Bài học sáng tạo nghệ thuật từ ‘Dạ cổ hoài lang’

Nhạc sĩ Cao Văn Lầu để lại đời nhiều tác phẩm có giá trị, song nổi bật nhất vẫn là danh tác “Dạ cổ hoài lang”. Nghiên cứu giá trị tự thân cũng như quá trình sống của tác phẩm sân khấu kinh điển này sẽ giúp chúng ta rút ra được nhiều bài học có giá trị về sáng tạo nghệ thuật.

Dạ cổ hoài lang và bài học sáng tạo nghệ thuật

Tác giả: ThS Lê Quang Đức, Cơ quan đại diện Bộ VHTTDL tại TP.HCM.

Với sự tích hợp nghệ thuật kỳ diệu, với một cấu trúc nghệ thuật mở, danh tác này là kết quả của một quá trình học hỏi và sáng tạo liên tục học hỏi.

Ở đó, cảm hứng nghệ thuật của người nghệ sĩ đã hòa chung với cảm thức của thời đại nên tác phẩm đã trở thành tiếng lòng của nhân dân. Song, bài học lớn nhất của người nghệ sĩ Cao Văn Lầu khi sáng tác nhạc phẩm này là ông đã đạt tới một trạng thái “vô nhiễm” trước danh, quyền và lợi khi thực hiện sứ mệnh sáng tạo nghệ thuật của mình.

ABSTRACT

“NIGHT SONG OF THE MISSING HUSBAND” FOLK AND THE LESSON OF CREATIVE ART

Cao Van Lau – a musician composed many excellent masterpiece . But the most excellent is “ Night Song of the Missing Husband ‘’ masterpiece. The research on value in this folk as well as of classic folk will help us to create art. Integrated magic art with an open architecture results from innovative learning process. Thus, inspiration of the artist mixed a sense of time has become the heart of people. The biggest lesson of this masterpiece reached a state of ‘’ immaculate’’ before fame and wealth in his creative mission.

Nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1892 – 1976) để lại đời sau nhiều tác phẩm có giá trị như Thu phong, Minh loan thưởng nguyệt, Chiết hoa, Oanh vàng, Bái đường, Long châu, Ái cầm, Chim chiều, Giọt mưa đêm, Mai xuân, Tơ vàng, Hậu đình lê,… Song nổi bật nhất trong danh sách nhạc và làm nên sự nghiệp của Ông vẫn là “Dạ cổ hoài lang”. Đến nay, danh tác này đã trên chín mươi năm tuổi. Hơn chín mươi năm đã qua, nhưng ngày nay, trên các sàn diễn đờn ca tài tử, cải lương, vọng cổ,… tại khu vực Nam bộ, danh tác “Dạ cổ hoài lang” vẫn còn được sử dụng thường xuyên như một tác phẩm chủ chốt, một “bài ca vua” trong các buổi ca nhạc truyền thống ở loại hình này. Vinh dự này đã khẳng định “Dạ cổ hoài lang” là một tác phẩm sân khấu kinh điển, có giá trị vĩnh cửu. Điều này khiến những người làm công tác sân khấu nói riêng và những người làm nghệ thuật nói chung tự hỏi: điều gì đã làm nên sự bất tử ấy? Có lẽ giải thích tường tận lý do này chắc chắn chúng ta sẽ rút ra rất nhiều bài học về sáng tạo nghệ thuật.

Bài học 1: Tác phẩm là một sự tích hợp nghệ thuật kỳ diệu với một cấu trúc nghệ thuật mở

“Dạ cổ hoài lang” có nét nhạc dễ nghe, có cấu trúc thanh âm, điệu thức gần với những điệu dân ca Nam bộ như ru em, hò cấy lúa, lý con sáo, lại có cả cách tụng hơi “Ai” của sư sãi miền Nam và nói thơ Lục Vân Tiên… Theo nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc, danh tác này đã mang trong mình cả ba điệu thức đặc trưng của ba miền: giai điệu Hành vân, Xuân nữ trên nền điệu thức oán Phương Nam. Giai điệu phong phú nhờ có sự kết hợp hài hòa giữa dân ca và cổ nhạc, giữa ca và nói. Nhưng nó không hời hợt dễ dãi mà theo nguyên tắc lấy yếu tố dân tộc làm gốc rễ cho yếu tố hiện đại phát triển.

Ở “Dạ cổ hoài lang”, người ta dễ nhận thấy sự kết hợp hài hòa giữa chất tự sự và trữ tình. Hai mươi câu trong ca từ ngắn gọn nhưng đã kể lại câu chuyện tình “chia ly, lên đàng – nhớ thương và hi vọng”. Ở đó mỗi sự tình là mỗi phiến đoạn của tâm tư hợp thành một chuỗi trữ tình dài với những phức hợp của một thế giới nội tâm đa dạng.

GS-TS Trần Văn Khê từng nhận xét: “…Nhờ tánh chất động, chữ xang dằn và già hơn một chút, chữ cống lại non và thấp hơn một chút làm cho cái buồn thêm rũ rượi, cho hơi thêm bay bướm, cho câu ca thêm mượt mà” . Bởi vậy, chính từ trong ca từ, Dạ cổ hoài lang đã có một sự đa dạng về nhịp, bản chất “động”, với một cấu trúc mở, đã khiến từ nhịp 2, dần dần tiến tới nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16, rồi nhịp 32, nhịp 64… Có lẽ, trong lịch sử sáng tạo nghệ thuật, ít tác phẩm nghệ thuật nào như “Dạ cổ hoài lang” đã không chỉ sống dài lâu cùng thời gian mà lại còn có khả năng biến hóa, tạo sinh thêm nhiều tác phẩm cháu con khác nhau trong một mô thức chung nhưng lại được “hiện đại hóa” liên tục.

Bài học 2: Quá trình sáng tạo là một sự tích luỹ kinh nghiệm, liên tục học hỏi và sáng tạo

Trên con đường trở thành một nhạc sĩ chuyên nghiệp, Cao Văn Lầu đã trải qua nhiều đoạn đời cam khổ. Và chính những thăng trầm ấy, Ông đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm cũng như học hỏi các cung bậc, âm giai để sau này cộng hưởng trong sáng tác. Cha Ông là một nghệ nhân thổi kèn, đánh trống nhạc lễ, có lúc làm thầy tuồng cho gánh hát bội, vì thế người con Sáu Lầu ngày nào cũng đã thấm chất ca từ trang trọng của nhạc tuồng. Những lời ca từ như: phu tướng, kiếm sắc, tin nhạn, nghĩa tào khang, én nhạn hiệp đôi… mang hơi hướng bác học đã hòa với những lời dân dã: lên đàng, đừng lợt phai, trở lại gia đàng… tạo cho tác phẩm tinh thần “kinh điển” mà vẫn đậm chất đời sống dân dã. Vì thế, tác phẩm không chỉ được nhiều tầng lớp công chúng khác nhau đón nhận, giới học sĩ cũng yêu mến mà dân chúng cũng cảm thấy gần gũi… Nói theo ngôn ngữ ngày nay, tác phẩm đã có “thị trường” rất sâu rộng.

Chín tuổi vì đói nghèo, cha Ông, cụ Cao Văn Giỏi đã cho Ông vào chùa học kinh kệ, chữ nho và làm công quả. Sau thêm 4 năm nữa, chú tiểu của chùa Vĩnh Phước lại được học xong lớp nhì và được thầy cô cho là giỏi Việt văn và Pháp văn. 16 tuổi tiếp theo, Ông được thụ giáo nghệ thuật từ thầy Hai Khị, người được xem là Hậu tổ cổ nhạc. Ông học chuyên cần, chịu khó tập dượt rèn luyện, và nhờ tài danh, lại khiêm tốn nên Ông đã thu hút được những danh tài khác đến để lập thành một ban nhạc tài tử lớn của Bạc Liêu. Từ đó, tính chuyên nghiệp ngày càng rõ rệt hơn… Nhìn lại bước đường thành danh nhạc sĩ của Ông, chúng ta hiểu vì sao trong “Dạ cổ hoài lang” tích hợp được điệu dân ca Nam bộ, cách tụng hơi Ai của sư sãi và nói thơ Lục Vân Tiên… Từ nhạc tế lễ đến nhạc tài tử giải trí, từ ca ra bộ, sự đổi mới liên tục khiến ban nhạc tài tử của Ông nổi tiếng khắp lục tỉnh. Rõ ràng, vừa học tập nhiều nơi, nhiều người, tích lũy kinh nghiệm, vừa năng động cải biên, hướng đến người nghe, vì thế ban nhạc và những tác phẩm của Ông đã thu hút đông đảo công chúng quan tâm. “Dạ cổ hoài lang” là tác phẩm kết tinh nhất những phẩm chất nghệ thuật mà nhạc sĩ Cao Văn Lầu có được trên con đường sáng tạo của mình. Nếu không tích lũy kinh nghiệm, không học hỏi liên tục và thiếu tư duy sáng tạo, chắc chắn khó có thể sáng tác được danh tác “Dạ cổ hoài lang” như vậy và bản thân Ông cũng khó trở thành một nghệ sĩ tài danh.

Bài học 3: Cảm hứng nghệ thuật của người nghệ sĩ hòa chung với cảm thức của thời đại

Ở “Dạ cổ hoài lang”, tiếng lòng của niềm riêng cá nhân đã hòa vào nỗi buồn chung của thời đại vong quốc… Buồn nhưng không hề bi lụy, nét nhạc lạc quan trỗi lên cuối bài đã khiến bài ca vừa thấm tháp nỗi lòng của điệu buồn ai oán Phương Nam, nhưng cũng gợi mở một niềm tin về phận nước. Ở đấy, từng người nghe “Dạ cổ hoài lang” vừa cảm nhận được nỗi lòng của mình, vừa thấy được mơ ước, khao khát chính mình. “Dạ cổ hoài lang” nếu chỉ dừng lại cái riêng cô độc lạc lõng của cá thể Sáu Lầu nhớ vợ thì chắc chắn giỏi lắm chỉ được vài trăm người đồng cảm, và chỉ lay lắt sống sau vài năm sinh thành. Nhưng khi nghe lời nhạc mở đầu: “Từ là từ phu tướng – Báu kiếm sắc phán lên đàng” thì bài ca ấy đã âm vọng tiếng gọi lên đàng của thời đại, tiếng lòng chinh phu. Âm hưởng ai oán nhưng vẫn tràn chất bi tráng. Từ đấy, nỗi buồn xa cách và nhớ chồng riêng tư đã ký thác, gửi gắm tiếng lòng nhớ nước của bao nhiêu người giữa mờ mịt những năm đầu thế kỷ XX. Cùng thời đại của bài thơ “Gánh nước đêm” với hình ảnh người phụ nữ thăm thẳm giữa đêm đen vẫn ấp ủ tấm lòng vì nước của Á Nam Trần Tuấn Khải, “Dạ cổ hoài lang” đã tự mang trong mình tiếng nói của bao người muốn vạch một lối nhìn và hi vọng về một điều gì mới mẻ. “Dạ cổ hoài lang” là bài ca vừa mang niềm riêng của tác giả, vừa chất chứa tiếng lòng của thời đại. Vì thế, bao nhiêu thế hệ, bao tầng lớp khắp vùng Nam bộ, cả kẻ sĩ cùng dân quê đã gõ nhịp hát “Dạ cổ hoài lang” để tự nghe thấy tiếng nói thầm thĩ buồn vui và hi vọng của chính mình.

Bài học 4: Tấm lòng hết mình vì nghệ thuật

Song, bài học lớn nhất của người nghệ sĩ khi sáng tác danh tác này là đạt tới trạng thái “vô nhiễm” trước danh, quyền lợi khi thực hiện sứ mệnh sáng tạo nghệ thuật của mình. Sinh thời, khi sáng tác “Dạ cổ hoài lang”, nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã trải qua những nỗi niềm riêng – chung chất ngất để thăng hoa và sáng tác ra danh tác này. Ở đấy, trong người nghệ sĩ Sáu Lầu chỉ có duy nhất làm sao tiếng nói nội tâm thăng hoa, hiện xuất và đạt tới một ngôn ngữ biểu đạt tốt nhất, thể hiện đầy dủ và súc tích nhất tình cảm, ước mong trầm tích bên trong nội tâm của mình. Đấy là bài học vỡ lòng và yếu lược nhất của người nghệ sĩ khi sáng tạo nghệ thuật. Thế nhưng, ngày nay cũng ít người có thể có được.

Vì thế, chúng tôi nhận thấy, “Dạ cổ hoài lang” của Cao Văn Lầu không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật sử dụng để biểu diễn mà còn là một mẫu tác phẩm điển hình để nghiên cứu và rút ra những bài học hữu ích cơ bản cho sáng tạo nghệ thuật hôm nay.

———————————–

Tài liệu tham khảo:

– Từ Dạ cổ hoài lang, Nxb Mũi Cà Mau, 1992.
Toan Ánh, Tìm hiểu nghệ thuật cầm ca, Nxb Đồng Tháp, 1998.
Trần Phước Thuận, Bàn về thời điểm ra đời và nguồn gốc của bản Dạ cổ hoài lang, in trong Nam bộ – Đất và Người(Tập 2), Nxb Trẻ, 2004.
Huỳnh Văn Khải, Giá trị nghệ thuật của bản Dạ cổ hoài lang, Hội thảo khoa học về chủ đề Văn hoá phi vật thể người Việt miền Tây Nam bộ do Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM tổ chức, 2010.

Theo DULICHSAIGONACT.VN

Tags: ,