hiện đại như đế quốc Pháp, phát-xít Nhật, đế quốc Mỹ. Những cường quốc này lại ở đỉnh cao của văn minh công nghiệp, hơn hẳn Việt Nam về trình độ kinh tế, khoa học, kỹ thuật.

Cuộc chiến đấu chống ngoại xâm của Việt Nam, vì thế, diễn ra hết sức ác liệt trong tương quan lực lượng rất chênh lệch, nhất là trong giai đoạn đầu của chiến tranh. Trong điều kiện như vậy, nếu chỉ dựa vào quân đội thường trực của nhà nước, dựa vào thành lũy và phòng tuyến quân sự thì không có khả năng chiến thắng quân xâm lược. Thất bại của An Dương Vương trong kháng chiến chống Nam Việt, của triều Hồ trong kháng chiến chống Minh và của triều Nguyễn trong kháng chiến chống Pháp đã chứng tỏ điều đó. Con đường duy nhất để giành chiến thắng của dân tộc Việt Nam là biết huy động sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân, sức mạnh trí tuệ và vật chất của cả dân tộc, kết hợp sức mạnh của chính quyền, quân đội thường trực với sức mạnh của cả nước đánh giặc, toàn dân đánh giặc. Những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, những cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc thắng lợi trong lịch sử Việt Nam đều là những cuộc chiến tranh yêu nước mang tính nhân dân sâu rộng.

Kháng chiến chống ngoại xâm là thách thức có ý nghĩa sống còn đối với vận mệnh của cả dân tộc. Lịch sử chống ngoại xâm, với những đặc điểm trên, đã tác động sâu sắc đến toàn bộ tiến trình lịch sử và đời sống văn hóa, xã hội của cộng đồng cư dân Việt Nam. Nhiều bản sắc và giá trị của văn hóa Việt Nam được tôi luyện và phát huy cao độ trong cuộc chiến đấu vì độc lập tự do của dân tộc, mà biểu thị tập trung nhất là tinh thần yêu nước, ý chí tự lập, tự cường, truyền thống đoàn kết dân tộc và tư tưởng, nghệ thuật quân sự sáng tạo của Việt Nam.

Việt Nam là một quốc gia nhiều tộc người, hiện nay có 54 dân tộc, trong đó dân tộc Kinh là dân tộc đa số chiếm 86,20% dân số, còn lại 53 dân tộc thiểu số chiếm 13,80% dân số (theo tổng điều tra dân số năm 1999). Văn hóa Việt Nam mang tính đa dạng trong cấu trúc tộc người và cả trong sự khác biệt của các vùng địa – văn hóa. Tuy nhiên, do yêu cầu liên kết cộng đồng trong khai hoang, xây dựng các công trình thủy lợi của nền nông nghiệp lúa nước và trong chống ngoại xâm, quá trình thống nhất quốc gia diễn ra khá sớm, tạo lập nên sự thống nhất trong tính đa dạng của nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Trước mối đe dọa của nạn ngoại xâm, dân tộc Việt Nam có truyền thống đoàn kết lại trong cuộc chiến đấu vì lợi ích chung và cao nhất là độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia.

“Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” – Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tất nhiên, truyền thống và sức mạnh đoàn kết dân tộc đó được phát huy đến đâu còn tùy thuộc vào khả năng tổ chức và lãnh đạo của nhà nước đương thời. Cũng là đất nước, con người và văn hóa Việt Nam, nhưng cuối thế kỷ 18, với sự cổ vũ của phong trào Tây Sơn và dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Huệ, dân tộc ta đã đánh bại quân xâm lược Xiêm ở phía nam, quân xâm lược Thanh ở phía bắc, nhưng đến nửa sau thế kỷ 19 lại thất bại trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược do triều Nguyễn lãnh đạo. Và hơn nửa thế kỷ sau, cũng đất nước, con người và văn hóa đó, lại vùng lên giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, rồi tiếp theo là thắng lợi của hai cuộc kháng chiến kéo dài 30 năm (1945-1975) giành lại độc lập và thống nhất Tổ quốc.

Nhưng nếu trước đây, thời ông cha ta đánh giặc, việc “đánh và đàm” chỉ diễn ra giữa hai nước đối địch, thì lần này nó đã có một sự khác biệt căn bản, đó là, trong bối cảnh thế giới sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, nhất là sau Chiến thắng Biên giới năm 1950, đã không còn chỉ giới hạn trong quan hệ giữa hai nước tham chiến Việt Nam và Pháp, mà còn nằm trong những mối quan hệ cực kỳ phức tạp giữa các nước Lớn trên trường quốc tế. Vì vậy, Hội nghị Geneve là một hội nghị quốc tế diễn ra trong điều kiện thế giới đã chuyển sang “thời kỳ chiến tranh lạnh” và kết quả được ghi nhận trong Hiệp định Geneve. Nó vừa phản ánh thắng lợi của Việt Nam trên chiến trường, vừa là sự thỏa hiệp của các nước tham dự hội nghị, trước hết là giữa các nước lớn, kể cả những nước đồng minh của Việt Nam.

Kháng chiến chống thực dân Pháp và trận Điện Biên Phủ là một bước kế thừa và phát triển tất cả những truyền thống chống ngoại xâm cùng với di sản tư tưởng và nghệ thuật quân sự cũng như bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Tất nhiên, trong bối cảnh mới của đất nước và của thế giới, cuộc kháng chiến chống ngoại xâm này mang những đặc điểm mới và biểu thị nhiều sáng tạo, nhiều biến đổi lớn về phương diện tổ chức và lãnh đạo chiến tranh cũng như về phương diện diễn tiến của chiến tranh. Thành công lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là nguyên nhân sâu xa của chiến thắng, là đã biết kế thừa và phát huy những di sản lịch sử – văn hóa của dân tộc kết hợp với những tư tưởng tiên tiến của thời đại, không những phát huy mọi tiềm lực trong nước mà còn tranh thủ được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân thế giới, kể cả nhân dân Pháp.

Theo NHÂN DÂN ONLINE

Tags: , ,